Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

Đào Tiến Thi: HÃY TẠM DỪNG THÔNG QUA LUẬT AN NINH MẠNG


HÃY TẠM DỪNG THÔNG QUA LUẬT AN NINH MẠNG

(Thư của công dân Đào Tiến Thi, nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ, nguyên Ủy viên BCH Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cư trú tại P.409, CT7E, CC. Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội).


Kính gửi các đại biểu Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ V

Kỳ họp thứ V Quốc hội khóa XIV sắp thông qua Luật An ninh mạng (viết tắt: Luật ANM).


Chúng tôi thấy việc này không thể vội vàng vì ba lý do: 


1) Là luật hết sức mới mẻ đối với Việt Nam;
2) Tinh thần chung và nội dung nhiều điều luật chưa ổn mà chưa được thảo luận rộng rãi;
3) Là luật có liên quan nhiều đến quan hệ quốc tế. 


 Theo cảm nhận cá nhân, thiết nghĩ rằng, cũng như chúng tôi, hầu hết các đại biểu Quốc hội chưa có mấy kiến thức về mạng thông tin quốc tế toàn cầu (internet). Ở đây tôi chưa nói vấn đề kỹ thuật sử dụng mạng mà nói vấn đề “văn hóa mạng”, “triết lý mạng”. Cho đến nay, không thiếu người vẫn cảm nhận interet là thứ “rác rưởi”, thậm chí ngay cả một vị tiến sỹ còn phát biểu rằng “50% trên face book “vô công rồi nghề”,… Nhiều hành vi sai trái của quan chức bị tố cáo qua mạng, nhiều vị quan chức bị “ném đá” trên mạng vì những phát ngôn thô lậu, coi thường dân chúng,… cho nên những người này, tất nhiên, chẳng ưa gì mạng xã hội. Ngay cả những tổ chức, cá nhân có việc làm chính đáng, cẩn trọng cũng vẫn “ghê” mạng xã hội. Tôi đã từng tham gia góp ý một văn bản có tính khoa học của một bộ nọ; vì văn bản tuy thực thi trong phạm vi của ngành nhưng nó liên quan đến toàn bộ xã hội, cho nên tôi đề nghị đưa văn bản lên mạng lấy ý kiến rộng rãi nhưng lãnh đạo bộ ấy rất ngại. Cuối cùng văn bản vẫn được đưa ra xã hội nhưng không dưới dạng chính thức mà qua phát ngôn của những cá nhân soạn thảo (có lẽ như thế để đỡ áp lực chăng?).

Nói như thế để Quý vị thấy tôi hết sức thông cảm với các nhà quản lý, các đại biểu Quốc hội trước thời đại internet. Nhưng chỉ thấy mặt trái của internet mà tìm cách “siết” người sử dụng thì vô cùng tai hại. Đọc hết Luật ANM (dự thảo), tôi cảm tưởng người làm luật đã tư duy theo hướng “siết” là chính. Đó không chỉ là tư duy người soạn luật mà có lẽ nó muốn đáp ứng một bộ phận không nhỏ trong giới lãnh đạo, vì quá lo sợ trước sức mạnh của internet. Và như thế, chẳng lẽ luật là để phục vụ cho lợi ích của nhà quản lý mà không/ chưa tính đến lợi ích của quốc gia nói chung và của mỗi người dân nói riêng.

Nói đến đây, tôi thấy phải đặt ra chí ít ba vấn đề: 1) Quay về những tiền đề của luật: luật để làm gì và Luật ANM để làm gì? 2) Những nội dung của Luật ANM ảnh hưởng như thế nào đến quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân? 3) Những nội dung của luật này có phù hợp với luật pháp quốc tế không?

Chúng tôi chưa có điều kiện nghiên cứu luật an ninh mạng của các nước nên trong thư này chỉ để cập 2 vấn đề đầu.

1. Luật nói chung để làm gì và Luật ANM để làm gì?

J.J. Rousseau (1772 – 1778), một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của nhân loại thời đại Khai sáng đã cho chúng ta một cách hiểu về luật mà đến nay thiết nghĩ vẫn còn nguyên giá trị. Ông viết: “Cái gì tốt và đúng với trật tự của tự nhiên là do bản chất của sự vật chứ không do quy ước của con người (…) Cứ theo bản tính của con người mà nói thì luật pháp của công lý tự nhiên không có hiệu quả với con người, vì thiếu tính chế tài; chúng chỉ làm lợi cho kẻ xấu và làm hại người công bằng, vì người công bằng tôn trọng luật pháp với tất cả mọi người, trong khi kẻ xấu lại bất tuân luật lệ. Vậy thì phải có những quy ước để kết hợp quyền lợi với bổn phận và đem công lý về với đối tượng của nó”[1]. Những quy ước chung này ông gọi là “ý chí tập thể”. Và ý chí tập thể là một “tổng thể” mà không thể lấy bớt ra một phần tử nào, vì lấy ra thì nó không còn là tổng thể nữa. Ông viết tiếp: “Khi một đạo luật được hình thành và phản ánh được cả tập thể dân chúng cũng như ý chí tập thể, thì đạo luật này tôi gọi là luật pháp”.

Có thể nói ngắn gọn phân tích trên: luật pháp là ý chí tập thể. Nói cách khác, luật pháp đúng nghĩa luật pháp là khi nó đạt được “ý chí tập thể”, tức nó chẳng của riêng ai, nó là “khế ước xã hội” của cộng đồng. Phát triển luận điểm này, Rousseau cho rằng không cần phải hỏi ai là người soạn luật (vì đó đã là ý chí của tập thể), cũng không cần phải hỏi người cầm quyền có đứng trên luật pháp hay không (vì người ấy cũng là thành viên của quốc gia, nằm trong cái ý chí tập thể kia), cũng không cần phải hỏi luật có công bằng hay không, “vì chẳng ai lại đi bất công với chính mình”, cũng không cần phải hỏi vì sao ta vừa được tự do, vừa phải tuân theo luật pháp, “bởi luật pháp chỉ là những gì thể hiện ý chí của chúng ta”. Và Rousseau kết luận: “Luật pháp chỉ là những quy ước của những kết hợp dân sự. Dân chúng chịu quyền của luật pháp nên cũng phải là những người làm ra luật”.

Tất nhiên không thể nào họp tất cả dân chúng để cùng soạn thảo luật, cho nên các đạo luật luôn được giao cho các nhân vật hay các nhóm “tinh hoa” soạn thảo, nhưng nội dung phải thể hiện được “ý chí tập thể”.

Trở lại với Luật ANM. Mạng internet là một tiến bộ vượt bậc của khoa học - công nghệ, cũng là một thành quả chung của nhân loại và theo nguyên tắc “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”[2] thì Luật ANM (dự thảo) đã “có vấn đề” ngay từ những điều luật có tính khái quát. Ví dụ, Điều 4 (Nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng), mục 2: “Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam….”. Luật là “ý chí tập thể”, thì tất cả (cộng đồng) đều ở trong luật, không ai đứng trên hay đứng ngoài luật. “Ý chí tập thể” của Luật ANM bao gồm cả ý chí của Đảng, vậy thì Đảng còn lãnh đạo là lãnh đạo thế nào? Tôi hiểu khái niệm “Đảng lãnh đạo” là lãnh đạo về chủ trương, đường lối, chứ “lãnh đạo luật” vừa vô nghĩa, vừa không thể. Xem nhiều luật hiện hành khác, như Luật Lao động, Luật xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ,… đều không thấy có điều luật nào như thế cả. Nghiên cứu các điều luật cụ thể thì thấy Luật ANM như là một bộ công cụ của cơ quan chức năng (Bộ Công an) để kiểm tra, giám sát, xử lý, ngăn chặn, xử phạt,… những hành vi được coi là “sai phạm”, chứ nó không thể hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng mạng. Chẳng lẽ lại Luật ANM đứng ngoài hệ thống luật của quốc gia?

2. Luật ANM tác động đến quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân như thế nào?

Đọc hết 47 điều trong Luật ANM, tôi vẫn không thể biết quyền và nghĩa vụ sử dụng mạng internet của tôi ra sao. Ví dụ, khi tôi đã trả tiền nhà mạng theo “gói” dịch vụ, vậy mỗi khi “mất mạng” thì nhà mạng phải chịu trách nhiệm thế nào? Nếu tôi bị tin tặc tấn công thì tôi viết đơn thư, khiếu nại ai? Tôi được quyền chia sẻ thông tin như thế nào? Một ai đó đưa quảng cáo vào trang face book cá nhân của tôi hoặc mạo danh tôi lập một trang face book thì xử lý ra sao? Những vấn đề thường nhật ấy đều thuộc “an ninh mạng” cả, nhưng không hề được để cập trong Luật ANM (dự thảo).

