Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

Nguyễn Sỹ Dũng: KỸ THUẬT LẬP PHÁP


Nguyễn Sỹ Dũng

Kỹ thuật lập pháp

VNE
Thứ hai, 11/6/2018, 21:32

Triết gia người Đức Bismarck từng khẳng định: “Có hai thứ rối rắm nhất trần đời là làm xúc xích và làm luật”.

Sự rối rắm của việc làm xúc xích luôn cho ra đời những sản phẩm thơm ngon, bổ dưỡng. Sự rối rắm của việc làm luật lại không phải bao giờ cũng vậy. Có những dự luật được soạn thảo lên xuống cả hàng chục lần, nhưng vẫn chỉ là một sản phẩm “bỏ thì thương, vương thì tội”. Chính vì vậy, tính hữu ích của sự rối rắm chỉ chắc chắn có khi làm xúc xích, không phải với việc làm luật.

Sau gần 30 năm làm việc cho Quốc hội, tôi càng nhận thức rõ hơn toàn bộ sự thật nói trên, đặc biệt là trong bối cảnh kỹ thuật lập pháp không phải bao giờ cũng được quan tâm đầy đủ như ở nước ta.

Lấy dự Luật An ninh mạng sẽ được trình Quốc hội thông qua trong ngày mai làm ví dụ, chúng ta sẽ thấy rất nhiều vấn đề thuộc về kỹ thuật lập pháp có vẻ chưa được xử lý thỏa đáng.

Trước hết là việc nhận biết vấn đề. Trên thế giới, người ta làm luật là để xử lý vấn đề phát sinh trong cuộc sống, hơn là để đáp ứng đam mê điều chỉnh của các nhà lập pháp.

Vậy thì vấn đề mà dự Luật An ninh mạng được thiết kế để xử lý là vấn đề gì? Có phải đó là vấn đề hệ thống mạng - không gian số - của chúng ta không an toàn; hay là hệ thống mạng thì vẫn an toàn, nhưng đang được sử dụng để tuyên truyền chống phá Nhà nước?

Có vẻ như cả hai yếu tố nói trên đều có. Thế thì kỹ thuật lập pháp bắt buộc chúng ta phải xác lập ưu tiên ở đây. Xác lập ưu tiên nghĩa là xác định đâu là vấn đề hệ trọng hơn của đất nước. Cái nào quan trọng hơn quả thực còn phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Tuy nhiên, khi không gian số đang là không gian quan trọng nhất cho sự phát triển của đất nước trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; khi kinh tế số sẽ quyết định sự thịnh vượng của dân tộc ta trong thời gian sắp tới; khi dữ liệu lớn đang dần trở thành nguồn tài nguyên quan trọng nhất của mỗi quốc gia, thì an ninh và an toàn mạng phải là ưu tiên hàng đầu.

Tên dự luật là “Luật An ninh mạng” có lẽ đã phản ánh được ưu tiên nói trên. Tiếc rằng với các giải pháp lập pháp được đề ra trong dự luật, thì ưu tiên cho an ninh, an toàn mạng lại trở thành thứ yếu so với ngăn chặn tuyên truyền chống phá Nhà nước trên mạng.

Hai là lập luận về việc phải lựa chọn giải pháp lập pháp. Nếu vấn đề sử dụng mạng để chống phá Nhà nước là vấn đề phải được ưu tiên xử lý, thì chúng ta vẫn cần trả lời được câu hỏi: Tại sao phải lập pháp? Câu trả lời bắt buộc ở đây phải là: Tại vì không còn giải pháp nào khác.

