Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Nguyễn Đình Bổn: VÀI KÝ ỨC THỜI NGĂN SÔNG CẤM CHỢ !


Vài ký ức thời ngăn sông cấm chợ!

Nguyễn Đình Bổn
2-10-2018

Những bạn trẻ sinh ra từ 1990 về sau hẳn sẽ không bao giờ biết Việt Nam từng có thành ngữ “ngăn sông cấm chợ” để mô tả cái thời kỳ đói rách, đen tối, có cả nước mắt và oan hồn dân nghèo trên đất nước này, đặc biệt tại miền Nam, đang trù phú, no đủ bỗng thoắt cái biến ra nghèo khó.

Thời kì 76-85 kinh hoàng đó, tôi sống ở miền Tây, khi đó nhà nước độc quyền phân phối lưu thông, cấm mọi hình thức tư nhân phân phối sản phẩm. Bất kỳ thứ gì cũng quy về hợp tác xã để xây dựng CNXH, từ hạt gạo, con cá, thịt heo, vải vóc… đều không được vận chuyển nên dù miền Tây không thiếu gạo, cá… nhưng Sài Gòn và các tỉnh khác phải ăn bo bo, khoai mì, khoai lang… độn cơm. Dân đói quá thì đi buôn lậu, và để đối phó, các trạm kiểm soát mọc lên, hãi hùng nhứt trên con đường độc đạo từ miền Tây lên là trạm Tân Hương, tại Tân Hiệp, tỉnh Tiền Giang.


Để ép buộc mọi phương tiện qua đây phải qua trạm, họ đã rào quốc lộ lại, ủi một con đường vòng nhỏ, lát đá sơ sài và đặt trạm kiểm soát ở đó. Khi xe dừng, bọn kiểm soát và quản lý thị trường có mang cả súng AK, AR 15 lườm lườm bước lên, soi mói từng người. Tất cả hành lý đều có thể bị lục tung nếu họ thích, gầm xe, lưng ghế đều bị các cây chỉa chọt vô để coi có gạo, có thịt heo hay không. Và tất nhiên phát hiện là tịch thu.

Trên những chuyến xe xuôi ngược đó, khi qua trạm dừng lâu, tôi đã nghe vài câu chuyện bi thương từ những hành khách. Nhiều nhứt là chuyện một phụ nữ thường buôn vài chục kg gạo lên Sài Gòn bán để nuôi con vì chồng đi cải tạo, bị bắt nhiều lần, lần cuối cùng quẩn trí bà đã uống ngay một chai thuốc rầy trước mặt bọn QLTT và chết tại đó.

Một câu chuyện khác về một người buôn lậu thịt heo bí mật. Bọn QLTT khi đó tham ác, coi dân như đồ bỏ, nên khi chúng tịch thu thịt heo, gà,… chúng có thể xào nấu, ăn nhậu ngay trước mắt người dân. Biết vậy, một người nào đó đã bí mật bơm thuốc rầy vào sâu trong các miếng thịt ngon nhứt, và cố tình để chúng bắt, chúng ăn và ngộ độc. (Câu chuyện này dù có một vài tình tiết vô lý, nhưng tôi nghe kể không dưới 3 lần, có thể nó phản ánh tâm trạng hận thù của người dân với bọn QLTT khi đó).

Một câu chuyện khác tại một trạm thu phí lừng danh khác là trạm Trà Men – Sóc Trăng. Một lần Đổ Mười đi công tác từ Cà Mau về, do tính “bí mật” nên xe của ông cũng bị chặn lại, và QLTT lôi ra một bao gạo, cán bộ tháp tùng bèn nói: “Gạo của đồng chí Đỗ Mười đó!”. QLTT quát lại: Gạo là bắt, Đỗ 11 tao cũng bắt, Đỗ Mười là thá gì!

3 nhận xét :

  1. Đổ xương máu hàng triệu người để nhận kết cục hôm nay cho một nhóm người phè phỡn...

    Trả lờiXóa
  2. Nhớ một ngày hè năm 1980 mấy anh em tôi trở về nhà sau chuyến về thăm quê nội ở Quảng Nam. Quà quê là thùng dầu đậu phộng do cô ruột tôi ép và gửi mấy anh em mang về nhà, trên đường đèo gần đến Đà Lạt xe khách phải dừng lại vì có lệnh khám xe. Tôi còn quá nhỏ khi ấy không hiểu chuyện gì đã kinh hoàng khóc suốt đoạn đường về nhà khi thấy ông quản lý thị trường tịch thu thùng dầu phộng trong khi ông anh tôi mười tám tuổi lẽo đẽo chạy theo giải thích nhưng họ vẫn kiên quyết không trả lại.

    Trả lờiXóa
  3. Câu chuyện nghe có vẻ vô lý, nếu không phải là người đã sống ở thời gian 1977-1980 ở Miền Nam chắc là họ sẽ cho là tác giả hư cấu...Hồi đó kinh tế cả 2 Miền Nam bắc vừa trải qua chiến tranh chống Mỹ, đang chiến đấu chống Pôl Pốt và Chống Trung quốc xâm lước ở Biên giới phía Bắc. Việt Nam còn bị Mỹ bao vây cấm vận kinh tế. Nói tóm lại kinh tế VN rất khó khăn. Dân Việt nam phải ăn toàn Bo bo, khoai lang, sắn (củ mì,tiếng Nam bộ) Tất cả các hàng hoá lương thực thực phẩm, nông lâm hải sản, hàng tiêu dùng quần áo vải vóc hàng công nghiệp ...Đều thuộc diện nhà nước thống nhất quản lý, Các công ty lương thực, thực phẩm, công nghệ phẩm là những cơ quan độc quyền thu mua phân phối hàng hoá theo ngành dọc... Người nông dân thợ thủ công sản xuất phải bán cho nhà nước theo giá chỉ đạo (giá do nhà nước quy định có thể là giá thu mua còn thấp hơn giá thành)... từ cân đường, hộp sữa, mét vải hay chiếc lốp xe đạp đều phân phối qua tem phiếu hoặc bốc thăm...Người dân Miền Nam chịu đói khổ chưa từng thấy ở chế độ cũ VNCH. Đi đến đâu cũng nghe những lời ca thánh ví dụ : "Chu cha, sống với Việt cộng khổ quá trời, ăn toan bo bo trẻ con không tiếu hoá được mắc sán lải sình cả bụng"...
    Thời gian đó tôi làm ở trạm KSGT ngã 3 Vườn Mít TP Biên Hoà tỉnh Đồng nai, chúng tôi được lệnh kiểm tra tất cả các xe ô tô, xe lam ba bánh, nếu phát hiện chở hàng hoá lương thực thực phẩm, cá tôm, thịt heo thịt bò, khoai sắn, ngô đậu lạc vừng...Than củi, đều tịch thu tuốt tuồn tuột (nói chung là được ăn thoải mái) so với những người làm việc ở VP thì sướng hơn nhiều (Lính VP ăn tại nhà ăn Công an tỉnh cả tuần theo thực đơn: Sáng được 1 bắp ngô luộc trưa và chiều ăn toàn bo bo bo, riêng chủ nhật được 2 bữa cơm) sau khi làm biên bản tịch thu trạm thông báo cho cơ quan chức năng đến thu mua... Tiền bán hàng nộp vào công quỹ nhà nước.

    Trả lờiXóa