Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

NHỮNG BI KỊCH CỦA NÔNG DÂN MẤT ĐẤT

 
Ông Trần Văn Thanh. Ảnh: internet.
 
Những bi kịch của nông dân mất đất

Nguyễn Lân Thắng
16-7-2018

Đây là anh Trần Văn Thanh, hàng xóm của anh Đặng Văn Hiến – người vừa bị tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình vụ nổ súng làm 3 người chết, 13 người bị thương tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông hồi tháng 10 năm 2016.

Hộp sọ của anh Thanh bị vạt một mảng lớn do bị một nhóm bảo vệ của Công ty Long Sơn dùng rựa chém khi bảo vệ mảnh đất của mình. Công ty Long Sơn cũng chính là công ty đưa người cùng dao rựa, khiên, máy ủi đến phá vườn cây nông nghiệp của người dân, dẫn đến vụ nổ súng của anh Hiến. Anh Thanh giờ bị thương tật vĩnh viễn 90% và mất khả năng nói.


Trong 8 năm trời, những người nông dân như anh Thanh, anh Hiến đã phải sống trong một mối nguy hiểm thường trực như vậy. Doanh nghiệp và người dân đối xử với nhau bằng luật rừng trong từng ấy năm, chính quyền không giải quyết.

Một người nông dân Việt Nam chân chất, chỉ mong được yên ổn cấy hái trên mảnh đất của mình, có thể thẳng tay giết người không? Có, nhiều là đằng khác – cứ nhìn vào số lượng các dũng sĩ diệt Mỹ là nông dân trong thời chiến thì biết. Nhưng họ chỉ có thể làm vậy trong hoàn cảnh chiến tranh, khi mang não trạng thời chiến.

Anh nông dân Đặng Văn Hiến đã giết người khi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng – đó là thực tế trần trụi và cay đắng, chẳng có cách gì nói tránh được. Cách giết người của anh, tôi chỉ có thể lý giải là khi xuống tay, người nông dân ấy cũng đang mang một não trạng thời chiến. Những người nông dân chân chất sống giữa thời bình mà mang não trạng thời chiến – có khác được không khi hàng năm trời họ phải chịu đựng những mối đe dọa y như trong thời chiến?

Một cái roi có thể để bất cứ đâu trong nhà. Một con dao nên để trong bếp ngoài tầm với trẻ em. Một khẩu súng thì nên cho vào két và khóa lại để những người không đủ năng lực sử dụng thì không thể tiếp cận.

Án tử hình là thứ vũ khí có sức sát thương cao nhất để thực thi công lý, nó cần đi đôi với một nền tư pháp lành mạnh và trước hết là một chính quyền có khả năng quản lý xã hội tốt. Với năng lực quản lý xã hội như ở Đak Nông thì có lẽ nên bỏ luôn mức án này.

*Ghi chú: Tiêu đề do Tiếng Dân đặt.

.

2 nhận xét :

  1. Trong luật câu chữ rất quan trọng. Ví dụ 1 người vô tình làm chết 1 người khác thì phải dùng từ “hành động làm chết người” hay thuật ngữ luật có thể dùng từ: đánh, bắn người với hậu quả chết người. Còn với luật hình sự nhiều nước thì thuật ngữ luật “giết người” là tội ác và thường phải đối phó với bản án nặng nhất. Tất nhiên đa số các nước trên thế giới cũng không còn bản án tử hình. Việt Nam cũng bỏ nhiều tội tử hình – điển hình nhất là tham nhũng lớn trước khia là tử hình, thì nay cứ hứa hẹn đền bù “thích đáng” là có vẻ dễ ra ngoài án tử hình, trong khi các tội khác thì vẫn giữ nguyên án tử! Riêng với Đặng Văn Hiến nếu kến án có câu “giết người mang tính côn đồ” thì lại càng đáng phản đối, vì hành vi phòng vệ chống cướp thì với tôi không thể quy vào tội giết người (phải giám định kỹ càng thần kinh bị cáo, hoàn cảnh để xảy ra việc chết người, giám định vũ khí kỹ càng, vì không thể nói là vũ khí cứ bắn là chết người … Còn côn đồ cũng không thể tùy tiện kết luận, vì nếu đã dung khái niệm đó thì kẻ tham nhũng trong chính quyền và doanh nghiệp cướp đất còn mang tính côn đồ hơn nhiều mà không thấy nêu ra để xử?!

    Trả lờiXóa
  2. Theo ý tôi thì HĐXX nói chung, chánh án nói riêng, của vụ xét xử kết tội phi lý cho anh Đặng Văn Hiến, nếu không bị Ban Quản trị của Công ty Long Sơn mua chuộc thì sự hiểu biết và nhận thức về pháp luật của họ rất là hạn chế. Bộ Tư pháp không nên để những thẩm phán yếu kém như thế làm việc xét xử con người, không chỉ họ tạo ra sự oan khiên cho người dân mà thôi, mà họ còn làm suy giảm sâu sắc lòng tin của người dân về một thể chế XHCN pháp quyền.

    Trả lờiXóa