Có phải thật như vậy không? Công cụ để xử lý vấn đề tuyên truyền chống phá Nhà nước đã có đầy đủ trong Bộ Luật hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự… Các công cụ này được sử dụng cho mọi không gian, thì tại sao lại không thể sử dụng được cho không gian mạng? Nếu lập luận là phải có một lực lượng để bảo vệ an ninh quốc gia trên mạng, thì chẳng lẽ cũng cần một lực lượng để bảo vệ an ninh quốc gia trên không, một lực lượng để bảo vệ an ninh quốc gia trên biển, một lực lượng để bảo vệ an ninh quốc gia trên đất liền? Tại sao những lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia hiện hữu lại không thể bảo vệ an ninh quốc gia trên mạng? Nếu câu trả là vì các lực lượng này không đủ năng lực, thì giải pháp phải được đề ra là nâng cao năng lực, chứ không phải là lập pháp. Nếu các lực lượng này có đủ năng lực thì tại sao lại phải bỏ sức người, sức của ra để thành lập một lực lượng khác?

Quả thực, lập luận cho được tại sao lại phải cần giải pháp lập pháp ở đây là điều không dễ.

Ba là cần những phân tích về chi phí và hiệu quả. Những giải pháp lập pháp được đề ra trong dự Luật An ninh mạng sẽ làm phát sinh những chi phí hết sức to lớn cho cả Nhà nước, cả xã hội và người dân. Đó là chưa nói tới những hạn chế liên quan đến quyền tự do kinh doanh, quyền tự do sáng tạo trên không gian số sẽ ảnh hưởng hết sức to lớn đến sự phát triển của nền kinh tế số của Việt Nam. Với những chi phí to lớn cả về sức người, sức của, cả về sự phát triển trong tương lai, thì lợi ích mà chúng ta đạt được có thật sự lớn hơn không?

Cuối cùng là việc phân tích xem các giải pháp lập pháp được đề ra có hợp Hiến không? Hiến pháp có cho phép chúng ta làm điều đó không? Quả thực phép phân tích này không biết đã được tiến hành đến đâu, nhưng những băn khoăn, về việc các quyền Hiến định của người dân có thể cần được quan tâm nhiều hơn là có thật.
Nguyễn Sĩ Dũng

3 nhận xét :

  1. Chính vì vậy, tính hữu ích của sự rối rắm chỉ chắc chắn có khi làm xúc xích, không phải với việc làm luật.
    Sau gần 30 năm làm việc cho Quốc hội, tôi càng nhận thức rõ hơn toàn bộ sự thật nói trên, đặc biệt là trong bối cảnh kỹ thuật lập pháp không phải bao giờ cũng được quan tâm đầy đủ như ở nước ta.
    (cựu ĐB Nguyễn Sỹ Dũng)
    ________________________
    Ông Nguyễn Sỹ Dũng nói câu này đúng quá!Ở nước ta thì cục xúc xích đáng được quan tâm hơn số phận con người! Chẳng hạn như một lô hàng thủy sản bị trả về hay khuyến cáo của châu Âu đưa thẻ vàng thì cả chính phủ lo sốt vó, nhưng dân oan hàng mấy chục năm thì có ai nhìn ngó gì tới đâu!

    Trả lờiXóa
  2. Phải rồi, ông nguyễn Sỹ Dũng nêu ra ba vấn đề thật hợp lý:
    _Thứ nhất, luật chỉ ra đời khi cuộc sống phát sinh tình huống mới thì cần có luật, đằng này ta làm luật để bó tay người dân thì thật buồn cười.
    _Thứ hai: bộ luật hình sự sờ sờ ra đó, phải chịu khó làm việc chứ cứ ra luật rồi ăn ngủ thì chẳng khác nào ông bảo vệ cổng cơ quan cứ khóa cửa suốt ngày rồi chui vào góc nào mà ngủ thì tệ quá.
    _Thứ ba: chỉ tìm cách cấm đoán các thứ mà không tôn trọng quyền con người thì Hiến pháp để làm gì?

    Trả lờiXóa
  3. Nói trắng ra, đảng muốn mạng phải là một công cụ của mình, như hội đoàn, báo chí, văn nghệ sỹ,...Thế nhưng, chi phí cực lớn, tổn thương mất mát lớn hơn, ảo tưởng vẫn là ảo tưởng...Ngày cáo chung đang đến gần...

    Trả lờiXóa