Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

KIẾN NGHỊ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM TẠI CỘNG HÒA SÉC GỬI QUỐC HỘI



KIẾN NGHỊ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM TẠI CỘNG HÒA SÉC
YÊU CẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM KHÔNG THÔNG QUA 
LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC BIỆT
(Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc)

Kính thưa:
- Cộng đồng người Việt Nam ở Cộng hòa Séc.
- Các tổ chức và cá nhân.

Ngày 15 tháng 6 tới đây, Quốc hội Việt Nam sẽ quyết định về LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC BIỆT VÂN ĐỒN, BẮC VÂN PHONG, PHÚ QUỐC - Gọi tắt Luật Đặc Khu).

Chúng tôi, Nhóm Văn Lang, một tổ chức Xã Hội Dân Sự ở Cộng hòa Séc thấy rằng, ngoài những bất cập khác, nếu điều luật này được thông qua nó sẽ gây nhiều nguy hại nghiêm trọng cho sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam và bản thân cách mà Đảng cộng sản Việt Nam (một tổ chức chính trị) đặt Quốc hội (cơ quan quyền lực cao nhất nước) vào thế bắt buộc phải thông qua như lời bà Chủ tịch quốc hội Nguyễn Kim Ngân tuyên bố: ''Bộ chính trị đã quyết định rồi, Quốc hội phải bàn để cho ra luật'' là không thể chấp nhận được. 


Vì vậy, chúng tôi soạn thảo Kiến nghị này gửi tới những đại biểu quốc hội Việt Nam, những người được cho là đang đại diện cho cử tri cả nước, hiện đang tham gia kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV tại Hà Nội nhằm yêu cầu họ KHÔNG BỎ PHIẾU THÔNG QUA BỘ LUẬT NÀY.
Chúng tôi kêu gọi Cộng đồng người Việt Nam ở Cộng hòa Séc, các tổ chức và cá nhân hưởng ứng ủng hộ bằng cách tham gia ký tên trong Bản Kiến nghị.

Nếu đồng ý, xin gửi: Họ và tên (Tên tổ chức), nghề nghiệp (cá nhân), địa chỉ, liên lạc 
về email: vanlang@vanlang.eu

Bản kiến nghị với chữ ký sẽ được tổ chức trao cho ngài Hồ Minh Tuấn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Séc vào lúc:

- 14g00, Chủ nhật 10/6/2018
- Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Plzeňská 2578/214, Praha 5.

Xin trân trọng cảm ơn.
------------

KIẾN NGHỊ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM TẠI CỘNG HÒA SÉC.

YÊU CẦU QUỐC HỘI VIỆT NAM KHÔNG THÔNG QUA 
LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC BIỆT(Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc)

Kính gửi các Đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV tại Hà Nội

Chúng tôi những người Việt Nam sống và làm việc tại Cộng hòa Séc ký tên dưới đây khẩn thiết yêu cầu các vị, với tư cách là đại diện cho ý nguyện của toàn dân dừng ngay việc thông qua Luật về Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV tại Hà Nội vì các lý do sau đây:

- Là một nước đang bị Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ, chiếm đóng nhiều đảo và ngày càng hung hăng thực hiện tham vọng chiếm gần hết biển Đông, Việt Nam cần phải thật tỉnh táo, cân nhắc những kế hoạch có thể liên quan đến vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ với Trung Quốc.

- Theo các chuyên gia kinh tế, mô hình đặc khu kinh tế không còn phù hợp trong sự phát triển hiện nay của thế giới, nhất là cho công nghệ cao 4.0 đang là hướng đi đến trong các kế hoạch kinh tế vĩ mô của chính phủ Việt Nam. Ngoài ra việc cho thuê đấ̀t lâu dài 50, 70 thậm chí 99 năm hoàn toàn không phù hợp với các chương trình đầu tư hiện nay của thế giới, khi vòng đời của các kế hoạch này ngày càng ngắn lại. Mô hình này chỉ phù hợp với việc kinh doanh bất động sản, casino mà các đặc khu này cũng tính đến.

- Theo tổng kết của Caixin (https://www.caixinglobal.com/2017-05-14/101090194.html), tính đến tháng 4-2017, Trung Quốc có tổng cộng 77 đặc khu đang được xây tại 36 quốc gia, trong đó 56 đặc khu khu nằm tại 20 quốc gia dọc theo tuyến “Một vành đai, một con đường”. Cách đây 10 năm đặc khu đầu tiên được xây dựng ở Sihanoukville của Campuchia, đến năm 2016 tại đây có 94 công ty Trung Quốc, 12 công ty nước ngoài khác và chỉ có 3 công ty Campuchia. Tình hình các đặc khu khác cũng tương tự. Theo Caixin các đặc khu này được dựng lên chủ yếu để Trung Quốc tranh các trừng phạt từ Mỹ và châu Âu với hàng hóa xuất đi trực tiếp từ Trung Quốc. Tại các đặc khu này các công ty Trung Quốc đưa trực tiếp các công nhân của họ từ Trung Quốc sang, xử dụng các dịch vụ ngân hàng ở tại Trung Quốc và thực sự trở thành những thành phố Trung Quốc thu nhỏ ở nước ngoài.

- Vân Đồn, Bắc Phong Vân, Phú Quốc có nhiều dấu hiệu cho thấy nằm trong kế hoạch phát triển toàn cầu của Trung Quốc về kinh tế và di dân hơn là một kế hoạch kinh tế độc lập của Việt Nam. Điều đó cũng giải thích lý do việc thuê đất 99 năm đang bàn cãi trong dự thảo luật hiện nay.

Chúng tôi tin tưởng rằng, quý vị luôn nhận thức được trách nhiệm cao nhất của mình là trách nhiệm trước quyền lợi của đất nước, trách nhiệm với lịch sử và tương lai của dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi cũng xin nhắc lại ở đây lời cảnh báo nghiêm khắc của vua Lê Thánh Tông: "Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di" và kêu gọi các vị hãy dừng ngay và chấm dứt một kế hoạch đầy rủi ro cho vận mệnh của đất nước.

Làm tại Praha, ngày 03.6.2018

4 nhận xét :

  1. Trần Thị Thảolúc 21:13 4 tháng 6, 2018

    Cám ơn rất nhiều đến những người Việt sống tại C H Séc , mặc dù ở xa nhưng mọi người vẫn hướng về về quê hương , lo lắng tới vận mệnh của đất nước.

    Trả lờiXóa
  2. Các bạn đang khóc cùng hầu hết Người Việt nam hiện còn sinh sống trong nước! Đau buồn quá các bạn ơi!

    Trả lờiXóa
  3. Còn người Việt ở Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Nhật... lên tiếng hết đi, trông chờ bà con Việt kiều gần xa cùng góp sức giữ nước

    Trả lờiXóa
  4. Khi ra đi là từ VN, lúc về lại về đất Tầu. Có nỗi nhục nào lớn hơn?

    Trả lờiXóa