Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

Tin Biển Đông: TÀU CÁ QUẢNG NGÃI BỊ ĐÂM CHÌM Ở HOÀNG SA


Chiếc tàu cá của ngư dân bị “tàu lạ” đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Báo CATP
Tin Biển Đông

Tiếng Dân
14 - 08 - 2017


Báo trong nước đưa tin: Tàu cá Quảng Ngãi bị đâm chìm ở Hoàng Sa. Bài báo cho biết, ngày 7/8, tàu cá tàu cá QNg- 90289 TS “có 6 thuyền viên đang hoạt động nghề lặn tại khu vực đảo Đá Lồi (thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam) thì bị một tàu có số hiệu 46106 tông chìm“.

Bài báo không nói chiếc tàu có số hiệu 46106 là tàu nước nào, tàu quen hay tàu “lạ”, nhưng theo Facebook Con Đường Việt Nam, thì tàu cá Việt Nam bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm. Báo Pháp Luật Net hé lộ thêm chút thông tin, “vào khoảng 16h ngày 7/8, khi đang hoạt động khai thác hải sản bằng hình thức lặn tại vùng biển Hoàng Sa, bất ngờ tàu cá này bị một chiếc tàu sơn màu trắng, có số hiệu 46106 chạy đến truy đuổi rồi đâm chìm“.


Trang Làng Mới có bài: Ngư dân kêu cứu khẩn cấp vì hình thức khai thác cá lạ. Bài viết cho biết, rất nhiều tàu thuyền từ các tỉnh, thành khác đã kéo về khu vực biển Mũi Né, sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái và đe dọa tính mạng ngư dân. Gần 50 ngư dân phường Mũi Né gửi đơn tới lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, đề nghị có biện pháp ngăn chặn.

Trung tá Nguyễn Duy Thìn, Chính trị viên Đồn biên phòng Mũi Né, cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh của bà con, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên, những đối tượng sử dụng chất nổ ở nơi khác đến, phạm vi đánh bắt lại xa, phương tiện của chúng tôi hạn chế nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn…”. Ông trung tá Thìn trả lời thế này, ngư dân còn biết trông cậy vào ai?

Trang VN Thời báo có bài dịch từ trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI): Việt nam xây dựng các tiền đồn ở Biển Đông. AMTI đã xem xét việc Việt Nam mở rộng 8 trong số 10 hòn đảo mà VN có chủ quyền… “Nhưng phần lớn các đặc điểm ở các hòn đảo của Việt Nam là đây không phải bãi đá hoặc đảo; mà đó là các rạn san hô ngập nước hoặc các bãi mà Hà Nội đã cho xây dựng các cấu trúc nhỏ và cô lập. Những nơi này rất khó bảo vệ hoặc tái cung cấp, rất dễ bị tấn công“.



1 nhận xét :