Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

CÁC TỔNG THỐNG MỸ KHÔNG XÂY LĂNG TẨM, CHỈ XÂY THƯ VIỆN


Các tổng thống Mỹ không xây lăng tẩm, 
chỉ xây thư viện

Nguyễn Thị Bích Hậu
24-9-2018

Sau khi chết đi, các TT Mỹ phần lớn đều có những mộ phần khiêm tốn và bé nhỏ. Nhưng hiện nay có 13 ông TT Mỹ (kể cả mấy ông còn sống) đã có mỗi ông một công trình to lớn và rộng rãi cho hậu thế. Đó là thư viện tổng thống.

Các thư viện tổng thống Mỹ, mang tên từng ông, bắt đầu từ Thư viện TT Franklin Delano Roosevelt vào năm 1939 và gần đây nhất là George W. Bush (Bush con). Các thư viện này sẽ chứa đựng sách vở, tài liệu, tư liệu, các hiện vật có liên quan tới từng tổng thống cho người dân có thể tham quan, học hỏi, nghỉ ngơi.

Tất cả hiện vật do TT hiến tặng. Đất xây thư viện có thể của chính TT tặng luôn hay của các tư nhân tặng. Và tiền xây thì do tiền của các ông từ việc viết sách, thuyết trình cùng người dân và các tư nhân tự quyên góp. Diện tích của các thư viện này có thể rộng từ vài ha hoặc vài chục ha.

Điều rất hay là sau khi xây dựng xong, các tổ chức tư nhân đứng ra làm thư viện sẽ chuyển giao toàn bộ thư viện cho NARA là Cơ quan lưu trữ hồ sơ quốc gia Mỹ vận hành và bảo trì. Túm lại là dân quý ông TT nào thì cùng ổng quyên góp tiền làm thư viện cho ổng. Xong rồi thì sung công.

Các thư viện này không chỉ là nơi tham quan, học hỏi cho người dân, mà còn là địa điểm du lịch nổi tiếng trong vùng. Vì nó xây ở quê của các TT Mỹ, thành thử nên xây một cái thư viện TT xong rồi mà dân vùng đó có cơ kiếm tiền từ du khách.

Thư viện Tổng thống Bill Clinton tại thành phố Little Rock, tiểu bang Ankansas, đã tạo nên một làn sóng đầu tư phát triển khu vực xung quanh, với hàng loạt cửa hàng, nhà hàng, chợ, các dự án đầu tư mới trị giá hàng tỉ USD phục vụ nhu cầu của du khách đến tham quan thư viện. Thư viện của ông rất to, rộng vài chục ha, có cả công viên sinh thái với sông nước, ao hồ, rừng cây rất đẹp, du khách rất ưa thích.

Phần nhiều các TT dân sự sẽ đặt mộ phần của mình trong khuôn viên thư viện vì là muốn về quê. (Vì các TT xuất thân quân nhân sẽ có mộ phần trong Nghĩa trang quốc gia Arlington). Nhưng dù ở đâu thì công thức vẫn là một cái bia đá be bé trong một diện tích nhỏ tí chừng vài m2. Nhưng được cái là dân chúng sau khi đi chơi và thăm thú thư viện, du ngoạn thả cửa thì tới nghiêng mình chào các cụ chút xíu, gọi là con cháu cám ơn vì đã cho thưởng thức một nơi hay ho.

Các thư viện này cũng có nguyên tắc là rất trung thành với sự thật. Ví dụ thư viện của TT Nixon có khu trưng bày ấn tượng về vụ tai tiếng Watergate, thư viện của TT Clinton có trưng bày và tư liệu rõ ràng về vụ bê bối tình dục Monica Lewinsky. Nói chung ra khá vui.

Thư viện của các TT Mỹ là bằng chứng cho thấy sau khi rời tột đỉnh quyền lực, các TT minh bạch mọi thông tin, mọi công việc các ông từng làm để hậu thế học hỏi, đánh giá, rút kinh nghiệm, và đem lại nguồn lợi lộc cho dân về du lịch, về kinh tế. Vì thế tên tuổi của họ sẽ được nhớ tới mãi mãi.
Những gì văn minh ta nên học hỏi và làm theo để dân ta có lợi các bạn ạ. 

 
Thư viện TT Nixon ở TP Yorba Linda, California. 

 
Thư viện TT Ronald Reagan ở TP Simi Valley, California 

 
Thư viện TT George W. Bush ở TP Dallas, Texas 


1 nhận xét :

  1. Dân ta có lẽ cũng đạt tới trình độ nhân bản và văn minh đó rồi. Song thể chế đã kìm hãm, làm biến chất và đẩy lùi phẩm chất sống quan trọng nhất đó. Vua xứ ta là tự xưng, tự nhảy lên ngai, luôn coi dân là nô bộc. Tổng thống Mỹ do dân bầu. Các vị ấy hiểu mình cũng như mọi người, có tốt có xấu, chỉ hơn ở tài điều hành, hợp ý dân ở một thời điểm thì được dân giao nhiệm vụ. Họ không hề cho mình là cha mẹ dân, ban phát cho dân tất cả, bắt dân tăm tắp tuân lệnh, chỉ được ca tụng họ, ca tụng ngàn thu...

    Trả lờiXóa