Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

LỜI BÌNH SAU KHI ĐỌC BÀI VIẾT CỦA ÔNG TRƯƠNG TẤN SANG


LỜI BÌNH SAU KHI ĐỌC BÀI VIẾT CỦA ÔNG TRƯƠNG TẤN SANG:
“Lịch sử giúp chúng ta hiểu về hiện tại, dự báo tương lai”

Nguyễn Đăng Hưng 

Hôm nay, Ông Trương Tấn Sang, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho đăng trên Nhân Dân, Thanh Niên Dân Trí một bài viết rất đáng được quan tâm.

Ông đề cập đến những vương triều chính thống của dân tộc Việt, thời Trần, thời Lê, với những suy ngẫm về lẽ thịnh suy trong lịch sử.

Đặc biệt ông đề cao vai trò và hành động “phản biện” của những các tầng lớp nho sỹ các thời bấy giờ. Về cụ Chu Văn An, ông viết: 

"Hơn 100 năm kể từ khi vị Hoàng đế đầu tiên của Trần triều, vào buổi sáng sớm cái ngày mà quan Tư nghiệp Quốc tử giám Chu An (Chu Văn An), bậc quốc sư dạy dỗ cho hai Hoàng đế Hiến Tông và Dụ Tông, phải chấm tay áo gạt nước mắt, treo mũ ở cửa Huyền Vũ rồi về quê dạy học, kinh thành Thăng Long vẫn vắng lặng. Tờ sớ mà ông liều thân xin chém đầu 7 tên gian thần đầu triều vẫn nằm im đâu đó trong mật viện hay trên long án... Đó cũng là cái ngày báo hiệu cho sự lung lay và sụp đổ của vương triều Trần từng một thời rực rỡ”. 

Ông nhắc đến vị vua trí thức đời nhà Lê và lòng cung kính tin dùng kẻ sỹ: 

“Triều Lê với những vị hoàng đế anh minh như Lê Thánh Tông, người lệnh cho danh sĩ Thân Nhân Trung soạn văn bia với câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, đã dựa vào các nhân tài để tạo dựng hàng loạt những giá trị văn hiến truyền lại cho đời sau, đưa Đại Việt lên hàng cường quốc trong khu vực”. 

Ông cũng trích dẫn và bình luận một cách xác đáng: 

“Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) có tổng kết 5 nguy cơ dẫn đến quốc gia suy vong là: Trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt. Cả 5 điều ấy đều là những yếu tố bên trong. Dân tộc Việt Nam không bao giờ sợ giặc ngoại xâm, chỉ sợ những người cầm quyền không đủ dũng khí để tự sửa mình, để thực hành nghiêm khắc nội bộ”.

Khá lâu rồi ta mới thấy một nhân vật nguyên là Chủ Tịch nước, nguyên là thành viên cao cấp của Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam đề đạt và suy ngẫm về chính sách hiện nay, nhằm soi sáng những bước đi chính trị tương lai, mà dựa trên lịch sử dân tộc truyền thống, nhất là đề cao vai trò của tầng lớp trí thức. 

Đây là nét mới đáng ghi nhận, nhất là nó được đăng tải chính thức trên báo Nhân Dân!


Sẽ lạc quan quá đáng nếu ta cho đây là bước ngoặt thể hiện xu hướng mới của Ban Tuyên giáo?

Riêng cá nhân tôi, tôi hoan nghênh tinh thần này, tinh thần dựa vào bài học lịch sử ngàn năm của dân tộc để tìm lối ra cho những ách tắc vô cùng rối rắm hiện nay…

