VỀ TẾT
Tùy bút của Trần An
Tùy bút của Trần An
Gần cuối năm, ríu rít bạn bè và người thân hỏi: bao giờ về Tết? Sáng 29, hỏi cô hàng hoa ngày mai em còn bán không; cô trả lời: có chị ạ, năm nay em ăn Tết ở đây. Chợt nghĩ, có rất nhiều từ trong tiếng Việt gắn liền với “Tết”: ăn Tết, nghỉ Tết, đón Tết, chợ Tết, hoa Tết, chơi Tết, vui Tết, chúc Tết, câu đối Tết, xin chữ Tết, lì xì Tết, tàu xe Tết, trực Tết, thưởng Tết, sắm Tết, tiêu Tết, hoặc là mất Tết, ngại Tết, sợ Tết, trốn Tết. Quá nhiều biểu cảm, nhưng mình đặc biệt thích từ “về Tết”.
“Về Tết” gợi nên hình ảnh con đường.
“Về Tết” gợi nên hình ảnh con đường.
Là hối hả những dòng người xe tấp nập trên mọi nẻo đường, có sốt ruột, có bức xúc, có ngại ngần nhưng đã thành quen, mọi người đều kiên nhẫn để hòa vào và vượt thoát ra khỏi dòng sông bất tận người-xe đó để về tới đích. Nhưng “Về Tết” còn là những con đường hiện lên trong giấc mơ của những người xa quê vì nhiều lý do không thể trở về, khắc khoải nỗi trống vắng trong tim.
“Về Tết” gợi nên hình ảnh một nơi chốn trở về.
Là ngôi nhà của cha mẹ dưới bóng cây xanh mát, bên giếng thơi trong và ngọt, vào dịp Tết nghi ngút khói bếp của nồi bánh chưng; hay là căn nhà ở phố của ba mẹ nồng nàn mùi hương lá mùi già của nồi nước tắm cuối năm, mùi hương trầm quyện những cánh hoa đào rụng vương đâu đó ở góc phòng… Đâu có gì nhiều nhặn, người đi nhớ, người ở mong, thế là thành nơi chốn khiến người dù đi muôn nơi vẫn không nguôi một khát khao cháy bỏng được trở về.
“Về Tết” còn gợi nên một hợp thể không gian-thời gian đặc biệt.
Là khoảng thời gian chùng lại sau một dòng thời gian bất tận những lo toan. Là khoảng thời gian mà dường như mọi lao xao cuộc sống dừng lại ngoài cánh cửa. Nhà nhà dọn dẹp nhà cửa, trang trí tô vẽ cho cái tổ mà trong năm có thể đôi khi chưa thật ấm; người người tíu tít sắp xếp, bày biện mọi thứ theo cái cách cảm nhận truyền thống của từng gia đình. Là khoảng thời gian của đoàn tụ, sum vầy, người trong nhà đối diện nhau rồi tự ngẫm nghĩ: trong một năm qua, mình đã có gì không phải với những người đang là một phần đời của mình; trong giây phút đoàn viên này, có điều gì cần tha thứ và buông bỏ?
“Về Tết” là sự trở về với bản thân mình.
Bị bứt khỏi không gian xã hội, vào dịp Tết, mỗi người tạm bỏ qua những hơn-thua, được-mất ngoài đời để đối diện với những sâu thẳm của bản thân: một năm qua, có niềm vui sống nào đã trải, có ước vọng dang dở nào tiếp tục không thành; có niềm hy vọng nào cần nhen nhóm? “Về Tết” cũng là về với những buộc ràng thắm thiết nhất của một đời người, để trân trọng hơn với người và độ lượng thêm một chút với mình.
Bao nhiêu là ý nghĩa, “Về Tết” là một chuyến đi đặc biệt trong năm, đi chính là trở về.
Chúc mọi người cùng với gia đình chia sẻ thời khắc giao thừa và an nhiên đến với những giây phút đầu tiên của Nguyên đán – buổi sáng đầu tiên của năm - với những hy vọng tốt lành.
Hay ! Cảm ơn bạn nhiều. Chúc quý vị và bạn mọi điều mãn ý...
Trả lờiXóaGửi chú Tễu góp vui ngày tết:
Trả lờiXóaPHIẾM HỢI – PHÚ
CAO BỒI GIÀ
Xuân xuân đến, hoạt cảnh vui tươi ;
Tết tết về, lòng người hỉ rộn.
Tiễn biệt anh Cầy;
Đón chào chị Hợi.
Hãy trào dâng những hy vọng ước mong;
nào quẳng hết mọi ưu sầu mệt mỏi.
nhân không khí hội hè náo nhiệt, bàn loạn phiếm nhân vật bác Trư ;
mượn thời gian tết nhất thư nhàn,tán vượn hươu tính cách nhà lợn .
Cũng vênh vang nhóm mười hai con giáp , dù nhan sắc tận cùng;
Lại hãnh diện hàng thập nhị anh hào, dẫu danh xưng xếp chót.
Cũng tự hào:
Vệ phò Tam Tạng, Thiết bảng giỏi vung, thất thập nhị thông địa sát, xuất quỷ nhập thần vi diệu nổi tiếng Ngộ Không ;
Hầu hạ Đường Tăng, bồ cào khéo múa, tam thập lục phép Thiên cang, xua ma diệt quái đại tài lừng danh Bát Giới .
Nhưng:
Mặc thầy dạy răn, mà chẳng chay miệng lưỡi, thấy món ngon là bụng dạ sôi sục khát thèm ;
Dẫu thân tu mãi, mà vẫn rối tâm can, gặp mỹ nữ là trí óc phừng phừng đú đởn.
