ĐBQH Dương Trung Quốc - Ảnh: VPQH
Báo cáo về quốc phòng của Chính phủ không nhắc đến hai từ 'Biển Đông', vì sao?
Một Thế giới
26/10/2018 15:18
Một Thế giới
26/10/2018 15:18
“Có một sự việc mà nhiều cử tri vẫn hỏi chúng tôi: Đã một năm trôi qua rồi, câu hỏi anh đặt ra ở Quốc hội đã ai trả lời chưa?", ĐBQH Dương Trung Quốc nói về vụ khiếu nại của người dân Đồng Tâm, Hà Nội.
Điều ông Dương Trung Quốc muốn nhắc đến chính là vụ Đồng Tâm, mà đến nay những câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.
Việc nhỏ nhưng mất lòng tin
Trong bài phát biểu của mình trước nghị trường, ông Dương Trung Quốc nêu vấn đề khiếu nại: “Có một sự việc mà nhiều cử tri vẫn hỏi chúng tôi: "Đã một năm trôi qua rồi, câu hỏi anh đặt ra ở Quốc hội đã ai trả lời chưa?"
“Đó chính là vụ việc liên quan đến Đồng Tâm, rằng cụ Kình, một cụ già 82 tuổi, tự làm gãy chân của mình (!). Lúc đó, cách trả lời của tôi là để cho dư luận đánh giá. Trong khi cụ Kình có văn bản gửi lên rằng nếu đó là kết luận thì cụ sẽ mắc một tội nặng là tội vu khống cho công an và cụ đề nghị xử lý.
“Văn bản của cụ Kình đề nghị đã gửi đi, đến cả Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đến hôm nay vẫn không ai trả lời. Chuyện tưởng như nhỏ nhưng lòng tin của người dân bị mất rất nhiều”, ông Quốc nói.
Theo đại biểu này, những vấn đề trên phải được trả lời ngay. Và cơ quan chức năng đủ sức để trả lời với tinh thần cầu thị, kể cả mọi sai lầm đều có thể khắc phục được nếu được người dân chia sẻ.
Chấm dứt kiểu phạt cho tồn tại
Theo ông Dương Trung Quốc, dự án Long Thành đã bàn suốt trong kỳ họp trước và hiện nay đang được khẩn trương triển khai. Nhưng đến thời điểm này, dân thì chờ đợi, chính quyền của Đồng Nai đã sẵn sàng, tiền đã có trong túi, nhưng từ tháng 5 đến giờ văn bản trình cho Chính phủ vẫn chưa được thông qua.
“Ai cũng biết rằng, thời gian là tiền bạc. Nhưng bài học mà các vị đã nêu lên liên quan đến các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM cho thấy, càng kéo dài, càng phức tạp, càng khó khăn. Tôi kính mong Thủ tướng chỉ đạo triển khai để cho dự án Long Thành sẽ trở thành hiện thực, đồng thời Bộ Giao thông cũng nên triển khai ngay kế hoạch để kết nối các đường giao thông để cho đồng bộ”, ông Quốc nói.
Ông Quốc cũng kiến nghị Thủ tướng sớm có lộ trình chấm dứt cái gọi là “phạt cho tồn tại”. “Phạt cho tồn tại nghe rất đơn giản, rất phổ biến nhưng là sự tích tụ, một quá trình hủy hoại luật pháp, phá hoại bộ máy công quyền của chúng ta”.
Theo đại biểu này, những vụ việc diễn ra như ở Hải Phòng, cả một khu đất quốc phòng mà chỉ qua tay xã hội đen đã trở thành một đô thị trước sự bất lực của chính quyền. Những việc vừa nảy sinh ở trên khu rừng phòng vệ ở Sóc Sơn rõ ràng cho thấy bộ máy chính quyền ở địa phương phải chịu trách nhiệm.
“Chắc chắn không có cái gì lọt qua mặt nhưng mà có những cái lọt qua tay”, ông Quốc nói.
Vấn đề Biển Đông ít được đề cập
Đại biểu của Đồng Nai cũng cho rằng trong văn bản của báo cáo Chính phủ, vấn đề an ninh, quốc phòng được viết một cách hết sức nhẹ nhàng.
“Chúng ta chỉ nhắc đến những nguyên lý như đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn. Nhưng trong những giải pháp thì chúng ta coi đó là một vấn đề nằm ngoài tầm suy nghĩ của chúng ta hay sao mà hai chữ "Biển Đông" không được nhắc lại trong văn bản này”, ông Quốc nêu.
Ông cho rằng: “Biển Đông rõ ràng là một không gian lãnh thổ, là lợi ích cốt lõi của dân tộc chúng ta. Chúng ta đang không những bảo vệ chủ quyền mà còn đấu tranh để đòi lại chủ quyền. Chúng ta cùng với cả thế giới quan tâm đến lợi ích chung về việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không. Nhưng chúng ta cũng không thể phó mặc cho thiên hạ làm được”.
Nhiều lực cản trong khoa học
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu cho rằng bức tranh kinh tế năm 2018 và giữa nhiệm kỳ từ báo cáo Chính phủ cũng có khá nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, dù nợ công đã giảm nhưng nợ nước ngoài và nợ chính phủ có xu hướng tăng qua các năm.
“Chúng ta vẫn phải thừa nhận với nhau rằng tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua chủ yếu vẫn dựa vào vốn lao động, kể cả các khoản nợ dai”, ông Nhân nêu.
Theo ông Nhân, lộ trình tới đây, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giảm cả về số lượng và quy mô vốn khi thoái vốn cổ phần. Một khi các FTA có hiệu lực sẽ tác động rất lớn đến ngân sách. Doanh nghiệp tư nhân chưa đủ lực để gánh vác nền kinh tế và làm hài hòa hơn tỷ lệ hơn 70% xuất khẩu đang nằm trong tay khối FDI. Những bất cập này của nền kinh tế sẽ được cơ cấu lại như thế nào vẫn còn là câu hỏi lớn.
Ông Nhân cũng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dường như đã đặt các quốc gia vào cùng vạch xuất phát trong quá trình tìm kiếm tăng trưởng mới. Tuy nhiên, tâm thế và nội lực của Việt Nam đã sẵn sàng đến mức nào cho cuộc cách mạng này?
“Một lực cản đáng kể trên con đường đi đến quốc gia khoa học công nghệ là một bộ phận dường như còn dị ứng với đổi mới sáng tạo, khi cuộc chiến giữa Vinasun và Grab chưa đi đến hồi kết thì mới đây Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông không cấp phép cho Facebook phát sóng Giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam. Hay khoản đầu tư 500 tỉ để phát triển khoa học, công nghệ của gốm sứ Minh Long không được hỗ trợ, đã cho thấy tâm thế đó vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc dấn thân lần này”, ông Nhân nói.
Bên cạnh đó, trái với lạc quan ban đầu về khả năng và vị trí của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần này, báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới đã xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia yếu kém dựa trên các tiêu chuẩn nền tảng để đánh giá mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất mới trong tương lai.
Lam Thanh
Thế mà quyết thành cường quốc biển đấy !
Trả lờiXóa