Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

BA TÍNH TRẠNG GIÁO DỤC

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
 
Luân Lê: BA TÍNH TRẠNG GIÁO DỤC: Yêu thương, trừng phạt và nuông chiều, ba thứ phải được đặt vào cùng trong một bối cảnh rõ ràng và có sự sắp xếp hợp lý trong việc chăm sóc và giáo dục đứa trẻ. Nếu không cái cây sẽ trở nên hoặc cằn cỗi, hoặc quá yếu ớt trước chính bản thân chúng và trước cuộc đời rộng lớn mà chúng không thể nào thích nghi và dung hoà vào nổi. Đó là sự huỷ hoại khủng khiếp nhất mà những người trưởng thành phải nhận thức ra để có thể làm tốt nhất trách nhiệm cũng như bổn phận của mình đối với những đứa trẻ hồn nhiên và trong sáng.

Cái Khả Thể
27 - 11 - 2018

BA TÍNH TRẠNG GIÁO DỤC

Một đứa trẻ bị thương tổn về mặt thể xác có thể dễ dàng quên đi trong một khoảng thời gian sau đó. Nhưng những đau đớn về tinh thần và những ám ảnh về mặt tâm lý trong trí não cũng như tâm hồn của chúng mới là hậu quả tai hại mà những sự trừng phạt của người lớn đem tới nhưng họ dường như không mấy khi để tâm đến.

Đánh đòn đau bằng roi, đồ vật, quát mắng, chửi bới, la lối, bỏ mặc, hắt hủi, làm cho khổ cực, ngược đãi, đều khiến cho những đứa trẻ, có thể ban đầu trở nên tuân phục và vâng lời, nhưng dần chúng sẽ trở nên mất đi thiên hướng lương thiện. Quan trọng không phải đơn giản chỉ là một vấn đề của hiện tại, mà nó làm cho biến dạng cả tương lai sau này của đứa trẻ.

Nó sẽ trở nên độc đoán, khắc nghiệt, xu hướng bạo lực, tâm lý bất ổn và đầy sự ác cảm, hằn học. Cái mà đứa trẻ khi lớn lên không thể có được đó là nó thường xuyên bị dày vò và cảm thấy mặc cảm về quá khứ trong cái tâm tư tự nó. Nó chẳng cần chia sẻ, thậm chí sự chia sẻ lại trở thành tối kỵ cũng như là một sự tố cáo hay làm nhục chúng trước người khác. Và các phương cách mà nó sử dụng, sẽ tương đồng về cách mà chúng đã từng phải nhận lấy khi còn trẻ, sẽ tăng hơn về mức độ và dày hơn về mật độ. Đứa trẻ khi trưởng thành này sẽ đòi hỏi và hà khắc hơn về các điều kiện và đòi hỏi với đứa trẻ mà nó có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục.

Chính vì thương tổn tâm lý ở một đứa trẻ không thể hàn gắn lại được một khi nó đã bị làm cho rách toạc ra hay bị dẫm đạp lên bằng các hình thức trừng phạt có tính chất làm đau đớn và lăng mạ. Nó sẽ không thể cởi mở hay rũ bỏ được các trạng thái tâm lý ngày càng bị đóng kín lại, và do vậy là ngày càng dữ dội hơn. Đến khi nó không thể chịu đựng thêm nữa, nó sẽ nghĩ đến việc trả thù, đáp trả một cách đích đáng người đã đối xử tồi tệ hay tàn ác với chúng. Nếu không thể ngay lúc đó, chúng sẽ dành cho những người mà sau này sẽ gắn bó với cuộc sống của chúng, hoặc sẽ trở thành một tội phạm thường trực trong tâm tưởng và thực hiện nó một cách quái dị, man rợ.

Những sợ hãi hay nỗi đau đớn có thê làm tăng mức độ thích ứng của con người với nghịch cảnh, nhưng cũng có thể chính nó sẽ tạo ra một con người hung bạo hoặc những tên tội phạm ngoài sức tưởng tượng của con người như một sự giải phóng những năng lượng của sự bất ổn, phẫn uất, đau thương tích tụ từ quãng đời thơ ấu. Nó như một ngòi nổ chỉ được chờ châm lửa là tạo thành một cơn địa chấn cuốn phăng đi tất cả.

Ngược lại, không phải vì việc tránh các hình phạt hoặc các sự ngược đãi, ở dưới mọi hình thức của nó, chúng ta lại trở nên nuông chiều và không ngớt lời khen ngợi một cách lố bịch và thái quá những khả năng hay nhân tính của đứa trẻ. Ta nhận ra rằng, yêu thương và chiều chuộng không bao giờ là những đại lượng có thể song hành cùng nhau một cách tốt đẹp, cũng như yêu thương và trừng phạt cũng không thể một cách tương tự như vậy.

Yêu thương chừng mực và giữ khoảng cách để tạo ra những sự kiện, không gian và môi trường để cho chúng tự mình có thể đối diện và giải quyết vấn đề. Chúng cũng phải tự tìm cách tìm người trợ giúp hoặc liên kết hoặc sau khi ta có sự gợi ý về điều đó. Nhưng không có nghĩa chúng ta sắn tay vào và làm thay cho chúng việc mà chúng đang cần phải giải quyết. Chúng ta có thể khích lệ sự chủ động và từ đó là chúng ta không nên và cũng hoàn toàn không được phép chê bai các kết quả của hành động do sự lựa chọn của chính chúng đưa đến hay đem lại. Chúng ta chỉ có thể đưa ra sự thừa nhận rằng, về khả năng và cơ hội thực tế, chính chúng có thể làm tốt hơn nữa và bằng việc thử làm một cách khác xem sao.

Chính bởi cái trách nhiệm và sự giữ gìn cũng như tôn trọng cái tư duy tự lập và chủ động của đứa trẻ chính là sự khẳng định vai trò và giá trị lớn nhất của một người định hướng. Nó tạo ra một đứa trẻ tự tin, tự chủ, tự lập và cuối cùng là đạt được sự tự do. Nó không bị gò ép và bó buộc mà có thể tự tạo không gian hay thế giới riêng cho mình và theo đúng cái cách mà bản thân chúng mong muốn, kỳ vọng. Người lớn không cần và không còn phải mệt nhọc hay trở nên là người phải đưa ra quá nhiều quyết định trong cuộc đời chúng và từ đó cũng sẽ không xâm phạm vào những giá trị, phẩm chất thuộc về cái tự thân chúng.

Yêu thương, trừng phạt và nuông chiều, ba thứ phải được đặt vào cùng trong một bối cảnh rõ ràng và có sự sắp xếp hợp lý trong việc chăm sóc và giáo dục đứa trẻ. Nếu không cái cây sẽ trở nên hoặc cằn cỗi, hoặc quá yếu ớt trước chính bản thân chúng và trước cuộc đời rộng lớn mà chúng không thể nào thích nghi và dung hoà vào nổi. Đó là sự huỷ hoại khủng khiếp nhất mà những người trưởng thành phải nhận thức ra để có thể làm tốt nhất trách nhiệm cũng như bổn phận của mình đối với những đứa trẻ hồn nhiên và trong sáng.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét