Thứ Hai, 10 tháng 6, 2019

Hồng Kông: HƠN 1 TRIỆU NGƯỜI BIỂU TÌNH CHỐNG LUẬT DẪN ĐỘ


Hơn 1 triệu người Hồng Kông biểu tình chống
dự luật dẫn độ sang Trung Quốc

Wall Street Journal
Tác giả: Natasha Khan
Mai V. Phạm, lược dịch
9-6-2019

Các nhà tổ chức ước tính có hơn một triệu người xuống đường biểu tình phản đối Bắc Kinh về dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc.

Vào Chủ Nhật, nhiều đám đông biểu tình trên đường phố Hồng Kông nhằm phản đối một dự luật cho phép Bắc Kinh đưa người từ Hồng Kông sang xét xử ở Trung Quốc.

Các nhà tổ chức ước tính số lượng người biểu tình lên tới hơn một triệu, thể hiện một thách thức lớn nhất đối với chính quyền Bắc Kinh trong việc kiểm soát Hồng Kông trong những năm qua. Cuộc biểu tình khổng lồ cũng nhằm phản đối chính phủ Hồng Kông tìm cách thông qua dự luật có thể bị lạm dụng, nhắm mục tiêu vào giới bất đồng chính kiến.

Theo ban tổ chức, số lượng người biểu tình gấp đôi so với cuộc biểu tình vào năm 2003, khi nửa triệu người đã phản đối dự luật an ninh quốc gia (sau đó đã bị chính phủ Hồng Kông hủy bỏ). Cảnh sát ước tính số người biểu tình vào Chủ nhật là 240.000 người.

Các cuộc đụng độ bạo lực đã nổ ra vào khoảng nửa đêm khi hàng trăm người biểu tình chạy về phía tòa nhà hội đồng lập pháp và xô xát với cảnh sát chống bạo loạn. Vài người xô rào chắn vào cảnh sát trong khi cảnh sát tạo thành rào chắn và xịt hơi cay vào người biểu tình.

Cuộc biểu tình khổng lồ với các đám đông ở các công viên công cộng và những con đường rộng tới sáu làn đường trong hơn một dặm rưỡi, đã gây áp lực lên các nhà lãnh đạo thành phố Hồng Kông và lãnh đạo Bắc Kinh để hủy bỏ đạo luật. Tuy nhiên, không giống như năm 2003, Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình trong những năm gần đây đã có đường lối mạnh mẽ hơn, nhằm chống lại giới bất đồng chính kiến ​​ở Hồng Kông.

Martin Lee, một nhà lãnh đạo đối lập kỳ cựu và sáng lập viên của Đảng Dân chủ cho rằng, đây là cuộc chiến cuối cùng đối với Hồng Kông. “Dự luật là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với các tự do và nhân quyền của chúng tôi kể từ khi bàn giao chủ quyền”, ông nói.

Dự luật cho phép dẫn độ các nghi phạm sang Trung Quốc để xét xử. Nó đã làm dấy lên sự tức giận rộng rãi, từ giáo viên, luật sư, đến các lãnh đạo doanh nghiệp. Nỗi sợ hãi kết nối mọi người lại với nhau, bởi nếu dự luật được thông qua sẽ khiến người dân có thể bị xử án theo hệ thống pháp luật tùy tiện của Trung Quốc, nơi những người bị giam giữ có thể bị tra tấn và chà đạp nhân quyền.

Các tập đoàn kinh doanh nước ngoài và các nhà ngoại giao cảnh báo, dự luật này là mối đe dọa đối với nhà nước pháp quyền đã giúp Hồng Kông thịnh vượng trong nhiều thập niên như một trung tâm tài chính quốc tế, và được Trung Quốc bảo đảm khi giành lại chủ quyền từ chính quyền Anh vào năm 1997.

Chính phủ Hồng Kông dưới sự lãnh đạo của bà Carrie Lâm, cho rằng những lo ngại về dự luật là không có cơ sở và nhấn mạnh rằng, chỉ những người bị nghi ngờ là phạm tội nghiêm trọng nhất mới có thể bị dẫn độ. Chính phủ Hồng Kông nói rằng, sẽ có các biện pháp bảo vệ chống lại lạm dụng và đạo luật sẽ không gây hại cho môi trường kinh doanh của Hồng Kông hoặc liên quan đến các hành vi phạm tội có tính chất chính trị.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời khi được hỏi về các cuộc biểu tình và tác động có thể của nó đối với luật dẫn độ được đề xuất.

Bà Lâm đã bỏ qua đánh giá của Ủy ban lập pháp để tìm cách thông qua dự luật vào ngày 12/6. Chính phủ hiện có đủ phiếu để thông qua dự luật này trong vài tuần và dùng các hành động pháp lý để lật đổ một số nhà lập pháp đối lập trong hai năm qua.

Sự phản đối tức giận về dự luật dẫn độ đã làm hồi sinh phong trào đối lập đã suy yếu sau các cuộc biểu tình hồi năm 2014 – làm tê liệt một phần của Hồng Kông trong 79 ngày, nhưng đã kết thúc mà không đạt được mục tiêu tự do, dân chủ hơn. Ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Hồng Kông đã tăng mạnh kể từ khi chính phủ bỏ tù những người biểu tình, tuyên bố chính đảng ủng hộ độc lập là bất hợp pháp, và trục xuất một nhà báo nước ngoài.

Các gia đình và những tổ chức của các nhà thờ đã tham gia cùng các nhà đối lập, nhiều người mặc đồ trắng và cầm những tấm bảng đỏ tố cáo dự luật. Cảnh sát bị buộc phải đóng thêm nhiều đường và các làn đường để cho phép đám đông biểu tình.

Số lượng người tham gia biểu tình quá đông đến nỗi một số nhà ga trên toàn thành phố tạm thời bị đóng cửa và những người biểu tình phải xếp hàng trong cái nóng ngột ngạt để vào công viên địa phương, hô khẩu hiệu phản đối dự luật và cổ vũ cho nhau, trong khi bày tỏ sự bất bình.

Một giáo viên 38 tuổi, lần đầu tiên tham gia cuộc biểu tình, nói: “Tôi cần phải lên tiếng để chính phủ nghe thấy. Chúng tôi cần bảo vệ ngôi nhà của mình cho thế hệ tiếp theo”.
Ông Lee, một nhà hoạt động kỳ cựu, đã tham gia ủy ban soạn thảo Luật cơ bản (Basic Law), Hiến pháp của Hồng Kông nhằm bảo vệ tự do và nhân quyền cho đến năm 2047. Ông nói rằng hoàn toàn không có điều khoản dẫn độ vì hai khu vực quá khác nhau.

_______
Một số hình ảnh trên mạng ghi lại cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông 
hôm Chủ Nhật 9/6/2019:
 
 
 
  
 
 
Nguồn: Tiếng Dân
 

2 nhận xét :

  1. Một xã hội dân chủ thật sự không thể thay bằng một XÃ HỘI DÂN CHỦ GIẢ HIỆU. KẾT QUẢ CỦA CUỘC BIỂU TÌNH SẼ NÓI LÊN ĐIỀU ĐÓ.

    Trả lờiXóa
  2. Một đất nước mà Hiến Pháp không được thực thi và bảo vệ thì liệu chúng ta có cần đến Quốc hội không? Khi nào nhóm lợi ích của Vn mới không dám ngồi xổm trên hiến pháp?! Các bạn trả lời giùm?!

    Trả lờiXóa