Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Tin NÓNG: 5 NGƯ DÂN BÌNH ĐỊNH MẤT TÍCH Ở HOÀNG SA

Chị Giàu, vợ anh Lê Quý, khóc ròng khi cùng hàng xóm ngồi chờ tin từ biển khơi.
 Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

5 ngư dân mất tích ở Hoàng Sa: Làng chài chìm trong buồn đau

Tuổi trẻ
01/08/2017 19:30 GMT+7

TTO - Gần bốn ngày sau tin dữ truyền về từ Hoàng Sa: tàu BĐ 95613 TS chìm giữa biển khơi, tung tích 5 ngư dân trên tàu vẫn bặt vô âm tín, cả xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) chìm trong buồn đau…

Ngày 1-8, chúng tôi đến xã Tam Quan Nam, hỏi nhà những thuyền viên bị nạn, ai cũng chỉ "đi một đoạn nữa thấy nhà nào đông người thì nhà đó có người bị nạn".

Đã ba ngày kể từ khi nghe tin dữ, hàng xóm vẫn đến nhà các thuyền viên chia sẻ và túc trực đợi tin từ biển khơi. Vẻ mặt ai cũng thất thần.

Năm ngôi nhà của năm thuyền viên cách nhau không xa. Họ là anh em, bà con, hàng xóm của nhau. Dù tin dữ từ biển về làng chài này không ít nhưng mỗi lần nhận tin là mỗi lần cả làng quặn thắt.

Vợ muốn lao ra biển tìm chồng

Căn nhà nhỏ của thuyền trưởng Trần Quốc Toàn thuê nằm ven đường rất đông người. Họ chia nhau giữ chị Kiều, vợ anh Toàn, không cho chị lao ra biển.

Anh Nguyễn Bảo Trúc, anh ruột chị Kiều, kể: "Từ lúc nghe tin chồng bị nạn thì nó hoảng loạn, cứ khóc gọi chồng rồi nhào ra biển. Mấy hôm nay cứ mê sảng, phải có nhiều người trông, chứ hở ra là nó lao đi".

Anh Toàn là thuyền trưởng tàu BĐ 95613 bị nạn mất tích. Chiếc tàu có giá hơn 1 tỉ đồng là tài sản dành dụm cả đời đi biển và vay ngân hàng của ba người trong nhà anh.

Anh Trúc cho biết: "Lâu nay mấy anh em toàn đi làm thuê cho tàu khác. Cách đây ba năm mấy anh em mới vay ngân hàng hùn mua chiếc tàu cũ về làm lại. Biển lúc được lúc mất nên mấy năm nay chỉ đủ tiền tu sửa tàu chứ chưa trả được đồng nợ nào. Năm ngoái nộp hồ sơ mua bảo hiểm mà chưa mua được nên giờ mất là mất hết, chỉ có nợ là vẫn còn nguyên".

Từ sau tết đến nay, tàu của anh Toàn lỗ hơn 60 triệu đồng, chuyến này đã gần hết trăng (chuyến biển) mà cũng chỉ mới câu được hai con cá, nếu cập bờ thì lại lỗ to.

"Giờ thì mong về được thôi" - ai cũng đau đớn nhìn xa ra biển.

Hai con trai anh Toàn đứa lên lớp 6 đứa lên lớp 4 chưa hiểu gì, tròn xoe mắt nhìn hàng xóm, hình như các em chưa hiểu tin dữ đang ập đến nhà mình. 
.
Bà con hàng xóm đến nhà thuyền trưởng Trần Quốc Toàn thuê ở chờ tin.
Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Nước mắt người thân

Cứ nhắc đến tên chồng, chị Võ Thị Giàu lại tuôn nước mắt. Anh Lê Quý chồng chị là thuyền viên lớn tuổi nhất đi trên tàu. Hơn 30 năm thâm niên nghề biển, anh lăn lộn với sóng gió nuôi vợ, hai con cùng mẹ già nằm liệt giường.

Đứa con trai đầu đang là bộ đội hải quân ở Cam Ranh, gần hai năm rồi hai cha con vẫn người canh giữ biển, người ra khơi, ít có dịp gặp nhau. Nghe tin cha gặp nạn nhưng con cũng chưa về nhà được.

Mẹ anh Quý đã hơn 80 tuổi, bị nhiều bệnh nên nằm một chỗ, ăn phải có người đút. Chị Giàu không có nghề nghiệp nên đi phụ nấu ăn ở các đám cưới.

"Từ hôm tết đến giờ biển thất nên không có đồng tiền biển nào. Hôm tháng 3 rồi, ảnh bị lưới kéo đứt một ngón chân nên ở nhà mất mấy trăng, mới đi lại trăng thứ hai. Trăng vừa rồi tàu câu được có 9 con cá, đi lần này thì bị nạn" - chị Giàu kể trong nước mắt.

Chị Giàu nhớ rất rõ ngày đi của chồng, chị nhẩm đốt ngón tay tính đến hôm nay đã là ngày thứ 20, nếu không có gì thì đây là lúc tàu vào bờ.

Trong số năm thuyền viên gặp nạn, có hai thuyền viên chưa vợ là Bùi Minh Khang và Huỳnh Năm.

Chị Huỳnh Thị Tài, một người láng giềng của anh Năm, chậc lưỡi: "Cái thằng đó hiền lắm, chỉ cặm cụi làm ăn, mười mấy năm rồi chưa bỏ chuyến biển nào. Cứ vô bờ vài ngày lại đi nên đến giờ vẫn chưa lấy vợ".

Nhà anh Năm (31 tuổi) có đến 3 người đi biển. Cha anh Năm đã gần 60 tuổi nhưng vẫn bám nghề, hiện đang ở ngoài biển chưa vô đến bờ. Em của anh Năm là Huỳnh Xuân Đông mới 17 tuổi nhưng thâm niên nghề được 4 năm, mới cập bờ được một ngày thì hay tin anh bị nạn.

Bà Quý, mẹ anh Năm, thì rũ hết người từ lúc nghe tin con. Trong khi bà Phạm Thị Tuyết, mẹ anh Khang, đang làm thuê ở TP.HCM, nghe tin con vội vàng đón xe ra Tam Quan.

"Nó đi học nghề sửa xe mà không có tiền mở tiệm nên ra nhà chị theo anh rể đi làm biển. Đi được vài chuyến nó nói là hợp với biển, thích đi, vậy là đi luôn" - bà nghẹn ngào nói. 

.
Trường Đăng

3 nhận xét :

  1. Xin Ông Trời rủ lòng thương bà con với !

    Trả lờiXóa
  2. Khổ! vay nợ mua tàu mong kiếm miếng cơm, manh áo, giờ tàu mất, người không biết cò không. Cầu mong cho các ngư dân tai qua nạn khỏi!

    Trả lờiXóa
  3. Sinh nghề tử nghiệp ! Chỉ còn biết phó mặc cho Trời Biển !

    Trả lờiXóa