Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Vụ bia Mộ Trạng Trình: XUẤT HIỆN MỘT ÔNG LÃO ĐẦY BÍ ẨN


Lời dẫn của TS. Nguyễn Xuân Diện: Tôi được nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy chuyển cho bức thư của "cụ" Trinh Nguyễn. Đây là THƯ của Cụ Trinh Nguyễn gửi TS NGUYỄN VĂN VỊNH. Anh Hà Văn Thùy đề nghị đăng lên để mọi người cùng biết. Thư này là của một cụ ông, tự xưng là một người tuổi ngoài tám mươi, "đã dành cả đời cho Nho học", lại "là người khi còn công tác đã gây dựng và đào tạo nhiều môn sinh ở Viện Hán Nôm".

Tôi làm việc ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm từ năm 1993 đến nay, liên tục, lại có đến 19 năm làm việc ở Thư viện của Viện, vậy mà
tôi chưa nghe đến tên ông cụ này. 

Tuổi ngoại tám mươi, lại xưng là thầy của nhiều thế hệ học trò ở Viện Hán Nôm mà không dám để lại địa chỉ thì thật bí ẩn quá.

Thôi thì cứ đăng lên đây, để mọi người tìm giúp cụ ông TRINH NGUYỄN này.


Câu chuyện ông lão 80 đầy bí hiểm này, làm tôi nhớ đến chuyện trước thềm Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam năm nào. Trước đại hội cả tháng trời, cứ mỗi ngày là các hộp thư điện tử (E-mail) của các nhà văn đều đặn nhận được 1 thư vào sáng sớm. Thư ấy là thư của một nhân vật bí ẩn, am hiểu và nắm chắc nhiều thông tin và tâm lý văn sĩ, thực thực hư hư, dẫn dắt mọi người, mà đích đến cuối cùng là chỉ đạo - hướng dẫn ... bỏ phiếu cho ai.

Cũng xin nhắn đến cụ Trinh Nguyễn, rằng cánh Hán Nôm không dễ để cụ dẫn dắt đâu thưa cụ!

Vì vậy, tôi không bình luận về nội dung học thuật quanh bức thư này. Đây là một bức thư vu vơ, của một người không địa chỉ rõ ràng thì mình cũng chẳng cần mất thời gian. Đợi Hải Phòng mở hội thảo, có giấy mời tử tế thì về chơi, tiện thể thăm trang trại Đoàn Văn Vươn - người nông dân anh hùng của thời kỳ Giải phóng Mặt Bằng.
----------------------------

Vào 01:00 16 tháng 5, 2018, 
Trinh Nguyen <duyhanhthien@gmail.com> đã viết: 

Thưa TS. Nguyễn Văn Vịnh,

Tôi gửi đến Anh thư này có phần hơi đường đột, nhưng tự thấy là việc nên làm của một người già ngoài bát tuần đã dành cả đời cho Nho học. Có lẽ anh không biết tôi, nhưng tôi lại biết và có thiện cảm với Anh qua một ông bạn già vong niên của anh; và vì thế, có được địa chỉ hộp thư này.

Vài hôm nay, nhiều người biết Hán- Nôm có chút xôn xao, có người hồ nghi, quy kết vội vã về các tấm ảnh chụp 2 tấm bia mà anh đã có cơ duyên mà phát hiện được ở Hải Phòng. Là người khi còn công tác đã gây dựng và đào tạo nhiều môn sinh ở Viện Hán Nôm, cũng còn nặng lòng với chữ Nho, với các di vật lịch sử, tôi cũng rất quan tâm đến việc này. Bởi nếu chân xác, đây quả là một sự kiện lớn liên quan đến một danh nhân lớn của nước Việt.

.


Tôi đã kỳ công xem xét kỹ các ảnh của 2 tấm bia ở các góc độ, dùng kính lúp soi xét từng chữ và đọc được khá nhiều, luận ra một số nội dung quan trọng. Bia thứ nhất có tiêu đề: "Di ngôn chí " (cái chí để lại cho đời sau bằng ngôn từ/chữ); Bia thứ 2 quan trọng hơn: "Mạc triều Duệ Hoàng đế đồng tông Nguyễn Công văn Đat chi cửu nguyên" (Khu mộ của Duệ Hoàng đế và tông tộc nhà Mạc, cùng với Nguyến Công văn Đạt). Nay xin được trao đổi cùng anh mấy ý như sau:

1- Về kiểu dáng:

Hai tấm bia này, rõ là hoa văn đời Mạc ở cả trán, thân và chân bia với họa tiết diềm đặc trưng, nhưng kích cỡ quá nhỏ, lại nhiều chữ; kiểu cách có khác biệt với các bia lớn đã phát hiện cùng thời (hiện vật hoặc còn thác bản). Điều này có thể gây phản ứng đối với những người non kinh nghiệm, suy nghĩ máy móc lại lắm hồ nghi trong cái thời đầy những sự man trá bây giờ. Bằng sự từng trải và kinh nghiệm hàng chục năm, với hàng trăm chuyến điền dã tìm và đọc bia, tôi lại thấy sự khác biệt này rất lí thú và có cơ sở. Trước đây, các bia đời Mạc đã phát hiện tất cả đều dựng ở chùa, quán, đền đình..., kích thước vừa và lớn (cao từ 0,7 - 1,2 mét), được lập ra để bày công khai cho thiên hạ xem. Còn 2 bia do anh phát hiện thì mục đích và công dụng của nó khác hẳn: Nó được chôn giấu sâu dưới đất, ở khu có huyệt mộ chờ đến thời thì phát lộ với kẻ hữu duyên, vừa làm tiêu chỉ báo huyệt mộ, vùa gửi gắm những thông tin bằng di ngôn cho hậu nhân; lại phải che giấu với những kẻ đương thời có tà ý. Từ xưa, cùng chôn tại mộ phần người ta có thể khắc chữ vào đá, gốm, đồng lá, gỗ...khá đa dạng, đâu cần làm bia lớn y như kiểu cách bia đặt trên mặt đất. Trong trường hợp này, việc lập thành văn tự (thơ, câu đối..) khắc trên bia cỡ nhỏ như vậy là cụ Trạng Trình đã cẩn thận, chu toàn với hậu thế lắm rồi ! Câu: "Trí sĩ Trung Am hương Nguyễn lão soạn" (ông lão họ Nguyễn, về trí sĩ ở làng Trung Am soạn bia) đã tỏ rõ điều ấy!

Do vậy, việc so sánh rồi đàm tiếu thật giả giữa các loại bia với công dụng khác nhau, đặt ở chỗ khác nhau (trên mặt đất và dưới lòng đất), ý định khác nhau (công khai và che giấu) thì thật là nông cạn.

2- Về nét chữ văn khắc:

Kể cả người không có nghề, dễ nhận thấy chữ khắc trên 2 tấm bia không phải của thợ lành nghề chuyên san khắc bia (thường ở kinh đô, hay xưởng in khắc của nhà nước), mà là của thợ vườn trong hương xóm. Nét chữ gãy, vụn, nhiều chữ thiếu nét, sái niêm luật. Mới đầu, đây là điều tôi rất nghi ngờ có sự giả mạo, nhưng khi dịch xong đoạn văn: " Diên Thành bát niên đại thử tiết đồ mật san" thì tôi chợt hiểu ra tất cả. Đoạn ấy có nghĩa là: "Đồ đệ (học trò của Cụ) bí mật khắc (bia) từ tiết Đại thử, năm Diên Thành thứ 8 (1585)". Học trò tin cẩn của Cụ (không có nghề) tự khắc bia đá, mà lại phải bí mật (vì sợ lộ chỗ chôn cất vua Mạc và Trang Trình); hơn nữa, diện tích mặt bia quá nhỏ, số chữ lại nhiều, làm cho vỡ đá, thiếu nét, chữ xấu vụng là lẽ đương nhiên.

Xin nói thêm rằng, ngày xưa muốn có nét khắc chữ đẹp phải đủ cả 2 điều kiện: người viết chữ đẹp và người san (khắc) bia lành nghề. Học trò của Cụ thì chắc là chữ đẹp, nhưng tay học trò mà cố đục bia thì làm sao chữ đẹp cho được, chỉ miễn sau này đọc rõ, hiểu được thì thôi !

Ngày nay, cũng thật buồn cho kiến văn của anh chàng viện trưởng Hán nôm tên Cường khi bình trên trang của cậu Diện: anh ta cứ khẳng định chữ "triều" viết 晁 là sai, mà không biết rằng đó chính là dạng chữ cổ, đồng nghĩa, xưa dùng thay cho chữ "triều" 朝 phổ biến bây giờ . Đọc văn cổ khó và tinh tế hay không chính là ở chỗ ấy !

3- Về bề mặt 2 tấm bia:

Thoạt nhìn qua ảnh, có vẻ cả 2 bia đều còn lành lặn, bề mặt ít bị phong hóa khi đã ở trong đất hàng trăm năm, làm người ta dễ nghi ngờ. Thực tế là, bia dựng trên mặt đất bị thời gian tàn phá rất nhanh, vài trăm năm là không đọc nổi chữ, nhất là với loại đá kém. Còn trong các cuộc khảo cổ, các di vật bằng đá tốt, độ cứng cao, càng ở tầng đất sâu, yếm khí, nhiệt độ mát mẻ ổn định, tốt nhất là ngậm nước thì bề mặt đá bị tác động không nhiều, chỉ mòn đi mà thôi. Nhiều bia, phiến đá, cột đá trong các quách mộ cổ khi đưa lên mặt đất còn khá nhẵn nhụi sau khi lau chùi kỹ bên ngoài. Cách đây vài năm, tỉnh Bắc Ninh có khai quật từ tầng đất sâu hơn 2 mét bia đá "Nhân thọ xá lợi" rất cổ, có minh văn ghi rõ niên đại năm 601 (cách nay hơn 1400 năm) mà bề mặt vẫn bóng, còn nguyên vẹn, đọc đủ hết các chữ. Khi giám định cũng có người băn khoăn về niên đại, nhưng nay được công nhận là "Bảo vật quốc gia, bia cổ nhất Việt Nam".

Trường hợp của 2 bia này, chất liệu đá xanh cứng, được lưu giữ ở địa tầng sâu, ổn định, nhiệt độ mát mẻ, luôn ngậm nước (theo tôi biết là dưới tầng phù sa ven sông Hàn). Cụ Trạng Trình lại chọn được huyệt đất kết (có thể tầng sâu có tính dưỡng thi), yếm khí....nên bia có được tình trạng bên ngoài còn tốt như vậy là điều dễ hiểu. Hơn nữa, ở câu cuối tấm bia "Di ngôn chí" ghi rằng " Trấn trạch triệu cát địa bi" (Bia trấn nơi đất tốt để đặt mộ) càng làm rõ thêm nhận định nói trên.

Với kinh nghiệm của người làm nghề lâu năm về bia đá và văn khắc Hán Nôm cổ, và cũng mạo muội tự coi mình có chút "duyên" trong việc này, tôi xin được trao đổi đôi điều như vậy. Tôi đang tập trung cố dịch càng nhiều càng tốt nội dung cả 2 tấm bia, tuy rằng nhiều chữ đã mờ, mất nét nên vừa dịch vừa luận đoán. Qua nội dung và hình thức bia, có thể nhận định với độ khả tín cao rằng đây là 2 tâm bia rất quý và hiếm có, chứa đựng nhiều tiên báo và di nguyện Cụ Trạng để lại cho hậu thế, cho cả nước Việt. Cụ là bậc Thánh nhân, bởi thế những di sản của Cụ (tư tưởng, Sấm trạng, bi ký...) đều rất lớn lao, kỳ bí, vượt qua tầm hiểu của phàm nhân; lũ người háo danh, tài mọn mà luôn dèm pha, đố kỵ - người xưa gọi là bọn "nhục nhãn" - làm sao hiểu nổi !

Được là người hữu duyên với Cụ, mong anh vững tâm, bền chí để gánh vác công việc rất khó mà cũng đầy ý nghĩa này. Khi cần, tôi lại xin phép viết thư tiếp tới anh cho đến khi mọi việc hoàn thành như di ngôn của Cụ.

Kính thư;
Trinh Nguyễn

17 nhận xét :

  1. Chẳng tin tưởng gì chuyện bia mộ cụ Trạng nhưng lại thích câu kết " người nông dân anh hùng của thời kỳ Giải phóng mặt bằng" !

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đồ rằng khi dịch nội dung trên hai tấm bia mộ Trạng Trình mới tìm được của nhóm TS Vinh sẽ là: Nơi đây yên nghỉ của Trạng Trạng, người gốc Quảng Đông TQ!!!

    Trả lờiXóa
  3. Tôi là kẻ ít học , chữ Hán nôm thì một chữ bẻ đôi không biết , nên không dám mạn đàm về chữ nghĩa . Vậy nên chỉ trộm nghĩ :
    Đọc xong lá thư này của Trinh Nguyễn nào đấy , văn phong và nội dung không tương xứng với một " thày đồ nho " giàu kinh nghiệm dạy học và từng trải và nay đã ở tuổi bát tuần . Tôi chợt liên tưởng đến chàng Xuân tóc đỏ của nhà văn VTP đang rao thuốc của lang vườn trên tàu điện và những ông " cò " thời nay , được thuê đã chữa khỏi bệnh từ thuốc này thuốc nọ để ...lừa người bệnh .
    Chiêu này cũ rích và dở ẹc .

    Trả lờiXóa
  4. Ông Nguyễn Trinh là cháu đời thứ 18 của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm !
    Ông Nguyễn Trinh tâm sự rằng : Sở dĩ ông lấy tên " Trinh " để luôn luôn ghi nhớ rằng : Họ nhà ông có Cụ Tổ mười tám đời là "Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm !" . Hơn nữa : Chữ " Trình " cùng với chữ " Trinh " một vần ! Xin mọi người đừng khiến ông phải văng cùn văng cụt ra rằng : "...vượt qua tầm hiểu của phàm nhân; lũ người háo danh, tài mọn mà luôn dèm pha đố kỵ- người xưa gọi là bọn " nhục nhãn"-làm sao hiểu nổi ! ( Chửi ra chửi ! Chửi như ông Nguyễn Trinh này mới là chửi !)

    Trả lờiXóa
  5. Ông cụ Trinh Nguyễn này thích làm ông Bụt trong các truyện nhi đồng, bày đặt ẩn hiện, nhưng thời này mà làm như vậy thì thật nực cười, đã thế ông còn muốn "thay mặt" cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm nói dông dài về kích thước bia nữa mới tài!
    Nhưng ông Bụt Trinh Nguyễn này lại có tài khoác lác, nếu ông có nhiều môn đệ ở Viện Hán Nôm thì ông phải làm công tác giảng dạy mà sao không "xuất đầu lộ diện thế"? Ông Bụt?
    Ông Bụt Trinh Nguyễn này nếu giảng dạy thì sao dám nói về công tác khảo cổ? Hiện nay khoa học có nhiều cách giám định, người ta có thể dùng phương pháp đồng vị phóng xạ để định tuổi của bia, đâu cần ông Bụt "phán xử" mấy câu rồi...ù té chạy! he he...
    Vài lời vớ vẩn gửi ông Bụt Trinh Nguyễn ngớ ngẩn! Nhé!


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng vị phóng xạ không làm được trong trường hợp này đâu bạn ạ. Không phải cái gì cũng xác định băng C14 được đâu. Bạn có ở trong ngành khảo cổ không vậy.

      Xóa
  6. Đích thực chân gỗ! Không biết "Nhóm nghiên cúu độc lập" dùng chiêu gì tiếp theo đây?

    Trả lờiXóa
  7. Nho Bình Thuận đây mà.

    Trả lờiXóa
  8. Trích
    Cụ là bậc Thánh nhân, bởi thế những di sản của Cụ (tư tưởng, Sấm trạng, bi ký...) đều rất lớn lao, kỳ bí, vượt qua tầm hiểu của phàm nhân;
    Hết trích
    Vậy "cụ" cho rằng, bậc Thánh nhân chỉ nên giao du với người ngoài hành tinh, alien? Còn bọn người trái đất thì chấp chúng nó làm chi?
    Cụ xơi gì tôi mua cho?

    Trả lờiXóa
  9. Tấm bia tìm thấy sau người ta ngồi ở bờ, chỉ véo vài hòn đất vứt xuống nước đã hiện ra thế mà cu này bảo nằm dưới địa tầng sâu, ổn định, nhiệt độ mát mẻ, ngậm nước. Chịu cu, xin lỗi nhé tôi quên đấu nặng.

    Trả lờiXóa
  10. ông lão 80 mươi ơi ! nhà nho học ơi ! điều ông đang làm đang nói ấy nếu nó đúng như ông đang tin ; như ông đang nghĩ .thì đó là ông đang làm việc nghĩa đấy chứ .vậy sao ông không đàng hoàng đứng ra trước ánh sáng mà tranh luận .sao lại phải ẩn trong bụi tre bụi rậm mà chửi với ra như vậy . sao lại phải bắt chước mấy bà váy đụp ở nông thôn chửi mất gà vậy

    Trả lờiXóa
  11. Cụ Trinh Nguyễn là hậu duệ 18 đời của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
    Cổ nhân nói: Con hơn cha là nhà có phúc.
    Vậy thì cụ Trinh Nguyễn này phải siêu phàm gấp 18 lần cụ Trạng Trình.
    Thôi, đừng tìm mộ cụ Trạng Trình làm gì nữa, có cụ Trinh Nguyễn đây rồi!
    Hãy chia nhau đi tìm nhà của cụ, đem xe bồ luân đến chở cụ đi làm mấy cốc bia tươi mát ở quán Karaoke rồi nghe cụ phán là được!

