Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

VN CÓ THỂ BỊ TRỪNG PHẠT NẾU KHÔNG SỚM THOÁT KHỎI TQ



Chiến tranh thương mại: 
VIỆT NAM CÓ THỂ LÀ NƯỚC BỊ TRỪNG PHẠT
NẾU KHÔNG SỚM THOÁT RA KHỎI TRUNG QUỐC

.
Trần Đình Thu
19 - 09 - 2018
.
Bước đi tiếp theo của ông Trump trong thời gian tới sẽ là tìm giải pháp chấm dứt thời kỳ tự do thương mại giữa Mỹ với thế giới, áp dụng chính sách bình đẳng thương mại với những nước họ thấy cần thiết và chính sách bất bình đẳng thương mại lên một số nước khác.

Trước hết ông Trump sẽ rút Mỹ ra khỏi WTO để Mỹ không còn phụ thuộc vào các luật lệ của tổ chức này, sau đó sẽ phân loại các quốc gia để tùy theo đó mà đàm phán lại. Hiện ông đang trên tiến trình làm việc đó khi hủy nhiều thỏa thuận thương mại trước đây để đàm phán lại. Thí dụ như ông rút Mỹ ra khỏi TTP đang đàm phán dở dang, ông đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAPTA đã ký từ 1994 với Canada và Mexico...

Trên tinh thần xét lại các quan hệ thương mại đó, ông Trump chắc chắn sẽ không chừa bất cứ hiệp định thương mại nào mà Mỹ đã ký với các nước trong quá khứ. Những trường hợp mà Mỹ bị thiệt hại do sự quá thoáng khi ký kết như NAPTA, hoặc các trường hợp có sự không minh bạch của các đối tác, phi kinh tế thị trường của các đối tác hay thậm chí đối tác có chính sách thù địch với Mỹ thì sẽ bị đàm phán lại hết.

Với Việt Nam thì 2 bên có Hiệp định thương mại Việt – Mỹ ký năm 2000, có hiệu lực vào năm 2001. Đến năm 2006, Việt Nam có mong muốn gia nhập WTO nên theo yêu cầu của phía Mỹ, Việt Nam đàm phán song phương thêm với Mỹ để ký Thỏa thuận song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2006. Nên nếu Mỹ rút ra khỏi WTO thì chắc chắn Mỹ sẽ yêu cầu đàm phán lại từ đầu.

Nhưng Việt Nam là một trong số rất ít các nước có hiện trạng nền kinh tế đặc thù khi giao thương với Mỹ. Đó là nền kinh tế không hoàn toàn thị trường nếu không muốn nói là phi thị trường. Và đặc biệt hiện nay Mỹ và Châu Âu vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Về mặt này Việt Nam tương đồng với Trung quốc. Sự bất bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước, sự duy trì một tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước quá lớn trong đó có doanh nghiệp của công an, quân đội, sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào hoạt động doanh nghiệp trong đấu thầu, giao đất... là những yếu tố khiến Mỹ và Châu Âu không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nên khi đàm phán lại với Mỹ, Việt Nam sẽ bị xem xét khắt khe yếu tố này.

Với Trung quốc thì có đặc biệt hơn các nước khác. Khi tiến hành chiến tranh thương mại với Trung quốc, Mỹ không chỉ xét yếu tố phi thị trường của nước này mà còn xét thêm nhiều yếu tố khác trong đó quan trọng nhất là tuyên bố năm 2012 của ông Tập Cận Bình rằng sẽ đưa Trung quốc tiến lên xã hội chủ nghĩa vào năm 2049.

Chúng ta nhớ lại thời kỳ Chiến tranh lạnh, thế giới chia làm 2 phe vì yếu tố này. Nay thế giới đã không còn 2 phe như trước nhưng Trung quốc manh nha tạo lập một phe mới, phe “xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung quốc” với mong muốn thuyết phục một số nước đi theo, đe dọa rất lớn đến sự tồn vong của thế giới tư bản, tạo nên sự lo lắng cho Mỹ và đồng minh nên trong nỗi sợ hãi đó, Mỹ đã tiến hành chiến tranh thương mại, hướng đến Chiến tranh lạnh với Trung quốc.

Với Việt Nam thì do sự gắn kết quá chặt chẽ với Trung quốc, nên sẽ có nguy cơ bị Mỹ xếp vào cùng phe Trung quốc, đối diện với nguy cơ trừng phạt thương mại hoặc chí ít cũng bị đối xử bất bình đẳng thương mại.

Vì lẽ đó, thoát Trung không chỉ là giải pháp tránh sự ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mà còn để tránh một cuộc chiến tranh thương mại hay một sự đối xử bất bình đẳng thương mại nghiêm trọng áp thẳng lên Việt Nam.

Chúng ta cần nhớ rằng trước khi tiến hành chiến tranh thương mại, giữa Mỹ và Trung quốc có quan hệ đối tác rất tốt đẹp cũng như Mỹ và Việt Nam hiện nay. Nhưng trong một thời gian rất ngắn Mỹ đã thay đổi, đưa Trung quốc trở thành một nước gây nguy hiểm với họ thay vì đối tác. Nên Việt Nam cũng không nên nghĩ rằng với quan hệ tốt đẹp hiện nay mà không bị trừng phạt.

Hiện nay Việt Nam chẳng những quá thân thiết với Trung quốc mà còn tiến hành những hành động có khả năng gây hại cho nền kinh tế Mỹ, chẳng hạn việc đe dọa xóa sổ Google, Facebook ở Việt Nam. Riêng việc này Mỹ cũng đã có thể tiến hành trả đũa kinh tế Việt Nam rồi.

Việc cho lưu hành đồng Nhân dân tệ ở biên giới vừa qua cũng gây ra nỗi ám ảnh rằng hàng hóa Trung quốc sẽ tràn qua Việt Nam theo đường tiểu ngạch rồi hợp pháp hóa nguồn gốc, đổ vào thị trường Mỹ.

Vì vậy việc cải tổ nền kinh tế theo hướng thị trường hơn, cũng như cải tổ các vấn đề khác như nhân sự, giáo dục, y tế... theo hướng tránh sao chép mô hình Trung quốc là rất cấp thiết trong lúc này.

# Tôi sẽ cập nhật và phân tích liên tục các vấn đề liên quan chính trường Mỹ hiện thời và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vì vậy các bạn nhớ bấm nút theo dõi trên fb tôi để không bỏ sót thông tin nhé.
 

3 nhận xét :

  1. Rất có lý.Hiện nay có tình trạng TQ hóa bằng cách:"Dúi" tiền cho người nào đó lập một công ty hoặc tập đoàn bất động sản, sau đó được cấp một dự án hàng trăm hoặc hàng ngàn ha, một thời gian sau bán cho nước ngoài mà cụ thể là doanh nghiệp TQ. Phải chăng đây là cách làm mới để hiện thực hóa HN Thành Đô?

    Trả lờiXóa
  2. Buồn quá bác Tễu ơi. Tuần rồi bên công ty e làm thủ tục nhập cảng sáp đậu nành về để sản xuất nến. công ty e vẫn nhập mặt hàng này thường xuyên hàng năm và số lượng cũng nhỏ chỉ vài tấn một năm. Thế nhưng đợt này hải quan chặn lại không cho nhập bất cứ mặt hàng nào có chữ " đậu nành'. À thì ra hải quan việt nam muốn giúp trung quốc chặn không cho bất cứ mặt hàng nào liên quan đến đậu nành vào VN vì họ sợ sẽ chuyển qua trung quốc. Trung quốc đang hạn chế nhập đậu nành Mỹ nhưng có điều sao VN lại nhiệt tình giúp trung quốc như vậy? Trong khi thực tế là hàng loạt mặt hàng trung quốc đội lốt VN sang Mỹ thì ít thấy bị chặn, nhưng chiều ngược lại có vẻ như VN đang giúp trung quốc chặn hàng hóa mỹ và trung quốc. Mặt hàng cty e nhập chẳng liên quan gì trung quốc cũng chẳng liên quan gì đến Mỹ, cớ sao nghe chữ đậu tương là hải quan VN nhiệt tình đến vậy?

    Trả lờiXóa
  3. Hải quan VN đang giúp China chặn các mặt hàng xuất xứ từ Mỹ vào VN mà china đang đánh thuế. Nếu các doanh nhân VN nhập hàng từ Mỹ vào VN rồi bán sang Trung quốc thành công thì các giúp cho VN thu thêm lợi nhuận thì tại sao lại ngăn chặn, làm khó khăn cho các doanh nghiệp khi nhập các mặt hàng này về VN?. tại sao VN lại nhiệt tình trợ giúp Trung quốc ngăn chặn những măt hàng xuất xứ Mỹ bị đánh thuế , nhưng sao lại không giúp Mỹ ngăn chặn hàng Trung quốc đội lốt VN vào Mỹ?

    Trả lờiXóa