Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

NHÂN CHUYỆN ÔNG TRƯƠNG TẤN SANG ĐỌC LẠI LỊCH SỬ

Tranh thờ, chân dung Nhà giáo Chu Văn An.

NHÂN CHUYỆN ÔNG TRƯƠNG TẤN SANG ĐỌC LẠI LỊCH SỬ 

Huỳnh Ngọc Chênh

Thời bây giờ mà đầu óc cứ luẩn quẩn mãi chuyện "tôi trung" với "minh quân" thì đất nước còn tiếp tục chìm đắm vào tối tăm lạc hậu, khó mà vươn lên ngang bằng với các láng giềng Đông Nam Á chứ đừng nói với các quốc gia tiên tiến cao xa khác.

Cụ Chu Văn An sống trong thời đại phong kiến thì tư duy của cụ cũng chỉ là tôn sùng minh quân, xây dựng lực lượng tôi trung, tiêu diệt gian thần để kéo dài tuổi thọ cho một thế lực phong kiến đã đến lúc phải suy tàn theo quy luật.


Nhìn ra bên ngoài thời đó, Chu Văn An cũng chỉ thấy một cơ chế phong kiến của Trung Hoa không có gì khác hơn, nhìn lui lại lịch sử nước nhà cũng một cơ chế phong kiến tồn tại trên cơ sở đức trị mà vận nước phải gắn vào hưng suy theo triều đại. Cụ không thấy được cơ chế nào khác tốt đẹp hơn nên cứ bám theo đó ra sức giúp nước bằng cách giúp vua thành minh quân, bằng cách dâng sớ xin chém gian thần để thanh lọc bộ máy cai trị lúc nhúc quan tham của cái thời nhà Trần mạt vận.

Liệu ngày đó vua nghe lời trung thần Chu Văn An chém đầu 7 gian thần thì triều đình nhà Trần có tốt đẹp hơn lên vào lúc đã suy tàn theo quy luật? Liệu 7 gian thần đó bị chém đầu, thì các quan khác lên thay có tốt đẹp hơn không? Chưa nói là cá nhân cụ Chu Văn An không khỏi bị chủ quan khi đánh giá ai là gian thần ai là trung thần. Cụ dựa trên cơ sở pháp lý nào, quy chuẩn công chức nào để phán xét kẻ đúng người sai?

Không. Ngoài cái tài học rộng và đức cao ra, chúng ta của thời đại ngày nay không học được điều gì từ cụ Chu Văn An trong vấn đề hưng quốc.

Đọc lại lịch sử để rút ra bài học là các triều đại phong kiến thiết kế chế độ và quản lý quốc gia trên cơ sở đức trị, hoàn toàn dựa vào đạo đức của người đứng đầu là ông vua. Vua tài đức thì triều đình hưng thịnh, đất nước bình an, vua tệ hại thì triều đình mạt vận, đất nước suy vong. Cơ chế chọn ra ông vua kế vị thì hoàn toàn độc đoán, chủ quan cá nhân và dựa vào mệnh trời may rủi, không có gì bảo đảm người được chọn sẽ là vị minh quân.

Do vậy tất cả các triều đại phong kiến trong lịch sử VN đều đi theo một quy luật, hưng thịnh nhờ vào một vài ông vua đầu còn sáng suốt, sau đó lụn tàn sụp đổ vì các ông vua sau suy thoái.

Học lại lịch sử là học cái điều đó để đừng lặp lại vì chuyện thịnh suy của một triều đại, một giòng họ, một bè nhóm cai trị mà đưa đến thịnh suy của đất nước.

Ngày nay, cánh cửa ra thế giới rộng mở, chúng ta nhìn thấy thực tế tốt đẹp của cả trăm quốc gia phát triển, học hỏi được giải pháp quản lý và phát triển của họ, hiểu biết thể chế nào là tối ưu mà họ chọn lựa để đưa đất nước họ vươn lên mang lại hạnh phúc ấm no thực sự cho người dân.

