Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

NÓNG: BÀ CON THỦ THIÊM TRUY TRÁCH NHIỆM CỦA ĐBQH TP HCM


Người dân Thủ Thiêm truy trách nhiệm 
của Đại biểu Quốc hội TP HCM

Thứ năm, 22/11/2018, 13:50 (GMT+7) 

Buổi tiếp xúc cử tri quận 2 tiếp tục "nóng" về vấn đề Thủ Thiêm khi người dân liên tục đề cập trách nhiệm của lãnh đạo, đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM.
  • 15h20
     
    thu-thiem-10-1220-1542875917.jpg

    Các cử tri tiếp tục gay gắt nói về việc thu hồi đất trái pháp luật của TP HCM, quận 2. Họ dành nhiều lời chỉ trích nặng nề đến nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM và hàng loạt cựu cán bộ, cán bộ đương chức... có liên quan đến chủ trương cưỡng chế nhà đất của họ. Giọng ai cũng lạc đi.

    Ông Nguyễn Đình Đệ (phường An Khánh) nói rằng, thành phố đã tổ chức 3 buổi tiếp công dân bị ảnh hưởng bởi dự án Thủ Thiêm để bàn về phương án hỗ trợ bổ sung, nhưng thật sự người dân không cần.

    "Chúng tôi hoàn toàn không còn niềm tin. Thành phố xin lỗi thì chúng tôi chấp nhận, kêu chúng tôi tha thứ thật lòng thật dạ chúng tôi cũng tha thứ. Nhưng hợp tác là phải hai bên cùng có lợi, hiểu nhau, bình đẳng, bảo đảm quyền lợi cho người dân thì mới hợp tác được", ông Đệ nói và tiếp tục dành những lời cay đắng về dự án Thủ Thiêm vì đã đẩy hàng nghìn người có công ăn việc làm ra đường.

    thu-thiem-9-4299-1542875827.jpg
    Ông Đệ là người khuyết tật. Ảnh: Hữu Khoa.

    Vừa cầm được micro trình bày, bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ (ngụ phường An Lợi Đông) òa khóc khi nhắc lại việc nhà bị cưỡng chế năm 2009 và không được bồi thường vì bị cho là "nhà không số". 

    "Nhà tôi là đất thổ cư, diện tích 540 m2 và có đóng thuế hàng năm. Chúng tôi có bằng khen gia đình văn hóa, mẹ liệt sĩ... mà đến khi giải tỏa thì bảo 'nhà không số' rồi không bồi thường. Chính việc cưỡng chế trái luật này đã đẩy gia đình tôi vào con đường cùng, không còn nhà để ở, con cái không được học hành", bà Mỹ khóc, tuyên bố "sẽ quay về đất của mình để làm nhà lại ở, không đi lang thang nữa".

  • 14h50
     
    Bà Nguyễn Thị Thuý Lan (ngụ phường Bình Khánh) vừa khóc vừa nói: "Người dân bầu các Đại biểu Quốc hội, HĐND để đại diện cho tiếng nói của họ. Các đại biểu nghe dân hay nghe nhóm lợi ích hại dân? Nhà tôi ở ngoài ranh nhưng đã bị ông Chủ tịch quận 2 Nguyễn Cư dùng quyền lực cưỡng ép phải dời đi".

    "Tôi đi khiếu nại thì thanh tra nói tôi rút đơn đi, nói 'coi như chị xui đi', nói 'xem như chị cầm mấy chục cây vàng ra đường bị giật mất đi'. Chính quyền kêu tôi lên chung cư ở với lời hứa sẽ không thu tiền. Nhưng khi tôi vào ở thì liên tục đòi tiền. Bây giờ trả đất cho tôi đi, nhà tôi ở ngoài ranh mà", bà Lan lại khóc.

    thu-thiem-10-7598-1542874263.jpg
    Bà Lan mếu máo trình bày bị cưỡng chế nhà đất. Ảnh: Hữu Khoa.

    Ông Đoàn Văn Phương (phường Bình An) nói rằng, sai phạm ở Thủ Thiêm do các lãnh đạo thành phố, quận 2 ở các nhiệm kỳ trước, không phải các lãnh đạo thành phố hiện tại.

    "Để giải quyết vấn đề này, tôi đề nghị đưa những cá nhân, tổ chức cố ý làm trái ra xét xử như ông Tất Thành Cang, không được dung túng ông ấy, để lấy lại niềm tin cho nhân dân", ông Phương nói và đề nghị trả lại 160 ha đất tái định cư (thành phố đã giao cho các dự án), đồng thời trả lại nhà đất 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch.

    Khi ông Lê Trường Sơn (phường An Phú) phát biểu về các vấn đề khác, dưới hội trường nhiều tiếng la ó vang lên, đề nghị ông ngừng đề cập để dành thời gian cho người khác nói về sai phạm Thủ Thiêm.

  • 14h30
     
    Là người thứ hai phát biểu, bà Nguyễn Thị Thuỳ Dương giọng khá gay gắt khi nhắc lại trường hợp gia đình mình bị cưỡng chế nhà đất dù nằm ngoài ranh quy hoạch. Bà chỉ ra trách nhiệm của chính quyền và công an quận 2 trong việc này, đồng thời đặt ra trách nhiệm giám sát của HĐND TP HCM.

    Ban tổ chức ngắt lời, yêu cầu nói ngắn gọn, bà Dương bức xúc: "Sai phạm gây đau khổ cho chúng tôi hàng chục năm trời, tôi chỉ nói chừng 5-6 phút...". 

    thu-thiem-8-9910-1542872422.jpg
    Bà Dương tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Hữu Khoa.

    Ông Nguyễn Tuấn Tú (phường Bình Khánh) nói rằng, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm không có đồ án quy hoạch 1/5000, không công khai quy hoạch chi tiết, không có quyết định thu hồi đất, không có phương án bồi thường, quyết định cưỡng chế của UBND quận 2 là vi phạm pháp luật...

    "Vai trò giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND ở đâu? Bà Quyết Tâm có thấy mình hoàn thành nhiệm vụ hay không?", ông chất vấn.

    thu-thiem-9-7549-1542873409.jpg
    Bà Tám đầy vẻ bức xúc khi cho rằng rất nhiều lãnh đạo thành phố thời kỳ trước đã sai phạm, khiến bà và hàng trăm người phải khổ. Ảnh: Hữu Khoa.

    Được mời phát biểu, bà Nguyễn Thị Tám (ngụ phường Bình Khánh) nói, biết đây là buổi tiếp xúc cuối cùng của bà Quyết Tâm trên cương vị đại biểu, Chủ tịch HĐND thành phố, nên đề nghị cho người dân Thủ Thiêm nói hết những điều muốn nói. "Bao nhiêu năm qua, chúng tôi khổ sở đầu đường xó chợ. Các vị ngồi máy lạnh nên phải để cho chúng tôi nói, đừng cắt âm thanh", giọng bà Tám bắt đầu gay gắt.

    Đề cập về vấn đề trong hay ngoài ranh quy hoạch, bà Tám nhắc lại việc Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân từng nói "nhà chị ngoài ranh thì chị cứ về cất nhà mà ở". "Năm hết tết đến rồi, nếu vẫn không giải quyết được thì chúng tôi sẽ về cất nhà để cúng ông bà tôi. Cha mẹ tôi 8 năm nay không có người cúng rồi", bà nói.

    Tiếp đó, bà Tám yêu cầu các cấp chính quyền phải xử lý những cán bộ sai phạm, trong đó nghiêm trọng nhất là ông Tất Thành Cang - Phó bí thư Thường trực TP HCM. Bà cũng chất vấn đại biểu Trịnh Ngọc Thuý (Phó chánh án TAND TP HCM): "Vì sao các vụ kiện của chúng tôi, tòa đều xử thua?".

