Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

VỀ CÁI LÝ DO BÁO TUỔI TRẺ ĂN QUẢ PHẠT

Màn hình giao diện Báo Tuổi trẻ chiều 17.7.2018.

VỀ CÁI LÝ DO BÁO TUỔI TRẺ ĂN QUẢ PHẠT

Trần Đức Tiến
Tin của báo điện tử Vietnamnet ngày 16-7:

“Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cục trưởng Cục báo chí Lưu Đình Phúc ký hôm nay, báo Tuổi trẻ Online đã thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình" đăng ngày 19/6/2018. Với nội dung thông tin: "Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này", tuy nhiên trên thực tế, khi tiếp xúc cử tri tại TP.HCM ngày 19/6 Chủ tịch nước Trần Đại Quang không phát biểu như nội dung thông tin mà báo đăng tải nội dung nêu trên”.

Tội trên, cộng với tội “thông tin gây mất đoàn kết dân tộc” (?) trong một bài báo khác, báo Tuổi Trẻ online bị phạt tổng cộng 220 triệu đồng, và bị đình bản 3 tháng.

Đồng ý, sai thì phạt. Nhưng sai như trên có phải “đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng” hay không?

Theo mình, thì không.

Biểu tình – hình thức thể hiện thái độ, ý chí, nguyện vọng… của dân chúng trước một sự kiện, biến cố… gì đó, có liên quan trực tiếp đến đời sống của họ, nói tóm lại là một hoạt động văn minh. VN đang nhằm đến mục tiêu công bằng, dân chủ, văn minh cơ mà? Trong những năm gần đây, hiện tượng “tụ tập đông người” xảy ra nhiều lần, trên khắp đất nước, chứng tỏ dân chúng VN đang có nhu cầu biểu tình, và đang rất cần có luật biểu tình. Giả sử đồng chí Chủ tịch có phát biểu đồng tình với ý kiến của cử tri TP. HCM (đề nghị có luật biểu tình), thì đồng chí rất đáng được dân chúng hoan nghênh.

Nhưng đồng chí không nói thế. Báo TT thông tin sai. Cái sai của báo, nếu có gây ảnh hưởng, thì chỉ ảnh hưởng đến số người nào đó đang sợ biểu tình, dù là biểu tình đúng luật. Sao lại bảo cái sai ấy là “gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng”?
______________

Huy Đức: 

TUỔI TRẺ

Tôi biết là rất trễ nhưng tôi vẫn mong các bên có thẩm quyền xử phạt, xét lại, để đối xử với Tuổi Trẻ không chỉ như một công cụ truyền thông mà còn như một doanh nghiệp. Ai sai kỷ luật người đó, đình bản một tờ báo còn là thắt bao tử của hàng trăm con người.

Nhiều tờ báo ra đời đã năm bảy chục năm, tới nay vẫn sống bằng ngân sách (hoặc cấp trực tiếp, hoặc thông qua nơi mua báo), Tuổi Trẻ, ngay từ những năm đầu, đã tự "hạch toán kinh doanh". Đầu tư lớn nhất của Nhà nước cho Tuổi Trẻ là quyền được ra báo ngay sau năm 1975 và được bao cấp nhà đất để làm toà soạn.

Cơ sở vật chất và đặc biệt là thương hiệu mà Tuổi Trẻ tích luỹ được trong vòng 43 năm qua là rất lớn. Tuy nhiên, nó vẫn thuộc về Thành Đoàn chứ không thuộc về nhiều thế hệ đã thắt lưng buộc bụng, chắt chiu làm ra nó.

Tôi không đủ các dữ liệu để đánh giá thiệt hại về vật chất và thương hiệu cho Tuổi Trẻ khi bản online bị đóng cửa. Trong thời đại ngày nay, bản online, cho dù doanh thu trực tiếp có thể ít hơn, nhưng nó là một "chân" của tờ báo, nó giúp tờ báo in lan toả, giúp gia tăng giá trị (thương hiệu) và thu nhập. Tổn thất này của Tuổi Trẻ là vô cùng to lớn.

Trong hệ thống thứ bậc chính trị, Tuổi Trẻ, tuy chỉ là một tờ báo cấp phòng nhưng sức lan toả của nó lớn hơn rất nhiều những tờ cấp bộ và cấp vụ khác.

Tuổi Trẻ là một trong những tờ báo báo chí nhất và chuyên nhiệp nhất. Nhưng, ở góc độ công cụ tuyên truyền cho chế độ, Tuổi Trẻ cũng là đắc lực nhất. Trong không gian thông tin ngày nay, đình bản bản online những tờ báo chính thống như Tuổi Trẻ tuy có gây thiệt thòi cho người đọc nhưng xét kỹ, chính hệ thống tuyên truyền của Đảng mới thiệt hại rất nhiều.

2 nhận xét :

  1. Qua vụ phạt báo TUỔI TRẺ, chính quyền muốn cảnh báo toàn xã hội rằng: Đừng có "mơ" đến luật biểu tình, không có chuyện đó trong chế độ độc đảng đâu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi chỉ xin hỏi một câu: Vậy ông chủ tịch Trần Đại Quang không ủng họ cần ra luật biểu tình. Đúng không?
      Nguyên Ngọc

      Xóa