Người dân vườn rau Lộc Hưng căng biển phản đối chính quyền cưỡng chế đất
vụ cưỡng chế đất vườn rau Lộc Hưng
Khoảng 164 hộ dân đã tham gia ký đơn khiếu kiện việc chính quyền
quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, tiến hành cưỡng chế, phá dỡ gần
200 căn nhà tại khu vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình hôm 4 và 8
tháng 1 vừa qua. Ông Cao Hà Trực, đại diện những người ký đơn kiện cho
Đài Á Châu Tự Do biết như vậy vào ngày 15 tháng 1, đồng thời cho biết
thêm là khả năng con số người ký sẽ tăng thêm trong ngày mai khi các hộ
dân ở đây dự kiến sẽ nộp đơn lên các cơ quan chức năng của thành phố.
“Số lượng người đến ngày hôm nay là 164 người ký đơn khiếu kiện và
tố cáo đập tài sản, gửi đến các cơ quan chức năng, và con số này là
chưa hết.”
Truyền thông trong nước những ngày qua trích thông tin từ đại diện
quận Tân Bình cho biết vụ cưỡng chế tại vườn rau Lộc Hưng chỉ áp dụng
đối với 112 căn nhà xây dựng trái phép, và đã có 134 hộ dân ở đây đăng
ký sử dụng đất với chính quyền trong các năm 1991, 1995 và 2005. Tuy
nhiên, ông Cao Hà Trực cho biết con số những căn nhà bị phá lên đến hàng
trăm bao gồm cả những chòi được người dân xây lên để chăn nuôi từ cả
chục năm qua.
Ông Trực cho biết, đơn kiện của các hộ dân ở đây sẽ nêu lên những vi
phạm pháp luật của chính quyền trong việc thực hiện cưỡng chế:
“Trong đơn khiếu kiện, chúng tôi đưa ra nhiều vấn đề. Thứ nhất là
chúng tôi không nhận được quyết định thu hồi mà tại sao phá đất bình
điện của chúng tôi. Thứ hai nữa là không có quyết định thu hồi mà đập
nhà mà đập nhà không đúng quy trình thủ tục. Chúng tôi yêu cầu được trở
lại đất của mình đúng như quận Tân Bình đã trả lời các cơ quan chức năng
là chỉ cưỡng chế những nhà xây dựng trái phép từ ngày 1/1/2018 mà tại
sao đập những căn nhà từ 9 hay 10 năm về trước rồi”.
Chúng tôi yêu cầu được trở lại đất của mình đúng như quận Tân Bình đã trả lời các cơ quan chức năng là chỉ cưỡng chế những nhà xây dựng trái phép từ ngày 1/1/2018 mà tại sao đập những căn nhà từ 9 hay 10 năm về trước rồi. - Cao Hà Trực
Tờ Sài Gòn Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của thành ủy thành phố Hồ
Chí Minh hôm 15/1 có bài viết cho biết cả 134 hộ dân đã đăng ký sử dụng
đất đều có nhà ở bên ngoài khu đất. Tuy nhiên, ông Cao Hà Trực cho biết
điều ngược lại.
“Ở trong đó cũng có những người có nhà ở bên ngoài như gia đình
tôi đã 3 đời rồi từ ông bà đến cha mẹ. Bố mẹ tôi có nhà rồi có 9 người
con thì phân đất cho 9 người ở. Sài Gòn nghèo lắm chứ đâu có đất đâu thì
chia cho con để ra vườn xây ở, đó gọi là nhà ở. Có những nhà 30 người ở
trong 40 m2 đất. 2m23… có những người bán nhà hoàn toàn họ không còn gì
thì họ ra vườn ở hết.”
Bản thân gia đình ông Trực là những người đã có đất ở khu vực này từ
thời Pháp thuộc, khi mảnh đất 4,8 ha này được hội Thừa sai Paris giao
cho người dân sử dụng để ở và trồng rau. Ông Trực cho biết 5 căn nhà,12
căn phòng trọ và một số căn chòi của những người trong gia đình ông cũng
bị phá trong đợt cưỡng chế ngày 8/1 vừa qua.
Tờ Sài Gòn Giải Phóng cho biết khu đất vườn rau đã được quy hoạch làm
công trình công cộng nhưng người dân ở đây đã tiến hành xây dựng không
phép trên khu đất này, đặc biệt là trong giai đoạn 2018. Đại diện địa
phương được tờ báo trích lời cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này
là vì địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm xây dựng
trong khi nhiều người manh động khi chính quyền động chạm.
Ngoài ra tờ Sài Gòn Giải Phóng cũng cho biết tình hình khu đất khá
phức tạp với việc chuyển nhượng đất bằng tay, người dân mua đất nông
nghiệp với giá 10 triệu đồng/m2 rồi xây dựng không phép để cho thuê
phòng trọ hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh. Ông Cao Hà Trực lý giải về
trường hợp này.
“Đất của chúng em đã được đủ điều kiện để xác nhận cơ sở pháp lý
có nghĩa là chúng em được giao dịch. Khi đến năm 1999 chúng em đã đi kê
khai nhưng chính quyền đã không xác nhận cơ sở pháp lý cho chúng em theo
như luật định và trong suốt mấy chục năm qua, vì hoản cảnh khó khăn nên
một số người đã cắt một phần đất để bán và để cho con cái người ta sinh
sống, vì vậy mới có tình trạng có người bán và người mua.”
Ông Cao Hà Trực cho biết từ năm 1999 đến 2008 nhiều hộ dân ở đây đã
khiếu kiện lên thành phố đòi quyền được chứng nhận đất. Tuy nhiên vụ
kiện sau đó đã chìm vào im lặng vì chính quyền địa phương không có trả
lời dứt khoát với người dân về những đòi hỏi của họ, theo lời của ông
Cao Hà Trực.
Sau vụ cưỡng chế đất hôm 4 và 8/1 và gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của
người dân, mới đây, vào ngày 13/1, truyền thông trong nước cho biết
chính quyền quận Tân Bình đã đề nghị hỗ trợ 7.055.000 đồng/m2 đất vườn
rau Lộc Hưng cho những người bị ảnh hưởng và hỗ trợ hoa màu từ 4 đến 6
triệu đồng/ tháng trong 3 tháng cho những hộ có hoa màu bị ảnh hưởng do
cưỡng chế.
Sài Gòn Giải Phóng hôm 15/1 cho biết đã có 30/134 hộ dân kê khai, đăng ký nhận hỗ trợ theo chính sách quận mới công bố.
Tờ báo cũng cảnh báo tình trạng một nhóm đối tượng chuyên “khống chế’
người dân, ép họ phải theo sự dẫn dắt của họ. Ông Cao Hà Trực cho rằng
tờ báo của thành ủy đang có ý nói đến ông là người vẫn thường xuyên công
khai hướng dẫn cho bà con trong khu vực vườn rau về các vấn đề pháp lý
liên quan đến khu đất và những sai phạm trong quá trình cưỡng chế.
Thật giỏi! Thời của Nguyễn Thiện Nhân.
Trả lờiXóa