Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

BỌN "SAO ĐỎ" CHÍNH LÀ MẦM YÊU NGHIỆT CỦA XÃ HỘI


Sao đỏ - "hồng vệ binh", nỗi ám ảnh của học trò

Đăng Bình
 
Báo Giáo dục
07:52 27/11/18

(GDVN) - Trong thực tế, đội cờ đỏ hoạt động chẳng khác nào đội quân chuyên rình rập, bắt bớ, ra oai với bạn bè. Có em còn lợi dụng sự sợ hãi của bạn để mưu cầu lợi ích.

Tại sao con không muốn làm lớp trưởng nữa?
Lớp trưởng và đội sao đỏ có phải là nguyên nhân gây ra bạo lực học đường?
Trao quyền cho sao đỏ, lớp trưởng là tiếp tay cho bạo lực học đường?

LTS: Trong các trường học hiện nay (từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông) đều có đội Sao đỏ.  Tuy nhiên, trước thực trạng hoạt động của đội sao đỏ hiện nay, cô giáo Đăng Bình đã có bài viết chia sẻ. Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Từ cấp tiểu học đến các bậc học phổ thông, trường học nào cũng có đội sao đỏ. Đây là một hình thức tự quản của học sinh.

Mục đích thành lập ra đội sao đỏ là quan sát, theo dõi mọi hoạt động, nề nếp của học sinh trong trường, giúp giáo viên giáo dục những học sinh vi phạm và kịp thời tuyên dương những em có những việc làm gương mẫu, nổi trội. Từ đó, giúp học sinh tự rèn luyện và thực hiện tốt những nội quy của nhà trường đề ra.

Thế nhưng trong thực tế ở một số trường, đội cờ đỏ hoạt động chẳng khác nào đội quân chuyên rình rập, bắt bớ và ra oai với bạn bè. Đã có em còn biết lợi dụng sự sợ hãi của các bạn để mưu cầu lợi ích riêng.

Bởi thế, nói chung ở nhiều trường hiện nay, đội sao đỏ đang trở thành nỗi “ám ảnh” của không ít học sinh trong trường.

Chẳng khác gì canh “tội phạm”

Đứng quan sát một lúc tại bất kì cổng trường nào vào giờ đi học, giờ ra về cũng dễ dàng bắt gặp vài ba em tay lăm lăm cuốn vở và cây viết để sẵn sàng ghi tên những học sinh vi phạm vào sổ.

Có em đi học muộn thấy cờ đỏ đứng canh ngoài cổng đã run sợ rúm ró cả người. Em lấy tay bịt chặt bảng tên trước ngực không cho cờ đỏ ghi tên. Vài ba bạn miệng la lớn, lấy tay vạch áo bạn để ghi bằng được tên.

Có học sinh không có bảng tên nhưng hoảng quá nói đại một tên khác, học ở một lớp khác để thoát tội. Sau đó thì hỉ hả vào khoe với các bạn như một chiến tích đáng tự hào.

Hay cái cảnh cờ đỏ rượt học sinh không đội mũ bảo hiểm chạy thục mạng để xem học lớp nào. Có bạn trống trường vừa điểm chỉ một vài giây nhưng van xin cờ đỏ tha cho để vào lớp mà không được.

Vào đầu mỗi buổi học, học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông đều có 15 phút đầu giờ.

Lớp nào cũng có một cờ đỏ đứng canh ngoài cửa xem lớp có sinh hoạt đầu giờ không? Sinh hoạt có trật tự hay vẫn ồn ào?...Có những học sinh nói rằng mình chỉ hỏi bạn có vài câu cũng bị cờ đỏ ghi ngay vào sổ tội mất trật tự.

Vào những giờ ra chơi, trong khi học sinh vui chơi, đọc sách, cờ đỏ cũng lăm lăm cuốn sổ ngó nghiêng chỉ để tìm bạn nào không mang dép, bạn nào vô ý văng tục…

Nội quy nhà trường có nhiều, sơ sẩy một chút là có tên trong sổ trực. Trường cấm mua hàng rong ngoài cổng, có bạn khát nước quá chạy ra mua bịch nước cũng phải lén la lén lút như người ăn trộm.

Nếu hỏi học sinh “trong trường sợ ai nhất” không ít câu trả lời rằng “sợ nhất đội cờ đỏ”. Bởi, cứ có tên trong sổ cờ đỏ bất cần biết phạm lỗi lần đầu hay thường xuyên vi phạm thì cũng sẽ bị thầy cô nhẹ thì nhắc nhở, nặng sẽ phạt đòn…

Nhiều bạn trong đội cờ đỏ tự cho mình cái quyền nạt nộ, hạch sách các bạn. Các em đội cờ đỏ vui mừng khi thấy bạn van xin, năn nỉ tha cho.

Ý thức được “sức mạnh”, “quyền uy” của mình, không ít cờ đỏ ra oai, lên mặt với các bạn.

