Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

Chuyện Mùa thi: Ý KIẾN CỦA CÔ GIÁO TRỊNH THU TUYẾT VỀ CHẤM BÀI


Đề văn thi QG 25/6/2018: CÓ CHO ĐIỂM KHÔNG NẾU TRÒ NÓI NHỮNG ĐIỀU CỦA LƯƠNG TRI VÀ TRÁCH NHIỆM?
.
TS.Trịnh Thu Tuyết
 
1. Phần I đưa ra ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn trích trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy - một đoạn thơ từ thập kỉ 80 không chỉ giữ được tính thời sự mà còn có thể chạm tới những trăn trở suy ngẫm của con người thời hiện đại với tiềm lực/ thực tế tiềm lực / thực tế khả năng phát triển tiềm lực của đất nước.

Ngoài 3 câu hỏi đầu khá đơn giản với học trò ở mức độ nhận biết và thông hiểu thì cau hỏi 4 có lẽ đặt ra vài suy ngẫm. Cụm từ lệnh trong câu 4 “có còn phù hợp với…” là một câu lệnh có tính định hướng khiến học sinh có thể nhận ra ý nghĩa phủ định/phản biện với quan điểm của tác giả trong đoạn thơ “ta ca hát…/tiềm lực còn ngủ yên” - tính định hướng sẽ làm giảm phần nào tính tích cực, chủ động của học sinh trong tư duy, điều đó sẽ thay đổi nếu câu hỏi xóa bỏ từ “còn” trong câu lệnh – học sinh sẽ được phép trình bày những suy nghĩ của mình một cách chủ động nhất mà không phải băn khoăn đến yếu tố “định hướng”. Và nội dung giải thích " vì sao" ở vế sau của câu hỏi sẽ có thể đưa tới những ý kiến trái chiều của học trò về tiềm lực và thực trạng " đánh thức tiềm lực" của đất nước. Vậy đáp án có dung nạp, chấp nhận những ý kiến tâm huyết đó không khi học sinh có thể đề cập tới tình trạng chảy máu chất xám ( tiềm lực con người)/ tình trạng cạn kiệt tài nguyên rừng biển sông đồng... của quê hương đất nước? Và đáp án có cho điểm không nếu trò nói: câu thơ ND không còn phù hợp vì khg còn tiềm lực gì để đánh thức!!!

2. Câu NLXH của phần Làm văn đề cập tới vấn đề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với chủ đề của ngữ liệu Đọc hiểu; và thay vì chủ đề “đánh thức tiềm lực” hướng tới cộng đồng thì đề bài đã đặt ra vấn đề sứ mệnh "đánh thức tiềm lực" đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay – và yêu cầu nghị luận ấy trực tiếp hướng tới mỗi thí sinh trong bài làm của mình. Yêu cầu đề bài về hình thức là 1 đoạn văn khoảng 200 chữ; nội dung là trình bày suy nghĩ về sứ mệnh cá nhân – đó là một nội dung rất cụ thể hướng về cách thức/giải pháp/bài học... với mỗi công dân trước vấn đề " đánh thưc tiềm lực" của đất nước. Với yêu cầu này của đề bài, có thể xuất hiện hai dạng bài của học sinh: những bài viết trình bày bài học chung chung về nhiệm vụ, sứ mệnh cá nhân với đất nước, như tham luận trong đại hội chi đoàn, thiếu bản sắc, cá tính và sự chân thành,tâm huyết / và những bài làm chạm tới những vấn đề nhiều chiều trong thực trạng tiềm lực của đất nước, thậm chí đề cập tới những vấn đề nhức nhối của quê hương đất nước trong cả hai nguồn lực tự nhiên và con người. Một lần nữa, băn khoăn lại hướng tới độ mở của đáp án cho những bài làm của nhưng học trò có sự quan tâm, hiểu biết sâu sắc về thực trạng đất nước, dám dũng cảm trình bay quan điểm của trí tuệ, lương tri và trách nhiệm.

Câu 2 phần NLVH đã đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ của Thạch Lam giúp thể hiện được những thông điệp tư tưởng và nghệ thuật, đem đến giá trị nhân đạo sâu sắc cho hai tác phẩm. Tuy nhiên, cách diễn đạt vấn đề nghị luận lại vi phạm vào tiêu chí logic khi các hình ảnh đối lập trong cả 2 tác phẩm đều không đặt cùng trên một hệ quy chiếu so sánh, đó là yêu cầu so sánh sự đối lập giữa chiếc thuyền và gia đình hàng chài; giữa phố huyện và đoàn tàu…Sự thiếu logic đó sẽ làm giảm tính mạch lạc, tính hệ thống trong việc triển khai các luận điểm trong bài làm của học trò. Hoàn toàn có thể thay bằng cách diễn đạt logic khi yêu cầu học trò: Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của ngoại cảnh khi chiếc thuyền ở ngoài xa và bức tranh hiện thực cuộc sống khi chiếc thuyền tới gần. Từ đó, anh/ chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa thế giới của phố huyện lúc đêm khuya và " thế giới khác" mà đoàn tàu đem đến để nhận xét về cách nhìn hiện thưc của hai tác giả.