    Sau mỗi phát biểu của cử tri, cả khán phòng lại vang tiếng vỗ tay.

  • 14h00
     
    Bà Trịnh Ngọc Thuý thay mặt tổ đại biểu báo cáo một số kết quả của kỳ họp Quốc hội vừa qua như: bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước, phê chuẩn ông Nguyễn Mạnh Hùng làm Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông, thông qua các Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, các dự án luật...

    Tiếp đó, ông Nguyễn Hồng Hà thông báo về chương trình dự kiến kỳ họp cuối năm của HĐND thành phố, khai mạc ngày 4/12 và kéo dài 4 ngày.

    thu-thiem-6-5462-1542871007.jpg
    Bà Thúy (trái) và tổ Đại biểu Quốc Hội - HĐND TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

    Mở đầu phần phát biểu ý kiến của cử tri, bà Lê Thị Nga (phường An Khánh) nói về trường hợp gia đình bà bị cưỡng chế, đem đi tất cả tài sản và đến nay chưa trả lại.

  • 13h50
     
    Hàng trăm người dân có mặt rất sớm tại Nhà thiếu nhi quận 2. An ninh thắt chặt, chỉ những người có giấy mời mới được vào trong.

    thu-thiem-1-2579-1542869399.jpg
    Người dân đăng ký phát biểu với tổ Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Hữu Khoa.

    Ông Phạm Văn Thoi (ngụ phường Bình Khánh, hiện ở phường Cát Lái) tranh thủ đến trước buổi làm việc một tiếng để đăng ký phát biểu nhưng chờ đến gần 13h30 ban tổ chức mới phát phiếu. "Ai cũng muốn được nêu ý kiến nên giành giật nhau đăng ký. Phiếu của tôi số 38, chắc không đến lượt phát biểu rồi", ông Thoi nói.

    thu-thiem-3-3793-1542869865.jpg
    Hội trường khoảng 300 chỗ ngồi trước giờ làm việc. Ảnh: Hữu Khoa.

    Tổ đại biểu Quốc hội TP HCM do bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TP HCM) dẫn đầu sẽ tiếp xúc cử tri tại quận 2 sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 vừa diễn ra. Ngoài bà Tâm còn có ông Phan Nguyễn Như Khuê (Phó Đoàn đại biểu Quốc hội) và bà Trịnh Ngọc Thúy (Phó chánh án TAND TP HCM).

    Ngoài ra còn có hai đại biểu HĐND thành phố là ông Nguyễn Văn Hiếu (Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành uỷ) và ông Nguyễn Hồng Hà (Bí thư Đảng uỷ Tổng công ty Văn hoá Sài Gòn).

    thu-thiem-4-3462-1542869866.jpg
    14h mới bắt đầu buổi tiếp xúc nhưng bà Lê Thị The (71 tuổi, phường Bình An) tranh thủ đến sớm để mong gặp Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Hữu Khoa.

  • Liên quan các khiếu kiện tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngày 4/9 Thanh tra Chính phủ kết luận: TP HCM, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ có nhiều sai phạm trong quá trình quy hoạch Thủ Thiêm, phá vỡ quy hoạch Thủ tướng phê duyệt; thể hiện sự buông lỏng quản lý, sử dụng đất. UBND TP HCM được yêu cầu làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân.

    Ngày 18/10, trong lần đầu gặp người dân Thủ Thiêm sau ý kiến của thanh tra, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong làm việc với khoảng 30 hộ ở Khu phố 1, phường Bình An - thuộc khu vực 4,3 ha được Thanh tra Chính phủ xác định nằm ngoài ranh quy hoạch.

    Thành phố đề xuất giải pháp bồi thường là hoán đổi đất ngang giá trị, cùng mục đích. 3 khu đất đối diện tiếp giáp cầu Bình Khánh, rộng khoảng 18.000 m2 được chọn để thẩm định, làm căn cứ hoán đổi.

    Hiện, thành phố đã xác định được ranh quy hoạch khu 4,3 ha trên bản đồ và sẽ xin ý kiến Thường vụ Thành ủy, Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý. Sau đó thành phố họp dân để thông báo và cắm mốc cụ thể toàn khu, xác định ranh cụ thể của từng trường hợp.

    Với những cá nhân và tập thể liên quan sai phạm như: UBND thành phố, UBND quận 2, các phường và lãnh đạo Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm qua các thời kỳ... trong tuần sau UBND thành phố báo cáo Thành ủy, hoàn tất việc kiểm điểm trong tháng 11.

    THu-thiem-12-2886-1541576100-1904-154287
    Trưởng ban tiếp dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp luôn có mặt trong các buổi làm việc giữa lãnh đạo TP HCM và người Thủ Thiêm. 

    Đến ngày 7 và 14/11, ông Nguyễn Thành Phong gặp gỡ gần 100 hộ dân ở 5 phường (Bình An, Bình Khánh, An Khánh, Thủ Thiêm và An Lợi Đông) để trao đổi về 10 nội dung chính sách hỗ trợ bổ sung. Tuy nhiên, người dân không quan tâm bởi cho rằng họ không thuộc đối tượng này, nhà đất của họ cũng nằm ngoài ranh quy hoạch như khu vực 4,3 ha. Đồng thời, họ yêu cầu phải khởi tố các cán bộ liên quan đến sai phạm ở đại dự án này.
    Khu đô thị Thủ Thiêm nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 và chỉ cách 300 m đường chim bay. Đây là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP HCM, được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á, có các chức năng về tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí...

    Hơn 20 năm sau quy hoạch, dự án đã giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại từ thành phố đến trung ương trong nhiều năm liền, cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định của thủ tướng năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sai quy định.
     Ban Thời sự

6 nhận xét :

  1. Đúng là phải quy trách nhiệm cho HĐND. Họ giám sát gì? đại diện cho ai mà để sai phạm như vậy giờ lại đứng ra nói nhăng nói cuội như đám vô can... Đặc biệt là bà Tâm mặt dày. không làm được gì cho dân còn ăn nói lỗ mãng gây bức xúc...

    Trả lờiXóa
  2. Tôi tự đặt câu hỏi: gần 20 mươi năm nhân dân cơm nắm đến nơi tiếp dân của đảng và chính phủ mà không giải được gì, oan vẫn hoàn oan. Vậy đặt ra tổ chức này làm gì?
    Bao nhiêu công an được huy động để đàn áp dân, bảo vệ bọn giặc tham nhũng. Liệu nay các anh đã tỉnh, đã nhận biết bọn giặc nội sâm lừa dối đi đàn áp dân lành. Các anh hãy tĩnh tâm, các anh nhớ các anh là "công an nhân dân", dân nuôi thì có nghĩa vụ bảo vệ nhân dân. Nay bọn giặc nội sâm đã lộ diện, các anh phải hành động để về sống trong lòng dân. Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân.

    Trả lờiXóa
  3. Tặng bà con dân oan câu thơ của ông trùm cộng sản Tố Hữu : " Bạn ơi , nguồn thảm sầu kia bởi / số phận hay do chế độ này ? Vậy phải loại bỏ tận gốc , loại bỏ nguyên nhân gây ra sầu thảm cho dân ta bà con nhé .

    Trả lờiXóa
  4. tội ác quá khủng khiếp nhưng cơ quan tiến hành tố tụng chưa chịu truy cưu trách nhiêm hình sư và dân sự ...tính sao đây bà con?

    Trả lờiXóa
  5. Bà con thông cảm nhé,bọn tui cùng băng đảng với nhau,môi hở thì răng lạnh nên phải che chắn,bảo vệ cho nhau.
    "Cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi".

    Trả lờiXóa
  6. Thưa bà con, bà con nhầm rồi: Đại biểu QH chỉ là những ông bà gật thôi, họ chỉ là bình phong thôi. Thủ phạm chính là Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua ... và nhiều tay bự ở trung ương.

    Trả lờiXóa