Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

NỮ HỌA SĨ LÊ THỊ LỰU ĐÃ "TRỞ VỀ" THEO CÁCH RIÊNG CỦA MÌNH


Hoài Hương

BÀ ĐÃ "TRỞ VỀ" THEO CÁCH RIÊNG CỦA MÌNH

Cho tới giờ Hoài Hương vẫn còn gai hết người khi được HS Kim Phiến , PGD BTMT TPHCM cho biết vừa hoàn thành chuyến đi Pháp và mang về 29 bức tranh của hs LÊ THỊ LỰU người nữ hoạ sĩ đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương, rất nổi tiếng trong giới mỹ thuật Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, do gia đình bà tặng( trong đó có vợ chồng nhà PBLL văn học hải ngoại nổi tiếng Thuỵ Khuê- con dâu bà).

Cuộc ra mắt sẽ đuoc BTMT TPHCM tổ chức ngày 23/11 tới đây.

Giới mỹ thuật VN , nhất là những người yêu “dòng” tác phẩm thuộc thế hệ Mỹ thuật Đông Dương đều biết đến bà, không chỉ là một nữ họa sĩ Đông Dương đầu tiên của người VN mà bà còn có nhiều đóng góp cho việc giảng dạy hội họa cho các thế hê sau, đồng thời góp vào di sản mỹ thuật VN nhiều tác phẩm có giá trị.

Sinh ngày 19/01/1911 tại làng Thổ Khối, tỉnh Bắc Ninh. Từ nhỏ đến 14 tuổi theo cụ thân sinh ở các thị xã Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Ðịnh, Hải Phòng và Hà Nội.

Từ năm 1927, bà vào học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 3, và năm 1933 bà đậu thủ khoa khóa này, vượt lên cả các họa sĩ nam danh tiếng. Ngay từ khi còn là sinh viên, năm 1929 bà đã có 2 tranh sơn dầu trong cuộc triển lãm chung đầu tiên của trường: “Chân dung Ông Hai”, và “Thiếu nhi vườn chuối”.

Về cuộc triển lãm đầu tiên của nhà trường (tháng 11/1929), Yvonne Schultz đã viết: “... Bức tranh rất thú vị của cô Lê Thị Lựu, năm thứ 3, trình bày mấy đứa trẻ con quanh một cây chuối. Tôi tin rằng đó là bức tranh sơn dầu duy nhất cho ta thấy một đứa “nhỏ” có một cái bụng to đầy cơm. Và điều đáng yêu là người vẽ đứa nhỏ kia là một phụ nữ trẻ. Người ta thấy trong bức tranh đó một tình cảm rất dịu hiền đối với trẻ thơ. Bức thứ hai của cô Lựu là bức chân dung vẽ người ông cậu với một vẻ bạo dạn làm nhớ đến Reynolds” (Một trường phái hội họa và điêu khắc mới: Trường phái An Nam”, báo “L’Avenir du Tonkin”, đăng lại trên phụ trương tiếng Pháp của báo “Nam Phong”, số 145, tháng 12/1929).

Từ năm 1933, trong 7 năm liền, bà được bổ làm giáo sư dạy vẽ tại các trường có uy tín thời đó như Trường Bưởi, Trường Hàng Bài (tức Trường Trưng Vương sau này), Trường làm Ren, Trường Hồng Bàng (Hà Nội) và Trường Mỹ thuật Gia Định (Sài Gòn). Năm 1940 bà sang Pháp, lấy chồng và gần như sống hết cuộc đời ở bên này cho đến khi mất ngày 6/6/1988 tại Antibes (Pháp).

Ngoài hội họa, bà còn làm thơ, ký bút danh Thạch Ân, và cộng tác với các tạp chí nổi tiếng một thời: Ngày nay, Phụ nữ tân văn, Đàn bà mới. Từ năm 1940, bà theo chồng sang sống tại Pháp và từ đó tới khi mất, bà đã có những hoạt động thiết thực ủng hộ phong trào kháng chiến trong nước (bà từng là thủ quỹ của Hội Văn hóa Liên hiệp Pháp cho đến ngày ký Hiệp định Geneve về Việt Nam).

Trong hơn nửa thế kỷ sáng tạo, nữ họa sĩ Lê Thị Lựu đã để lại một khối lượng tranh không nhiều, khoảng chừng 300 bức, phần nhiều trong số ấy bị lưu lạc. Rất may là một số bức tiêu biểu của bà còn được lưu giữ tại một số bảo tàng và các bộ sưu tập cá nhân, trong đó có Bảo tàng Mỹ thuật VN, và tháng 11/2018, Bà “trở về” quê Việt bằng 29 tác phẩm của mình, được gia đình trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh./.

Ảnh: Một số tác phẩm của bà.














2 nhận xét :

  1. Là hậu sinh và ngoại giới ( mỹ thuật ) , nhờ Tễu mà nay tôi được biết về bà . Quá tuyệt vời , Bà là niềm tự hào của mỹ thuật nước nhà . Cám ơn Tễu .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn có thể đọc thêm ở trang: https://hoasivietnam.wordpress.com/tham-khảo/le-thi-luu/tieu-su-le-thi-luu/

      Xóa