Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Phạm Tường Vân: BÓNG ĐÁ, NHÌN TỪ KHÍA CẠNH XÃ HỘI CỦA NÓ


Pham Tuong Van
Thành phố Hồ Chí Minh

Sáng nay, 7h30, như thường lệ, mình có hẹn làm việc ở một cafe gần toà lãnh sự Mỹ. Ở đấy không ai nói chuyện bóng đá, trừ bàn của mình ra. Nhưng tụi mình không nói về chiến thắng mà bàn về khía cạnh xã hội của nó, về một thế hệ trẻ có thể chất tốt, nếu được định hướng đúng, thì sẽ đem lại nhiều thành quả lạc quan, không chỉ trong lĩnh vực thể thao.

9h30, mình bước sang phía bên kia đường, đi qua cánh cổng sắt tróc sơn đầy mũi rãi trẻ con, là Bệnh viện Nhi Đồng 2. Đập vào mắt mình là một dãy dài người xếp hàng đi nhận cháo từ thiện. Hàng dài cả vài trăm thước, nghe bảo từ 6h sáng đến giờ chưa phát hết. Mình hoà vào dòng người ấy, thì bắt đầu thấy râm ran chuyện U23.

Chiến thắng của những chàng trai xuất thân nông dân, con nhà nghèo, làm họ phút chốc quên đi nỗi khổ của cảnh bệ rạc ăn vạ nằm vật ngày qua ngày nơi hành lang, cầu thang vì bệnh viện quá tải. Tạm nguôi ngoai gánh nặng cơm áo đè trĩu lên hai vai khi một người trong gia đình phải xếp công ăn việc làm, nhập viện cùng đứa con đau yếu, có khi từ tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác, nhìn trâu, bò, heo, gà, có khi là túp lều cuối cùng đội nón ra đi để trang trả viện phí.

Hỏi họ có biết lãnh đạo tham nhũng, nợ công, giá xăng tăng, thuế thu nhập tăng, tiền gửi ngân hàng có thể phút chốc bốc hơi, BOT vô lý, ruộng vườn của họ sớm muộn cũng mất vào tay các ông chủ lớn?

Họ biết cả đấy, có ai ngu đâu. Nhưng họ biết đặt niềm tin vào đâu, khi những người lãnh đạo hôm qua còn đi xe ôm, đu dây đến bắt tay bắt chân, ôm vai, vỗ lưng họ, hôm nay đã hiện nguyên hình là một tên tội phạm? 

Họ biết kỳ vọng vào đâu khi một doanh nhân có cỡ hôm qua còn là ông bầu bóng đá với những tuyên bố mạnh mẽ, rung động hàng triệu con tim, hôm nay đã bị còng cả tay lẫn chân trong toà án kinh tế? 

Họ biết trông cậy vào đâu khi ông bà tiến sĩ có chút chức sắc ở một đại học danh giá nào đó, buổi sáng lên báo phát biểu hoành tráng về các chuẩn mực giá trị, nhưng buổi tối lại hé cổng nhận phong bì chạy điểm, chạy việc, những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi nước mắt, có khi cả máu của họ? 

Họ biết nương tựa vào đâu khi các trí thức tây học mang danh khai sáng sa sả mắng mỏ, miệt thị họ trên mạng xã hội vì đêm qua vui quá, thằng Tí con Tèo xách xe đi bão, còn họ lỡ trèo lên cột điện, nóc bể nước phất lá cờ màu đỏ, hay đem nồi niêu xoong chảo ra gõ.

Lúc về, lại nghe em GrabBike sinh viên hồ hởi kể: 

"Hôm qua, sau cuốc xe cuối, em về ký túc xá cất xe, rồi chạy bộ vào trung tâm. Mọi người đã về hết rồi, nên em chạy men theo bờ sông Sài Gòn, chạy miết, sang cả khu Phước Kiểng - Nhà Bè. Nước mắt tự nhiên chảy ra, em căng hết mắt ra cho gió thổi khô đi, thế mà nó cứ chảy hoài. Chạy đến khi nước mắt lẫn mồ hôi, hoà vào nhau, chảy hết xuống miệng em. Em thè lưỡi liếm, thấy nó không mặn mà ngọt chị à. U23 là thế hệ của em đấy. Họ cũng từng nghèo khổ như em, có bạn còn khổ hơn em. Mấy bạn còn thấp bé hơn cả em. Văn Thanh, bạn có dáng đứng sau chiến thắng cool nhất hệ mặt trời ấy, cao có 1 mét 62 thôi. Mà chị biết đâu dạy Anh Văn giá yêu thương một chút không? Em phải ghi danh học thêm nghe nói thôi, nghe Xuân Trường nói tiếng Anh mà em mắc cỡ quá! "

Em ạ, U23 và Grab Bike ạ, bà con xếp hàng nhận cháo ạ, tôi cảm thấy hổ thẹn vì mình là trí thức. 

Chúng tôi vừa vô tâm, vô cảm, vô tích sự, đã thế còn cay nghiệt, hẹp hòi.
 
 

2 nhận xét :

  1. Khi nhìn các cậu U ghi điểm trong bà đấu với Ỉaq và Qatar, tôi
    hy vọng là nhữ năm tháng còn lại cua chúng tôi sẽ được thấy các
    em, các cháu sẽ được sống trong một môi trường xã hội phát triển
    tốt đep. To^i cũng mong các ông gìa "vô tích sự" nên về vườn để
    chỗ cho các em phát triển sống tốt , lành mạnh. Đùng ngồi phá
    Việt Nam nữa

    Trả lờiXóa
  2. Chắc chắn rất nhiều người nghĩ như bạn PTV. Mong sao đa số người trẻ hiện thời ngộ ra sự thật cay đắng ấy. Trách nhiệm suy cho cùng là của mọi người. Cần đưa mọi chuyện về sự hợp lý của chúng. Nếu không, ngay sự tồn vong của Ngôi nhà chung cũng khó bề cứu vãn...

    Trả lờiXóa