Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Tin buồn: VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC GIÁO SƯ NGÔ ĐỨC THỌ


.
.
. .
..
 .
  TIN BUỒN 
Chúng tôi vô cùng kính tiếc báo tin


Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hán Nôm
NGÔ ĐỨC THỌ

 
sinh năm 1936 tại Can Lộc, Hà Tĩnh,

Nguyên Trưởng ban Văn bản học,
Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2013,


Chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu Hán Nôm, 
đặc biệt là về Tỵ húy học và Văn bản học.

Sau thời gian lâm bệnh, đã từ trần hồi 05h30, 
ngày 30/4/2019.  Hưởng thọ 83 tuổi.

Lễ viếng hồi 7h-8h30 ngày 3.5.2019
tại Nhà tang lễ Cầu Giấy, đường Trần Vĩ, 
Quận Cầu Giấy, Hà Nội. 

An táng cùng ngày tại Nghĩa trang Thiên Đức, 
xã Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

****

Kính cẩn vĩnh biệt Thầy Ngô Đức Thọ! Một cây đại thụ về Hán Nôm đã ra đi nhưng nhiều công trình lớn vẫn là những gạch nối quan trọng.

Xin dâng lời cầu nguyện anh linh Ông thanh thản về cõi vĩnh hằng. Và nghiêng mình chia buồn cùng phu nhân Giáo sư Ngô Đức Thọ và tang quyến và gia tộc.



Tưởng nhớ Giáo sư Tiến sĩ Ngô Đức Thọ, chúng tôi xin đăng lại bài của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, viết về  Giáo sư Ngô Đức Thọ, khi Ông vừa được trao giải thưởng Phan Chu Trinh 2013.


Giáo sư Ngô Đức Thọ sinh ngày 10 tháng 01 năm 1936 tại làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông là cháu đích tôn của Nhà chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế. Năm 1963- 1967, ông là sinh viên Khoa Ngữ Văn (K8), Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1975, ông theo học Thạc sĩ Lớp chuyên tu Hán Nôm. Năm 1995, Ngô Đức Thọ bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Ngữ văn – chuyên ngành Hán Nôm. Năm 1996, ông được phong chức danh Phó Giáo sư Ngữ văn học. 2002 đến nay (2010), ông nghỉ hưu tại Hà Nội. 

Ngô Đức Thọ là chuyên gia hàng đầu về Hán Nôm, đã từng nhiều năm làm việc tại Thư viện Quốc gia Hà Nội và Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam). Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, từ năm 1982 – 2001, ông giữ chức vụ Trưởng ban Văn bản học.

Ông là tác giả của công trình chuyên khảo “Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại”, công trình mà Giáo sư Hà Văn Tấn đánh giá là “đã đặt nền móng cho môn tỵ húy học Việt Nam”(Lời tựa). Một cuốn chuyên khảo khác “Cơ sở văn bản học Hán Nôm” cũng được coi là một cuốn sách đặt nền móng cho ngành văn bản học Hán Nôm Việt Nam.

Ngô Đức Thọ là dịch giả các tác phẩm Hán Nôm giá trị: Đại Việt Sử ký toàn thư (đồng dịch giả), Văn bia  Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử giám, Thiền uyển tập anh, Nam triều công nghiệp diễn chí, Đồng Khánh địa dư chí, Hoàng Việt hưng long chí, Thái Đình Lan và Hải Nam tạp trứ.

Các bản dịch của Ngô Đức Thọ được giới học giả đánh giá cao về chất lượng, đảm bảo chính xác và thuần Việt, phản ánh được tinh thần của nguyên tác. Đặc biệt phải kể đến bản dịch bộ sách Đại Việt Sử ký toàn thư mà ông có tham gia dịch, đến nay được tái bản hàng chục lần và được dẫn trong hàng nghìn công trình, bài viết.

Ông là chủ biên của các công trình tra cứu đặc biệt có giá trị cả về khoa học lẫn thực tiễn, đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội nên được sử dụng và trích dẫn với tần số lớn: Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919, Từ điển Di tích Lịch sử Văn hóa Việt Nam. Hai tập sách này được biên soạn rất công phu, theo cách làm “hội yếu”, tức là cứ mỗi khi đề cập đến mục từ một nhà khoa bảng hay một di tích thì sách lại kê ra rất đầy đủ các tư liệu Hán Nôm nào đã chép về nhân vật hay di tích đó, với sự chỉ dẫn đến tận số trang, dòng. Người đọc, người sử dụng vì thế rất tin cậy và từ đó có thể mở ra nghiên cứu sâu hơn về nhân vật hay di tích được nhắc đến.

Ngô Đức Thọ là một nhà nghiên cứu chuyên sâu và tâm huyết. Cả cuộc đời ông gắn bó với di sản của tiền nhân qua công việc phát hiện, hệ thống hóa, nghiên cứu và đặt nền móng cho một số ngành học (Tỵ húy học, Văn bản học Hán Nôm), đồng thời cũng đáp ứng rất kịp thời nhu cầu nâng cao dân trí của thời đại hôm nay (Di tích lịch sử, nhân vật khoa bảng).

Xin chúc mừng Giáo sư Ngô Đức Thọ vừa được Hội đồng Giải thưởng Quỹ Phan Châu Trinh trao Giải thưởng về Dịch thuật mùa giải 2013.

Tôn vinh Ngô Đức Thọ là tôn vinh một nhà Hán Nôm học tài năng và tâm huyết, đã cống hiến cả đời cho sự nghiệp nghiên cứu di sản Hán Nôm, khai mở các giá trị của tiền nhân để hậu thế thêm nguồn tri thức mới. 

TS. Nguyễn Xuân Diện

3 nhận xét :

  1. "Đích tôn" là đủ. Thêm "cháu" thì thừa. "Chí sĩ" là đủ. Thêm "nhà", thêm "yêu nước" thì thừa.
    Cụ sống xứng đáng với một danh gia. Thong dong nơi cõi xa Cụ nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Tôi biết GS Ngô Đức Thọ qua một số bài viết phản biện của ông trên các trang mạng xã hội và hình như ông cũng tham gia biểu tình phản đối Trung cộng thì phải. Chính vì vậy tôi rất kính trọng ông.
    Thành kính chia buồn cùng gia quyến giáo sư!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ, đúng vậy. Có lẽ trong số nhà khoa học cao tuổi giáo sư Ngô Đức Thọ là người xuống đường tích cực nhất.

      Xóa