Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019

Vụ cháy Rạng Đông: CÓ THỂ TIN MÔI TRƯỜNG ĐÃ AN TOÀN?


Vụ cháy Rạng Đông: 
"Có thể tin môi trường đã an toàn?"

BBC
14-09-2019

Môi trường bên ngoài kho Rạng Đông đã an toàn, theo tuyên bố của người đứng đầu ngành quản lý môi trường và tài nguyên Việt Nam được truyền thông nhà nước dẫn lời hôm thứ Năm.

Tuy nhiên, người dân địa phương hiện 'rất lo sợ, lo ngại' và không biết là tin vào ai để nói rằng môi trường đã an toàn trở lại, một khách mời là cư dân địa phương kề cận địa điểm vụ cháy thuộc Công ty Rạng Đông nói với hội luận trực tuyến của BBC News Tiếng Việt hôm 12/9/2019.
Không nên lặp lại hành xử chính sách 'quá lố' từ phía quan chức chính quyền khi tuyên truyền cho người dân về mức độ an toàn sau sự cố môi trường như việc 'tắm biển và ăn mực' hồi xảy ra vụ ô nhiễm, xả thải Formosa làm cá chết hàng loạt, một giảng viên và nhà nghiên cứu ở đại học tại Hà Nội bình luận tại Bàn tròn thứ Năm.

Hiện nay, Việt Nam đã có luật về tiếp cận thông tin, người dân có quyền được biết những thông tin mà không thuộc diện bí mật nhà nước, còn nếu có ai làm trái, làm sai gây ảnh hưởng tới dân liên quan tới thông tin về vụ việc, thì chiểu theo pháp luật có thể xử lý, một nhà nghiên cứu về luật pháp và chính sách nêu quan điểm cũng tại diễn đàn này. 

'Thông tin rất mâu thuẫn'

Người dân không biết tin vào thông tin nào là đúng khi nói rằng môi trường đã an toàn, 
theo ông Nguyễn Tường Thụy 

Trước hết, ông Nguyễn Tường Thụy, nhà văn, nhà báo độc lập, cư dân địa phương đang cùng gia đình sơ tán, lánh nạn sau vụ cháy, nói với BBC:

"Vấn độ và tính chất còn nguy hiểm hơn vì đó là ô nhiễm môi trường sống, mà cụ thể là ở nguồn nước và ở bầu không khí, có nghĩa là nó sẽ tác động đến con người, cư dân xung quanh, một vùng dân cư mật độ dày đặc như vậy.

"Nó sẽ đi vào con đường khí quản, tức là hít thở, vừa là thực quản nếu như ăn phải thực phẩm, tôm cá mà nuôi, trồng ở vùng nước bị nhiễm thủy ngân. Cho nên ảnh hưởng của nó, thực ra người dân rất lo sợ và rất lo ngại, chưa biết như thế nào.

"Thông tin nó rất nhiều mâu thuẫn với nhau, bây giờ họ cứ bảo ăn vào là không an toàn, nói thực là chúng tôi không biết thông tin nào đúng hoặc không tin được thông tin nào cả. Nên bây giờ phải xem chừng và căn cứ vào đâu cũng phải chừng mực thôi.

"Chứ còn bắt đầu là giấu giếm, sau đấy thì mỗi một nguồn tin khác nhau, người thì bảo là an toàn, người thì bảo lên tới 27,2 kg, rồi thì mười lần, cho đến ba mươi lần mức độ cho phép về mức độ nhiễm độc."

"Họ đã đưa ra con số trắc nghiệm về hàm lượng thủy ngân là 10-30 kg, tự nhiên họ lặng lẽ rút, họ chẳng giải thích gì cả. Vậy thì căn cứ vào đâu để mà chúng ta tin tưởng là nó an toàn?

"Cũng là Bộ Tài nguyên & Môi trường hôm trước thì nói là như thế, hôm sau thì lặng lẽ rút con số này xuống, rút con số này đi mà không giải thích gì," ông Nguyễn Tường Thụy nói. 

'Đừng hành xử quá lố'
.
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng quan chức chính quyền không nên có những hành vi "quá lố" như "tắm biển và ăn mực" như trong vụ khủng hoảng Formosa trước đây, gây 'mất uy tín' và 'phản cảm'
 
Một khách mời Bàn tròn khác, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên thuộc một đại học ở Hà Nội, người mà gia đình cũng ở trong khu vực có thể bị ảnh hưởng từ sự cố, bình luận:
"Những phản ứng của những có trách nhiệm ở Việt Nam do có quá nhiều e sợ thường rất chậm và không minh bạch thông tin. Tuy nhiên, vào thời buổi bây giờ, thông tin trước sau cũng sẽ bị lộ. 

"Nó không còn là cái lúc mà chúng ta có thể "một bàn tay che cả bầu trời", muốn nói gì thì nói nữa, vì vậy cho nên tôi rất là mong chính quyền sớm có một lực lượng gọi là phản ứng nhanh, nên có một cơ quan quản lý về truyền thông.

"Để có thể kịp thời đưa ra những thông điệp vừa chính xác mà lại vừa có thể đảm bảo được là không gây hoảng loạn, và có những khuyến nghị với người dân để bảo vệ bản thân ngay, ví dụ như là phường Hạ Đình đã làm được, đó là điểm sáng duy nhất trong thảm họa lần này. 

"Và chính quyền không nên có những biện pháp quá lố, giống như đưa bản thân những quan chức vào đó tắm biển, hay là ăn mực như hồi ở Formosa, bởi vì nó cũng không gây được lòng tin với người dân, mà nó sẽ làm cho hiện đấy trở nên phản cảm. 

"Hãy có những sự đứng ra, ví dụ bây giờ mọi người vẫn thắc mắc là thấy Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố đứng ra nói một lời nào về chuyện này, hay là như vừa rồi mọi người nói là Bộ Y tế cũng không có một lời nào chính thức.

Tuyên bố được truyền thông Việt Nam trích dẫn từ lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan hậu vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, Hà Nội.  

"Thì các cơ quan chính thức nên lập tức và nhanh chóng có một lời nói hay khuyến nghị nào đó với người dân và những người lãnh đạo nên xuất đầu, lộ diện. Như vậy, đây là thời điểm để chúng ta (chính quyền) lấy được điểm trong mắt dân chúng và đồng thời là nó lấy được uy tín chính trị...," bà Hoàng Anh nói với Bàn tròn.

Trước đó, hôm 11/9, bình luận với BBC về việc có nên xử lý hay không các hành vi, nếu có, được cho là che dấu, hoặc ngăn cản tìm kiếm, công bố, sự thực, làm giảm nhẹ hoặc gây hiểu sai về tầm mức, mức độ thiệt hại do vụ cháy xảy ra, một nhà nghiên cứu về chính sách và pháp luật từ Hà Nội, PGS. TS. Phạm Đức Bảo, nêu quan điểm:
"Cứ đúng pháp luật mà xử lý, bởi vì trong pháp luật về mặt hình sự cũng như về mặt hành chính đều có những quy định cả. 

"Người nào mà vì chức trách của mình mà không công bố đúng sự thật những thông tin mà cần phải công bố, hoặc là che dấu những thông tin vì những lý do nào đó, nhưng mà ảnh hưởng đến người dân, gây thiệt hại người dân, thì đều phải bị xử lý. 

"Anh không thể nói sai sự thật, không được quyền che dấu sự thật. Bởi vì chúng ta (Việt Nam) bây giờ có Luật Tiếp cận thông tin rồi. Người dân có quyền tiếp cận thông tin gì và cơ quan nhà nước, các cơ quan chức năng phải công bố những thông tin gì, trừ những vấn đề thuộc bí mật nhà nước. 

"Còn những gì không thuộc bí mật nhà nước thì phải công khai cho dân biết," ông Phạm Đức Bảo nói với BBC.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn sau đây để theo dõi toàn văn Bàn tròn thứ Năm của BBC về vụ cháy ở nhà kho công ty Rạng Đông. 

3 nhận xét :

  1. Một đống hóa chất, khí độc hại, không xử lý gì, tự nhiên biến mất để môi trường an toàn, cứ như có phép lạ. Ai mà tin được mồm quan VN? Dân phải tự tìm hiểu và tự lo cho gia đình, bản thân thôi.

    Trả lờiXóa
  2. BT trần hồng hà: môi trường quanh Rạng đông an toàn, tôi cũng sống gần bán kính 500m và yên tâm"
    hỏi ông: gần 500m là bao nhiêu, 1 km, 2km hay 10km? Hiện nay chúng tôi biết cả nhà ông đang đi ở tại một ngôi nhà khác cũng của ông nhưng ở cách xa khu Rạng đông cả 10km?
    Ông đừng phát ngôn kiểu lừa trẻ ăn cứt gà sáp nhé!

    Trả lờiXóa
  3. Chernobyl nghe nói... 50.000 năm nữa mới được gọi là an toàn.

    Trả lờiXóa