Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Lưu Trọng Văn: NƠI NÀO CHA PINA YÊN NGHỈ ?

 

Lưu Trọng Văn
10 Tháng 4 -2018 ·

Nơi nào cha Pina yên nghỉ?

Tại 46 An Dương, bờ bãi sông Hồng xưa mà gã trốn học đi bẻ ngô non ăn, gã rớt vào cuộc chuyện về cha Đắc Lộ-Alexandre de Rhodes của Trần Văn Thuỷ, đạo diễn ''Chuyện tử tế'' và ''Hà Nội trong mắt ai'' với giáo sư toán học Nguyễn Đăng Hưng từ Bỉ về. Ông đạo diễn nói không để bất cứ cơ hội nào cho ông giáo sư chen vào.

“Tôi đang ấp ủ làm bộ phim về cha Đắc Lộ, không vì các cha Dòng Tên mà vì sự thật. Sự thật là chính cha Đắc Lộ đã dâng tặng cho người Việt bộ chữ quốc ngữ mà nhờ nó người Việt sẽ sớm hoà nhập với thế giới ngôn ngữ Latin đi trước các nước còn lại của châu Á đến ba thế kỷ.”

Nói đến đó ông đạo diễn quay ngoắt qua gã, trợn tròn đôi mắt nhắm thẳng vào gã có ý rằng, thông điệp của tôi, ông phải tung ngay lên mạng, ông... gã ạ.

Gã dỏng hai tai.

Ông nên nhớ, có một sự may mắn vô cùng, như sự sắp đặt cho tộc Việt, đó là cha Alexander được lệnh của các cha bề trên Dòng Tên đến Nhật truyền đạo. Khi cha Alexandre đến Nhật đúng lúc các con chiên của Chúa cùng các nhà truyền giáo bị chính quyền Nhật hành quyết vì cho rằng họ đang truyền tà giáo.

Cha Alexandre bèn trốn ngay xuống tàu và đến nước Việt. Nếu không có cuộc hành quyết kia thì chắc chắn cha sẽ không đến Việt Nam để rồi có tên là Đắc Lộ và người Việt có thể lúc này vẫn dùng chữ Nôm, hoặc chữ Hán như người Nhật, người Hàn, người Trung Quốc chứ không phải chữ quốc ngữ.

Cảm thấy ông đạo diễn cần có một điểm dừng, ông giáo sư đứng dậy tuyên bố: Tôi đã viết bức thư kêu gọi mọi người phải bảo vệ chữ quốc ngữ. Tôi thu này sẽ tổ chức một đoàn nhân sĩ đến Iran viếng mộ cha Đắc Lộ. Tôi sẽ...

Ông đạo diễn cướp lời.

Các ông biết không, thật xấu hổ, tấm bia ghi ơn cha Đắc Lộ đặt gần đền Bà Kiệu, hồ Gươm năm 1957 đã bị dỡ bỏ. Tôi đã đi tìm. Tôi đã quay được những thước phim những người dân lấy các mảnh vỡ tấm bia. Người thì đặt kê nồi, người thì làm cầu ao. Mảnh lớn nhất thì ai đó chôn trên đê sông Hồng. Một hôm mấy ông say bia ra đó tè. Phát hiện nước đái bị bắn toé lên, lấy chân khều khều thì ra tấm bia. Người này may có am hiểu lịch sử nên đào lên cất cho đến bây giờ...

Cuộc giãi bày về cha Đắc Lộ tạm ngưng vì xuất hiện nhiều vị khách mời của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng đến gặp mặt giáo sư khi giáo sư tới Hà Nội. Gã đánh bài... chuồn vì có một cuộc hẹn khác mà gã không từ chối được.

Buổi tối, gã và luật gia Nguyễn Trọng Cử từ Đức về để thực hiện giấc mơ nuôi cá tầm, cá hồi, ngồi với viện sĩ khoa học Hoàng Xuân Phú, kể lại chuyện vừa nghe, ông Phú chém ngay: Chữ quốc ngữ có được đâu chỉ nhờ cha Đắc Lộ!

Vâng, gã biết. Biết nhưng gã không cãi, vì gã hiểu tấm lòng của đạo diễn Trần Văn Thuỷ và giáo sư Nguyễn Đăng Hưng trước hết là đối với tiếng Việt, trước hết là tình yêu với tiếng Việt và đang sục sôi việc ai đó đang đang tâm huỷ hoại tiếng Việt ấy.

Gã có nói với giáo sư Hưng là sẽ kiếm tiền tham gia cùng giáo sư đi viếng mộ cha Đắc Lộ, nhưng trong lòng gã cũng tự nhủ sẽ tìm cách tìm mộ của cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, mà theo gã mới chính là người có công lớn nhất tạo nên chữ quốc ngữ ngày nay.

Cha Pina là người phương tây đầu tiên học tiếng Việt rồi giảng đạo bằng tiếng Việt. Cha cũng là người đầu tiên dùng phương pháp ký âm Việt sang ký tự Latin. Cha cũng là người dậy cha Đắc Lộ học tiếng Việt và học phương pháp ký tự này.

Cha Francisco de Pina không hề được vinh danh xứng đáng trong lịch sử nước ta. Không con phố nào mang tên cha. Ngày 15.12.1625 cha đã chết khi tham gia cứu người dân trong một vụ tàu đắm tại Vịnh Đà Nẵng.

Xác của cha Pina ở đâu hay vùi trong biển cả?

Gã nghĩ nếu cha Pina mất xác trên biển Đà Nẵng thì người Việt chúng ta trong đó có 40.000 bạn facebook của gã mỗi người góp chút công chút của dựng một bia tưởng niệm cha Pina ở một bãi biển nào đó của Đà Nẵng để các thế hệ người Việt khi qua đây chắp bàn tay, đặt một bông hoa cho người đã khuất.

Lòng biết ơn muôn đời luôn là phẩm chất của người Việt.
 

2 nhận xét :

  1. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đạo lí muôn đời của người Việt Nam. Hãy làm đi ! Hoan hô !

    Trả lờiXóa
  2. Mong anh Trần văn Thủy lưu ý nhiều đến công lao hàng đầu của cha PINA đối với sự sáng tạo chữ quốc ngữ . Nói lại với đạo diễn là tấm bia ghi công cha Đắc lộ ở bờ hồ Hoàn kiếm ,cạnh đền Bà Kiệu chỉ mới bị phá dỡ vào đầu những năm 1970 (tôi không nhớ rõ lắm) để lấy mặt bằng xây nhóm tượng cảm tử cho tổ quốc như ta thấy bây giờ , chứ không phải là năm 1957 .

    Trả lờiXóa