Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

Luân Lê: SỰ TRỐNG RỖNG CỦA TINH THẦN


SỰ TRỐNG RỖNG CỦA TINH THẦN

Luân Lê
6-11- 2018 


Tôi nói thật là những con người chẳng hiểu gì về luật pháp và triết học chính trị thì thường phát ngôn rất thiếu hiểu biết. Họ đổ lỗi cho con người, trong khi cái quan trọng của một thể chế chính là cách tổ chức cái hệ thống đó.

Cái kiềng một chân thì không thể đứng như chiếc kiềng ba chân. Vậy mà họ cứ lờ tịt vấn đề cốt yếu nhất của vấn đề tổ chức quyền lực. Người ta giao quyền lực là cho một hệ thống các thiết chế, chứ không phải giao cho con người cụ thể. Nên cụ thể vấn đề con người là đi ngược lại logic thông thường và phản khoa học.

Ngay cả Karl Marx, ông tổ của chủ nghĩa cộng sản, thì ông ta vẫn muốn sống một cuộc đời của giới thượng lưu nhờ vào gia tài kếch xù của vợ và của người bạn doanh nhân thành đạt Engels. Và ông ta viết ra chủ nghĩa cộng sản thực ra để làm gì, ngoài việc phân phối lại tài sản và của cải của xã hội và trong đó cả việc thâu tóm quyền lực vào đảng cộng sản, đại diện cho giai cấp công nhân nghèo khổ?

Chính vì cái mong muốn và mưu cầu về một cuộc sống tốt đẹp hơn, sung túc hơn, dựa trên chính những sự đòi hỏi trong tâm tưởng và cả mặt thể xác, nên lòng tham là một thuộc tính rõ ràng không cần phải bàn cãi ở con người. Hơn nữa, việc con người phải biết nắm bắt lấy cơ hội hoặc tạo ra cơ hội cho chính mình là điều đáng hoan nghênh và tán thưởng. Nó chỉ trở nên xấu xí khi điều đó được cổ vũ hoặc bị bỏ mặc để họ trục lợi mà hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì.

Như Platon cũng vậy, ông ta cũng mong muốn một xã hội được cai trị bởi những người minh triết và đạo đức. Nhưng rồi ông ta cũng thất bại, bởi không có đạo đức nào tự nó có hiệu lực đối với xã hội nếu không cưỡng buộc người khác phải thực hiện một khi nền tảng cơ bản của nơi đó là luật pháp vẫn chưa có và chưa đứng vững.

Con người ở Mỹ, ở Anh hay Singapore hoặc Nhật, cũng như chúng ta thôi, nếu đưa vào trong một thể chế độc đảng và độc quyền quyền lực, không có sự phân tách quyền lực chính trị thì cũng trở nên bất dụng vì cơ chế và hệ thống vận hành không cho phép hoặc không đủ khả năng tạo cho họ những thẩm quyền hoặc phạm vi để hành động. Và ngược lại, mỗi con người Việt Nam khi được đưa vào hệ thống công quyền trong những quốc gia nêu trên cũng sẽ phải tuân theo những gì mà thể chế đó thiết kế và vận hành, họ cũng sẽ trở thành những con người mẫn cán, liêm chính và bị ràng buộc bởi luật pháp với chế tài đủ sức để họ không dám hoặc không thể tham nhũng hay lạm quyền được nữa.

Lord Acton đã nói, quyền lực tuyệt đối thì tha hoá tuyệt đối. John Locke thì cũng đồng tình với một nguyên lý, chính quyền không thể vừa lập pháp lại vừa hành pháp và lại có cả quyền xét xử, vì nó có thể tạo ra một con quái vật như Hobbes đã nói.

Vì vậy, để cho quyền lực không bị lũng đoạt và tha hoá, người ta phải bàn về vấn đề kiểm soát quyền lực, chứ không phải vấn đề con người cụ thể. Điều kiện con người cụ thể chỉ là phái sinh và là đòi hỏi bắt buộc khi diễn ra cuộc bầu cử hoặc việc bổ nhiệm vào vị trí chính trị đó trong một thời điểm. Và con người thì luôn biến đổi như không ai tắm hai lần trên một dòng sông (Heraclitus), nên cơ chế mới có thể kiểm soát con người chứ con người không thể bất định trước quyền lực hay chính mình trong mọi thời khắc.

Đừng chờ mong sự minh triết và đạo đức của người lãnh đạo theo kiểu quân thần. Nó chỉ thích hợp cho chế độ quân chủ chuyên chế hoặc độc tài quân phiệt (cả chế độ quả đầu). Và ở trong tình cảnh đó, nó sẽ phải đối mặt với sự biến chuyển của con người đạo đức đứng đầu, và sau đó là một khoảng trống không thể bù lắp mà có thể gây ra sự hỗn loạn do chuyển đổi quyền lực. Hơn hết là độc tài cá nhân dễ dẫn tới chế độ chuyên chế tàn bạo hoặc sự toàn trị tuyệt đối (Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Franco...).

Chúng ta cần một cánh cửa an toàn để bảo vệ ngôi nhà, chứ không cần một người giúp việc được cho là tốt ngồi canh cửa mà họ có thể lấy cắp của cải trong nhà và bỏ đi bất cứ lúc nào.

https://vtc.vn/nhung-ke-co-hoi-chinh-tri-chui-sau-leo-cao-se-pha-huy-ca-trat-tu-quan-ly-d437070.html

5 nhận xét :

  1. Bài viết phân tích thật xác đáng, rõ ràng.
    Cảm ơn tác giả Lê Văn Luân!

    Trả lờiXóa
  2. Túm lại , là cần thay đổi tận gốc rễ cái hệ thống , cái cơ chế đã quá lỗi thời là nguyên nhân căn bản của tình trạng xã hội tha hóa hiện nay .

    Trả lờiXóa
  3. Rất Cám ơn Luật sư kiêm nhiệm Triết gia.
    Con người ở Mỹ, ở Anh hay Singapore hoặc Nhật, cũng như chúng ta thôi, nếu đưa vào trong một thể chế độc đảng và độc quyền quyền lực, không có sự phân tách quyền lực chính trị thì cũng trở nên bất dụng vì cơ chế và hệ thống vận hành không cho phép hoặc không đủ khả năng tạo cho họ những thẩm quyền hoặc phạm vi để hành động. Và ngược lại, mỗi con người Việt Nam khi được đưa vào hệ thống công quyền trong những quốc gia nêu trên cũng sẽ phải tuân theo những gì mà thể chế đó thiết kế và vận hành, họ cũng sẽ trở thành những con người mẫn cán, liêm chính và bị ràng buộc bởi luật pháp với chế tài đủ sức để họ không dám hoặc không thể tham nhũng hay lạm quyền được nữa.

    Trả lờiXóa
  4. Rất đúng. Cảm ơn bạn Lê Luân. Giá ai cũng hiểu được chân lý này !....

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết rất xác đáng. Xin cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa