Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

TƯƠNG LAI NÀO CHO HONG KONG – NGUY CƠ THỨ NĂM?


Nguyễn Hồng Lam

TƯƠNG LAI NÀO CHO HONG KONG – NGUY CƠ THỨ NĂM?

Ở giai đoạn hiện tại, Trung Quốc vẫn xác định đặt trọng tâm chính trị vào 4 vấn đề lợi ích cốt lõi.

Thứ nhất là đàn áp để ổn định Tân Cương, chống bùng phát đấu tranh sắc tộc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Thứ hai, dùng bạo lực xóa hẳn bản sắc văn hóa – tôn giáo của Tây Tạng, hòan tất việc đồng hóa miền đất bí hiểm và thiêng liêng này vào một Trung Quốc, viết lại lịch sử.

Thứ 3 là bằng mọi con đường thống nhất Đài Loan.

Thứ 4, liên tục gây sức ép, tiệm tiến thôn tính Biển Đông, hoàn tất tham vọng bành trướng đường lưỡi bò trên biển.

Bất chấp hao người hại của, bất chấp sai trái và phi pháp, bất chấp mọi phản đối, mọi lên án từ trong nước và quốc tế, Trung Quốc vẫn giữ chủ trương cứng rắn, không xuống nước hay nhượng bộ trong 4 vấn đề này. Đảng Cộng Sản Trung Quốc lo sợ, nếu để thất bại ở một trong 4 mục tiêu ấy, quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ bị đe dọa ngay trên Trung Hoa Đại Lục.

Nếu để phong trào đấu tranh bùng phát và mạnh lên thành xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, Tân Cương và Tây Tạng sẽ đứng trước nguy cơ ly khai. Kéo theo nó, hàng loạt khu vực khác như Nội Mông, các khu vực tự trị miền cao nguyên Vân - Quý, khu vực người Mãn ở Đông Bắc cũng sẽ không yên. Giấc mơ Hoa Hạ “nhất thống sơn hà, trung tâm vũ trụ”, tiến tới bá chủ thế giới của Trung Quốc sẽ bị chặn đứng. Trung Quốc có nguy cơ tan vỡ, bị chia thành nhiều khu vực, thậm chí nhiều quốc gia nhỏ khác như lịch sử vốn đã. Đây hoàn toàn không chỉ là một sự thổi phồng hay tuyên truyền.

Nếu không thể “thu hồi” Đài Loan, giấc mơ một Trung Quốc không thể hiện thực trong giai đoạn Đảng Cộng Sản còn nắm quyền lực, và cũng có thể vĩnh viễn không bao giờ nữa.

Biển Đông là cánh cửa mà Trung Quốc hy vọng sẽ dùng nó, cùng với sách lược “Một vành đai, một con đường”, để mở ra thế giới. Nếu không nuốt trọn, Trung Quốc sẽ phải ngậm ngùi chia tay với mơ ước thành quyền lực số một, kẻ thống trị thế giới. Bên cạnh, thường trực gây căng thẳng trên Biển Đông, đó cũng là cách để Trung Quốc đưa mâu thuẩn nội tại ra khỏi đất liền. Chính những mâu thuẩn trong nước - thoát ra từ nhu cầu dân chủ đi kèm với sự phát triển kinh tế - mới đủ khả năng bóp chết tham vọng xây dựng một “Chủ nghĩa xã hội tập trung” ở Trung Quốc theo lý thuyết Vương Hổ Ninh. Trong đó, quyền lãnh đạo tối cao của ĐCS Trung Quốc là bất biến, xoay quanh quyền lực hạt nhân tuyệt đối của Tập Cận Bình, người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Ngắn gọn, CNXH tập trung ở Trung Quốc thực chất cũng chỉ là một thứ xã hội Phong kiến Trung ương tập quyền không có vua trên danh nghĩa.

Trong khi lỳ lợm và bất chấp kiên thủ 4 vấn đề lợi ích trong sách lược cố hữu, Trung Quốc đã bất ngờ phải đối diện nguy cơ thứ 5 mới nảy sinh: vấn đề dân chủ ở Hong Kong và cho Hong Kong.

"Let Hong Kong be Hong Kong" và "An eye for an eye", người Hong Kong, nhất là giới trẻ đã tỏ rõ một tinh thần đấu tranh tới cùng, không thỏa hiệp. Khởi đầu từ đấu tranh ôn hòa chống luật dẫn độ, đến nay cuộc đấu tranh của người Hong Kong đã chuyển hướng, đấu tranh cho sự sống còn của nền dân chủ. Trung Quốc ý thức rất rõ nguy cơ mất quyền lực tại Hong Kong khi người biểu tình đã chiếm sân bay quốc tế làm áp lực, giới trẻ sẵn sàng chống trả lại sự đàn áp cứng rắn của cảnh sát, sẵn sàng đòi lại một con mắt!

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố, đấu tranh ở Hong Kong “đã tới ngưỡng của "khủng bố", cần phải phải tiến hành tiêu diệt không do dự”. Người biểu tình Hong Kong hiểu rõ, họ không thể mong chờ gì sự nương tay, nhân từ từ chính sách bàn tay sắt của chính phủ. Họ đã sẵn sàng chống trả, kể cả bằng bạo lực bạo loạn. Máu đã đổ ở nhiều nơi. Sự đàn áp ngày càng dã man, khốc liệt.




Nếu để cuộc đấu tranh bị dập tắt, người Hong Kong sẽ phải từ giã những giá trị dân chủ mà họ xây dựng và đạt được trong hơn 120 năm qua, tính từ giai đoạn bị biến thành nhượng địa, để khép mình vào khuôn khổ “XHCN tập trung mang màu sắc Trung Quốc” như bất kỳ nơi nào khác ở đại lục. Người Hong Kong dường như chưa bao giờ sẵn sàng để chấp nhận điều đó. Khởi thủy, chống luật dẫn độ chỉ là một cái cớ để người dân xuống đường.

Chính phủ Trung Quốc cũng hiểu rõ: nếu cuộc đấu tranh của người Hong Kong thắng lợi, hàng loạt nơi khác cũng có nguy cơ bùng phát đấu tranh. Những biện pháp phong tỏa, cấm đoán, đàn áp từ trước đến nay chẳng qua chỉ là hành động “nén lò xo”. Một khi đồng loạt nhiều lo xo đang nén căng cùng bật, sẽ là một Trung Quốc khác.

Khi đã đứng trươc ngưỡng sống còn và thời điểm quyết định, vấn đề Hong Kong chắc chắn sẽ không có sự thỏa hiệp hay nhân nhượng nào, ở cả hai bên. Nhưng thế giới đã phẳng, không thể bưng bít được thông tin, không thể tùy tiện dùng “bàn tay sắt”. Và do đó, Hong Kong khó có thể trở thành một Thiên An Môn thứ hai, trước khi nó đi tới chung cuộc.

Khó đoán kịch bản nào cho Hong Kong tương lai. Tuy nhiên, không loại trừ sau thực tế bạo lực sẽ có thể là một cuộc trưng cầu dân ý. Không phải để chọn một giải pháp mà để chọn một một chế độ. Cho Hong Kong, vì Hong Kong. Rất có thể, một lần nữa, dù không là nhượng địa của quốc gia nào nữa, Hong Kong vẫn có thể không còn là một phần Trung Quốc. Một Hong Kong độc lập. Quá viển vông, nhưng tại sao lại không?

Tất nhiên, đây chỉ là ý nghĩ điên rồ mới thoáng qua. Nhưng theo tôi, dù thế nào đi nữa, khi đã được cả hai phe coi là mặc nhiên thì bạo lực đã bùng lên sẽ không giảm, chỉ tăng, trước khi toàn bộ mâu thuẫn đối kháng đi đến ngã ngũ. Điều đó chứng tỏ rằng, sách lược đưa mâu thuẫn ra ngoài biên giới, giảm áp lực xung đột nội tại của Trung Quốc đã không còn hiệu quả nữa. Dân chủ là nhu cầu nội tại, và không riêng Hong Kong. Dự đoán nguy cơ thứ 5 sẽ khiến Trung Quốc bối rối, buộc phải tập trung giải quyết, nếu không muốn phải nhận thêm nguy cơ thứ 6, thứ 7, thứ n!.. và biến mất quyền lực.

Trong tương lai gần, trước mắt, Trung Quốc sẽ rất khó gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Về nguyên lý, Trung Quốc đang sa lầy trong một mâu thuẫn sách lược chết người. Họ rất sợ các lực lượng chống đối trong nước giương cao ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa, đẩy nó đến cực đoan làm vũ khí. Thế nhưng, Đảng Cộng Sản Trung Quốc lại hy vọng với việc liên tục gây căng thẳng theo dã tâm nuốt trọn Biển Đông, họ sẽ thổi bùng, tập trung và nắm được cán ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa trong tinh thần bành trướng Đại Hán. Họ lợi dụng, khuyến khích cái khiến họ lo sợ. Với vấn đề biển Đông, Trung Quốc đang chơi dao hai lưỡi.

Không ai vỗ tay khi nhà hàng xóm, cho dù là hàng xóm đáng ghét, phát hỏa. Tôi không mong muốn bạo lực ở Hồng Kong sẽ gia tăng. Nhưng tôi nghĩ, đây chính là một cơ hội để Việt Nam (và các nước Đông Nam Á có chung quyền lợi) đẩy mạnh việc đấu tranh khẳng định chủ quyền Biển Đông của mình trên mọi phương diện. Và đó có lẽ cũng là một cách ủng hộ cuộc đấu tranh, giảm áp lực cho người dân Hong Kong đang đổ máu vì một tương lai dân chủ.

Tôi cảm phục, cảm ơn, ủng hộ và tin tưởng vào một kết quả tốt đẹp cho cuộc đấu tranh ở Hong Kong. 
 
13-8-2019
Nguyễn Hồng Lam


1 nhận xét :

  1. Về việc Hongkong, tôi nghĩ một khi phía Mỹ mới chỉ tiếp xúc với giới đấu tranh Hongkong thôi mà đã mạnh miệng phẫn nộ lên án TQ là "côn đồ" thì chắc chắn rằng Mỹ xác định chắc chắn sẽ can thiệp mạnh để ủng hộ người dân HK rồi! Chắc chắn máu sẽ phải đổ, bởi vì : Freedom is NOT Free!!! Nhưng cái giá mà dân HK dám trả hôm nay, với sự ủng hộ của Mỹ phía sau để ngăn cản một cuộc thảm sát như Thiên An Môn, sẽ là rất rất rẻ cho một HK có Tự do, dân chủ thật sự cho ngay thế hệ hôm nay và cho con cháu của họ mãi mãi về sau!

    Trả lờiXóa