Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

Văn Giá: NHỚ HÔM NÀO U ĐI MUA ÁO CHO CON

Cụ bà Tống Thị Lịch. Mẹ của Nhà văn Văn Giá

U ĐI MUA ÁO CHO CON


Văn Giá 


Cái thời học đại học ở Xuân Hòa thật là một thời…thổ tả. Trường mới thành lập xong. Thị trấn hoang sơ, thưa thớt người. Chỉ có ĐH Kiến trúc, ĐHSP và xa xa là Cao đẳng xây dựng. Chợ búa thì chỉ có sắn và mía. Hai thứ ngon bổ rẻ, vừa túi tiền sinh viên.

Mình con trai nhà quê lơ ngơ đi học. Trường học không đủ nước máy. Điện đóm phập phù, khi có khi không. Nhiều đêm phải thắp đèn dầu làm bài, đọc sách.


Cánh con trai mỗi khi muốn tắm đều phải rủ nhau ra giếng, một cái giếng chơ vơ giữa đồi. Phải kéo từng gầu, dội vào người ì oạp. Nhà tắm chả có, chỉ con trai với nhau, cứ thế trần truồng. 

Một trưa, đi tắm về tới phòng, nhìn thấy mấy thằng phơi quần áo, mình cũng nhớ ra là phải đi phơi. Quái, túi quần áo để đâu không thấy. Tìm mãi. Lúc sau nhớ ra, bỏ quên ngoài giếng.

Tá hỏa chạy ra tới nơi. Có vài thằng con trai đang cởi truồng. Hỏi, nó bảo không hề thấy cái túi quần áo nào. Thẫn thờ trở về phòng. Đêm ấy, ngoài sân vận động chiếu phim. Cả phòng đi xem phim hết. Riêng mình không có quần áo đủ ấm để đi, nằm ôm chăn tủi thân khóc như con trẻ. Thật chả ra làm sao.

Mấy hôm, đánh duy nhất một bộ trên người. Chờ đến chủ nhật, bắt xe về quê. Đêm ấy thầm thì với u, không dám nói to, sợ bố biết bố mắng. U bảo từ nay con phải cẩn thận, con có cái tính hay quên; nhà mình đã nghèo, mất cái gì cũng khổ…Mình bảo u cố gắng kiếm cho con ít tiền để mua một bộ, chứ không “nhất bộ” thì khổ lắm. U không nói gì…

Hôm sau, trước khi lên trường, đang trưa u ở đâu về gọi riêng ra thì thầm: “U nghĩ đồng tiền bây giờ cũng khó kiếm ngay được. U mới liều ra ngoài nhà chú S. Chú ấy mới đi bộ đội về. U nói khó, rồi chú ấy để cho bộ quần áo bộ đội. Chắc con mặc đẹp lắm. Chú ấy vẫn cho nợ. Ít nữa ở nhà u sẽ lo liệu sau. Con cứ yên tâm. Thử cho u xem có vừa không nào?...”.

Mình sướng quá, thử liền. Ôi chao, bộ quân phục theo số đo của chú ấy, nên vừa rộng vừa dài. U bảo: con mang lên trường, ra ngoài hiệu may nhờ cắt bớt gấu chút cho nó vừa. Còn áo, bỏ trong quần thì ai biết là dài…

Mình lên trường. Sớm hôm sau mang bộ quân phục ra mặc. Bọn con trai trố mắt. Mấy đứa con gái bảo mày mặc bộ này vào trông đỡ “bụ sữa”, ý là đỡ trẻ con. Mấy anh bộ đội học cùng lớp xem thường ra mặt, bảo mày mua ở Ga Hàng Cỏ chứ gì…Với mấy tay bộ đội, quân phục phải là độc quyền. Bọn sinh viên vắt mũi chưa sạch đã chơi trèo.

Bộ quân phục ấy theo mình có lẽ gần suốt bốn năm đại học. Lần nào về, mình cũng hỏi u đã giả tiền cho chú S chưa. U bảo việc của con là đi học, sao con cứ phải hỏi kỹ thế.

Sau này mình mới biết u dành dụm tiền, chừng 2 năm sau mới trả được cho chú S. Khi trả, chú lại bớt cho mấy đồng, bảo cho cháu nó đi đường uống nước.

Bây giờ, nếu không là quân nhân, chả ai mặc quân phục nữa. Ấy thế mà cả tuổi sinh viên, bộ quân phục ấy giúp cho mình ra bãi xem phim, giúp cho mình tự tin đến lớp…

Sau này, lúc U về già, vợ chồng mình thỉnh thoảng mua cho u tấm áo manh quần, cái khăn cái dép. Lần nào mang về cho u, u cũng mắng: “Mua gì mà lắm thế, u có mặc hết đâu, phí đi”. Mỗi lần như thế, mình lại nhớ cái bộ quân phục ấy.

Giờ thì chúng con chỉ được mua áo quần hàng mã cho u thôi….

12/10/2018
Nhân ngày giỗ đầu U
VG
________
.Tác giả Ngô Văn Giá, quê quán làng Liên Bộ, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Hội viên Hội Nhà văn. Và đã từng là Chủ nhiệm Khoa Viết Văn -Báo chí, ĐH Văn hóa.


5 nhận xét :

  1. Câu chuyện giản dị mà nói lên nhiều điều...Cảm động nhất là tấm tình người mẹ.

    Trả lờiXóa
  2. Thầy Văn Giá chưa kể tới những bữa ăn độn khoai, săn, ngô , gạo mốc . Mà vẫn cứ ngon . Bữa nào cũng cháy tới đít nồi, cánh thanh niên vẫn còn thòm hèm ! Ôi ! Thời oanh liệt nay chỉ còn trong kí ức những người từ U 70 trở lên !

    Trả lờiXóa
  3. Tôi cũng đã từng học ở Xuân Hòa. chắc sau tác giả vài năm, nên khi đó đã có thêm các truòng như : trung cấp cơ điện, công nhân việt xô, trung cấp xây dựng số 4 ( không phải cao đẳng ).
    Bài viết của tác giả thật cảm động về một thời đói khổ và tấm lòng bao la của cha mẹ, Thời đó đa số sinh viên chỉ có 2 bộ quần áo gọi là bộ nghiêm bộ nghỉ, đã vậy còn hay mất căp...
    Xuân hòa khi đó đúng là thế giới của sinh viên,chẳng có dân. ra chợ xuân hòa toàn là sinh viên các trường, nên hàng hóa trong chợ cũng chủ yếu phục vụ sinh viên. buổi tối trên vỉa hè khu vực chỗ trường sư phạm 2 và Đh kiến trúc còn có quán chiếu, có nghĩa là trải chiếu ra bày bán vài cái kẹo lạc, ấm nước chè, bao thuốc lá vài cái bánh trưng hay bánh sắn.. ở đó có con sông Cà lồ và cái cầu bằng cây ghép lại dập dềnh trên mặt nước khi có người xe qua lại. Có rất nhiều đồi troc với những bụi cây thấp lúp xúp chỗ hẹn hò lý tưởng cho các cặp đôi...
    Mới đó đã gần 40 năm rồi. bài viết gợi nhớ về một thời tuổi trẻ tưởng như đã ngủ yên. cảm ơn tác giả

    Trả lờiXóa
  4. Em may mắn vẫn còn U; Tết này U em 80 tuổi, vẫn khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Hàng ngày U em vẫn ăn trầu, răng vẫn chắc và đen nhánh. Mọi người bảo em sao trẻ thế sao không thay đổi cách xưng hô đi, gọi U bằng Mẹ cho đỡ cổ hủ? Cũng có khi em chỉ cười, cũng có khi em giải thích cho xong: gọi quen rồi bây giờ thay đổi thấy ngại! Nhưng kỳ thực em không muốn thay đổi thói quen đó: em vẫn gọi U xưng Em (không xưng là con như cái cách phần lớn phổ biến quê em từ khi em còn bé). Đọc bài của thầy Giá, lại đúng ngày này, tự nhiên em thấy nghẹn nghẹn! Em thương U, vì U sinh đông con quá(7 anh chị em), vất vả cả đời cho dù U luôn tự hào chồng là sỹ quan chỉ huy, có công với cách mạng. Nhưng chồng U, Thầy em chẳng có gì ngoài ít đồng lương đạm bạc thỉnh thoảng gửi về cho U nuôi anh chị em chúng em, mặc dù bao nhiêu năm Thầy em làm Trưởng Hậu cần của một tỉnh lớn. U hợp em nhất, vất vả với từ khi em lọt lòng cho tới khi em tốt nghiệp đại học mấy năm liền, thậm chí đến tận bây giờ khi em đã trở thành nhà khoa học mà U em vãn phải lo vì vợ chồng em vẫn phải đi trọ vì nghèo quá. Thât sự em thương U em lắm, mặc dù giờ đây U chẳng thiếu gì về vật chất vì nhà em đông anh chị em, các anh các chị thỉnh thoản cho U ít tiền để tiêu; lương nghiên cứu viên như em vẫn khốn đốn nhất nhà. Mong Trời, Phật luôn phù hộ cho U thật khỏe mạnh, minh mẫn để luôn "được" đón thằng con út và những đứa cháu về thăm U những dịp cuối tuần. A Di Đà Phật

    Trả lờiXóa