Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Tin buồn: VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC VĨNH BIỆT GS. PHAN ĐÌNH DIỆU


.
.
. .
.
.

TIN BUỒN
Chúng tôi vô cùng kính tiếc báo tin:


Giáo sư, Nhà toán học 
PHAN ĐÌNH DIỆU

Sinh ngày 12/6/1936 tại Can Lộc, Hà Tĩnh,

Nhà khoa học máy tính của Việt Nam. 
Người có công đầu trong đào tạo và phát triển 
ngành tin học tại Việt Nam. 

 Là chuyên gia các lĩnh vực: toán học kiến thiết, 
lôgíc toán, lý thuyết thuật toán, ôtômat và ngôn ngữ hình thức, 
lý thuyết mật mã và an toàn thông tin. 

Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học tính toán và 
Điều khiển (nay là Viện Công nghệ Thông tin Việt Nam), 
Chủ tịch sáng lập Hội Tin học Việt Nam, 

Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình
Quốc gia về Công nghệ Thông tin khóa I (1993-1997).
Sau một thời gian lâm bệnh đã từ trần hồi: 10h00’ ngày 13 - 5 - 2018 (tức ngày 28/3 năm Mậu Tuất).
Hưởng thọ 83 tuổi.
Lễ viếng bắt đầu từ 09h15 ngày 18 - 5 - 2018
(tức ngày 4/4 năm Mậu Tuất) tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ truy điệu hồi 10h45.
An táng cùng ngày tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên, 
huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.
*
Chúng ta đời đời biết ơn Ông, nhà khoa học tài năng và tâm huyết đã làm hết sức mình để đưa bằng được internet vào nước ta, xóa đi mọi u mê dằng dặc cả thế kỷ. Ông là một trí thức phản biện hàng đầu ở VN suốt nhiều thập kỷ. Xin dâng lời cầu nguyện để anh linh Giáo sư yên nghỉ trong niềm tri ân, tưởng nhớ và xót thương khôn nguôi.

Và nghiêng mình chia buồn cùng Bà quả phụ Văn Thị Xuân Hương cùng gia quyến trước mất mát lớn lao này!



TIỂU SỬ GIÁO SƯ PHAN ĐÌNH DIỆU 

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. 

Phan Đình Diệu (sinh năm 1936 - 2018) là giáo sư, nhà toán học, nhà khoa học máy tính của Việt Nam. Ông là một trong những người được ghi nhận là có công đầu trong kế hoạch đào tạo và phát triển ngành tin học tại Việt Nam. Ông là chuyên gia trong các lĩnh vực: toán học kiến thiết, lôgíc toán, lý thuyết thuật toán, ôtômat và ngôn ngữ hình thức, lý thuyết mật mã và an toàn thông tin. Ông là viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ Thông tin Việt Nam), Chủ tịch sáng lập Hội Tin học Việt Nam, phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về Công nghệ Thông tin khóa I (1993-1997). 

Ông sinh năm 1936, lớn lên tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. 

Năm 1954, ông tốt nghiệp trung học tại trường kháng chiến Phan Đình Phùng - Hà Tĩnh, ra Hà Nội thi vào trường Đại học Khoa học. 

Hết năm thứ nhất, ông chọn trường Đại học Sư phạm Khoa học. Cũng chính tại đây, Phan Đình Diệu đã tìm thấy sự say mê đối với ngành toán học. Năm 1957, ông tốt nghiệp thủ khoa và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. 

Năm 1962, ông được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Khoa Toán học tính toán và Điều khiển học, trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov. 

Mùa hè năm 1965, sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, ông được đề nghị ở lại làm tiếp luận án tiến sĩ khoa học và đến năm 1967, ông về nước với học vị Tiến sĩ Khoa học. 

Ông được cử đến công tác tại Uỷ ban Khoa học Nhà nước, bộ phận máy tính, cùng các bạn đồng nghiệp khác xây dựng phòng Toán học tính toán vừa được thành lập. 

Năm 1975, trong một chuyến thực tập tại Pháp, ông đã được tiếp xúc với nhiều thành tựu hiện đại của ngành tin học trên thế giới. Từ đó, ông đã say mê tìm hiểu hai hướng phát triển mà ông cho là có triển vọng nhất và có thể ứng dụng và phát triển ở Việt Nam là vi tin học (trên cơ sở kỹ thuật vi xử lý và máy vi tính) và viễn tin học (trên cơ sở công nghệ viễn thông và mạng máy tính). 

Đầu năm 1977, Viện Khoa học tính toán và điều khiển được chính thức thành lập, và ông được phân công làm viện trưởng. Là người dự thảo kế hoạch và cũng là người quản lý, từ năm 1977 đến 1985, ông đã đưa viện vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại của buổi đầu hoạt động, xây dựng được một số hướng nghiên cứu chính về tin học. 

Sau đó, ông làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Phó trưởng thường trực Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin (1993-1997), Thành viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (từ năm 1992). 

Ông còn là người sáng lập và Chủ tịch đầu tiên Hội Tin học Việt nam. 

Ông giảng dạy các môn học: độ phức tạp tính toán, lý thuyết mật mã và an toàn thông tin, lập luận logic trong các hệ tri thức cho sinh viên và học viên sau đại học tại Khoa Công nghệ Thông tin - Trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Thập niên 90, ông được Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hà Phan bảo lãnh, giới thiệu trở thành một Ủy viên của Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VI. 

Ông hoạt động phong trào dân chủ, đòi đổi mới chính trị (đa nguyên, đa đảng) để phát triển đất nước, do đó bị gạt bỏ khỏi danh sách đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên tiếng nói của ông có tính khoa học cao, nên có sức thuyết phục lớn, đặc biệt là đối với giới khoa học tại Hà Nội. 

Gia đình: 

Vợ ông là Nhà giáo Văn Thị Xuân Hương, em gái Giáo sư Văn Như Cương. Các con ông đều thành đạt trong khoa học. Con gái ông, nữ tiến sĩ tin học Phan Thị Hà Dương, từng giành được Huy chương Đồng Olympic Toán quốc tế năm 1990. Con trai ông, Tiến sĩ tin học Phan Dương Hiệu, đang giảng dạy tại Pháp. Con gái ông, Quỳnh Dương định cư tại Pháp. 

Tác phẩm: 

Phan Đình Diệu. Lý thuyết ôtômát và thuật toán. NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1977, 407tr.
 
Phan Đình Diệu. Tổng quan về công nghệ thông tin, Hà Nội, 1998. 

Phan Đình Diệu. Some questions in constructive functional analysis. Proceedings of the Steklov Institute of Mathematics, No. 114 (1970). Translated from the Russian by J. M. Danskin.American Mathematical Society, Providence, R.I., 1974. iv+228 pp. 

Ông cũng là tác giả của khoảng 30 bài báo được thống kê (chưa đầy đủ) bởi MathSciNet của Hội Toán học Hoa Kỳ.

11 nhận xét :

  1. Những người như Giáo sư Phan Đình Diệu ở nước mình không thể có cơ hội phát triển.

    Trả lờiXóa
  2. Kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Anh, nhà trí thức lớn của đất nước!
    Nhớ mãi lúc được đi dạo cùng Anh tại Canberra, được nghe Anh nói về tình hình nước nhà, về người trí thức.
    Xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Anh!

    Trả lờiXóa
  3. Đến khi từ giã cõi đời. Ông vẫn kiên quyết không gia nhập Đảng CS dù đã được mời nhiều lần.

    Trả lờiXóa
  4. thời bao cấp, GS PĐD đã được đi Mỹ, khi về, ông có buổi nói chuyện với cán bộ Đoàn tại hội trường 107 TCĐS. Sau khi kể nhiêu chuyện 'mắt thấy-tai nghe" trên đất Mỹ, ô. noi đại ý : " cứ cho động cơ của tư bản chỉ là Tiên- là xâu xa- nhưng nó là Thật. Vì thê, XH phát triên ! còn chúng ta, động cơ là tư tường, tinh thân...không thật, nên...". Sau khi kết thúc, ít ngày sau, những người nghe- trong đó có tôi- phải viết bản "nhận thức"...Chuyện đã mấy chục năm, mà cứ như hôm nay, đang diễn ra khắp hang cùng ngõ hẻm...! Ôi đất nước tôi...đất nước Tôi..!

    Trả lờiXóa
  5. Thời vua Tự Đức , phái độ Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình về ba tỉnh Nam Kỳ . Khi về tường thuật cho vua nghe những điều mắt thấy tai nghe tại Pháp trong đó có câu chuyện cái đèn treo ngược mà vẫn cháy ( bóng đèn điện ) . Vua và triều thần vẫn không tin . Nguyễn trường Tộ dâng tế cấp bát điều . Vua ngờ ngợ , nhưng đa số quan trong triều vẫn không tin ! Khi csBV vào Saigon thấy TV chạy đầy đường, cái nồi ngồi trên cái cốc vẫn bảo tụi Mỹ - Ngụy đánh lừa !

    Trả lờiXóa
  6. Thời bọn tui còn là sự , cánh lớp trên kháo nhau : thầy Diệu nói với các ông lãnh đạo đảng khi đến vận động ông gia nhập đcs , ông nói ngay " các anh đa đảng , tôi gia nhập ngay"! Ông là gương sáng cho học trò chúng tôi nói theo. Và đến tận giờ chúng tôi vẫn không gia nhập đcs.
    CCB đánh Tàu!

    Trả lờiXóa
  7. Vĩnh biệt anh Phan Đình Diệu.
    Nhưng còn ai dám nhận là thuộc thế hệ vàng lớp trước không đảng phái như anh nữa đây?

    Trả lờiXóa
  8. Xin kính cẩn nghiêng mình bên linh cử GS Phan Đình Diệu!

    Trả lờiXóa
  9. Tôi có đọc được trong một bài viết của GS điều khiển học Phan Đình Diệu, đại ý có 4 chữ thật :"Xã hội chúng ta không được thể hiện thật, nên không được nhận thức thật, vì vậy không có điều khiển thật để phát triển thật". Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh giáo sư và xin chia buồn cùng tang quyến.

    Trả lờiXóa
  10. GS Phan Đình Diệu là một kẻ sĩ có nhận cách và trí tuệ đáng để các thế hệ người Việt nam học tập.

    Trả lờiXóa
  11. Cho tôi xin thắp một nén hương và kính cẩn nghiêng mình trước linh cữu một bậc trí thức chân chính và mẫn thiệp, một nhân cách lớn của đất Đại Việt thời hiện đại…

    Trả lờiXóa