Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH LUẬT ANM: ĐIỀU LUẬT CỦA ĐỘC TÀI TRỊ


Dự thảo Nghị định Luật An ninh mạng: 
Điều luật của độc tài trị

RFA
15-10-2018

Bộ Công An Việt Nam vào ngày 9/10/2018 họp Ban Soạn Thảo, Tổ Biên Tập để xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng. Trong khi đó cộng đồng mạng cũng như nhiều người dân tiếp tục bày tỏ quan ngại về Luật này.

Vấn đề được nhắc đến là những ràng buộc bị cho mang tính độc tài trị  đối với quyền tự do ngôn luận, cũng như viễn cảnh về số người dung mạng xã hội bị bắt giữ trong tương lai. 


Tròng thêm 1 sợi dây vào cổ người dùng 

Nhận định đầu tiên khi tìm hiểu về Dự thảo của Nghị định quy định Luật An ninh mạng, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết những nội dung chi tiết trong hơn 40 trang giấy đó thể hiện quan điểm rất độc tài trị.

“Nó lấn sân rất nhiều đối với cơ quan tài phán. Gần như là mọi hành vi của cơ quan công an và cơ quan an ninh sẽ vượt mặt cơ quan tài phán.”
Nó lấn sân rất nhiều đối với cơ quan tài phán. Gần như là mọi hành vi của cơ quan công an và cơ quan an ninh sẽ vượt mặt cơ quan tài phán. - LS Đặng Đình Mạnh
Một cách nhận định khác từ nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm cho biết việc đưa ra qui định phải lưu trữ thông tin của người dùng là một hình thức “tròng thêm 1 sợi dây vào cổ người sử dụng ở Việt Nam.”

“Tức là thay vì trước đây có những điều luật như 258, 88, 79, bây giờ là điều luật này sẽ tròng cổ những người dùng ở Việt Nam lại. Tất cả những gì anh nói, anh viết, tất cả những thông tin cá nhân, quyền riêng tư đang bị xâm phạm 1 cách nghiêm trọng.”

Vấn đề ông Dương Lâm đặt ra và cho rằng đó là điều đáng lo ngại, chính là những máy chủ đặt ở Việt Nam có đáng tin cậy hay không?

“Bởi vì các doanh nghiệp ở Việt Nam không có kinh nghiệm để lưu trữ 1 lượng người dùng lớn như vậy; rồi không có khả năng, thì cái việc lộ thông tin ra ngoài là 1 điều chắc chắn. Doanh nghiệp sẽ bị bán thông tin ra ngoài, người sử dụng cũng bị bán thông tin ra ngoài.”

Ngày 12 tháng 6 vừa qua, bất chấp làn sóng phản đối và bất bình của dư luận trong và ngoài nước cũng như các tổ chức quốc tế, Quốc hội Việt Nam  đã chính thức thông qua Luật An ninh mạng với hơn 86% đại biểu tán thành. Luật này đưa ra nhiều quy định từ việc cấm người dùng phát tán tài liệu bị cho là kích động biểu tình đến các tài liệu mà bị cơ quan chức năng nói là xúc phạm quốc kỳ hay lãnh đạo, lãnh tụ của VN,… Nếu bài viết vi phạm sẽ bị Google và Facebook gỡ xuống trong vòng 24 giờ.
Tức là thay vì trước đây có những điều luật như 258, 88, 79, bây giờ là điều luật này sẽ tròng cổ những người dùng ở Việt Nam lại. Tất cả những gì anh nói, anh viết, tất cả những thông tin cá nhân, quyền riêng tư đang bị xâm phạm 1 cách nghiêm trọng. - Nhà hoạt động Dương Lâm
Sau khi Quốc Hội thông qua đến đầu năm 2019 luật sẽ có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, ông Dương Đại Triều Lâm trả lời RFA cho biết sự thật là Luật An ninh mạng đã âm thầm được thực thi từ lâu, đặc biệt đối với những nhà hoạt động dùng mạng xã hội để bày tỏ bất đồng chính kiến.

