Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Tư liệu: CUỘC GẶP GIỮA VÕ VĂN KIỆT VÀ DƯƠNG DANH DY Ở HN




Tác giả Dương Danh Dy. Nguồn: Huỳnh Phan

Gần cuối đời Võ Văn Kiệt mới hiểu Nguyễn Cơ Thạch

Huỳnh Phan
19-9-2018
 
 
Lời tác giả: Vĩnh biệt chú Dương Danh Dy, nhà ngoại giao – nhà nghiên cứu Trung Quốc. Bài phỏng vấn và lần chụp ảnh cuối cùng với chú (dù không được đăng) vào mùa xuân năm nay. 
 
Một hôm, vào cỡ gần cuối năm 2006, ông Dương Danh Dy nhận được cú điện thoại từ thư ký nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Người thư ký nói rằng ông Kiệt muốn gặp ông Dy, và đề nghị ông Dy hẹn ngày đến Biệt thự Tây Hồ. Ông Dy không biết lý do ông Kiệt muốn gặp mình, một quan chức ngoại giao cấp trung đã nghỉ hưu, nhưng vẫn cứ hẹn ngày và đến.

Đến nơi, ông mới vỡ lẽ ra rằng ông Kiệt mới đọc xong cuốn Hồi ký Trần Quang Cơ, và muốn hỏi ông Dy, một chuyên gia về Trung Quốc của Bộ Ngoại giao, xung quanh cuốn hồi ký này. 

Nhà báo Huỳnh Phan: Lần đầu tiên gặp ông Võ Văn Kiệt, câu nói đầu tiên ông nói với ông Kiệt là gì? 

Ông Dương Danh Dy: Tôi nói với ông Kiệt rằng chính tôi là người đưa cuốn hồi ký của nguyên Thứ trưởng Trần Quang Cơ lên mạng. Ông Cơ rất thân với tôi, và sau khi hoàn thành xong hồi ký, ông đã đưa nó cho tôi đọc.

Cuộc nói chuyện ở Biệt thự Tây Hồ kéo dài bao lâu, và chủ yếu nói về chuyện gì?

Kéo dài tới 2 tiếng. Chủ yếu xung quanh chuyện ngành ngoại giao, và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, đã làm trong thời gian Việt Nam bị cấm vận, và cố gắng thoát khỏi điều đó, trong đó có việc rút quân khỏi Cămpuchia, đặc biệt là nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Nói chung là những điều đã được cố Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ ghi lại.

Nhưng quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc là do phía Đảng tiến hành cơ mà?

Ông Kiệt cũng đặt vấn đề như vậy. Tôi có giải thích rằng sau cuộc gặp của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Từ Đôn Tín, phía Trung Quốc đã không muốn tiếp xúc để bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam qua con đường ngoại giao, vì Tín cho rằng quan điểm của Bộ trưởng Thạch quá cứng rắn. Và Trung Quốc đã phát tín hiệu, qua cuộc gặp bí mật với lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, về việc phải mở ra một kênh khác – đó là Ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Và mọi chuyện như anh đã biết.

Thực ra ông Thạch có chống lại bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc không?

Tôi có giải thích với ông Kiệt rằng là một nhà ngoại giao lão luyện, ông Thạch biết bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc sẽ mở ra đột phá khẩu phá thế bao vây cấm vận. Nhưng quan điểm bình thường hóa của Bộ trưởng Thạch là phải bình đẳng, coi trọng độc lập tự chủ của Việt Nam, và Trung Quốc không thích thế. Cũng chính vì vậy, trong cuộc gặp Thành Đô quyết định bình thường hóa, không có mặt Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Tôi cũng nói để ông Kiệt biết rằng, ngay thời TBT Lê Duẩn, ông Thạch đã đề nghị bỏ Điều 1 trong Hiến pháp 1980 coi Trung Quốc là kẻ thù số 1, và năm 1984 ông lại đề nghị bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Cả hai lần TBT Lê Duẩn đều rất giận dữ với đề nghị của Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Hồi đó, tôi nghe thông tin nói rằng người ta đồn ông Nguyễn Cơ Thạch có tư tưởng thân Mỹ. Không hiểu ông Kiệt có hỏi chuyện đó không?

Có. Và tôi giải thích rằng việc ông Thạch thành lập nhóm nghiên cứu ở Bộ Ngoại giao chuyên tìm hiểu về chống lạm phát ở nước ngoài, vì ở Việt Nam, và phe XHCN nói chung, đâu có kinh nghiệm chống lạm phát. Việc ông đọc nhiều sách nước ngoài, trong đó có Paul Samuelson (người đoạt giải Nobel năm 1970 về kinh tế học) và truyền bá chúng cũng giúp cho Việt Nam có thêm tư liệu về kinh tế thị trường mới khai sinh ở Việt Nam. Ông Thạch là người chỉ tôn trọng lợi ích của Việt Nam chứ không thân Mỹ gì cả, dù ông đã tìm mọi cách để bắt mối với phía Mỹ nhằm xóa bỏ cấm vận với Việt Nam.

Sau khi nghe ông giải thích mọi điều, ông Kiệt nói gì?

Ông Kiệt nói “bây giờ tôi mới hiểu rõ ngành ngoại giao đã làm gì trong giai đoạn đó, và anh Nguyễn Cơ Thạch là người như thế nào”. Ngừng lại một chút, ông Kiệt trầm giọng lại, nói “hôm nào gặp Phạm Gia Khiêm (lúc đó là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao) tôi sẽ nói với Khiêm là nên chú ý đến Phạm Bình Minh (lúc này là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao).

Xin hỏi ông một câu cuối. Nếu ông Nguyễn Cơ Thạch ở lại tiếp tục sau Đại hội VII, ông sẽ làm gì?

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch hồi đó thách thức 2 vị trí: tổng bí thư và thủ tướng.

Xin cám ơn ông.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét