Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

ĐẠI HỌC VĂN HÓA CHIẾU PHIM VỀ HỌC GIẢ NGUYỄN VĂN VĨNH

  Giáo viên và sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội xem phim

Đại học Văn hóa chiếu phim,
báo Tuổi trẻ đăng bài về Nguyễn Văn Vĩnh


Trang website Tân Nam Tử
27-12-2017

Ngày thứ Hai, 25/12/2017, theo đề nghị của Khoa Sáng tác trường ĐH Văn hóa Hà Nội, chúng tôi đã trình chiếu bộ phim tài liệu Mạn đàm về Người Man di hiện đại.

Đây là buổi chiếu thứ 44 kể từ ngày bộ phim được hoàn thành năm 2007.

Phóng viên báo Tuổi trẻ đã tham dự và viết bài nhận định trên báo giấy Tuổi trẻ, ra ngày thứ Ba, 26/12/2017.

Chúng tôi đã chép lại để gửi đến các bạn đọc gần xa do có thể nhiều người không có được báo giấy. Riêng bức ảnh minh họa, chúng tôi xin dùng một bức ảnh khác cũng được chụp tại buổi sinh hoạt văn hóa này.

BBT chúng tôi vừa nhận được thông báo từ báo Làng Nghề Việt, đăng bài viết của phóng viên Minh Xuân, là người đã dự buổi sinh hoat ngoại khóa của sinh viên khoa Sáng tác, trường ĐHVH Hà Nội diễn ra ngày thứ Hai, 25/12/2017. Xin trân trọng giới thiệu với các quý vị và các bạn bài viết này qua đường link: 
_____________________________

Báo Tuổi trẻ
Thứ Ba 26 – 12 – 2017. Văn hóa – Giải trí. Trang 16.
CHƯA TÔN VINH ĐÚNG MỰC NGUYỄN VĂN VĨNH
Sáng 25-12, Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức chiếu bộ phim Mạn đàm về người man di hiện đại, về học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) cho các sinh viên xem.
Mạn đàm về người man di hiện đại là bộ phim do đạo diễn Trần Văn Thủy thực hiện năm 2006, gồm 4 tập phim dài 215 phút.
Bộ phim không chỉ tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh, mà còn dẫn chứng nhiều ý kiến của các học giả trong và ngoài nước đánh giá công tâm về Tân Nam tử (người nước Nam mới), để người đời có cái nhìn khách quan và bớt định kiến hơn về nhà văn hóa lớn của Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Lần đầu biết học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Kết thúc bộ phim đã quá 12h trưa, nhưng vẫn còn nhiều sinh viên ở lại lắng nghe ông Nguyễn Lân Bình-cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh-chia sẻ thêm. “Nguyễn Văn Vĩnh không nhận làm thượng thư, không nhận Bắc Đẩu Bội Tinh, không nhận kim khánh của vua Khải Định. Thậm chí ông còn mỉa mai trên báo rằng: “Họ muốn tặng tôi Kim khánh, tôi cảm ơn. Tôi xin lỗi để tôi giữ cái ngực của tôi cho nó được còn trinh”. Một người như vậy mà bị quy kết theo giặc, phản dân thì có ai chấp nhận được không?
Chế độ nhà Nguyễn, chế độ thuộc địa, những người theo chủ nghĩa vô sản đều rất ngại nói đến Nguyễn Văn Vĩnh…. Tôi rất đắc chí vì ông nội tôi không cần danh, càng không cần lợi mà cần phúc” – ông Nguyễn Lân Bình chia sẻ với sinh viên những lời xúc động khi kết thúc bộ phim.
Cùng với niềm vui khi rất nhiều bạn trẻ đã ở lại đến quá trưa để xem trọn bộ phim, đâu đó vẫn còn những nỗi buồn trăn trở. Khi được hỏi, rất nhiều sinh viên thừa nhận đây là lần đầu được xem và biết về học giả Nguyễn Văn Vĩnh. “Trước buổi xem phim này, em chưa từng biết đến cụ Vĩnh là ai. Sau khi xem xong bộ phim, em sẽ tìm đọc nhiều hơn về nhân vật này”-sinh viên Hồng Anh chia sẻ.
Bài viết về Nguyễn Văn Vĩnh trên báo tuổi trẻ ngày 26/12/2017
Lịch sử… đi chậm
Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn (Đại học Văn hóa) chia sẻ thêm:
Không chỉ nhiều sinh viên chưa biết đến Nguyễn Văn Vĩnh là ai, mà còn rất nhiều người có chung câu hỏi này.
“Cách đây mấy năm, cuốn sách Nguyễn Văn Vĩnh là ai? Ra mắt độc giả. Tên sách là câu hỏi thảng thốt đến đau lòng. Chưa vội tính đến những đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh trên lĩnh vực báo chí, dịch thuật, văn học cho nước nhà, chỉ cần thấy những nỗ lực truyền bá học chữ quốc ngữ và lấy thứ chữ này làm mục tiêu quan trọng trong việc canh tân đất nước, lý ra một người học xong tiểu học hôm nay, cũng đã phải biết Nguyễn Văn Vĩnh là ai. Ấy vậy mà, vì nhiều lý do, tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh chưa được nhìn nhận, đánh giá, chưa được tôn vinh một cách xứng đáng. Dĩ nhiên, không cứ “biết” đã là “hiểu”, là nhận chân được các giá trị mà Nguyễn Văn Vĩnh để lại”-nhà phê bình Mai Anh Tuấn trăn trở.
Theo anh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nỗi buồn chẳng của riêng ai này. Một phần bởi thời gian dài chúng thường xét một con người theo lý lịch, nhân thân. Những ai đã từng cộng tác với thực dân Pháp đều bị quy là “có vấn đề”. Nguyên nhân khác là do chúng ta chỉ đề cao truyền thống hoặc những anh hùng đánh giặc, anh hùng cầm súng chống ngoại xâm mà có khi xem nhẹ, hoặc chưa thể hiện sự tôn vinh đúng mực những “anh hùng văn hóa”, những trí thức hiền tài. Họ lựa chọn cách kiến tạo giá trị, thúc đẩy sự phát triển của cộng động, dân tộc theo cái cách không thể đếm thành hai năm rõ mười. Vì thế, lịch sử thường chậm hơn việc hiểu họ.
VŨ VIẾT TUÂN
_______________________
“Có một thực tế rằng các công cụ truyền bá tri thức cho người trẻ, hiện vẫn còn nhiều điểm khuyết thiếu, điểm trống. Trong đó có sự “nhìn nhận lại” các nhân vật như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nhất Linh… Những ai có tấc lòng ôn cố tri tân đều hiểu rằng, chúng ta đã để quá lâu những bụi mờ, những nhầm lẫn và thiên kiến che khuất họ”.
Nhà phê bình MAI ANH TUẤN.
Nguyễn Văn Vĩnh là ai?
Nguyễn Văn Vĩnh là một trong bốn trí thức Tây học lớn của nước tâ đầu thế kỷ 20, gồm: “Vĩnh-Quỳnh-Tố-Tốn” (Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn).
Theo nhà sử học Chương Thâu, Nguyễn Văn Vĩnh là những người đầu tiên dịch Truyện Kiều từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ, người đầu tiên dịch Truyện Kiều từ chữ quốc ngữ sang tiếng Pháp, và là người đầu tiên đưa Truyện Kiều lên màn hình chớp bóng những năm đầu thế kỷ 20.
Nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc thẳng thắn nói: những đóng góp lớn của Nguyễn Văn Vĩnh cùng Phạm Quỳnh đều bị xóa khỏi các sách văn học nước ta suốt những năm 1950-1960 là không công bằng. Nhà báo Trần Hòa Bình nhấn mạnh tầm nhìn văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh với nỗ lực cải cách và phổ biến chữ quốc ngữ cùng câu nói nổi tiếng “Nước Nam mai sau này, hay dở cũng ở như chữ quốc ngữ”.
GS sử học Phan Huy Lê cũng đồng tình, Tân Nam tử là một trong những nhà tư tưởng dân chủ khai sáng ở Việt Nam gắn liền với văn học, văn hóa, báo chí, chữ quốc ngữ.

2 nhận xét :

  1. Học giả Nguyễn Văn Vĩnh dính đến đạo Công Giáo, mà cứ cái gì liên quan đến đạo Công Giáo thì cộng sản rất sợ tôn vinh. Đó là lý do chính!

    Trả lờiXóa
  2. Học sinh, sinh viên trong nước không biết Nguyễn văn Vĩnh là ai, nhưng lại biết Lê văn Tám rất rỏ !!!!!!!!!

    Trả lờiXóa