Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

Luân Lê: YÊU THƯƠNG CỦA ÁC QUỶ


Luân Lê

YÊU THƯƠNG CỦA ÁC QUỶ

Khi đọc về câu chuyện cậu bé 10 tuổi ở giữa Thủ Đô bị bạo hành đến mức phải chạy trốn để thoát thân mà tôi rùng mình kinh hãi.

Một đứa trẻ lớn lên, ở với cha đẻ và mẹ kế, thay vì được yêu thương, chăm sóc thì lại bị đày đoạ bằng đòn roi tàn ác, dã man, không một chút nhân tính của con người.


Có cô gái nói với tôi, em không ủng hộ đánh trẻ con, nhưng nhiều khi cũng cần phải đánh để dạy dỗ, ví như khi nó hư đốn. Cô gái ấy thuộc thế hệ trẻ, chỉ mới vừa hơn 20 tuổi và đang học lớp đào tạo luật sư. Tôi nghe xong mà rất buồn lòng và thậm chí đầy lo lắng, bất an.

Không một ai được nhân danh yêu thương để chửi bới, sỉ vả, hoặc đánh đập đứa trẻ dù nó có thế nào đi chăng nữa. Một kẻ giết người còn được bảo vệ về quyền bất khả xâm phạm đối với tính mạng, sức khoẻ và phải đem ra xét xử theo chu trình luật định nghiêm ngặt. Thì một đứa trẻ không đủ năng lực nhận thức và hành vi thì càng phải được bảo vệ và che chở, chăm sóc mà loại trừ bất kỳ hành vi có xu hướng xâm hại nào từ bất kỳ một ai khác. Bất kể ra sao và trong hoàn cảnh nào, cũng hoàn toàn không được phép xâm phạm vào thân thể và nhân phẩm của đứa trẻ, những tâm hồn và nhân cách cần được nuôi dưỡng, chia sẻ và gây dựng trong quá trình trưởng thành.





Đừng để mỗi đứa trẻ có nguy cơ trở thành và chịu kết cục như cô bé bán diêm bất hạnh chết trong đau khổ và sợ hãi trong truyện cổ tích. Thật may là trong trường hợp này, bé vẫn còn nơi chốn để trở về, để được chia sẻ và để được an toàn.

Chính vì tư duy yêu cho roi cho vọt, và cha mẹ hay thày cô thì có quyền nhân danh yêu thương, sự quản lý, với kinh nghiệm và vị thế, sẵn sàng tấn công bằng cách mắng nhiếc, thoá mạ hay đánh đập đứa trẻ khi chúng chưa làm hài lòng hoặc sai phạm điều gì đó để dạy dỗ, mới khiến cho nạn bạo hành trẻ em diễn ra rất ngang nhiên và phổ biến. Con cái không phải tài sản của cha mẹ, ông bà; học sinh không phải tài sản của hệ thống giáo dục hay của nhà nước, mà đó là những con người, cần và phải được bảo vệ cũng như chăm sóc đúng mức, không được bạo hành dù chỉ là bằng ngôn từ hay lời nói, hoặc là sự bỏ mặc.

Sự khắc nghiệt có thể tạo ra những phẩm chất đặc biệt, nhưng nó chỉ là may rủi với một vài ngoại lệ ít ỏi, còn thông thường, chúng là thứ để dồn đẩy đứa trẻ đến những nhận thức lệch lạc, bị chấn thương tâm lý, mặc cảm, tự ti, ám ảnh, nhân cách bị huỷ hoại, và có thể biến chúng trở thành tội phạm trong tương lai.

Nói rộng ra hơn, nó cũng giống như, để bao biện cho hành vi theo đuổi một chủ nghĩa huyền diệu nào đó mà bọn ác ôn rao giảng là cao đẹp, chúng nhân danh thứ lý tưởng đó để làm lý do cho việc sẵn sàng trấn áp hay bức hại dã man nhiều người đối với những người bất đồng chính kiến hoặc không ủng hộ chúng thực hiện lý tưởng đó vậy.

1 nhận xét :

  1. Xã Hội Việt Nam ngày nay , một xã hội đáng sợ !.

    Trả lờiXóa