Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

Nguyễn Thế Thanh: THẾ TRẬN LÒNG DÂN


Nguyễn Thế Thanh

THẾ TRẬN LÒNG DÂN

Trong các lớp bồi dưỡng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh được tổ chức hàng năm đều khắp trong cả nước, các cụm từ được nhắc nhiều nhất trong nội dung học tập là: “dân là gốc”; “nước lấy dân làm gốc”; “dân là chủ, dân làm chủ”; “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương đều do dân cử ra”; “công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”; “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”; “nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”...Cả một thế trận lòng dân được xây dựng trên những điều trọng dân căn cơ đó. Những tưởng di sản tinh thần quý giá đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua mỗi năm học tập sẽ thấm sâu hơn vào nhận thức và hành động của lớp lớp đảng viên, cán bộ, công chức trong bộ máy đảng và nhà nước. 

Nhưng thật đáng tiếc, những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng xa lạ với tinh thần “Nhà nước là của dân, do dân, vì dân”; một bộ phận không nhỏ trong đảng viên, cán bộ đã ngày càng xa dân, thiếu tôn trọng dân, phung phí nghiêm trọng ngân sách và tài sản nhà nước do dân đóng góp. Điều đáng nói, thay vì làm gương bằng hành động cần – kiệm – liêm – chính – chí công – vô tư trong vị trí công bộc của dân, một bộ phận cán bộ - kể cả cán bộ lãnh đạo ở cấp rất cao của đảng và nhà nước đã trở thành những kẻ chủ động phạm pháp, tham nhũng và làm thất thoát nghiêm trọng tài sản công trong nhiều năm và chỉ bị truy tố ra tòa cho đến khi bị phát giác ! Mỗi năm qua đi, người dân phải chứng kiến tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng lên, tài nguyên ngày càng bị khai thác bất chấp yêu cầu bền vững của môi trường tự nhiên. Mỗi trận bão lũ là một lần lộ ra mức độ nghiêm trọng khó kiểm soát, ngăn chặn của nạn chặt phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Sao lòng dân có thể yên khi trách nhiệm về thực trạng đáng lo ngại đó ở nhiều cấp nhiều nơi vẫn chưa xác định rõ. Sao lòng dân có thể tin khi trong lúc tỷ lệ người nghèo còn ở mức cao, những thiệt hại về người và của ở vùng bão lũ mỗi năm đều chưa dừng lại, nhiều vùng sâu vùng xa còn thiếu trường học cho trẻ em và cơ sở chữa bệnh, vậy mà chính quyền một số địa phương vẫn thản nhiên xây dựng đề án và đề xuất chi tiêu những công trình không thiết yếu với mức kinh phí quá lớn, quá lãng phí: đề án cụm công trình tượng đài Bác Hồ ở Sơn La 1.400 tỷ đồng (đề án năm 2015), nghĩa trang quốc gia mới dành cho cán bộ cao cấp ở Hà Nội 1.400 tỷ đồng (đề án năm 2017), hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa 104 tỷ đồng (đề xuất 2018-2019). 

Nếu tình hình chưa đến mức rất nghiêm trọng, nếu thế trận lòng dân chưa bị lung lay thì liệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có cần dùng đến những lời lẽ sau đây trong hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng 2018 ngày 25 và 26.6: “ Còn nhiều vụ án tham nhũng, còn nhiều quan chức bước ra trước vành móng ngựa, đất nước chưa thể ngẩng cao đầu đi trong thế giới văn minh. Công bằng và văn minh trước hết là hạn chế được tối đa nạn tham nhũng.

Nhân dân mong ước có những cán bộ quan chức liêm chính, đạo đức, chuyên nghiệp và tinh thông nghiệp vụ.

Cho nên, phòng tham nhũng, ngăn để không có cơ hội cho các hành vi tham nhũng xảy ra, không có những cán bộ tham lam, bất tài lọt vào bộ máy mới là thượng sách. Một trong những cách đó là lắng nghe dân. Dân không đồng tình việc gì, dân căm ghét cái gì, có thể chỉ ra vài vấn đề đã được phản ánh nhiều trên công luận.

Dân không đồng tình một bộ máy quá cồng kềnh, tiêu tốn ngân sách và nặng nề thủ tục. 

Dân không đồng tình với nạn quan liêu đi cùng với những chính sách không phù hợp, làm cản trở sự phát triển của đất nước.

Dân căm ghét cán bộ quan chức hống hách, tham lam, nhũng nhiễu, hạch sách dân chúng.
Dân căm ghét thói xa hoa, hưởng thụ, biệt thự, biệt phủ, ăn trên ngồi trốc của quan chức. 

Dân căm ghét sự gian dối, bất công được tạo ra từ những cán bộ cậy chức cậy quyền, bất tài vô dụng nhưng có cơ hội là vơ vét”.

“Lãnh đạo phải nhớ, không ai có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật'. Thông điệp đó được gửi đi từ chính người đứng đầu tổ chức Đảng ở Việt Nam phải chăng sẽ thêm có ý nghĩa nếu góp phần thúc đẩy Quốc hội phải sớm có luật định không chỉ để dân làm mà còn là dân nói, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân quyết (quyền dân chủ trực tiếp). Chỉ có như thế thì những dự luật lớn có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến lợi ích quốc gia, cũng tức lợi ích của dân mới được xây dựng một cách thấu đáo, chặt chẽ, khách quan trước khi trình Quốc Hội thông qua; mới không bị bất cứ nhóm lợi ích nào chi phối. Ngăn chặn hoặc không tạo điều kiện để dân được bộc lộ chính kiến và lên tiếng về quyền lợi chính đáng của mình cũng tức là hạn chế hoặc xâm phạm quyền dân chủ trực tiếp của dân đã được hiến định. Một khi để cho xuất hiện hoặc kéo dài tình trạng trên, như đã xảy ra gần 20 năm qua ở Thủ Thiêm và những nơi khác, thì thế trận lòng dân - rất quan trọng như vốn dĩ – làm sao có thể còn vững chắc để làm vai trò bảo vệ chế độ, như đang được truyền giảng trong các lớp học chính trị hàng năm./. 

Thanh Nguyễn 
(26.6.2018).

6 nhận xét :

  1. Nhân dân VN nay không còn bị “mù” dân chủ. Họ mở to đôi mắt và coi sự “quản lý tâm hồn” chỉ là điều hoang tưởng.

    Trả lờiXóa
  2. Trong lịch sử, một chế độ xấu có kỷ lục kéo dài nhất là khoảng trên 400 năm.
    Vào thời đại ngày nay, con số đó sẽ bị rút ngắn xuống rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. Thế này mà bảo người đi biểu tình vì 300 ngàn đồng? Hơn một sự ngu dốt, mà là sự run sợ. Không phải họ không nghe được tiếng dân, mà họ cố sức bưng tai bịt mắt để trấn an nỗi sợ hãi ngày càng hiện rõ.
    Giá mà có một/những người đủ đức đủ tài, nghe thấu tiếng dân kêu, hồ mong thay đổi đất nước.
    Đúng là:
    “Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
    Nhân tài như lá mùa thu,
    …Trông người, người càng vắng bóng, mịt mù như nhìn chốn bể khơi” (Nguyễn Trãi).

    Trả lờiXóa
  4. Chúng ta hãy đọc Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi viết đúng 590 năm trước (1428), để cùng xét việc hôm nay.
    Nguyên văn:
    “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà,
    Để trong nước lòng dân oán hận.
    Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ,
    Bọn gian tà bán nước cầu vinh.
    Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
    Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
    Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế,
    Gây binh kết oán trải hai mươi năm.
    Bại nhân nghĩa nát cả đất trời,
    Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.
    Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
    Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu, nước độc.
    Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới chăng,
    Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
    Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
    Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng.
    Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán ;
    Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa.
    Nặng nề những núi phu phen,
    Tan tác cả nghề canh cửi.
    Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
    Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
    Lẽ nào trời đất dung tha,
    Ai bảo thần nhân chịu được?”

    Trả lờiXóa
  5. Bà PCT Nước đã từng phát biểu quan chức 'ăn của dân không chừa thứ gì'. Quan chức hoàn toàn là các đảng viên cộng sản

    Trả lờiXóa
  6. Nói cho cùng,chế độ CS.nay đã lộ ra hết những hạn chế nguy hiểm
    và càng ngày càng đưa đất nước lọt vào xiềng xích nô lệ cho giặc Tàu,không thể tránh khỏi.Đó lá lý do tại sao hầu hết quan chức đều phải tìm cách tham nhũng khi họ còn đặc quyền đặclợi như một cách rời khỏi con thyền đang đắm nhanh được chút náo hay chút nấy với một số của cải...phòng thân vì biết chế độ này lỗi thời
    và hoàn toàn không có tương lai trước dã tâm giặc Tàu cộng sắp
    biến VN.thành Tây Tạng thứ 2 với đủ mưu ma chước quỷ !

    Trả lờiXóa