Thể chế chính trị hiện nay cai trị đất nước chẳng khác gì với các triều đại phong kiến ngày xưa, cũng "vua" trước truyền ngôi lại "vua" sau, tổng bí thư trước chuẩn bị người cho chức TBT sau, bộ chính trị trước lo người kế thừa BCT sau, quan đầu tỉnh trước chuẩn bị truyền chức lại cho quan đầu tỉnh sau... tất cả đều trên cơ sở chủ quan cá nhân, độc đoán và được bảo vệ bằng nghị quyết đảng chứ chẳng dựa trên cơ sở pháp lý và phương pháp tuyển chọn dân chủ khoa học nào.

Mà thể chế tuyển dụng và đề bạt lãnh đạo hiện nay còn tệ hại hơn thời phong kiến. Ngày trước chỉ duy nhất một "chức" vua là được truyền lại, còn tất cả các quan chức khác từ tể tướng trở xuống đều không được tự ý truyền lại cho người sau. Cơ chế tuyển dụng quan cũng tốt hơn bây giờ, nghĩa là mọi thành phần xã hội đều được tham gia ứng tuyển thông qua các kỳ thi nghiêm khắc.

Đọc lại lịch sử để biết vượt qua cái hạn chế của tổ tiên chứ không phải học theo các phương cách cổ xưa luẩn quẩn mãi trong chuyện minh chúa hay lú chúa, trung thần hay gian thần.

Liệu bây giờ chém đến cả trăm tham quan thì lấy gì bảo đảm không có cả ngàn tham quan khác lên thế chỗ trong cái cơ chế lỗi thời nầy? Đồng thời với việc chém đầu các tham quan thì phài chém ngay cái thể chế phát sinh ra đám tham quan nhung nhúc như hiện nay thì việc chống tham nhũng mới thực chất và hữu hiệu.

Cái đất nước đang cần bây giờ là minh chế chứ không phải minh quân.

Nếu ông Trương Tấn Sang có lòng với dân với nước, như ông bày tỏ, thì ông hãy dũng cảm lên tiếng kêu gọi đổi mới thể chế như ông Võ Văn Kiệt đã từng làm, ngay khi ông còn đương chức và tiếp tục vận động sau khi đã nghỉ hưu.
Huỳnh Ngọc Chênh

14 nhận xét :

  1. Phân tích thấu đáo về biện chứng lịch sử và tư tưởng trung quân ái quốc theo quan niệm Đức trị của Chu An. Quả thật nhà nước CS VN hiện nay chỉ là sự nối dài của thế chế phong kiến ...

    Trả lờiXóa
  2. Sau khi đọc bài viết trên của nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh, người đọc nhận thấy rằng ông Trương Tấn Sang có các điểm sau:
    1/ ông Sang thể hiện kiến thức đầy đủ về lịch sử.
    2/ Tuy vậy, bài viết của ông Sang không có gì mới, đúng như ông Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét, chỉ ca ngợi sở học uyên bác và đức độ sáng ngời của cụ Chu Văn An, điều này sử sách đã nói nhiều.
    3/ Ông Trương Tấn Sang có vẻ thích cái ổn định của vương quyền và thích có cái khái niệm minh quân. Mọi người tán đồng quan điểm của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh rằng đó là khái niệm xưa cũ, sáo mòn, tẻ nhạt.
    Ngoài những ý trên thì bài viết của ông Trương Tấn Sang không có điểm sáng nào cả!

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh.

    Trả lờiXóa
  4. Tác giả H.N.Chênh phân tích rất sáng rõ bài viết của cựu CT nước Trương Tấn Sang. Ô. Sang nhắc lại lịch sử, nhằm gửi thông điệp : người dân cần tin ĐCSVN ( tổ chức chính trị cai trị/lãnh đạo XH VN), trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay. Thông qua đó , củng cố sự độc quyền , chuyên chế của ĐCSVN. Nhìn sâu vào mô hình thiết kế hệ thống chính trị và quan sát các biểu hiện trong quá trình vận hành của nhà nước VN , hiện nguyên hình bản chất nhà nước Phong kiến kiểu mới . Trên đỉnh cao quyền lực là Bộ chính trị ĐCSVN ( ông vua tập thể), dưới các quan chức phải là đảng viên trong bộ máy nhà nước , gồm QH, CT nước, Tòa án, Chính quyền các cấp. Quan chức đều do ĐCSVN đưa lên hoặc hạ xuống, người dân không trực tiếp hoặc gián tiếp được bầu chọn. Thậm chí được truyền lại từ đời cha cho đời con, đời cháu..Độc quyền , đảng trị, thay pháp trị đã đẻ ra tham nhũng . Có thể ví hành vi tham nhũng và quan chức tham nhũng như truyền thuyết Phạm Nhan, chém rơi đầu này thì nó mọc ra đầu khác. Hễ còn độc quyền, chuyên chế thì tham nhũng sẽ ngày càng tác oai tác quái; Phạm Nhan còn sống thì đầu nó vẫn mọc đầu khác.

    Trả lờiXóa
  5. Ông Sang thì sử học quái gì đâu chứ. Ông ấy ngụ ý khuyến khích cổ vũ ông TBT chém đầu nữa đi. Có thế thôi mà phải nhờ vào lịch sử thiếu hụt (không hề nhắc gì đến nhà Nguyễn).

    Trả lờiXóa
  6. Một bài văn nghị luận xã hội đạt điểm khá ?

    Trả lờiXóa
  7. Đề nghị các đồng chí hưu trí không nên quá tham quyền! Đừng can thiệp vào chính trường nữa!

    Trả lờiXóa
  8. Hoàn toàn đồng ý với tác giả. Đất nước đang cần minh chế .

    Trả lờiXóa
  9. Ông Sang chẳng có dấu ấn nào để lại khi làm chủ tịch nước. Đất nước tụt hậu như ngày nay là trách nhiệm của nhiều thế hệ lãnh đạo trong đó có ông Sang.

    Trả lờiXóa
  10. Hoàn toàn tán thành ý kiến của HNC. Thể chế hiện tại là phong kiến trá hình, trong đó, những tồi tệ nhất được đẩy đến cực điểm...

    Trả lờiXóa
  11. Ý kiến của HN Chênh nặng về lý thuyết. Các phân tích của ông TT Sang mang tính thực tiễn và phù hợp với tình hình hiện tại của Việt nam. Mọi người đều biết rằng "Minh chế" là giải quyết tận gốc của vấn đề. Nhưng Việt nam hiện nay như một cái cây đang bị cả bầy sâu ăn lá, đục thân, đục gốc. Nếu không "phun thuốc sâu" ngay như đề xuất của Cụ Chu Văn An mà lại đi tìm để diệt cái con sản sinh ra con sâu thì tôi e rằng khi tìm được thì cái cây đã tan tành rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh thì ông không quan tâm đến cái cây nó bị sâu đến cỡ nào! Sâu thì chặt bỏ! Thế thôi! Mà dân thì cũng muốn đốn hạ cây quá nhiều sâu!

      Xóa
  12. Bài viết của ông Trương Tấn Sang cũng giống như một người mặc áo thụng để vái người khác nhưng lại mặc quần tây, nó lạc vần lạc điệu làm sao. Hay như hòn sạn cứng ngắc trong khi nhai cơm vậy. Giá ông thay chữ "tôi trung" bằng "tổ quốc, tổ tiên" thì hay biết mấy. Ít ra ông sẽ được tiếng thơm là có thiện chí.

    Trả lờiXóa
  13. Đúng vậy, điều quyết định để một tổ chức phát triển là tổ chức đó được vận hành như thế nào (cơ cấu, thể chế ...). Cơ cấu, thể chế ... sai sẽ dẫn đến các trục trặc của tổ chức, sửa được trục trặc này thì lại sinh ra trục trặc khác. Hiểu như vậy sẽ biết cần phải làm gì để tổ chức đó phát triển được.

    Trả lờiXóa