Tôi sẽ hoan nghênh hơn nếu ông Trương Tấn Sang xác định rõ hơn những bài học này, đặc biệt cách đào tạo và sử dụng trí thức ngày nay ở Việt Nam… Thí dụ như ngày xưa các quan được tuyển lựa nghiêm túc qua các kỳ thi, mà giai cấp nông dân hay giai cấp quan quyền đều bình đẳng ghi danh ứng thí! Còn chúng ta, đã có một thời, dưới mái nhà xã hội chủ nghĩa vào đại học đã bị hạn chế vì lý lịch và ngày nay, việc xử dụng cán bộ không được chế tài nghiêm túc và ngược lại, những thói quen cơ cấu thân hữu, bà con thân thuộc đã thành một thông lệ tràn lan từ cấp trung ương đến các cấp tỉnh, huyện, xã…

Tôi cũng sẽ hoan nghênh hơn nếu nguyên Chủ tịch nước thấy được là thời xưa ta gọi là phong kiến, quyền tự do sáng tác là điều có thật mà thời nay phải học hỏi. Thời xưa không hề có cái “ban tuyên giáo”, các “cục biểu diễn”… ngăn cấm văn nghệ sỹ sáng tác, sinh hoạt theo xu hướng tự do. Ta còn nhớ vua Tự Đức tuy rất cay cú với nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều vì câu thơ: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Ngài đã không vì một câu thơ “khi quân” của Truyện Kiều mà ra lệnh đốt hết sách của Nguyễn Tiên Điền hay bỏ Đoạn trường tân thanh vào cối giã để lấy giấy tái chế!

Ngoài ra, nếu lấy lịch sử dân tộc ra làm bài học cho hôm nay và ngày mai thì theo tôi, điều cốt lõi nhất là phải noi gương, là tinh thấn quật cường dân tộc, truyền thống đoàn kết gắn bó giữa giới cầm quyền và người dân trong công cuộc tạo sức mạnh tổng hợp, chống xâm lược phương Bắc, dù kẻ thù có nhất thời hung hãn mạnh bạo đến bao nhiêu. 

Đó là “Tuyên Ngôn Độc Lập” của Lý Thường Kiệt, đó là “Hịch Tướng Sỹ” của Trần Hưng Đạo, đó là Hội Nghị Diên Hồng, đó là “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi, đó là lời thề giữa ba quân của Hoàng Đế Quang Trung trước khi tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh.

Các vương triều Đại Việt, qua lời nói và việc làm, đã bảo vệ giang sơn đất nước, đã hun đúc cho giống nòi chúng ta lòng yêu nước thương dân, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, vận dụng khí giới vô giá đó mà củng cố lực lượng, bảo vệ bờ cõi cho Đại Việt trường tồn qua lịch sử ngàn năm. Các vương triều đất Việt đi ngược lại lòng dân hay làm mất lòng dân đều tạo điều kiện cho phương Bắc thôn tính, nước nhà bước vào vòng nô lệ! 

Hơn bao giờ hết ngày nay trước hiểm họa lãnh thổ, lãnh hải bị xâm phạm, trước nguy cơ bị chiếm đoạt Biển Đông, chính quyền nên ghi nhận bài học này.

Cái nguy hiểm trước mắt là những sai lầm chính trị, những biện pháp đàn áp đáng tiếc, phát sinh ra đối kháng giữa dân và nhà cầm quyền: Đồng Tâm, Formosa, BOT Cai Lậy, trưng thu đất đai làm dự án...

Mong thay ý tưởng dựa vào lịch sử dân tộc sẽ không dừng lại ở đây mà còn được các nhà hoạch định đường lối chính sách triển khai thêm trong tương lai. Việt Nam ngày nay rất cần những giải pháp có thực chất trong giai đoạn kiến tạo, đổi mới đợt hai, thoát ra khỏi khủng hoảng triền miên, sớm đưa đất nước vào quỹ đạo phát triển bền vững, dân chủ, văn minh.

Sài Gòn, ngày 8/1/2018
N.Đ.H
__________

Bài ông Trương Tấn Sang xin đọc ở đây: 

13 nhận xét :

  1. Trần Thị Thảolúc 05:52 9 tháng 1, 2018

    Không có gì xứng đáng để bình luận về những điều ông TTS đã viết vì lịch sử đã chứng minh rõ rồi : So với các triều đại Phong Kiến thì triều đại CS hiện nay thua xa về mọi mặt nhất là việc thực thi luật pháp và giáo dục con người biết TÍN NGHĨA .

    Trả lờiXóa
  2. Hoan nghênh bài viết khá hay của cựu CT nước TTS, đáng để cho những người biết đọc cần đọc. Thật thú vị bài BÌNH của NĐH, giá ai đó chắt lọc lấy những điều trong cả 2 bài này mà Trì Quốc thì phúc cho dân đen tôi quá.
    Cảm ơn TỄU !

    Trả lờiXóa
  3. Đọc rồi chẳng có gì mới. Một số mệnh đề trong đoạn cuối là võ đoán, chẳng có chứng cứ chứng minh là toàn bộ nhân dân nghĩ như tác giả. Vẫn đi theo vết xe đổ duy lý. Chán như con gián đó anh tư.

    Trả lờiXóa
  4. Cái nguy hiểm trước mắt là những sai lầm chính trị, những biện pháp đàn áp đáng tiếc, phát sinh ra đối kháng giữa dân và nhà cầm quyền: Đồng Tâm, Formosa, BOT Cai Lậy, trưng thu đất dai làm dụ án...
    (Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng)
    _______________
    Bài viết của ông Trương Tấn Sang sẽ có giá trị hơn khi ông liên kết giữa quá khứ và hiện tại và chỉ ra những nguy cơ, những yếu kém trong công tác điều hành đất nước và các biện pháp khắc phục.
    Trong đời sống ngày nay, người dân phải chịu đựng sự nhiễu nhương tràn ngập khắp nơi. Người nông dân ở Dak Nông vừa mất đất vừa bị án tử hình trong khi doanh nghiệp và chính quyền tham nhũng là nguồn cơn đưa đến bất hạnh cho người dân khổ sở!
    Ngay vụ án oan của anh Hồ Duy Hải mà bà Trương Mỹ Hoa cũng không lên tiếng được một lời về nghi can giết người là Nguyễn Văn Nghị. Vậy thì người dân đi tìm niềm tin nơi đâu?

    Trả lờiXóa
  5. Hầu hết các đời Vua chúa nước Việt trong lịch sử đều thừa dũng khí để làm cho kẻ thù Phương Bắc phải khiếp sợ, giữ vững non sông, bờ cõi. Còn các "ông vua" thời CS, trong đó có ông Sang khi còn đương chức thì sao? Có ông nào, dù chỉ bằng lời nói, đã dám "đụng" đến bọn giặc Tầu chưa? Đã có bao nhiêu đất đai, biển đảo của Cha Ông mất vào tay bọn giặc Phương Bắc dưới thời các ông? Giá như ông Sang thừa nhận được điều này thì bài viết còn hay biết mấy!

    Trả lờiXóa
  6. Không hiểu sao Tểu lại đáng lại thay báo Đảng, đăng lại bài viết này lên trang nhà của mình nhỉ?.
    Những bài viết hay như thế này, nên nhốt ở báo Nhân Dân là hay nhất !.

    Trả lờiXóa
  7. Thuốc ngủ thôi. Lịch sử Đảng CS từ khi ra đời đến nay đã chứng minh rất rõ: Vì xuất phát điểm thấp nên khi giành được quyền lực họ sẽ bất chấp để giữ

    Trả lờiXóa
  8. Trương cựu hoàng đã biết trước những điều này, hay chỉ mới phát hiện ra sau khi đã về vui thú điền viên làm người tử tế.
    -Nếu đã biết từ lúc đang chấp chính, thì những kiến thức này có ích gì cho mãn bệ hạ trong việc trị quốc không, nếu có thì sao cựu hoàng không hạ chiếu triển khai phổ khắp toàn triều cho văn võ bá quan cùng cộng giác, ngõ hầu đưa đất nước tiến lên sánh vai với Mã Lai, Xiêm La, Cao Ly cùng Nam Dương quần đảo, được như vậy chẳng đã là hồng phúc cho nước nhà mà uy danh của mãn bệ hạ đã lưu danh thiên cổ.
    -Nếu đây là phát kiến mới của mãn bệ hạ, thì đức ngài nói lại những điều này để làm gì, cho ai nghe. Những người cần nghe nhất là những người kế nhiệm ngài thì họ đang là hóa thân của ngài, và cũng đang đợi hết nhiệm kỳ, sẽ lập tâm chiêm nghiệm lịch sử dân tộc để rút ra những bài học quý giá. Còn "nguyên bách tính" của ngài thì họ rành sáu câu này lắm rồi, đâu phải đợi đến ngài chỉ bảo mới nhận ra dân ta truyền thống của các minh quân và minh triết nước họ.

    Trả lờiXóa
  9. Rõ ràng bài viết của ông Sang làm cho người đọc hiểu rằng,chế độ hiện nay đích thực là chế độ phong kiến được khoác lên cái tên mỹ miều : xhcn.
    Mà trong tất cả các giáo trình môn chính trị cũng như môn "lịch sử",đảng ta luôn ra rả rằng,chế độ phong kiến là một chế độ thối nát và phản động.Và,nhiệm vụ của đảng ta là phải quét sạch cái chế độ "con vua rồi lại làm vua" đó.
    Mà hiện nay,hầu hết các vị trí quan trọng của đảng ta đều thuộc loại "con vua" cả.

    Trả lờiXóa
  10. Cái sai lớn nhất của ta là phá nát trật tự xã hội. Nhân danh nhân dân để tiêu diệt trí thức, tiêu diệt địa chủ dù họ thực sự làm ăn chân chính, tiêu diệt tư bản, lỗi lớn trong cải cách đến giờ vẫn chưa xoa dịu trong lòng dân, phá đình chùa ......con đấu cha, cháu đấu ông .... Do đâu?

    Trả lờiXóa
  11. Khi nghỉ làm,rời khỏi chức vụ thì các nguyên thủ hay viết...cũng thường thôi " nhớ lại và suy nghĩ " mà thôi.Bài viết của ông TTS cũng không có gì mới mà cũng chẳng có chi là sai vì cái ông TTS viết ai cũng biết,ai cũng rõ ,thậm chí còn rõ và hiểu hơn nữa kia !
    Cái mới là ông TTS đã viết và đưa ra công luận ở cái buổi này thì thật là đáng nghiền ngẫm vì :
    - Thời tiết giá lạnh củi cháy nổ trời nhưng lòng Dân có ấm được bi nhiu khi cơm áo còn nhiều trăn trở ...
    - Tháng 2 đến lại gợi nhớ về 2/1979 ...
    ................
    Thôi ngần vậy cũng đủ ,"Chở bao nhiêu Đạo thuyền không khẳm - Đâm mấy thằng Gian bút chẳng tà "

    Trả lờiXóa
  12. Dù gì thì ông Sang bây giờ cũng là người giầu có, sang cả! Nay ông viết một bài chính luận về lịch sử, về danh nhân đất nước tức là ông muốn người đời hiểu rằng ông là người con trung liệt của dân tộc, đừng có thấy ông giầu có rồi lại nghĩ xiên xẹo đấu nhé!

    Trả lờiXóa
  13. Khi còn là CTN, ông Sang đã từng nói với cử tri :"Người ta có thể trú úm 1 người, 1 nhóm người nhưng không thể trù úm cả dân tộc này!”. Với tư cách là CTN ông không thể nào làm gì được cái "người ta" đó dù rằng chắc chắn bọn này không phải là thế lực thù địch ở nước ngoài mà là quan chức trong nước chức vụ bé hơn ông. Bây giờ ông nêu cái gương của tiền nhân mà người Việt ai cũng biết, ai cũng quý vì xã hội bây giờ không có; thế thì ông nói với ai đây?, khi ông chỉ là "nguyên CTN" !

    Trả lờiXóa