Một số học sinh thường xuyên vi phạm cũng sợ mình bị ghi tên nhiều vào sổ đã nghĩ ra nhiều cách lấy lòng đội cờ đỏ như cho tiền mỗi ngày (gọi trắng ra là tiền cống nạp).

Đã có không ít lần chúng tôi phải xử lý tình trạng phụ huynh phản ánh con họ lấy cắp tiền của cha mẹ, truy hỏi kĩ mới biết “hối lộ” cho anh cờ đỏ để khỏi bị ghi tên mỗi khi phạm lỗi.

Xin cho con không làm cờ đỏ

Đã có phụ huynh đến trường đặt vấn đề thẳng với giáo viên “xin cô cho con tôi không phải làm cờ đỏ”.

Hỏi ra được biết “từ ngày cháu làm cờ đỏ tôi thấy nó thay đổi khá nhiều. Tôi sợ có khi con sẽ hư lúc nào không hay”.

Rồi chị kể thường ngày đi học về, cháu hay khoe hôm nay bắt được bạn A nói tục, bạn B đi học muộn hay bạn C mua quà ngoài cổng. Mấy bạn năn nỉ xin gần chết và hứa cho con đồ chơi con mới tha cho. Cái giọng kể đầy tự hào sung sướng.

Có chị lại nói rằng, con mình thay đổi tính nết từ khi vào đội cờ đỏ. Chị cho biết, trước đây cậu bé luôn nhường nhịn và chiều chuộng em nhưng nhiều tháng gần đây không còn điềm đạm, cưng chiều như trước. Không vừa lòng điều gì thì mắng mỏ và lên giọng đàn anh quát nạt.

Theo dõi mãi mới biết con làm trong đội cờ đỏ nên sợ con sẽ học cái tính quát nạt bạn bè sẽ hư.

Có phụ huynh cũng thẳng thắn nói rằng, tôi sợ con nhiễm thói xấu vì nhiều lần nó khoe được bạn cho bánh nên đã không ghi tên bạn vào sổ.

Chuyện theo dõi học sinh để nhắc nhở, giáo dục các em là nhiệm vụ của giáo viên, của giám thị. Đừng khoác trách nhiệm lớn lao này trên đầu con trẻ. Hãy để các em sống vô tư hồn nhiên đúng như tuổi các em cần được hưởng. 
Đăng Bình

3 nhận xét :

  1. Tuy các em học sinh chưa đủ tư duy để đánh giá một cách đầy đủ những tác hại gây ra của việc thành lập “đội sao đỏ” nhưng, những lời tâm sự rất thật của các em học sinh và những lo ngại của phụ huynh không thể coi nhẹ! Xem ra cái cơ chế hủi lậu, bệnh tật này khó có thể thay đổi một sớm một chiều, nhưng tôi tin vào tình yêu của các bậc phụ huynh với con họ, những phụ huynh tôi gặp ngoài đời/trên báo không ngần ngại từ chối việc điều trị bệnh/nhịn ăn/.... chỉ vì tương lai cho những đứa con thì, việc chăm lo tới khả năng sống hòa hợp với cộng đồng và khả năng làm việc được ở môi trường tập thể/đơn lẻ ... tạo điều kiện để những đứa con mình có cuộc sống ý nghĩa hơn trong tương lai là chuyện bình thường của những bậc phụ huynh như thế! Thử hỏi, ai muốn sống, làm việc ... trong một cộng đồng “theo dõi” nhau? .... Mới chỉ nghĩ thôi mà đã thấy ngột ngạt!
    Còn một khía cạnh nữa xin được thưa với cô giáo Dương Bình thế này, Kể cả cái "mục đích thành lập đội sao đỏ" được cô đồng tình có đúng đến mấy và việc gv có chấp hành chính xác như cái “mục đích” của nó (được cô nêu ở trên) thì, việc giáo viên đánh giá/cân nhắc những phương pháp để 'dạy dỗ'/khen/chê học sinh không thể chính xác/ công bằng/hiệu quả ... khi gv dựa vào những bản 'báo cáo'/'theo dõi' từ các em học sinh không có chuyên môn, không được đào tạo bài bản!? Đấy là chưa nói đến việc giáo viên lạm dụng quyền hạn đòi hỏi học sinh làm những việc không đúng với mục đích đến trường để học cách làm người, để học cách chung sống với bạn bè, để học kiến thức! Cám ơn cô Dương Bình đã chia xẻ với cộng đồng và cơ hội để cộng đồng chia xẻ! Cám ơn Tễu

    Trả lờiXóa
  2. " Tai mắt nhân dân " ; Mầm ươm từ bé , soi mói rình mò người khác để báo cáo ... thành tích .

    Trả lờiXóa
  3. Nền giáo dục dựa trên sự sợ hãi là nền giáo dục Phản Giáo Dục!

    Trả lờiXóa