    Trả lờiXóa
  12. Giấu đầu hở đuôi. "Cụ" Trinh Nguyễn này, thật ra chẳng ai khác ngoài ông tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh dùng chiêu trò tự gửi thư cho mình để củng cố niềm tin công chúng về cặp bia đá nguỵ tạo!

    Trả lờiXóa
  13. "Tôi đã kỳ công xem xét kỹ các ảnh của 2 tấm bia ở các góc độ, dùng kính lúp soi xét từng chữ và đọc được khá nhiều, luận ra một số nội dung quan trọng. Bia thứ nhất có tiêu đề: "Di ngôn chí " (cái chí để lại cho đời sau bằng ngôn từ/chữ)"(TN)

    志 hay 誌 ?

    Hai chữ đều là chí. Chí 志 là chí hướng và 誌 là ghi chép. Theo như t/g bài này thì là chữ 志 chí "Di ngôn chí, cái chí để lại cho đời sau".

    Ý kiến:

    Tôi không rõ, vì không thấy rõ mặt chữ, nội dung "Di ngôn chí" này là gì. Theo quan niệm từ thời xưa về thi ca, thì "thi ngôn chí" 寺 言 志. Nói cách khác, muốn ngôn chí thì không gì hơn ngoài làm một vài bài thơ. Vậy nội dung văn bia là các bài thơ ?

    Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh thời có làm rất nhiều thơ chữ Hán và chữ Nôm, còn để lại trong 2 tập thơ Bạch Vân Am Thi Tập và Bạch Vân Quốc Ngừ Thi Tập. Về mặt "ngôn chí" thì cụ Trạng cũng đã có để lại rồi.

    Ngoài ra, nếu chữ 誌 là ghi chép, di ngôn chí là ghi chép lời nói để lại, thì một lần nữa người khắc bia lại cầm nhầm và khắc sai. Cũng như đã cầm nhầm chữ triêu 晁, buổi sớm thành chữ 朝 triều là triều đình. Nếu đã viết ra chữ 晁 thì phải đọc là triêu đồng nghĩa với 朝 triêu là sáng sớm.

    Chữ triều 朝 có 2 cách đọc, triêu và triều:

    朝 zhāo ㄓㄠˉ: 早晨 triêu, tảo thần, sáng sớm,

    朝 cháo ㄔㄠˊ: triều, triều đình

    Tóm tắt, bia mộ và mộ chí thường phải được viết và khắc đàng hoàng. Huống chi là văn bia của bậc danh Nho như Trạng Trình. Nếu bảo là học trò của cụ làm thì càng không thể nhếu nháo như vậy.

    http://www.zdic.net/z/1b/js/671D.htm 

    Trả lờiXóa
  14. Nói "Nho học" là tầm bậy. Chỉ có Nho giáo, nhà Nho.

    Trả lờiXóa
  15. Không, tôi không ở trong ngành khảo cổ, nhưng tôi nghĩ có thể làm được, vì trên bia có các vết khắc, họ sẽ đo ở chỗ đó, xem mức độ phóng xạ của nó thì có thể tính được vết khắc này có tuổi chừng bao nhiêu. Tôi chỉ hiểu nguyên tắc làm việc của đồng vị phóng xạ mà thôi. Nhưng tôi nghĩ người ta có thể có nhiều phương pháp xác định, tôi chỉ đơn cử một phương pháp ấy là đồng vị phóng xạ mà thôi!

    Trả lờiXóa
  16. Lúc bình thường chẳng thấy ai xưng con cháu cụ Trạng . Chẳng ai nói tới mồ mả cụ Trạng . Vậy mà tự nhiên bây giờ có cụ già ngoại 80 xưng là cháu 18 đời cụ Trạng . Cháu dòng nào . Kể thử gia phả cho thiên hạ nghe coi . Con cháu gì mà không giữ mồ mả tổ tiên ? Nay thấy hai tấm bia lại ra nhận quàng ?

    Trả lờiXóa