Vốn giống dòng:
ủn à ủn ỉn, dáng vẻ an nhàn;
Hấp háy hấp ha, nụ cười phơi phới.
Nước tắm - nước ăn thả láng, nào phải ra công.
Cám chiều - cám sáng đầy dư, chẳng cần xáo bới.
Thích nằm - mê ngủ, đẻ lắm như …rơi;
Háu đói - tham ăn, lớn nhanh tựa …thổi.
Ngốn bừa – ăn tạp, cơm thừa canh cặn nay đã lờn mồm;;
Ở bẩn - sống dơ, dòng dõi họ hàng xưa đà quen thói
Đây đồng giấy đồng xèng, tiền to bạc bé, heo đất ơi xực xực mau đầy;
Này cám bèo cám gạo, canh cặn cơm thừa, lợn con hỡi măm măm chóng lớn.
Lúc đoạn kiếp, hiến tất cho thiên hạ thịt – thủ - chân giò ;
Khi lìa đời, hiến cạn cho thế nhân lòng - gan - tim phổi.
Bác chủ trại siêng năng cần mẫn chăm đàn lợn, quyết xuân tới nhà mình le lói xe hơi;
Bà mẹ quê dành dụm chắt chiu nuôi cặp heo, mong tết này cháu con đàng hoàng áo mới.
Triệu triệu người có thịt lợn, mà tráng cường thân thể da dẻ tươi hồng ;
Muôn muôn kẻ nhờ đàn heo, đã nguy nga biệt thự cửa nhà rộng lớn .
Ấy thế mà:
Thịt heo ế, bạn vàng đó chơi …khăm;
Giá lợn rơi, đồng bào ơi cứu…với .
Nghề bán thịt, lúc cùng đã ngỡ đi đoong ;
Nghiệp chăn heo, vận hạn tưởng chừng hấp hối.
Đời vẫn dạy:
Trông con lợn béo, biết cỗ lòng ngon;
Xem dong mạo hiền, đoán nhân tâm tốt.
Gái đức hạnh làm dâu phố huyện, Mấy cân chả, nhờ vả ông mai;
Trai khôi ngô cưới vợ làng bên, một thủ heo, trả công bà mối.
Cứ xỏ mũi, là bắt gọn chú bò;
Phải nắm giò, mới quay được chàng lợn.
Mượn đầu heo nấu cháo, người mưu lược xoay sở làm giàu;
Bán thịt cầy treo dê, bọn gian manh lộn sòng thủ lợi.
Eng éc lệ nhỏ đôi hàng :
Cục tác cục ta nếu ra vườn ông hỡi, hái lá chanh cho gà;
ụt à ụt ịt có đi chợ bà ơi, nhớ món hành cho lợn.
Giở cỗ bàn cúng bái , bọn gà vịt xếp lớp lên mâm;
Bày giỗ chạp tiệc tùng, nhà lợn heo nối hàng lên thớt.
Tiệc tùng đó, người mặc , tiếng khóc than;
Cỗ bàn kia, ai đoái lời trăn trối.
Cối thình thịch dập giã giò nem.
Nồi sục sôi nấu hầm chả mọc.
cốt xương ninh nhừ;
Thịt da quay dộp.
Tiệc thịch soạn, đây gỏi chua - sườn nướng ăm ắp sênh sang ;
Cỗ cao đầy, nào nem chả - sáo măng ê hề ngồn ngộn .
Chú gà luộc, lễ vật cần cho dịp kỵ tang;
Mâm lợn quay sính lễ đẹp trong ngày cưới hỏi.
Chả đám thứ , gỏi tai - cuốn lốt - xào lăn dân nhậu thường nhật xoay chiêu ;
Không tiệc tùng, kho trứng - nấu canh - chiên nướng bữa cơm hàng ngày đổi món .
Tiết canh đỏ, ông vừa uống vừa xơi;
Cháo lòng thơm, bà mải ăn mải thổi.
Thân xác lợ cớ chi bị hành;
Phần số heo bởi đâu nên tội?
Năm mới năm me:
Muôn chốn chốn, đón Tết Heo Vàng;
Khắp nơi nơi, mừng xuân Kỷ Hợi.
Dáng nàng heo lên lịch, bụng ưỡn no nê ;
Hình anh lợn phủ bìa, miệng cười tươi rói.
Ghế vào đít, chẳng ngồi phè để muôn kẻ trách chê;
Cờ đến tay, quyết phất hăng mong vạn điều hanh tốt.
mong muôn nhà, trăm điều như ý, cả một năm ăm ắp tiếng cười;
Chúc bách tính, vạn sự hanh thông, mười hai tháng tràn tuôn tài lộc.
Nguyện dân an quốc thái, đồng bào no ấm hạnh phúc vô biên ;
Cầu mưa thuận gió hòa cây trái xum xuê niềm vui gấp bội.
Ba hoa dịp tết, góp mấy chuyện lăng nhăng;
Tếu táo ngày xuân, tán đôi lời …ba rọi.
CAO BỒI GIÀ
31-01-2019
(26 THÁNG CHẠP, MẬU TUẤT)
VUI BUỒN TẾT
Trả lờiXóaTết đến trăm mối bộn bề
Buồn vui lẫn lộn xuân về mỗi khi
Quan sếp vui nhận phong bì
Trẻ con mừng được lì xì phong bao
Công Nông Binh lính ngán ngao
Lo quà lo Tết lao đao mệt nhoài
Tết ơi sao quá bi hài
Người dày bỗng lộc kẻ ai oán sầu....
Đó là tâm trạng của tôi mỗi khi tết về.