Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

Mạc Yên: BÁI VỌNG NGƯỜI TIẾNG NÓI XỨ THANH


Mạc Yên

BÁI VỌNG NGƯỜI TIẾNG NÓI XỨ THANH

Thế là từ nay những người chơi Facebook sẽ không còn thấy ngôi nhà Chu Mã Giang của Bùi Văn Bồng xuất hiện nữa. Có lẽ giờ này Bùi Văn Bồng của lớp Văn k15 ĐH Tổng hợp chúng tôi chưa đi xa. Anh vẫn nằm chờ lên đường vào đài Hóa thân Thanh Hóa quê mình. Người ta bảo phải 3 ngày sau khi tắt thở, linh hồn mới từ từ thoát xác. Nếu đúng vậy thì giờ này anh vẫn đang còn đọc facebook, vẫn đang theo dõi lớp cũ của mình du lịch nơi đâu, có ngôi nhà cao tầng nào trên đất nước mình lại sắp bốc khói, có cuốn tiểu thuyết nào sắp ra, có giọng thơ nào mới … Anh không viết được nữa, nhưng hồn anh vẫn đang trong mạng. 

Năm 1971, lần đầu tiên tôi gặp anh – cậu tú xứ Thanh học sinh giỏi có giải toàn miền Bắc, ra Hà Nội học Văn Tổng hợp. Chàng có dáng đứng nghiêng nghiêng, hơi phệ bụng, ăn mặc nghiêm chỉnh, ít áo nhưng lúc nào cũng bỏ áo trong quần. Có điều chiếc thắt lưng bộ đội mầu mận chín thường phải kéo lên gần ngực. Sôi nổi, tự tin, làm thơ cách nhật, chưa nói đã cười, chàng cùng với những Lê Đỗ Khanh, Nguyễn Sinh Xô, Nguyễn Hải Vân, Nguyễn Văn Kim giúp tôi cũng tự tin theo. Tin rằng học trò xứ Thanh nhà quê mình ra tỉnh học… không dễ bắt nạt đâu !

Vừa học xong năm thứ nhất, có 5 thằng “Hoa Thanh Quế” thì 4 thằng Khanh Bồng, Xô, Hưng “cất bút nghiên lên đường”. Nhưng thật ra Bùi Văn Bồng lên đường nhưng không chịu xếp bút nghiên. Anh cầm bút nghiên ra trận. Không có bút thì làm thơ sao được. Thơ anh viết đều tay, ào ào thác đổ, không có bút không thành, không chép thành văn bản, rất dễ rơi vào quên lãng. Khác với Hoàng Nhuận Cầm, Phùng Huy Thịnh, Lê Lâm, Mai Liễu, Thế Vỵ … (những người cùng lớp, xuất quân cùng ngày 6971, làm thơ cứ chín nẫu, thuộc lòng sâu trong gan ruột, đọc thơ mình nhanh như cháo chảy) Bùi Văn Bồng làm “thơ xanh”, không để chín, phải viết rõ giấy trắng mực đen nên đi lính vẫn không rời cây bút.

Chiến tranh qua đi, vào thời hậu chiến không lâu, Bùi Văn Bồng đã là một bút danh thơ quen thuộc trên các tờ báo quốc phòng. Trở thành Nhà báo và Nhà thơ quân đội, với quân hàm Đại tá, tên anh thành cái tên gọi trìu mến của độc giả các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nơi anh làm đại diện cho báo Quân đội Nhân dân. 

Vì đã là sỹ quan cao cấp, kịch bậc lương, và có lẽ còn vì gánh nặng “hai tập”, anh về hưu sớm. Về hưu sớm nhưng tên anh không chịu về hưu. Với bản tính ngay thẳng, cương trực, tự tin, ngay khi internet được mở, anh đã có một Website Bùi Văn Bồng hấp dẫn hàng nghìn độc giả vì những tin tức hot và những câu bình luận giật mình. 

Nhớ năm nào, tướng Nguyễn Sinh Xô mời anh đến Sầm Sơn hội ngộ với tổ công tác K15 chúng tôi. Chúng tôi hồi hộp chờ đại tá Bồng. Chờ mãi chẳng thấy anh đến. Đã thế chúng tôi lại phải ngồi tiếp chuyện với một ông hàng xóm phất phơ nào đó của tướng Xô, rỗi hơi ghé vào giao lưu với tổ công tác. Tôi với Phạm Phú Tị, Phan Trọng Thưởng phải ra hỏi lại tướng Xô xem Bồng có đến được không. “Đến nãy rồi còn gì, trong nhà ấy”. Nghe thế, chúng tôi lại chạy vào nhà nhưng chỉ thấy ông hàng xóm vô duyên vẫn đang ngồi lì ở đấy. Nghi nghi, chúng tôi nghiên cứu khuôn mặt ông hàng xóm. Hóa ra đó chính là đại tá Bồng.

Ôi chao, Thời gian ! 

Từ Thức ở với tiên ba năm, trở về hạ giới chỉ còn gặp hậu duệ ba đời của bạn đồng niên. Nhưng đấy là chuyện buồn do khoảng cách của hai phạm trù thời gian quy đổi. Chúng tôi xa Bùi Văn Bồng mới có chừng chục năm trần thế mà không nhận ra Bồng. Nhà thơ say với Website riêng của mình, say trong thế giới truyền thông, lại bị thơ phú đêm đêm giày vò nên đã thả nổi cơ thể mình rồi! Thật là một nhà thơ “quá khổ”. Chúng tôi nhắc nhở anh về chế độ ăn uống, hậu quả tăng cân. Nhưng điều đó, nghe mãi rồi, anh để ngoài tai, vì có một điều anh cho là cần nghe nhắc nhở hơn, quan trọng hơn. Đó là website của anh có lợi hay không có lợi đối với công cuộc chống tham nhũng và tiến trình dân chủ hóa. Có người bảo: “Cẩn thận ! Phá béng cái website BVB của ông đi, không là bị bắt có ngày”. Tôi biết , lo cho bạn thì dọa thế thôi, chứ Nhà báo - Nhà thơ - Đại tá này mà bị bắt thì chính quyền ê mặt. Anh mà có quyền thì anh bắt họ, chứ họ làm sao lại tính chuyện bắt anh.

Mấy năm qua, đã 2 lần tôi mời anh về nhà tôi chơi, hoặc chí ít thì cũng ở Hà Nội ngồi riêng với nhau mấy tiếng, nhưng chả lần nào anh đến. Anh vẫn còn giận chúng tôi vì chuyện không nhận ra anh ở Sầm Sơn, hay anh ngại cái trò nài ép bia rượu, mà anh không đến ? Anh còn giận tôi hay anh bận điều trị và chờ ngày hồi phục thật đủ sức khỏe rồi mới gặp gỡ, chén tạc chén thù ?

Ra đi nhanh quá, nhà thơ ơi !

Nhưng có lẽ nhà thơ Chu Mã Giang không hề vội. Anh bằng lòng ra đi, vì với anh sống dài không quan trọng bằng sống chất. Anh đã “sống đủ đầy, sống trào sinh lực bốc men say”, như lời một nhà thơ pháo đài ngày xưa kêu gọi. Những trang phóng sự dài kỳ nổi tiếng về biên cương, hải đảo của anh vẫn nhiều người tìm đọc trên báo Quân đội đó. Những bài thơ anh viết vẫn đọng lại trong ký ức người yêu thơ như những kỉ niệm đẹp về một thời thơ chiến trận. Làm thơ như làm báo - Thơ anh nóng hổi tính thời sự. Làm báo như làm thơ - Báo anh viết tràn trề cảm xúc, vương vít hương thơ. Anh lập website riêng chửi lũ bạo quyền, lũ trộm cắp hợp pháp kia … cũng chỉ vì tấm lòng ngay thẳng và bản lĩnh của một nhà thơ biên phòng. Những gì anh làm được cho cuộc đời này, và kể cả những gì anh mất mát cũng đều chung một nguyên nhân: trót làm thi sỹ. Trời trao cho anh và nhiều bạn bè chúng ta đi vào thế kỷ 20 vừa rồi cùng một thứ hành trang đó !

Vậy thì linh hồn anh sẽ phiêu diêu đi, như lời thơ Huy Cận: 

Ngồi xe nhật nguyệt cùng Thiên nhiên
Làm bạn đi về nơi vô định…
Xe đi về đâu ta chẳng biết
Chỉ biết trời xanh là ta say

(MY)
____________

Tễu Blog: Mạc Yên là bút danh của PGS.TS Văn học Phạm Thành Hưng, Khoa Văn học, ĐH KHXH và Nhân văn Hà Nội.

2 nhận xét :

  1. Tôi đã từng xem một bộ phim nói về một vị tướng Scotland,dùng cả cuộc đời của mình để chống lại sự thống trị của vua nước Anh để giành độc lập cho người Scotland.
    Bộ phim cảm động đó có tên là "trái tim dũng cảm".
    Tôi xin mạn phép gọi những việc làm của bác Bồng là "trái tim dũng cảm"!

    Trả lờiXóa
  2. Kính gửi TS Nguyễn Xuân Diện
    Nghe tin Đại tá, Blog Bùi Văn Bồng qua đời, đăng trên Blog của TS, tôi thực sự vô cùng xúc động. Trước đây tôi chỉ comment trên các bài viết tôi thích. Nhưng vào đầu năm 2015, sau cái chết của Nguyễn Bá Thanh, lại xem buổi tọa đàm giữa nhà báo Ngọc Quang, với hai vị khách mời là:Thứ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn(hồi đó còn Thứ trưởng), và Phó CN Văn phòng QH, TS Nguyễn Sỹ Dũng. Nội dung của buổi tọa đàm là bày mưu tính kế lấy lại vị thế của truyền thông lề đảng, sau sự bùng nổ của mạng xã hội.
    Sau khi nghe xong, tôi rút ra kết luận là: Truyền thông lề đảng đã và đang thua. Từ đó trong sự cảm xúc dâng trào, tôi viết ngay bài có tựa đề là : “ Truyền thông nhà nước Việt Nam đã thua ngay trên sân nhà”.
    Đây là lần đầu tiên tôi viết thành một bài hoàn chỉnh. Và tôi gửi ngay cho Blog Bùi Văn Bồng. Vì hồi đó tôi chưa có sự liên hệ với các báo khác.
    Sau đó thấy bài của tôi được đăng(và anh BVB có sửa tựa đề là: “Thua là do không thật”, và thấy có nhiều comment, và một số báo khác đăng lại,tôi rất phấn khởi. Nhờ đó, tôi có thêm động lực, và từ đó đến nay, tôi đã mạnh dạn viết rất nhiều bài khác, đăng trên nhiều trang báo khác nhau, ký nhiều bút danh khác nhau. Tôi rất cám ơn nhà báo Bùi Văn Bồng đã dám”vượt qua sợ hãi” để đăng bài này, vì nội dung cũng “dữ dội”.
    Nay Đại tá BVB qua đời, tôi xin gửi TS bài này, như một lời cám ơn, một kỷ niệm đầu tiên của tôi với Đại tá BVB. Và nếu được, nhờ TS đăng lại bài này, vì tôi thấy vẫn còn nguyên giá trị.
    Cám ơn TS rất nhiều( GC: Tôi trích dẫn sai câu thơ của nhà thơ Bùi minh Quốc, tôi nói là của nhà thơ Nguyễn Duy).
    Tôi xin gửi kèm đường link của bài này được đăng trên Blog của Chauxuannguyen.org
    http://chauxuannguyen.org/2015/01/18/truyen-thong-nha-nuoc-viet-nam-da-thua-ngay-tren-san-nha-huong-khe/amp/

    Truyền thông nhà nước Việt Nam đã thua ngay trên sân nhà
    Hương Khê




    Trả lờiXóa