Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

VÌ SAO MỸ TRỪNG PHẠT NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC?



VÌ SAO NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC LẠI PHI ĐẠO LÝ VÀ THIẾU NHÂN VĂN ĐỂ BỊ MỸ TRỪNG PHẠT?

21 - 09 - 2018

"Như vậy đặc trưng của nền kinh tế Liên Xô, mẫu hình chung của các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, là một nền kinh tế suy đồi, phi đạo lý, mặc dù mục tiêu mà nó hướng tới là những gì tốt đẹp cho con người, như là xóa bỏ bóc lột, đem đến sự công bằng cho tất cả các thành viên trong xã hội... ". 

Như chúng ta đã biết, trong các lý do Mỹ trừng phạt thương mại Trung quốc, có lý do nền kinh tế Trung quốc không nhân văn và phi đạo lý.

Trung quốc sản xuất ra các sản phẩm độc hại, gây nguy hiểm tiềm ẩn cho người tiêu dùng. Trung quốc lập ra đội quân đánh cắp công nghệ của đối tác thay vì đầu tư nghiên cứu hoặc mua bản quyền công nghệ. Trung quốc dùng bẫy nợ để bẫy các nước kém phát triển nhằm vơ vét tài nguyên thay vì hợp tác sòng phẳng đôi bên cùng có lợi…

Ngay tại Trung quốc, bộ máy chính quyền nhận hối lộ để làm ngơ cho các doanh nghiệp tha hồ tự tung tự tác. Các nhà máy đưa chất bẩn vào sản phẩm, gây ô nhiễm môi trường mà không bị trừng phạt hoặc kiềm chế, các công ty ra sức chèn ép bóc lột người lao động, chạy theo lợi nhuận bất chấp đạo lý tình người. Các doanh nghiệp móc ngoặc với quan chức để được nhận các hợp đồng béo bở…

Nói tóm lại, Trung quốc đã phát triển nền kinh tế của họ rất tệ hại, khó chấp nhận. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến chiến tranh thương mại, ngoài những nguyên nhân khác.

Câu hỏi đặt ra, vì sao Trung quốc lại như vậy trong khi nhiều nước khác lại phát triển kinh tế một cách đàng hoàng?

Thí dụ như Nhật bản, đi lên từ một nền kinh tế kiệt quệ sau Thế chiến II, nhưng nước này vẫn giữ được các giá trị nhân văn trong quá trình phát triển. Họ không sản xuất hàng hóa gây hại người tiêu dùng, không đánh cắp công nghệ, không dùng bẫy nợ…

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta ngược trở lại đất nước Liên Xô thời kỳ chưa sụp đổ.

Nhiều học giả cho rằng trước khi sụp đổ tình hình kinh tế Liên Xô khá ổn, mức tăng trưởng GDP tuy không cao nhưng chấp nhận được, không bức thiết phải cải cách kinh tế. Tuy nhiên lúc ấy Tổng bí thư Liên Xô Gorbachov và những người cùng chí hướng với ông vẫn tiến hành cải cách, lý do là vì họ nhận ra tình trạng suy đồi vô đạo đức của nền kinh tế Liên Xô.

Nikolai Ryzhkov, chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô thời kỳ này nhận định:

“Chúng ta ăn cắp từ chính bản thân của chúng ta, nhận và đưa hối lộ, láo khoét trong các báo cáo, trên báo chí, láo khoét từ các diễn đàn cấp cao, đắm mình trong láo khoét, rồi trao huân chương cho nhau. Và tất cả những điều này đã diễn ra – từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên”. Về sau ông mô tả thời kỳ đó là “tình trạng đạo lý của xã hội vào năm 1985 là nét đặc trưng hãi hùng nhất”.

Còn Bộ trưởng Ngoại giao Eduard Shevardnadze, một người thân cận với ông Gorbachov, cũng dằn vặt khổ tâm với tình trạng suy đồi đạo đức trong nền kinh tế Liên Xô. Ông nói với Gorbachov: “Mọi thứ đã thối nát rồi. Phải thay đổi thôi”.

Vì thế mà Gorbachov đã tiến hành cải cách “một nền kinh tế có đạo lý hơn” cho Liên Xô chứ không phải là một nền kinh tế phát triển hơn.

Tiến sĩ Leon Aron, Giám đốc Ban Nga học của Viện Nghiên cứu Chính sách American Enterprise Institute nói về sự cải cách này: “Đó là bước khởi đầu của một sự liều lĩnh đi tìm kiếm những câu trả lời cho các vấn nạn to lớn mà mọi cuộc cách mạng vĩ đại thường bắt đầu: Thế nào là một cuộc sống tốt đẹp, hợp với nhân phẩm? Cái gì tạo ra một trật tự kinh tế và xã hội công chính? Một nhà nước chính danh và đàng hoàng là như thế nào?”

Và khi tiến hành cải tổ nền kinh tế Liên Xô sao cho “có đạo lý hơn”, các nhà cải cách Liên Xô đã đưa nền kinh tế xã hội chủ nghĩa bước qua hẳn nền kinh tế tư bản. Nghĩa là, khó mà giữ một nền kinh tế vừa “xã hội chủ nghĩa” lại vừa có đạo lý.

Như vậy đặc trưng của nền kinh tế Liên Xô, mẫu hình chung của các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, là một nền kinh tế suy đồi, phi đạo lý, mặc dù mục tiêu mà nó hướng tới là những gì tốt đẹp cho con người, như là xóa bỏ bóc lột, đem đến sự công bằng cho tất cả các thành viên trong xã hội... Do sự duy ý chí, đi ngược lại với quy luật tự nhiên, triệt tiêu cạnh tranh lành mạnh và thay vào đó bằng sự chỉ huy giáo điều, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phải lấy sự dối trá, suy đồi và phi đạo lý làm cơ sở cho sự phát triển.

Một câu hỏi nữa đặt ra là, sự suy đồi phi đạo lý là khi Liên Xô đang còn một nền kinh tế đậm chất xã hội chủ nghĩa, còn Trung quốc bây giờ đã cải cách kinh tế theo hướng thị trường rồi, vì sao vẫn không giảm bớt tính suy đồi phi đạo lý?

Chúng ta phải quay lại năm 2012 và trước đó để trả lời câu hỏi này.

Khác với Liên Xô và một số nước Đông Âu, Trung quốc mặc dầu có cải cách kinh tế từ sau 1978, nhưng Trung quốc vẫn nhất quyết trực chỉ con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Khi chuyển qua kinh tế thị trường, như Việt Nam chỉ gắn thêm cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì Trung quốc xác định thẳng là “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” chứ không chỉ là “định hướng”.

Tới năm 2012, thì ông Tập Cận Bình mạnh mẽ tuyên bố đưa Trung quốc tiến lên “chủ nghĩa xã hội”.

Như vậy Trung quốc sẽ phải như Liên Xô thời kỳ 1985 trở về trước.

Nhưng trước đây thì Liên Xô chỉ có quan hệ kinh tế với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa nên họ không làm quá như Trung quốc bây giờ, nên sự phi đạo lý của họ còn có giới hạn, còn với Trung quốc ngày nay thì đạt tới mức độ tệ hại gấp nhiều lần.

# Tôi sẽ cập nhật và phân tích liên tục các vấn đề liên quan chính trường Mỹ hiện thời và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vì vậy các bạn nhớ bấm nút theo dõi trên fb tôi để không bỏ sót thông tin nhé.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét