Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

NHÂN KỶ NIỆM 112 NĂM NGÀY SINH LS NGUYỄN MẠNH TƯỜNG


Kỷ Niệm 112 năm ngày sinh cố GS Nguyễn Mạnh Tường
(16-9-1909 - 16-9-2021)

Dân chủ – Di sản văn hóa quý giá
của Nguyễn Mạnh Tường


Nguyễn Khắc Mai
16-9-2019

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 110 năm ngày sinh của GS Nguyễn Mạnh Tường, đúng vào thời điểm mà giá trị văn hóa ấy lại là thứ mà xã hội ta, Đất Nước ta, rất cần cho một vận hội mới, một công cuộc “Đổi mới tử tế” hơn, một chấn hưng đúng nghĩa.

Trước hết, cần làm rõ dấu ấn của nhân cách Nguyễn Mạnh Tường, trong những tư tưởng của mình. Điều ấy giúp chúng ta, mỗi khi đọc một dòng tư tưởng của ông, chúng ta sẽ mường tượng ra dấu vết nhân cách một con người cụ thể và sẽ không lẫn được với tư tưởng của một con người khác. Vậy, ông là ai? Tôi mượn lại đúng cái câu hỏi, ông đã đặt ra với An Dương Vương, trong bài viết của mình.

Ông là một mẫu hình tiêu biểu của một lớp người sinh ra, lớn lên trong cuộc giao thoa văn hóa Việt – Đông phương và Pháp – Tây phương ở nửa đầu thế kỷ XX. Ông là sản phẩm của một thời đại, một đi không trở lại của Việt Nam hiện đại. Nhưng trong cái mô hình chung ấy, ông là ai, ông có nét chủ đạo nào riêng tư làm nên nhân cách của mình?

Vào thời buổi ấy, Quân tử đang vẫn là cái phẩm chất, cái tinh thần còn được đề cao, trọng thị, trong những gia đình tinh hoa, gia giáo ở nước ta. Tôi quan sát thấy bàng bạc trong ông cho đến cuối đời cái nét quân tử ấy. Tôi rất ấn tượng khi báo Le Monde Pháp hỏi ông một câu rất cắc ké, “Ngài nghĩ như thế nào về hai người cộng sản là Ceausescu của Romania và Hồ chí Minh của Việt Nam. Thông thường, người ta có ta có thể nhân dịp như thế, trả thù cái người miệng thì nói là bạn, nhưng đã hãm hại mình không thương tiếc.

Cả sứ quán Việt Nam ở Paris lúc đó đứng tim chờ nghe ông Hồ bị chửi mắng. Nhưng không. Cụ Tường chỉ trả lời: Tục ngữ Việt có câu: “Vật năm bảy loài, người năm bảy đấng”, không thể so sánh Ceausescu và Hồ chí Minh được. Về phẩm hạnh quân tử thì Cụ có rất nhiều thí dụ trong đời thường, cả trong đời sống chính trị và nghề nghiệp. Chúng ta cần học hỏi, nghiên cứu. Thật ra khi nghiên cứu hai tư tưởng Dân chủ và Giáo dục của Cụ mà bỏ qua cái phẩm chất này sẽ không hiểu gì về tư tưởng quan trọng ấy của Cụ.

Có một nét thứ hai trong nhân cách của Cụ, đó là phẩm chất “triết gia”. Triết gia theo Cụ là một mẫu hình nhân cách xuất hiện theo sự đòi hỏi của giai cấp Tư sản châu Âu đang định hình và bước vào “Thời đại mới”. Những ông khổng lồ mới trong triết học, khoa học, văn chương, nghệ thuật xuất hiện. Chính họ đã chiếu rọi những luồng sáng rực rỡ làm nên “Thế Kỷ Ánh Sáng” – Thế kỷ XVIII.

Nói về nhu cầu của sự xuất hiện con người triết gia và phẩm chất triết gia, Nguyễn Mạnh Tường nêu rõ: “Giai cấp tư sản Pháp, trái lại đang đấu tranh, cần có quần chúng ủng hộ. Do đó, thành hình dần dần một hình tượng con người chiến sĩ tư sản, đấu tranh chống phong kiến: Triết gia”. Trong thế kỷ này có rất nhiều định nghĩa, nhận định về triết gia. Encyclopedie khẳng định: “Còn triết gia của ta, thì biết phân chia thời gian giữa cuộc đời ẩn dật và cuộc giao du với người. Triết gia đầy lòng nhân đạo, thiết tha danh dự và tính trung thực… Vì vô cùng yêu mến xã hội, triết gia cần làm mọi điều đúng như mọi người đợi chờ… luôn luôn tràn đầy ý nghĩ về lợi chung của xã hội…

Voltaire thì nói rõ: “Xu hướng một triết gia không phải là thương xót khổ nạn, mà là phục vụ người khổ nạn ấy… Triết gia chính tông khai vỡ đất hoang thành ruộng, làm số lưỡi cày tăng lên, do đó dân số tăng lên, tìm việc làm ăn cho người nghèo, cho phép người ta làm giàu, khuyến khích cưới xin, xây dựng cho kẻ mồ côi, không ca thán về các thuế cần thiết, tạo điều kiện cho nông dân đóng thuế vui nhẹ… Triết gia không đợi chờ gì ở người khác, nhưng giúp ích cho họ đươc bao nhiêu càng hay bấy nhiêu… Người đó thù ghét tính giả dối, nhưng thương xót kẻ mê tín, quý trọng tình nghĩa bạn bè”.

Diderot còn đề cao hơn vai trò Triết gia: “Người thẩm phán xét xử, triết gia dạy cho thẩm phán thế nào là công bằng và bất công. Quân nhân bảo vệ Tổ quốc, triết gia dạy quân nhân thế nào là Tổ quốc. Nhà vua ra lệnh cho mọi người, triết gia dạy cho nhà vua biết nguồn gốc và giới hạn của quyền lực mình”…

Không khỏi còn những hạn chế, nhưng đó là hình tượng của một loại người mới, người trí thức hiện đại. Nguyễn Mạnh Tường may mắn đã cộng vào mẫu hình người quân tử cổ kính với phẩm chất triết gia hiện đại.

Vì thế, trong tư tưởng Dân chủ, cũng như về Giáo dục của ông, chúng ta vừa nhận ra nét thâm trầm cổ kính của phương Đông, lại thấy rõ phẩm chất của triết gia hiện đại, mà dấu ấn của tinh thần Việt cũng không hề mờ nhạt.

Bây giờ là lúc mà Việt Nam ta đang chứng kiến cả hai sự khủng hoảng: Dân chủ thì lệch pha, hình thức, nửa vời và đánh tráo khái niệm (nói theo ngôn ngữ của Marx là lừa bịp). Ví dụ lừa bịp rõ nhất là khi Marx nhận định: Chưa có hai tiền đề cơ bản và quan trọng nhất là kinh tế sản xuất hàng hóa vât phẩm dồi dào trên cơ sở kỹ thuật cao; và hai là chưa có con người phát triển toàn diện, thì pháp lý của cách mạng tư sản dân quyền là tất yếu, không thể vượt qua. Còn lãnh đạo Việt Nam hiện nay thì tuyên bố pháp lý XHCN! Cuộc khủng hoảng thứ hai là giáo dục. Giáo dục Việt Nam hiện nay đang lạc hậu mọi bề, đang rối loạn cấu trúc, đang mất phương hướng,

Tìm lại những kiến giải của Nuyễn Mạnh Tường về giá trị Dân chủ mà ông để lại, sẽ có ích rất nhiều.

