Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

NHIỀU BẤT THƯỜNG, QUANH VIỆC TÌM THẤY BIA ĐÁ MỘ TRẠNG TRÌNH


Bất thường quanh việc phát hiện 2 bia đá liên quan đến mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

VTC
Thứ Bảy, 19/05/2018 11:37 AM GMT+7


(VTC News) - Hai người dân địa phương được thuê tìm mộ kể lại những chuyện bất thường khi tìm thấy 2 tấm bia được cho là liên quan đến mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Phòng.

Vụ tìm mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng ngoại cảm: Tại sao không giám định ADN?
Vụ tìm mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng 'ngoại cảm': Có việc ngụy tạo hiện vật?

Liên quan đến vụ việc phát hiện 2 bia đá liên quan mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngày 16/5, PV VTC News tìm về hiện trường nơi phát hiện 2 tấm bia và được những người trực tiếp tìm kiếm kể lại chuyện lạ xung quanh vụ việc này.

Bờ đầm mới đắp lộ diện bia đá

Ông Nguyễn Văn Sỹ (SN 1963, thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng) cho biết, đầu tháng 5 vừa qua, nhóm người từ Hà Nội về, do Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh – Trưởng khoa Khoa học cơ bản – Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, tìm đến giới thiệu “Chúng tôi ở Hà Nội về, tìm mộ cụ nhà tôi” – Ông Sỹ kể lại.

Ông Vịnh nhờ vợ chồng ông Sỹ và 2 người dân địa phương ra khu vực bãi bồi chân sông Thái Bình (thuộc địa bàn thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, giáp ranh giữa huyện Tiên Lãng và huyện Vĩnh Bảo), phần diện tích gia đình ông Sỹ thầu khoán để tìm mộ. 
 
 
Ông Nguyễn Văn Sỹ chỉ địa điểm phát hiện chiếc bia thứ nhất nằm ở dưới bãi bồi, 
thời điểm đó thủy triều xuống thấp, lộ chân bờ đầm,

Sáng 6/5, sau khi nhóm của Tiến sỹ Vịnh làm lễ, hương khói xong, vợ chồng ông Sỹ cùng với 2 người khác được nhờ mua cái thuốn (bằng thép), mang ra khu vực trên để tìm kiếm.

Sau thời gian thuốn tìm, ông Sỹ thuốn thấy chiếc bia thứ nhất, cách bờ đầm khoảng 5m về phía lòng sông. Ông Sỹ cùng một người khác đào xung quanh rồi cẩn thận đưa chiếc bia lên bờ nguyên vẹn.

Chiếc bia nặng khoảng gần 20kg, chiều cao khoảng 40cm, chiều ngang khoảng 30cm, dày khoảng 7cm. Trên mặt bia có nhiều chữ nho.

Ngay sau đó, ông Vịnh nhờ ông Sỹ dẫn về trong làng Thanh Trì gặp cụ Lân, người đọc được chữ nho để đọc những chữ ghi trên bia đá.

Cụ Lân đọc đến đâu, một phụ nữ cùng nhóm của Tiến sỹ Vịnh ngồi ghi lại đến đó. Ông Sỹ chỉ nhớ trong đó có chữ “Thanh Trì” (tên làng) và chữ “Chi Thủy”. Sau đó ông Sỹ ra về và không biết nhóm ông Vịnh làm gì nữa.
   
Địa điểm tìm thấy cái bia thứ hai chỗ tay ông Được chỉ, nằm ngay trên bờ đầm mới đắp.

Bài liên quan
Sự thật chuyện tìm thấy mộ Trạng Trình: Cận cảnh khai quật ngôi mộ 'nhà ngoại cảm' phán là mộ 'cụ'
Sự thật chuyện tìm thấy mộ Trạng Trình: Khai quật mộ 'cụ' thành mộ 'trẻ em'

Đối với chiếc bia đá thứ hai, ông Bùi Văn Đước (SN 1972, người cùng làng, cùng được thuê tìm mộ với ông Sỹ) cho biết, trong lúc ngồi nghỉ giải lao khi đang thuốn tìm mộ, ông Đước ngồi trên bờ đầm cạy đất chơi thì phát hiện có 1 tấm bia nằm ở đối diện với tấm bia tìm thấy phía dưới bãi bồi lúc trước đã tìm, cách mặt đất khoảng 10cm.

“Tôi đang ngồi nghỉ giải lao, tôi lấy tay cấu cấu, cạy đất thì thấy tấm bia thứ hai” – ông Đước kể lại với PV.

Ngay sau đó, tấm bia này tiếp tục được nhóm của Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh đưa về nhờ cụ Lân dịch giúp các chữ khắc trên thân bia.

Điều ông Sỹ và một số cán bộ xã, thôn lấy làm lạ là cuối năm 2017, ông Sỹ mới thuê máy cuốc đất phía trong đầm đắp bờ nhưng hoàn toàn không thấy có tấm bia này. Ngay cả trước đó, ông Sỹ đã nhiều năm nhận thầu khoán và hàng ngày ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ở đây cũng không thấy tấm bia nào như vậy.

“Vậy thì tấm bia này ở đâu ra” – nhiều người có mặt trong lúc PV ghi nhận tại hiện trường đều đặt câu hỏi này?
 
Việc phát hiện 2 tấm bia này đang gây hoài nghi đối với cán bộ huyện, xã
và nhân dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Sỹ cho biết thêm, hơn 2 năm về trước, ông đã gặp Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh về địa phương nhưng không biết mục đích gì. Kể cả lần này, sau khi qua thông tin đại chúng ông mới biết Tiến sỹ Vịnh về tìm mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chứ trước đó chỉ tìm mộ thuê cho ông Vịnh.

Video: Nhân chứng kể lại vụ việc tìm kiếm 2 tấm bia được cho là liên quan đến mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Có hay không việc ngụy tạo hiện vật?

Những ngày qua, sau khi báo chí đăng tải về việc phát hiện 2 bia đá liên quan mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, trên một diễn đàn Hán Nôm có nhiều ý kiến trái chiều về 2 tấm bia này, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, 2 chiếc bia có dấu hiệu ngụy tạo.

Tài khoản FB Ch.F bày tỏ: “Nói thật, bia này không ổn đâu. Không ổn một cách toàn diện. Nó là sản phẩm của hạng bình dân thất học chế tác ra thôi”.

Lý giải về quan điểm trên, FB Ch.F nêu: “Nhìn thử chữ viết xem, bia mộ của Trạng nguyên, một nhân vật được đánh giá là “rủ bóng xuống thế kỉ XVI” mà chữ viết như mèo cào thế ư? Mỗi thời có thư phong của thời đó, hãy quy chiếu thử vào các bia Mạc hiện còn xem, có nét phẩy nét mác nào của thời Mạc không?

Không có dấu hiệu cho thấy người viết, người đục tương đối biết nghề, không có dấu hiệu cho thấy người soạn hiểu biết về điển chương chế độ đương thời… cho nên nói nó là sản phẩm của hạng bình dân thất học làm ra là vậy”.

Đồng quan điểm này, tài khoản FB Th.NQ nhận định: “Nhiều điểm cho thấy 2 tấm bia này là đồ nguỵ tạo. Thực ra làm giả bia nhà Mạc cũng không quá khó, thác bản với sách vở có đầy ra đấy, nhưng không chịu học thì cũng mù tịt thôi. Đã là đồ nguỵ tạo thì đọc cũng vô ích”.

“Nguỵ tạo nhưng dốt, nên mới viết chữ ngu ngơ như thế!” – FB N.Q.H nêu nhận xét!
Nhiều người không khỏi hoài nghi về tính chân thực của 2 tấm bia vừa được nhóm 
của Tiến sỹ Vịnh tìm thấy.

Trong khi đó, FB Ch.F còn hài hước: “Các cụ ấy có người không có chữ còn đọc ra được chữ cơ mà, bia này có gì mà không đọc được. Tôi cứ lo lo, ví phỏng bia này là thực, mộ cụ ấy ở đây thực, thế thì chả bằng vả vào mồm các ông lúc trước bảo mộ ở vườn nhà bà đồng gì gì... lo quá!”.

“Như Tào Tháo còn cho làm hàng trăm ngôi mộ giả mà. Liệu có thể gọi là mộ giả không? Vì đây cũng là quê ngoại của Cụ, và ngay bên kia sông là làng Trung Am” – FB Ng.H nhận định.


Chia sẻ với PV VTC News, một chuyên gia về Hán Nôm cho biết, xem qua những chữ khắc trên 2 tấm bia được chụp lại cho thấy, 2 chiếc bia này có dấu hiệu ngụy tạo hiện vật, cần sớm có sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng để làm rõ động cơ, mục đích của những người ngụy tạo 2 tấm bia này.

“Ai là người đứng sau vụ việc này?” – Vị chuyên gia Hán Nôm đặt câu hỏi!

Được biết, ngày 17/5, đoàn công tác của TP Hải Phòng do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, cùng đại diện một số sở, ngành chức năng vừa về làm việc với huyện Tiên Lãng và xã Kiến Thiết.

Sau buổi làm việc này, Đoàn công tác đề nghị UBND huyện Tiên Lãng mời các nhà chuyên môn thuộc lĩnh vực khảo cổ, Hán Nôm về giám định niên đại và dịch các chữ khắc trên 2 bia đá mới được tìm thấy nêu trên để làm rõ những vấn đề liên quan.

Chiều 18/5, PV VTC News liên hệ qua điện thoại với Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh để đặt lịch hẹn phỏng vấn, tìm hiểu những thông tin liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, sau khi nghe PV giới thiệu, Tiến sỹ Vịnh trả lời: "Xin lỗi tôi không trả lời ... nào hết" rồi cúp máy.
Theo báo cáo của UBND xã Kiến Thiết (Tiên Lãng), ngày 2/5, nhóm nghiên cứu khoa học xã hội độc lập do Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh – Trưởng khoa Khoa học cơ bản – Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội là người đại diện về làm việc với UBND xã Kiến Thiết.

Sau khi làm việc với lãnh đạo xã, nhóm đề cập muốn được tìm kiếm di chỉ liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại khu vực cống Cá, thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết.

Sau một thời gian khảo sát, ngày 6/5, nhóm phát hiện 2 tấm bia đá có nhiều chữ nho ở sát bờ sông thuộc thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết. Bia có chiều cao khoảng 40cm, chiều ngang khoảng 30cm, dày khoảng 7cm; trên mặt bia có nhiều chữ nho.

Qua dịch sơ bộ của nhóm nghiên cứu và nhân dân địa phương (những người biết về chữ nho), nội dung 2 tấm bia có liên quan đến mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Sáng 7/5, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với UBND xã Kiến Thiết làm việc với đại diện nhóm nghiên cứu.

Qua làm việc, nhóm tự giới thiệu là nhóm nghiên cứu khoa học xã hội độc lập thuộc Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, song không mang theo bất cứ giấy tờ gì liên quan đến đợt nghiên cứu khoa học.

Phòng Văn hóa và Thông tin đã đề nghị nhóm nghiên cứu dừng ngay hoạt động nghiên cứu và bàn giao 2 tấm bia cho địa phương. UBND xã Kiến Thiết đã lập biên bản bàn giao và lưu giữ 2 tấm bia tại UBND xã.

Nhóm nghiên cứu đã trở về Hà Nội ngay trong sáng 7/5.

Trước sự việc trên, UBND huyện Tiên Lãng đã kịp thời báo cáo UBND Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hải Phòng và xin ý kiến chỉ đạo để UBND huyện Tiên Lãng thực hiện.

Ngay trong ngày 7/5, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đã kịp thời có ý kiến chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao vào cuộc nắm tình hình và đề xuất hướng giải quyết vụ việc.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!

Đọc thêm: Vụ tìm mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng 'ngoại cảm': Có việc ngụy tạo hiện vật? 
 
Minh Khang

3 nhận xét :

  1. Trần Thị Thảolúc 10:38 21 tháng 5, 2018

    Ở VN hiện nay thì NIỀM TIN đã bị mất, vì vậy bất cứ một vấn đề gì cũng có thể nghi ngờ .

    Trả lờiXóa
  2. Tôi không biết ý đồ của những kẻ hiện đại cố tạo ra "đồ cổ" này. Nhưng người xưa coi sự đối xứng trong bia mộ là tuyệt đối (Quý vị có thể coi hình ảnh trên Google). Còn 2 bia mộ này, nói thẳng, là sản phẩm ngớ ngẩn của bọn ngu dốt.
    (Cựu sinh viên Khảo cổ học khóa 1979)

    Trả lờiXóa
  3. Lại nhớ ngành khảo cổ phát hiện thấy hạt thóc thành Dền mấy nghìn năm, hóa ra do chuột ăn rồi đào hang tha vô. Lại nhớ cái ấn gỗ thời Trần ở Hoàng thành Thăng Long, được hát hiện hình như cạnh cục pin Con Thỏ… Bây giờ đến tấm bia Trạng Trình. Thời này là thời nào mà lạ thế. Thôi dùng lại cách gọi của người khác: “Thời thổ tả”! Nhưng là thời “đỉnh cao muôn trượng”, là “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”, là “tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng”… Hay là “Chung quy chỉ tại vua Hùng (làm gì có mà đổ vấy), sinh ra một lũ vừa khùng vừa điên”… Nhưng chợt nghĩ, hay là mình bị “khùng” nhỉ?

    Trả lờiXóa