Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

CHÍNH QUYỀN ĐÃ ĐẨY NÔNG DÂN ĐẶNG VĂN HIẾN PHẠM TỘI


Chính quyền đã đẩy nông dân Đặng Văn Hiến phạm tội

Nguyễn Đức

Vậy là vụ xả súng khiến ba người tử vong, 13 người bị thương ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông liên quan đến việc tranh chấp giữa một số hộ dân với Long Sơn - công ty được địa phương giao đất rừng để thực hiện dự án nông lâm nghiệp - đã có phán quyết phúc thẩm.

Trong phiên xử ngày 12-7, mức án mà TAND Cấp cao tại TP.HCM dành cho bị cáo Đặng Văn Hiến, người trực tiếp nổ súng làm chết ba nhân viên của Công ty Long Sơn, vẫn là tử hình. Như ở lần xử sơ thẩm trước, mức án cao nhất này lại lần nữa gây nhiều phản ứng.

Dù đều đồng tình Hiến đã phạm trọng tội khi tước đoạt sự sống của ba con người nhưng nhiều người vẫn thấy băn khoăn khi dường như điều kiện, hoàn cảnh, ý thức phạm tội của Hiến vẫn chưa được truy xét tận cùng. Bởi lẽ sự ra tay của Hiến hoàn toàn khác với sự tàn độc vô cớ của những kẻ thảm sát… Trường hợp của Hiến có ít nhiều tình tiết dễ làm mọi người liên tưởng đến trường hợp phạm tội của ông Đoàn Văn Vươn (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) ở chỗ cũng có tiếng súng, có sự tự bảo vệ mình trước sự cưỡng chế lấy đất trái phép, có việc bị hủy hoại tài sản và có sự liên can của chính quyền địa phương… Một trong những cái khác đáng kể trong vụ Hiến là thiếu sót của chính quyền vẫn đang còn là dấu chấm hỏi, còn ở vụ ông Vươn thì sai phạm của chính quyền địa phương sớm được xác định rõ ràng để ông Vươn được lượng hình phù hợp.

Tội ác của Hiến có nguồn cơn từ tội lỗi của những người khác, trong đó rất đáng trách là có sự đẩy đưa, góp phần của chính quyền địa phương. Nói “đẩy đưa, góp phần” là vì các hộ đã nhiều lần phản ánh, cầu cứu nhưng trong tám năm trời UBND xã, huyện… như mắt không thấy, tai không nghe, đã không tổ chức hóa giải, xử lý rốt ráo vụ việc theo đúng phận sự của mình. Từ đó mâu thuẫn giữa hai bên càng trở nên gay gắt dẫn đến đối đầu nhau gây ra những mất mát, thiệt hại vô cùng lớn.

Cụ thể, xô xát giữa các bên đã nhiều lần xảy ra do phía Long Sơn đã nhiều lần huy động người đến giành đất mà không bồi thường, nhất là đối với số lượng lớn cây cối đã được các hộ dân trồng trước khi Long Sơn được giao đất. Cuối tháng 10-2016, xung đột lên đến đỉnh điểm khi Long Sơn vì quyết cưỡng chế đã cho nhiều nhân viên dùng khiên chắn, dao gậy, xe ủi, xe máy cày… phá hơn 330 cây trồng các loại của các hộ. Phía bị cáo Hiến từ chỗ tự chống đỡ bất thành đã quay sang bắn nhiều phát đạn vào nhóm nhân viên của Long Sơn...

Để rồi máu, rất nhiều máu… đã đổ! Máu đổ vì Hiến đã phạm tội giết nhiều người và có tính chất côn đồ như kết luận của các tòa hay vì Hiến bị thúc ép, dồn nén quá lâu và lúc phạm tội thì đang trong tình trạng bị kích động, không kiểm soát được bản thân theo như đơn Hiến xin Chủ tịch nước ân xá? Hay dễ thống nhất hơn vào lúc này là máu đã đổ vì sự lơ là, tắc trách của chính quyền địa phương khiến người dân sau những ngày tháng sống trong hoang mang, lo lắng, bất bình đã phải tìm cách phản kháng?

Ngay sau vụ nổ súng của Hiến, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Lê Diễn cho biết Thường trực Tỉnh ủy đã giao chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc công an tỉnh và các ngành liên quan xem xét trách nhiệm lãnh đạo của chính quyền địa phương. Thế mà từ đó đến nay dư luận vẫn chưa nhận được kết quả cụ thể. Liệu có vì thế mà con đường sống của Hiến càng ngắn hơn và day dứt trong cộng đồng càng lớn hơn nên tuy không biện hộ nhiều được cho hành vi phạm tội của Hiến nhưng đa số vẫn muốn Hiến thoát án tử? Và cũng vì nhiều lẽ đã nêu ở trên, vì những hành vi trái pháp luật của Long Sơn, vì những “tội đồ” còn ẩn mặt trong chính quyền…nên Chủ tịch nước sẽ ân xá cho Hiến để Hiến còn có cơ hội trực tiếp bù đắp phần nào thiệt hại cho gia đình các nạn nhân?

Mong là từ vụ Hiến những vụ việc phát sinh trong cuộc sống hằng ngày của người dân thuộc nhiệm vụ giải quyết của chính quyền không còn bị ngoảnh mặt quay lưng… để tránh “cái sảy nảy cái ung”, để những người có chức trách không bị xem là đã vô ý tiếp tay cho sự manh động và tội ác.

Ghi chú: (sau khi thảm án xảy ra, Pháp Luật TP.HCM đã có vệt bài phân tích sự trì trệ, quan liêu chậm tháo ngòi nổ trong các khiếu nại, tố cáo của hàng chục hộ dân. Mời xem link có truy vấn bí thư tỉnh này:  


http://m.plo.vn/…/vu-no-sung-o-dak-nong-dia-phuong-cham-go-…
http://m.plo.vn/…/an-tu-cho-dang-van-hien-va-su-day-dua-cua…

4 nhận xét :

  1. Với tôi chính xác phải là: Những kẻ tham nhũng trong chính quyền bảo kê, bật đèn xanh nhưng cáo già đứng trong bóng tối và ra mặt là những kẻ tham lam tàn bạo trong giới doanh nghiệp cho là sức mạnh đồng tiền hiện nay là „vô đối“ - thuê côn đồ, dân tấn công, cướp đất trái pháp luật của những người dân khốn khổ như gia đình Đặng Văn Hiến – thì hành vi đó thực chất là cướp ngày có tổ chức và chính 2 nhóm đối tượng trên đã đẩy Đặng Văn Hiến bắn trả lũ cướp. Nên nhớ Bộ luật hình sự có Điều khoản: . Tôi không dám bảo đảm cho Đặng văn Hiến không hề phạm tội, nhưng khi cướp đã tràn vào xâm phạm mọi lợi ích của cá nhân, gia đình … và qua nhiều phân tích những hành động đó đã chà đạp lên nhân phẩm, danh dự, niềm tin …công dân thì tiêu diệt „cướp“ nhiều khi không sai (tham khảo vụ án Đồng Nọc Nạn) và lúc này cần sự phân tích của các chuyên gia luật – cả luật pháp hình sự tiên tiến các nước do luật hình sự Việt Nam còn nhiều điểm yếu so các nước.

    Trả lờiXóa
  2. Trong vụ anh Hiến rõ ràng là nhà nước và công ty Long Sơn đã dùng luật rừng với anh Đặng Văn Hiến. Song khi anh Hiến dùng lại luật rừng để bảo vệ tài sản của bản thân và gia đình thì anh bị kết án xử tử. Vì vậy đa số dân chúng đều bất mãn trước bản án dành cho anh. Nếu xử tử anh Hiến thì cũng nên xử tử những kẻ đã gây ra thảm cảnh cho dân mới công bình.

    Trả lờiXóa
  3. Đây là vụ án điển hình. Nó cho thấy: 1. rừng luật Xứ ta chỉ là luật rừng; 2. luật rừng đó bảo vệ lợi ích nhóm; 3. luật rừng đó là công cụ của đảng và chính quyền; 4. Dân đã mất tất cả, đặc biệt là quyền làm Người, mà cốt tử là lương thiện...

    Trả lờiXóa
  4. "Tao muốn làm người lương thiện!
    - Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa! Biết không! Chỉ có một cách... biết không... Chỉ còn một cách là... cái này! Biết không!..." (Chí Phèo của Nam Cao)
    - Còn Đặng Văn Hiến? ai đẩy Hiến, một nông dân chất phác, tha hương vào cảnh giết người? Ai đã cướp đi phần tử tế trong con người Hiến? Không ai bảo vệ Hiến nên Hiến phải tự bảo vệ mình. khi không còn đường sống, sự kích động đến cùng cực thì phát súng đã nổ là điều đẽ hiểu!

    Trả lờiXóa