Nguyễn Mạnh Tường là nhà luật học, đã hành nghề trong một thời kỳ lịch sử đặc biệt. Những vấn đề ông đặt ra vừa thực tế vừa cơ bản. Chúng cung cấp cho ta những luận chứng để suy xét và để tìm giải pháp. Ông quan tâm đến mối quan hệ giữa Luật pháp và Chính trị. Ông nói: “Người cộng sản ghét pháp luật, có một lý do sâu xa hơn. Có nhiều quan điểm khác nhau, giữa những con người làm chính trị, và những người chăm lo Luật pháp, họ khác nhau về thói quen tâm lý và khác nhau cả về tư duy”. Lý do sâu xa, theo tôi đoán là ở như câu nói nổi tiếng của Lenin: Chuyên chính vô sản không cần luật pháp!

“Chính trị… Đây là nơi mà sự nhập nhằng là kẻ chiến thắng. Cái không chính xác về hành động và ngôn ngữ đã tạo cơ hội cho những diễn dịch khác nhau, nhiều khi mâu thuẫn. Kẻ phải phiêu lưu vào đó phải tránh chuyện logic, sự sáng sủa và chính xác… phải gạt bỏ những chuẩn mực đạo đức hay tình cảm và trên hết thảy, phải hành xử với một thái độ cơ hội chủ nghĩa sắc bén và linh động”. “Trong khi nhà chính trị muốn khẳng định chủ nghĩa duy ý chí, thì nhà luật học lại chiếm ưu thế về sự hợp lý”.

Là nhà luật học, ông quan tâm đến cấu trúc của nền dân chủ. Nền dân chủ mà “Chính quyền là của dân, do dân và vì dân”, tự nó là tập trung trong tay ngành Lập pháp; nơi làm ra luật và ngành Hành pháp sẽ lo áp dụng luật. Sự nguy hiểm sẽ xảy ra khi cả hai đều cùng cho rằng mình có quyền, với những đặc quyền riêng, được đứng trên Luật pháp. Nguyên tắc cơ bản của một nền Dân chủ là mọi người đều bình đẳng trước Pháp Luật. Hệ quả là ba ngành cùng tồn tại trong một tương quan “cân bằng và kiểm soát lẫn nhau”. Ông đề cao vai trò Luật sư và Luật Sư Đoàn, và khẳng định: “Luật sư đoàn là một tiêu chuẩn của một nền Dân chủ, rằng ở nước nào tiêu chuẩn đó thắng thế và có một Luật sư đoàn chân chính hoạt đông, nơi đó nền Dân Chủ chiến thắng”.

Như thế, việc chia làm ba ngành (Lập Pháp, Tư Pháp, và Hành Pháp) đã ngăn chặn những kẻ độc tài có cơ hội tập trung mọi quyền lực trong tay một người. Nguy cơ tổn hại về kinh tế, xã hội từ những thảm họa gây nên bởi sư độc quyền về chính trị, nói một cách chính xác, bởi những tay chóp bu, có thể được tránh khỏi, hay có thể giảm đến mức tối thiểu”.

Với phẩm chất Triết gia, khi ông tọa đàm với giới Luật sư Xô-viết, ông tiên đoán số phận của môt chính quyền phi dân chủ, đã đánh mất niềm tin của nhân dân: “Khi họ trơ mình trước quần chúng như một người đàn bà đĩ thõa nghèo nàn và trần truồng, tôi ngại rằng họ còn có thể tiếp tục độc quyền chính trị. Cũng có thể lãnh đạo cấp cao không làm ác như những thuộc quyền, nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm đối với kẻ này, bởi những hành động của người thứ ba, làm tan rã Đảng vì uy tín của Đảng đã bị tan biến bởi những ngọn gió đầy cay đắng và khinh miệt thổi vào. Chừng nào mà con số phạm tội còn nhỏ, chừng ấy Đảng còn che đậy chúng dưới thảm dày để giữ được màu trắng của sự trong trắng! Nhưng một khi tai tiếng đã trở nên thái quá, không còn giấu giếm được nữa, thì Đảng sẽ làm kẻ điếc trước những than phiền chính trị. Đảng sẽ chọn sống xuống cấp trong im lặng thay vì bị nổ tung ra trước ánh sáng ban ngày với những vụ kiện mà uy tín của Đảng sẽ mãi mãi mất và thanh danh của Đảng sẽ bị hủy diệt, từ cấp cao đến cấp hạng bét…

Chính trị rồi đây sẽ nhường bước cho đạo đức, đạo đức rồi sẽ kéo theo sự can thiệp của Luật Pháp để chấm dứt một quá khứ đau khổ, mở đầu cho một kỹ nguyên mà áng sáng của lý lẽ và công bằng một lần nữa sẽ chiếu rọi với việc tái lập nền công lý và bảng tuyên ngôn về trách nhiệm của Nhà nước và những ai đại diện nó”.

Ông khẳng định: “Cái bí mật của dân chủ là nằm ở sự vận hành của nó, trong việc phán đoán những quyền tự nhiên và những tự do của con người, vì thế nó đòi hỏi phải có một sự hiểu biết tối thiểu về quyền công cộng và luật pháp quốc tế. Những điều kiện của dân chủ là có quan hệ đến kinh tế của nước liên hệ, mà sự thịnh vượng dù đã bị giới hạn là rất cần thiết cho sự thành công của nó, cho niềm vui hưởng những quyền tự do và những quyền của con người… Bản chất của dân chủ, trong ý nghĩa sâu sắc và cái tác dụng toàn diện của nó, dân chủ gồm hai nội hàm không thể phân ly, đó là nội hàm ‘Chính phủ do dân’ và nội hàm ‘Chính phủ vì dân’. Thật là xấu hổ nếu cứ mưu mẹo lập lờ trên chữ nghĩa và cho rằng ‘Chính phủ cho dân’ là đủ. Đó là điều bịp bợm!”

Và ông đặt ra hai câu hỏi gay gắt:

a/ Làm thế nào để những người cộng sản giải quyết tình trạng xung đột quyền lợi của Đảng và quyền lợi của Dân tộc và Tổ quốc?

b/ Chủ nghĩa anh hùng của các ông có làm cho các ông dám hy sinh Đảng của quý ông trên bàn thờ của Tổ quốc và Nhân Dân?

Hai câu hỏi này tựa như chiếc chìa khóa để mở ra nền Dân chủ cho Việt Nam hôm nay.

Đảng có tìm được không? Hay là buộc Dân phải rèn lấy chìa khóa mở cửa vào tương lai mới của mình. Thật là nan giải, thật là gay cấn. Nhưng, trong bài Suy Ngẫm Cổ Loa của ông mà tôi có may mắn được dịch lại, có câu cuối: “Dẫu sao, chúng ta cũng hy vọng rằng nhân dân sẽ đặt niềm tin với nhiều sáng suốt hơn là cứ bị lũ ba que chơi bài ba lá lừa đảo đường phố dẫn dắt”.

Ô Đồng Lầm Hà nội, giữa Tháng 9-2019 – Những ngày tàu chiến của Trung Cộng uy hiếp Bãi Tư Chính của Việt Nam.
_____

Những câu trích dẫn đều lấy từ mấy tác phẩm: “Người Bị Rút Phép Thông Công”, “Lý Luận Giáo Dục Châu Âu” và “Suy Ngẫm Cổ Loa”.

1 nhận xét :

  1. Nguyễn mạnh Tường và Trần đức Thảo là 2 người trong nhóm trí thức tinh hoa của nước ta trong thế kỉ 20 . ( thời trẻ các ông học ở Pháp , tài năng phát lộ rất sớm của các ông đã làm vẻ vang cho người Việt sống ở Pa ri thời bấy giờ ). Các ông đã từ bỏ vinh hoa phú quý , về nước tham gia kháng chiến chông Pháp. Chỉ tiếc rằng , với cái đầu chứa văn minh phương Tây , các ông đều không được trọng dụng . Ngược lại , người ta lại tôn vinh kẻ bút nô viết rằng "Đuổi được N m Tường và T đ Thảo ra khỏi trường đại học ( đại học tổng hợp Hà nội ) như là nhổ được 2 cái gai . Thật thiệt thòi cho xã hội .

    Trả lờiXóa