Nhìn chung, đề văn QG đã có những đổi mới theo hướng tích cực nhưng vẫn cần quan tâm nhiều hơn về khả năng triển khai vấn đề của trò trong câu hỏi đọc hiểu và NLXH, về tính logic trong yêu cầu nghị luận của câu hỏi NLVH. Và sự đổi mới chỉ trọn vẹn nếu dám chấp nhận những cái nhìn tâm huyết, dũng cảm của LƯƠNG TRI!

5 nhận xét :

  1. cô Trần Thị Lam, cô Trịnh Thu Tuyết, cô Nguyễn Thanh Huyền là ba cô giáo được người dân VN ngưỡng mộ hiện nay, Ba cô mới đích thực Là những NHÀ GIÁO NHÂN DÂN, chân chính - do nhân dân phong tặng.
    cảm ơn cô Thu Tuyết, đọc bài viết về cô, tôi lại nhớ các bài thơ mà các cô viết trong bài cuộc ĐỐI THOẠI LẠC LONG QUÂN VÀ NÀNG ÂU CƠ mà ba cô đã viết từng chương: Lời nàng Âu Cơ (Trần Thị Lam), lời Lạc Long Quân (Trịnh Thu Tuyết), và Nỗi oan nàng Mỵ Châu (Nguyễn Thanh Huyền)-tôi đã rơi nước mắt khi đọc ba bài thơ này của ba cô và liên hệ với hiện tình đất nước hiện nay.

    Trả lờiXóa
  2. Cô yên tâm ạ. vì những người ra đề đã có những đổi mới và dũng cảm. Tôi tin các thầy cô chấm bài sẽ chấm đúng những suy nghĩ dũng cảm của học sinh. Hãy tin vào các em! Tin ở tương lai!

    Trả lờiXóa
  3. Trời, tư tưởng của những đứa học trò trung học đang tập tành cách viết cho ra câu ra cú mà còn phải bị định hướng nữa thì cái gọi là "tự do tư tưởng" là gì, ở đâu trong cái xã hội dân-chủ-gấp ngàn- lần- tư- bản này hở các ông lãnh đạo, các "toà" giáo dục?
    Tôi nghĩ các thầy cô kể cả giám khảo chấm thi chỉ nên chấm cách viết văn, dụng từ của học sinh sao cho phù hợp và trôi chảy ý tưởng mà chúng muốn diễn đạt. Còn tư tưởng, khuynh hướng và chính kiến của chúng ra sao thì làm ơn để yên đi. Con người phải có sự độc lập về chính kiến như lời ai đó đã được lập đi lập lại từ nào tới giờ "không gì quý hơn độc lập, tự do"

    Trả lờiXóa
  4. Tôi hơi lạ thấy một số thày cô giáo Văn chê bai đề thi này. Hoan hô, phải thế chứ. Văn nghị luận chính trị xã hội phải ra những đề như thế, và thí sinh có quyền viết những gì mình cho là đúng. Bố bảo các thày chấm cho điểm liệt học sinh, nếu như học sinh không chửi đảng, chửi chế độ và không viết tồi. Họ có quyền nói thẳng, nói thật, nói đúng và nói hay. Tôi chưa biết đáp án thế nào, chắc sẽ có nay mai. Nhưng với môn Văn, đáp án chỉ là dùng để tham khảo với những đề tự luận chính trị xã hội. Các bác chớ lo, hi vọng đây là một đề hay đánh thức tiềm năng tinh thần hay ý thức công dân của học sinh. Hay, tôi cho là rất hay. Các thày đừng mãi nghĩ các em là trẻ con, họ lớn rồi và rất có ý thức, đừng đem cái e ngại sợ sệt của mình mà lo ngại cho các em. Tôi đã đọc “phây” của nhiều em, thấy các em trưởng thành ghê gớm, trách nhiệm xã hội ghê gớm, nhiều khi khiến mình thấy xấu hổ cho mình. Các em nói thẳng, nói thật, nói đúng và nói hay, nói có văn chương nghệ thuật thì nhất định không ai có thể cho điểm liệt. Tôi lại thấy đây là một đề thi Văn nghị luận rất dễ viết và rất dễ viết hay đối với những học sinh có trình độ, có ý thức công dân và trách nhiệm xã hội cao, rất dễ vượt trội trong phân hóa học sinh.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn cô Trịnh Thu Tuyết ! Cái khó và cái đau của trẻ Việt hôm nay là vậy: chúng không được phép nghĩ khác định hướng đã được nhồi sọ từ khi mới lọt lòng. Không được nghĩ khác có nghĩa là trở nên người máy, chỉ dành cho những thế giới không có tính người...

    Trả lờiXóa