TRÊN NHỮNG DỮ LIỆU ẢO
Tôn Minh
Danh - tức là tên, còn háo - tức là thèm muốn, hoặc thích (tới mức không nghĩ tới thứ gì khác). Từ nội hàm của nó ta thấy được, háo danh, tức là ham muốn, thèm khát một cái tên định vị cho mình, xét trong mối tương quan giữa người đó đối với xã hội.
Nếu theo một nghĩa tích cực, bất cứ con người nào cũng sẽ có nhu cầu được biểu đạt hay được trở thành một ai đó có giá trị, có đóng góp cho cộng đồng hay xã hội. Và mong muốn đó, nhưng dựa trên sự nhìn nhận khách quan vào khả năng của bản thân, bằng tinh thần cầu thị, ham học hỏi và chăm chỉ lao động, thì nó sẽ trở thành động lực tốt đẹp cho việc con người vươn tới những tầm cao tri thức mới, kiến tạo hay làm được ra điều gì đó thiết thực cho xã hội, quê hương và đất nước.
Nhưng một khi, mọi tâm trí và mục tiêu của con người chỉ cốt để làm sao được xã hội ghi nhận, cố để trở thành một cái tên được nhắc đến (theo hướng ngưỡng mộ, nể phục) bởi mọi người mà không trau dồi trí tuệ, không rèn giũa phẩm chất, bất chấp các quy tắc và tiêu chuẩn để nhằm được ghi danh, để hòng được tán thưởng, ngợi ca hoặc để đạt được lợi ích nhất định thì đó lại là một mục đích khiến con người bị dẫn dắt theo chiều hướng trở nên xấu đi (tiêu cực). Cái danh kia sẽ chỉ mang tính biểu trưng, hư ảo, không có thực hoặc phần thực chất quá ít ỏi so với cái danh được áp ghép vào. Và người ta đã trở thành hoặc bám vào cái danh đó để sống chứ không còn sống bằng chính mình nữa.
Mong muốn vươn tới những điều tốt đẹp, tìm kiếm những giá trị bền vững, có ích cho con người và xã hội là những mục đích khiến con người trở nên hoàn thiện, biết phấn đấu để ngày càng trở nên sâu sắc, toàn diện và khiêm nhường hơn. Còn ngược lại, nếu cái danh trở thành một phương tiện chứ không còn là mục tiêu để làm động lực cho sự phát triển, thì nó sẽ là một biểu hiện có tính nguy hại, nó hiện hình thành động cơ thúc đẩy con người ta dễ dàng làm những điều xấu, sẵn sàng vi phạm những chuẩn mực, ngay cả luật pháp lẫn đạo đức, để nhằm chiếm đoạt được cái hư danh, cái hào quang và những lợi ích mà cái danh đó đem lại cho kẻ sở hữu nó.
Chúng ta đã bàn nhiều về tính háo danh của con người trong xã hội ta ngày nay. Cái sự háo danh đó tạo nên những căn bệnh trầm kha như bệnh thành tích, bệnh hình thức và bệnh phô trương đến mức kệch cỡm và dị hợm ngày càng tràn lan và phức tạp hơn thêm mà chưa có dấu hiệu dừng lại hay có thể ngăn chặn được.
Trong giáo dục, vì câu chuyện giáo viên giỏi, trường chuẩn, hay tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp phải tuyệt đối hoặc gần sát con số này, ra trường phải vào làm nhà nước, phải có bằng tiến sỹ, hay học hàm giáo sư, phải vào chỗ này, nơi kia, phải đạt điểm cao, phải có đủ chứng chỉ ở nhiều lĩnh vực,…khiến cho cả xã hội chạy theo những thành tích ảo, những giá trị bị thổi phồng quá mức, những con người tự hài lòng với những thành quả chung chung của tập thể đặt ra và đòi hỏi. Và sau những danh hiệu kiểu chạy đua hàng tháng, hàng quý, hàng năm đó thì học sinh lẫn cô giáo, viên chức lẫn cơ quan, đều trở nên vui vẻ, thỏa mãn - mà rồi cứ năm này qua năm khác chỉ cốt sao cho đạt được những cái danh số cố định, những thành tích định khung đó là đủ để tự hào, hãnh diện với nhau. Nếu thấy khó lòng có thể đạt được thì tìm mọi cách để chạy chọt, lo lót hay làm khống những điều kiện, tiêu chuẩn để có thể tạo ra được một kết quả như ý muốn mà báo cáo, mà tổng kết để làm đẹp mặt hệ thống, và đồng thời là được xét thưởng hoặc đề bạt thăng tiến cá nhân. Ở đây, những hành động như vậy đã một lúc thỏa mãn được bốn bên cùng lúc: nhà trường (gồm cả giáo viên), phụ huynh, học sinh và cả hệ thống đào tạo. Như vậy, chính cái danh giáo viên giỏi, học sinh giỏi, trường tuyển, lớp chọn và quy chuẩn đào tạo tân tiến đã trở thành phương tiện cho con người ta bấu víu vào để thỏa mãn mục đích làm hài lòng các bên và cũng dựa vào đó các bên lại mỗi người được thừa hưởng lợi ích từ nó mang đến. Cái danh xưng tiến sỹ, giáo sư hay trường tốp đã trở nên phổ biến đến mức mà người ta không còn coi trọng chất lượng của nó, mà họ quay ra hoài nghi, lo lắng và cả bỉ bai những danh xưng này. Cũng bởi lẽ là do người ta cốt chạy theo cái danh xưng để được hưởng lợi chứ không vì mục đích tạo nên con người đầy đủ trí tuệ mà cống hiến, nghiên cứu khoa học hay trở thành những con người hữu ích cho xã hội.
Trong việc quản lý nhà nước, sự “háo danh” được thể hiện ở chỗ ngành nào cũng báo cáo đạt kết quả tốt, ai cũng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, không ai tham nhũng hay vi phạm, các công chức, cán bộ đa phần có bằng cấp cao (ngay cả cấp phường, xã cũng đa phần là tiến sỹ), hoặc nhiều lĩnh vực thì vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra,…trong khi đó thì xã hội lại ngày càng có nhiều tệ nạn, thất thoát ngân sách lớn, các thiệt hại kinh tế, môi trường, niềm tin được tìm thấy ở nhiều lĩnh vực và nhiều nơi khắp cả nước. Cho nên, với những “thành tích” ngược lại sự thật của tình hình xã hội, đó chính là cái “danh” hão mà những người quản lý cố tạo ra để nhằm che giấu khuyết điểm, thiếu sót, những sai phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm hoặc để được cất nhắc, đề bạt trong chức vụ hay tặng thưởng lợi ích vật chất, tinh thần khác.
Háo danh, từ đó là sinh ra dối trá, lừa lọc. Mà từ đây sẽ nảy nòi ra những thủ đoạn, mưu mô, toan tính để hoặc là tạo ra hay có được những thứ hư danh huyễn hoặc mà hưởng lợi lộc, hoặc là để xử lý hậu quả tồi tệ do chứng háo danh tạo ra. Mà tệ hơn cả là khi đã háo danh thì chứng háo danh sẽ nhanh chóng lan rộng ra ngoài xã hội, hư danh lại chồng hư danh và sẽ được coi là phương tiện để đạt mục đích xấu chứ nó không còn là mục tiêu để con người nhờ đó mà hoàn thiện và trở nên có giá trị với những “ thực danh” mà mình khổ công mới có thể đạt được. Háo danh cũng khiến con người ta trở nên ảo tưởng vào bản thân, sẽ biến họ trở nên hẹp hòi, ích kỷ và thích phô trương ra bên ngoài bằng cái danh họ đã đạt được. Và nếu họ có thể đứng vào hàng ngũ quản lý, đào tạo hoặc lãnh đạo thì họ sẽ chỉ quan tâm đến những con số được báo cáo và làm mọi cách để đạt cho được những gì mình muốn nhằm làm đẹp mặt, lấy đó làm niềm tự hào đối với xung quanh, cả với bạn bè quốc tế. Thế mới có câu chuyện báo cáo trong số liệu kinh tế vĩ mô gần đây được nhìn nhận công khai là những con số không đúng sự thật mà được kê khống lên để báo cáo thành tích quản lý. Thật là nguy hại đối với một quốc gia vận hành trên những dữ liệu “ảo”. Như vậy sẽ gây nguy hiểm và sẽ gây thiệt hại vô cùng to lớn cho nhà nước, cho người dân vì tin vào con số đó mà làm ăn, đầu tư hoặc để thiết tạo chính sách vĩ mô.
Nếu chúng ta không nhìn vào thực trạng này để thay đổi, đó là bệnh háo danh trầm trọng hiện nay, thì chúng ta khó lòng nào có thể trở thành một con người, một xã hội và một quốc gia trung thực và có thực chất (trình độ). Cũng từ đó mà khó lòng nào có thể có những cứ liệu, cơ sở đúng đắn, khách quan và khoa học để mà hoạch định được các chính sách, luật pháp cho người dân được an toàn và phát triển đi lên.
Chúng ta không thể xây một lâu đài trên cát, mà các lớp cát ấy chính là sự giả dối do căn bệnh háo danh tạo nên. Một đất nước được trang bị trên mình quá nhiều chiếc áo màu sắc sặc sỡ mà không quan tâm xem trong ngôi nhà ấy có thực sự khang trang, đẹp đẽ và an toàn hay không, thì nguy cơ là căn nhà đó có thể đổ sập xuống đầu chúng ta bất kể lúc nào trong khi chúng ta còn đang vui vẻ và hào sảng, phô trương về những thành tích không đúng sự thật do chính chúng ta tạo ra.
Xin kết lại bài viết này bằng một câu nói ngắn gọn, rằng: người nào mà chỉ có bằng cấp để nói về, thì tri thức của họ chỉ gói gọn trong chừng đó thôi.
Tôn Minh
Nguồn: FB Luân Lê
Bác nói chí phải, háo danh cũng là một loại háo lợi mà, mà đã HÁO thì bốc hỏa sinh ra cái bệnh MÒ MẮT, chỉ thấy mình mà không thấy người?
Trả lờiXóaMua danh ba vạn bán danh ba đồng ! Những cái thùng rỗng kêu to !
Trả lờiXóa