Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018

HÔM NAY, BÀ CON ĐỒNG TÂM MÍT TINH LỚN KỶ NIỆM 1 NĂM BIẾN CỐ


14h00 ngày 15 tháng 4 năm 2018, người dân Đồng Tâm - Mỹ Đức - Hà Tây (cũ) nay thuộc Hà Nội đã tưng bừng kỷ niệm 1 năm ngày xảy ra biến cố tại quê hương mình. Khoảng gần 2000 người dân đã có mặt, dưới một rạp lớn, có kê bục, có sân khấu, có pa nô đàng hoàng. Hệ thống phát thanh đảm bảo tốt để truyền đi khắp xã hoạt động này. 

Cụ Kình có mặt, giản dị áo cộc tay nâu nhạt, ngồi trên xe lăn đến với buổi mít tinh rợp trời cờ đỏ sao vàng và các loại khẩu hiệu giữ đất giữ làng. Bà Nguyễn Thị Lan - cựu Bí thư kiêm Chủ tịch xã cũng có mặt tại cuộc mít tinh.

Ngày này năm trước, Cảnh sát Cơ động và các lực lượng khác của UBND Thành phố Hà Nội và huyện Mỹ Đức đã tràn vào làng Hoành xã Đồng Tâm để cưỡng chế đất đai mà chưa tiến hành bất cứ thủ tục pháp lý nào. Nhân dân xã Đồng Tâm, vạn người như một, dưới sự dẫn dắt tài tình và hết sức linh hoạt của Cụ ông Lê Đình Kình và Tổ Đồng Thuận, đã tổ chức bắt giữ và nhốt lại 38 nhân viên, cán bộ, chiến sĩ tham gia cuộc cưỡng chế trái luật này; trong số đó có Trung đoàn Phó trung đoàn CSCĐ Hà Nội, Phó trưởng công an huyện, Trưởng ban Tuyên giáo huyện...

Sau 8 ngày giam giữ tại Nhà văn hóa thôn Hoành, được người dân chăm sóc chu đáo mọi mặt, ăn uống tắm giặt đều rất tốt, khiến 38 cán bộ và chiến sĩ hiểu rằng người dân ở đây đã nắm rất chắc pháp luật và quyền lợi chính đáng của mình. Hình ảnh Trung đoàn phó Trung đoàn cúi lạy người dân là một hình ảnh ấn tượng về sự tử tế. Sự kiện bắt giữ 38 cán bộ nhân viên công vụ là một sự kiện hy hữu, và được báo chí quốc tế và mạng xã hội gọi là Biến Cố Đồng Tâm.

Việc trao trả 38 cán bộ, chiến sĩ công an quân đội chỉ được thực hiện khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND tp Hà Nội dẫn đầu về đàm phán với dân, viết cam kết, lăn tay điểm chỉ và ký tên vào văn bản cam kết với dân.


Sau khi làm lễ chào cờ, là phát biểu của ông Bùi Văn Hiểu, sau đó là phát biểu của Bà Nguyễn Thị Lan - cựu Bí thư kiêm Chủ tịch xã.

Bà Lan kết thúc bài phát biểu bằng một bài thơ chan chứa tấm lòng yêu thương đối với quê hương nơi chôn nhau cắt rốn.

Tiếp đó, Cụ Kình được con cháu và dân làng khênh cả xe lăn lên bục phát biểu ý kiến. Cụ gửi lời cảm ơn đến các quan chức của đảng, nhà nước, chính phủ và quốc hội đã hiểu và ủng hộ với cuộc đấu tranh của người dân Đồng Tâm. Cụ đồng thời gửi lời cảm ơn tới các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, các luật sư, nhân sĩ trí thức, nhà hoạt động xã hội, nhà báo ...đã sát sao theo dõi và ghi nhận mọi biến cố của Đồng Tâm kể từ sau ngày 15.4.2017 đến ngày hôm nay.

Cụ Kình điểm lại lịch sử cổ xưa và vẻ vang của mảnh đất Đồng Tâm, các di tích thờ các tướng lĩnh, thần linh đang được thờ phụng trong đình, chùa, đền miếu của làng như từ hàng ngàn năm trước.

Tiếp theo, Cụ Kình điểm lại diễn biến và lịch sử của mảnh đất Đồng Sênh. Văn bản của cụ Kình đã điểm mặt tất cả các quan chức lãnh đạo Hà Nội và Mỹ Đức đã tham gia vào vụ cưỡng chế dẫn đến biến cố Đồng Tâm 1 năm trước.


Tiếp theo Bà Trần Thị Bình lên đọc một bài thơ và phát biểu ý kiến. Bà nhắc lại lời hứa bằng văn bản có dấu vân tay và chữ ký của ông Nguyễn Đức Chung mà ông này lại bội tín với dân.

Sau đó, ông Lê Đình Công, con trai cụ Lê Đình Kình, đồng thời cũng là phó thôn tường trình lại toàn bộ các cuộc giao dịch, gặp gỡ, đối thoại, tranh luận với các loại cơ quan chức trách suốt một năm qua từ xã lên huyện, lên tỉnh Hà Nội.


TRỰC TIẾP MÍT TINH TẠI ĐÂY: FB Công Lê.
_________________

Trước đây 2 ngày, Thành ủy Hà Nội đã cử 2 cán bộ về thôn Hoành để gặp cụ Kình, thăm sức khỏe và mời Cụ Kình ra Hà Nội để khám lại. Cụ Kình và con cháu cương quyết từ chối. Cùng lúc với 2 cán bộ thành phố, thì Chủ tịch huyện Mỹ Đức cũng có mặt với tháp tùng của nhiều thuộc cấp. Theo đó, các lực lượng an ninh về Đồng Tâm ngày một đông hơn, đem lại không khí khá ngột ngạt căng thẳng.

Những người này khi tiếp cận người dân, vừa mềm mỏng thuyết phục đừng tổ chức mít tinh, vừa dằn mặt răn đe khiến cho người dân khó hy vọng cuộc mít tinh sẽ diễn ra được.

Tại Hà Nội, từ chiều qua (14.4/2018) an ninh đã canh cửa nhiều gia đình: Trần Thị Thảo, Phạm Thành, Hà Thanh, Nguyễn Tường Thụy, Huỳnh Ngọc Chênh, Lê Hoàng, Nguyên Bình, Phan Khang... Sáng nay, 15/4 an ninh chặn không cho những anh chị em này ra khỏi nhà.

6 nhận xét :

  1. Xem ra bọn lãnh đạo Hà Nội này quả ngu lâu

    Trả lờiXóa
  2. Đồng Tâm cái tên tổ tiên đặt cho làng này sao mà đúng vậy ta!
    DÂN ĐỒNG TÂM NHẤT TRÍ ĐỒNG TÂM KHÔNG KHUẤT PHỤC LÀM RẠNG DANH TIÊN TỔ !

    Trả lờiXóa
  3. Kính trọng bà con, mỗi năm một lần bà con tổ chức kỷ niệm. Đây là đốm lửa được nhem nhúm nó đang chờ cơ hội bùng cháy. Đây là bài học kinh nghiệm cho cuộc cách mạng giải phóng thoát khỏi áp bức, bóc lột của bọn cường hào, ác bá.
    Sắp có một cuộc cách mạng lớn khi Luật thuế đánh vào tài sản trên 700 triệu đồng,"con giun xéo lắm cũng quằn", đó chính là giọt nước tràn ly. Một làng đồng tâm chúng không giám giết thì một huyện, một tỉnh, cả nước đồng tâm đòi lại giang sơn. Đất nước phải thuộc về nhân dân, không thuộc về một nhóm côn đồ. Đồng tâm muôn năm...

    Trả lờiXóa
  4. Đâu rồi : Người cày có ruộng ?

    Trả lờiXóa
  5. Chỉ có nhân dân Đồng Tâm anh hùng mới không bị cướp đất mà thôi!

    Trả lờiXóa
  6. nahn dan lao dong chan chinh ca nuoc rat kham phuc tinh than cua ba con dong tam- chuc mung thang loi ....

    Trả lờiXóa