Còn những hành vi bị gọi là “vi phạm” thì hết sức mơ hồ vì nó không có định nghĩa. Ví dụ:

Điều 8 (Các hành vi bị cấm) như soạn thảo, đăng tải, tán phát thông tin “xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng”,… Thế nào là “xuyên tạc lịch sử”? Lịch sử là một khoa học, ngày hôm trước tôi hiểu, đánh giá một sự kiện, một nhân vật thế này, ngày mai có tư liệu mới, có tư duy mới, tôi hiểu và đánh giá khác, thế là “xuyên tạc lịch sử” hay sao? Cách mạng cũng luôn là một quá trình vận động, trong đó có việc thay đổi nhận thức. Ví dụ, trước kia ta đánh giá rất cao việc hợp tác hóa nông nghiệp, xây dựng nông, lâm trường, bây giờ nhìn lại cho thấy đó là ấu trĩ, sai lầm, như thế có là “phủ nhận thành tựu cách mạng” không?

Điều 15, khoản 1, quy định xử lý thông tin vi phạm trên không gian mạng có nội dung “tuyên truyền chống nhà nước”, trong đó có các loại thông tin như “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”, “thông tin gây chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc”, “thông tin có nội dung tuyên truyền, kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, lôi kéo tụ tập đông người gây rối”,… Chẳng hạn, tôi phê phán, châm biếm một chính quyền địa phương, một vị quan chức có hành vi, lời nói sai trái, như thế có là “phỉ báng” không? Tôi đưa tin và thể hiện sự phẫn nộ về một vụ bắn giết ngư dân Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc thì có là “kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc” không?,…

Chưa kể, các hành vi bị coi là vi phạm, bị cấm của Luật ANM nói trên lại mâu thuẫn với các quyền công dân và quyền con người. Ví dụ, Điều 25 của Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.

Trong khi đó thì lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng (LLCT) lại có rất nhiều quyền, với một loạt các động từ thường xuyên xuất hiện trong văn bản Luật: phong tỏa, hạn chế, ngừng cung cấp dịch vụ, đình chỉ, xóa bỏ, yêu cầu ngừng hoạt động,… của hệ thống thông tin. Với những quyền năng này, LLCT sẽ tùy tiện phá vỡ hợp đồng của người sử dụng mạng với nhà mạng.

Đặc biệt, Điều 26.2 quy định: “Cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản”. Theo chúng tôi, quy định trên trái với Điều 21 của Hiến pháp 2013: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. 2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.

Kết luận, với các nội dung điều khoản trong Luật ANM (dự thảo), chúng tôi thấy luật này không mang tính chất một đạo luật, mà chỉ là một công cụ để LLCT xử phạt, mà trong những quyền xử phạt đó có nhiều điều vi phạm Hiến pháp. Còn nhân dân – đối tượng hưởng quyền và nghĩa vụ đối với Luật ANM thì không được bảo vệ, trái lại, sẽ luôn luôn trong nơm nớp lo sợ phạm luật, vì điều tối thiểu là hiểu những quy định luật cũng hết sức mơ hồ. Do đó, cần tạm dừng Luật ANM để nghiên cứu, thảo luận thật thấu đáo, cho đến khi được đông đảo nhân dân ủng hộ mới đưa ra Quốc hội biểu quyết.
______________________

[1] Rousseau, Khế ước xã hội, NXB Thế giới, 2013. Các trích dẫn về Rousseau trong bài đều lấy từ tài liệu này.

[2] Hồ Chí Minh, Tuyên Ngôn độc lập.

3 nhận xét :

  1. Mỗi khi đất nước khó khăn
    Là khi mấy chú Ngữ Văn xồn xồn
    Mấy thằng Khoa Sử rất khôn
    Bút không có đạn quẹt l.. vô chơi.

    Trả lờiXóa
  2. Bác Đào Tiến Thi nói chuẩn rồi. Cảm ơn bác. Nhưng, đó là đối thoại giữa người với người...Cho nên, xin cứ thẳng băng, cái gọi là luật an ninh mạng (LANM) là "Luật cấm phản biện đảng và chính phủ", "Luật cấm nói thẳng nói thật", "Luật bịt miệng Dân", hay "Luật khóa mồm Dân"...LANM thực chất là luật trá hình. Mạng không cần luật. Bảo vệ người dùng mạng mới là cần thiết. Công an Việt Nam, nếu thực sự vì nước vì dân, không khó gì không làm tốt việc này...

    Trả lờiXóa
  3. Ối giời. Còn Internet là người ta còn lách. Trừ khi mấy ông bà kẹ cấm luôn.
    Hay là làm vậy đi, để VN "trở về thời kỳ đồ đá"!

    Trả lờiXóa