Ông Dương Lâm nhắc đến 1 trường hợp được chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội 2 ngày nay, đó là tin về 1 người phụ nữ đã tử vong tại trụ sở công an thị xã Ninh Hoà tỉnh Khánh Hoà vào tối ngày 13/10 khi công an đang lấy lời khai về việc kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, Hoàng Khương viết trên trang Facebook cá nhân của mình rằng nạn nhân cô Huỳnh Thị Nhung, 45 tuổi, là em họ của ông. Tuy nhiên, bài viết của nhà báo này, và những bài chia sẻ ra đều bị Facebook gỡ bỏ.

Nói về sự việc này, ông Dương Lâm cho biết:

“Nếu chú ý thì đây không phải là bây giờ mới gỡ mà trước đây đã xảy ra rất nhiều lần rồi. Cá nhân tôi có những bài phân tích về luật sư Nguyễn Văn Đài trên facebook bị khoá sau đó, Facebook tự gỡ bài của tôi.

Kỹ sư Lê Trọng Vũ ở Đà Nẵng có viết 1 loạt bài về SunGroup cũng bị Facebook gỡ bài.” 

Tương lai đáng lo ngại

Những diễn biến trong xã hội Việt Nam những ngày đầu tháng 10 đã chứng minh đúng như lời nhà hoạt động Dương Lâm nhận xét.

Bên cạnh trường hợp mới nhất là sự việc cựu nhà báo Hoàng Khương bị Facebook gỡ bỏ bài viết, nhà báo độc lập Đỗ Công Đương ở Từ Sơn, Bắc Ninh vào sáng ngày 12/ 10 bị tòa tỉnh Bắc Ninh tuyên án 5 năm tù giam với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 - Bộ luật hình sự 2015. Ông Đỗ Công Đương được xem là một người hoạt động truyền thông dùng mạng xã hội Facebook phát trực tiếp những bài nói chuyện của mình tố cáo những sai phạm đất đai ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh gọi là “Tiếng dân TV”.

Trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) vào chiều ngày 10 tháng 10 ra quyết định bắt tạm giam 2 tháng và khởi tố ông Lê Minh Thể, một Facebooker, để điều tra về cáo buộc có hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo điều 331, Bộ Luật Hình sự 2015.
Có những cái lẽ ra được luật pháp bảo vệ, chỉ được công khai hoặc chỉ được cung cấp cho cơ quan tố tụng khi nào có quyết định của cơ quan tố tụng. Nhưng nếu Nghị định đó được thông qua thì cơ quan công an được toàn quyền làm việc đó mà không cần chờ lệnh từ cơ quan tố tụng. nó sinh ra rất nhiều hệ luỵ nguy hiểm. - LS Đặng Đình Mạnh
Vào tháng 9 vừa qua, cũng tại thành phố Cần Thơ, có 4 facebookers bị tuyên án đó là Nguyễn Hồng Nguyên 2 năm tù, Trương Đình Khang một năm tù, Đoàn Khánh Vinh Quang 2 năm 3 tháng tù và Bùi Mạnh Đồng 2 năm 6 tháng tù. Cáo buộc được đưa ra cũng là lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Từ những sự kiện này, Luật sư Đặng Đình Mạnh khẳng định ông rất lo ngại về con số của những bản án tù giam trong tương lai gần sẽ ngày càng tăng cao. Theo ông, luật pháp Việt Nam đã trao cho cơ quan công an những quyền hạn quá lớn.

“Có những cái lẽ ra được luật pháp bảo vệ, chỉ được công khai hoặc chỉ được cung cấp cho cơ quan tố tụng khi nào có quyết định của cơ quan tố tụng. Nhưng nếu Nghị định đó được thông qua thì cơ quan công an được toàn quyền làm việc đó mà không cần chờ lệnh từ cơ quan tố tụng. nó sinh ra rất nhiều hệ luỵ nguy hiểm.”

Một nhận xét khác từ nhà hoạt động Dương Lâm, ông cho rằng chỉ trong 1 thời gian ngắn, khi Luật An ninh mạng chưa đến thời gian có hiệu lực, nhưng các cáo buộc liên quan hoạt động sử dụng mạng xã hội đã tăng 1 cách “đột biến” cùng với những bản án rất nặng. Điều này cho thấy không có dấu hiệu gì chứng minh rằng sự đàn áp về nhân quyền và tự do ngôn luận có khả năng dừng lại, kể cả khi Hiệp định Mậu dịch Tự do với Liên Minh Châu Âu- EVFTA được phê chuẩn hay không. 
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét