Vấn đề vàng – đô la: Phải chăng là dấu hiệu khủng hoảng tài chính đang tới ?
Vũ Quang Việt
Bài đã đăng Vietsciences ngày 23/11/2010.
Tình hình kinh tế Việt Nam đang có nhiều triệu chứng nguy cơ mở màn cho khủng hoảng tài chính nếu không được điều hành đúng đắn trong thời gian tới. Những phân tích dưới đây hy vọng chỉ mang tính cảnh báo.
Vàng không nên là phương tiện thanh toán
Vàng là gì ? Đúng là vàng chỉ là quý kim, dùng làm vật trang sức. Nhưng có lúc, vàng trở thành phương tiện thanh toán khi dân chúng mất tin tưởng vào đồng tiền nội địa. Việc biến, hoặc gắn vàng vào giá trị đồng tiền (chế độ kim bản vị ngày xưa) tưởng là giải pháp nhưng thật ra là không vì không nền kinh tế nào có thể kiểm soát được lượng cung vàng ; nó tuỳ thuộc vào lượng vàng sản xuất và đặc biệt là đầu cơ, không liên quan gì đến mức phát triển kinh tế và nhu cầu thanh toán. Nó lại biến nhà nước bất cứ nơi đâu thành nạn nhân tế thần của các lực ngoại biên, và triệt tiêu khả năng làm chủ chính sách tiền tệ của nhà nước.
Vàng trở về đúng vị trí quý kim của nó từ thời Tổng thống Mỹ Nixon, khi ông ta quyết định xóa bỏ việc bảo đảm giá trị đồng đô-la Mỹ bằng vàng. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trở về đúng vị trí của nó là chính sách mà nhà nước (qua ngân hàng trung ương và chi tiêu ngân sách) có thể dùng để quản lý nền kinh tế, mà không bị trói buộc bởi những yếu tố nằm ngoài nó. Trong quá khứ, lạm phát đã từng xảy ra chỉ vì đào được nhiều vàng, hoặc có khi ngược lại sự phát triển kinh tế bị hạn chế lại vì thiếu thanh khoản do không thể tăng được lượng vàng lên. Ngày nay, tăng cung hay hạn chế cung tiền có thể nằm trong tay nhà nước. Thí dụ các nhà kinh tế hiện đại đều biết rằng cung tiền thái quá sẽ tạo ra lạm phát nhưng nhà chính trị thì có thể lại quá nôn nóng hoặc chủ quan muốn thực hiện điều gì đó mà cố tình quên đi nguyên lý này. Do đó mà lạm phát hay ổn định tiền tệ là kết quả của chính chính sách kinh tế mà nhà cầm quyền đưa ra, và do đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chúng.
Già vàng tăng trên thị trường thế giới
Giá vàng tăng trên thị trường thế giới vì nền kinh tế thế giới bất ổn. Sự bất ổn này là do chính sách sai lầm của hai cường quốc Mỹ và Anh, mở cửa tự do cho tư bản tài chính, cho phép phát hành các công cụ tài chính phái sinh, mà không có thế chấp, nhằm đầu cơ vào thị trường chứng khoán và thị trường nhà đất, đẩy giá lên tưởng như không có chỗ dừng. Nhưng rồi bong bóng ảo tưởng vỡ vì giá cả vượt ngoài khả năng chi trả của người lao động. Giá xuống đã đẩy hàng loạt các nhà đầu cơ phá sản, trong đó phần lớn là những người đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, chạy theo kiểu bầy đàn.
Để cứu nguy, các nền kinh tế phải bội chi ngân sách, phát hành thêm tín dụng để chặn đứng khủng hoảng. Giới đầu cơ trục lợi, rồi cả những người bình thường, cho rằng như thế lạm phát toàn thế giới sẽ tăng và cổ động mua vàng. Giá vàng đã tăng vùn vụt.
Tình hình hiện nay ở Mỹ, cũng không khác gì tình hình đã từng xảy ra ở Nhật, là doanh nghiệp chưa dám đầu tư vì phải cố gắng giảm tỷ lệ nợ quá lớn do trước đây đã chạy theo bong bóng. Ở Mỹ hiện nay, mặc dù lãi suất rất thấp, thanh khoản tràn đầy nhưng ít ai dùng nên khả năng lạm phát ở Mỹ trong thời gian tới là rất thấp, hay có thể nói không có. Thời gian này có thể kéo dài tới 5-6 năm. Ở đây, với tốc độ tăng việc làm khoảng 150 000 người một tháng thì cũng cần 6 năm để giải quyết việc 15 triệu người thất nghiệp, đưa tỷ lệ thất nghiệp từ 10 % xuống 3 %. Giá vàng lên chỉ vì người ta nghĩ rằng lạm phát sẽ tăng mạnh. Nhưng nếu lạm phát không xảy ra thì giá đầu cơ hiện nay sẽ xuống. Khó có thể đoán là trong thời gian tới khi nào giá vàng sẽ xuống nhưng nó sẽ xuống, giống như sự lao dốc của giá nhà đất và chứng khoán ở Mỹ.
Tấn công và tháo chạy của tư bản nước ngoài
Các quốc gia châu Á đã học được bài học năm 1997. Đó là cần làm chủ phương tiện thanh toán của mình. Tài chính nước ngoài ồ ạt chảy vào các nước châu Á, đầu cơ vào thị trường địa ốc và chứng khoán, giá lên đến mức tưởng như châu Á mãi mãi là trung tâm thịnh vượng của thế giới. Chi tiêu ồ ạt. Cán cân thanh toán thiếu hụt. Chính sách của hầu hết mọi nước ở đây là chính quyền quyết định tỷ giá đồng bạc. Tình huống trên đã cho phép giới đầu cơ tài chính mở cuộc tấn công vào nội tệ ; họ bán nội tệ, mua ngoại tệ, tạo ra một cuộc tháo chạy của giới tài chính đầu cơ. Giá nhà, giá chứng khoán xuống. Ngoại tệ tháo chạy đưa đến việc chính quyền các nước này phải huỷ bỏ tỷ giá cứng. Chính sách tự do dòng chảy tư bản mà IMF cổ võ, kể cả ép buộc các nước thành viên thực hiện, đã hoàn toàn thất bại. Suharto ở Indonesia sụp đổ. Chỉ có Malaysia, chống lại IMF, ra lệnh cấm rồi hạn chế cuộc bán tống tháo chạy trên mà nền kinh tế đỡ bị ảnh hưởng nhất. Mở cửa hoàn toàn cho dòng chảy tư bản chính là tự làm mất quyền và khả năng kiểm soát lượng cung tiền qua chính sách tiền tệ của mình.
Để vàng và đô la Mỹ trở thành phương tiện thanh toán cũng là tự hy sinh quyền kiểm soát chính sách tiền tệ.
Việt Nam: vẫn tiếp tục cuộc chạy đua đạt tốc độ bất kể chất lượng và ổn định
Năm 2007 mở đầu cho sự kiện Việt Nam vào WTO với dòng tư bản ồ ạt chảy vào. Chứng khoán và giá nhà lên tận mây. Ai nấy đều kỳ vọng mức phát triển cao với tốc độ 9-10 %. Vinashin và hàng loạt các dự án tiền tỷ khác được đặt lên bệ phóng, quên mất tác dụng của chúng mang đến cho ngân sách và tiền tệ. Vay mượn tăng, dòng chảy tư bản nước ngoài đổ vào, tín dụng tăng, chi tiêu nhà nước tăng. Lạm phát nhanh chóng tăng, đạt mức 28 % vào năm 2008. Thiếu hụt cán cân thanh toán tăng. Và sau đó ngòi nổ xẹp vì kinh tế thế giới khủng hoảng. May là có khủng hoảng, cắt đứt dòng chảy tư bản vào Việt Nam nếu không tác hại của dòng vốn này còn cao hơn nữa.
Vấn đề là Việt Nam vẫn đặt các chỉ tiêu tăng trưởng cao, tiếp tục chi tiêu quá mức, lần này là với lý do nhằm làm giảm ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Tất nhiên bội chi ngân sách tăng rất cao. Theo kế hoạch năm 2010, thiếu hụt ngân sách được quyết định là 6,2 % GDP, nhưng theo IMF, có thể lên tới 9 % nếu tính cả chi tiêu ngoài ngân sách. Nợ công tăng nhanh, năm 2009 tăng 9 % và năm 2010 tăng 12 % năm, do đó tỷ lệ nợ công trên GDP đã nhanh chóng vượt quá 50 % GDP, có lẽ là 57 %.
Nhập siêu vẫn tiếp tục lớn, năm 2009 là 12,2 tỷ đô-la, năm 2010 dự báo cũng sẽ tương tự, ít nhất là trên 12 tỷ đô-la. Nợ nước ngoài vì vậy tăng nhanh, hiện nay là khoảng 28 tỷ đô-la, bằng khoảng 40 % GDP.
Tình hình như thế nhưng không giống như bất cứ nước nào trên thế giới là có lạm phát rất thấp, Việt Nam lại vẫn lạm phát cao ; vào năm 2010 sẽ ở mức gần đạt hai con số. Khó có thể chấp nhận mức lạm phát như thế vì trong năm năm qua, kể từ năm 2006, lạm phát đã làm giảm sức mua gần 57 % và như thế khiến đời sống người lao động ngày càng khó khăn thêm. Hiện nay lạm phát lại đang trong đà tăng tốc ; đây là những dấu hiệu đáng cảnh báo nhất.
Tất cả chỉ là vì các nhà làm chính sách ở cả trung ương và địa phương vẫn chạy đua nhằm đạt tốc độ tăng GDP cao, thậm chí tất cả mọi tỉnh đều báo cáo đạt mức tăng trên dưới 10 % GDP, trong khi cả nước chỉ tăng 6 %. Vì đặt chỉ tiêu tốc độ tăng GDP cao, bất chấp thực tế và các hệ luỵ của nó, mà chúng ta đã thấy tỷ lệ đầu tư tăng nhanh từ 33 % GDP năm 2006 lên 42 % GDP hiện nay và ngay năm 2011 sắp tới, chỉ tiêu vẫn ở mức 42 % và tốc độ phát triển là 7-8 %.
Tỷ lệ đầu tư ở Việt Nam hiện nay là cao nhất thế giới. Mà càng đầu tư cao, càng cần vốn, cần tín dụng, và vì không thể tăng năng suất do đó mà lạm phát. Đầu tư cao, đặc biệt tập trung ở các doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước, là tăng cường cho cơ hội tham nhũng cho các nhóm lợi ích, chính vì thế mà từ trung ương đến địa phương nơi nào cũng muốn có đầu tư cao. Đầu tư ở Việt Nam rất khác Trung Quốc. Họ nhập công nghệ mới, để tự tạo ra máy móc, sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu có sức cạnh tranh với nước ngoài. Ngược lại, Việt Nam là nhập máy móc, nhập nguyên liệu, làm gia công để bán tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ tiền. Có lẽ các nhà làm chính sách hài lòng vì có tốc độ tăng GDP coi được. Nhưng đây là kinh tế ảo, vì về mặt thống kê học, khi có đầu tư thì giá trị đầu tư làm tăng GDP vì nó được tính trực tiếp vào GDP. Mặt trái của đầu tư cao, như trường hợp Vinashin, là tăng nhập siêu và nếu không bán được hàng thì phá sản, đưa đến công nợ không trả được. Nhu cầu ngoại tệ đang tăng cao để nhập máy móc, nhập nguyên liệu và trả nợ nước ngoài. Dự trữ ngoại tệ trước đây là trên 25 tỷ đô-la, mới đây theo IMF chỉ còn 15 tỷ đô-la. Rất tiếc là không có thông tin về dự trữ ngoại tệ hiện nay, nhưng có lẽ còn xuống thấp hơn nữa.
Tình hình hiện nay: vấn đề vàng và đô la Mỹ
Có thể nói một nền kinh tế bình thường là nền kinh tế ở đó nhà nước có thể kiểm soát được phương tiện thanh toán. Khi phương tiện thanh toán vượt ngoài tầm hoạt động của mình thì rõ ràng là có vấn đề. Để làm chủ được nền kinh tế, tất cả mọi nước đều cố gắng làm chủ được phương tiện thanh toán, qua đó điều hành chính sách tiền tệ. Tất nhiên điều hành sai hay đúng là chuyện khác nhưng phải đặt nó trong tầm tay của mình.
Ngày trước, đã có lúc người Việt chỉ có tin vàng và đô la Mỹ. Sau cải cách từ năm 1989, giá trị của đồng tiền Việt đã trở lại.
Từ năm 2008, giá trị đồng tiền Việt giảm đều, vàng và đô la lại trở thành phương tiện thanh toán trong nước, tước bỏ đi một phần quan trọng khả năng điều hành kinh tế của nhà nước. Tất nhiên, lý do cơ bản là lạm phát, mà lạm phát là kết quả của chính sách chạy theo tốc độ GDP, bỏ tiền cho doanh nghiệp quốc doanh đầu tư vô tội vạ.
Để ổn định tình hình nhà nước cần điều chỉnh chính sách phát triển chạy theo chỉ tiêu số lượng như hiện nay, tức là phải giảm mức đầu tư, và như vậy phải tăng lãi suất nhằm thu hút tiền vào ngân hàng, và đồng thời tăng giá tín dụng mà nhà đầu tư phải trả. Về mặt tiền tệ, dù là trong ngắn hạn, mọi biện pháp cần thiết là triệt tiêu việc biến vàng và đô la thành phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, chứ không phải cổ võ việc dùng chúng là tiền.
Nhưng các nhà chính sách Việt Nam đang làm ngược lại. Ngân hàng Nhà nước giữ giá đồng đô la, làm lợi cho những người có thể vay dễ dàng (như các tập đoàn) và tạo thêm nhu cầu giả tạo, không phải nhằm đầu tư mà nhằm đầu cơ. Thiên hạ, những người không thể tiếp cận đô la, phải đổ xô mua vàng. Ngân hàng Nhà nước lại cho phép nhập vàng để giảm giá vàng. Mà ổn định giá vàng đâu có phải là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước. Tất nhiên là tuyên bố như thế thì hy vọng sẽ tạo ra tâm lý giảm giá vàng. Nhưng nếu nhập thì sẽ mất nguồn ngoại tệ, tạo thêm áp lực tăng giá trị của nó. Rồi lại có những “ kinh tế gia ” đề nghị tạo ra tài khoản tiết kiệm vàng và trả lãi cho nó. Đây là hành động của thời bao cấp trước đây. Chứ hiện nay là phải làm sao có biện pháp xóa bỏ vàng như một phương tiện thanh toán. Và để làm điều này dễ nhất là đánh thuế nhập hay xuất vàng. Giống như đánh thuế các cuộc tháo chạy tư bản nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của chúng đối với nền kinh tế mà nhiều nước đã làm.
Quan trọng hơn, cần thay đổi cách suy nghĩ theo hướng chạy đua đạt tốc độ GDP, từ đó đầu tư cao mà thiếu hiệu quả, bội chi ngân sách, đẩy mạnh cung tiền để tài trợ bội chi, đưa đến lạm phát và sự mất giá của đồng bạc. Mọi tiêu cực đang phát triển hiện nay là do cách tư duy này và các chính sách hiện nay.
Thông tin mới nhất từ báo chí là quyết định bù lỗ xăng dầu để chống tăng giá. Kinh nghiệm cho thấy chính sách này sẽ không thành công vì lạm phát đâu có thể bù lỗ để giảm. Nguyên nhân của chúng nằm trong chính sách tài khoá và tiền tệ dễ dàng để đẩy mạnh đầu tư các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước. Chính sách đang đi về đâu đây ? Phải chăng đang chờ đón một cuộc khủng hoảng toàn diện, bắt đầu từ khủng hoảng thiếu ngoại tệ ?
Vấn đề là Việt Nam vẫn đặt các chỉ tiêu tăng trưởng cao, tiếp tục chi tiêu quá mức, lần này là với lý do nhằm làm giảm ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Tất nhiên bội chi ngân sách tăng rất cao. Theo kế hoạch năm 2010, thiếu hụt ngân sách được quyết định là 6,2 % GDP, nhưng theo IMF, có thể lên tới 9 % nếu tính cả chi tiêu ngoài ngân sách. Nợ công tăng nhanh, năm 2009 tăng 9 % và năm 2010 tăng 12 % năm, do đó tỷ lệ nợ công trên GDP đã nhanh chóng vượt quá 50 % GDP, có lẽ là 57 %.
Nhập siêu vẫn tiếp tục lớn, năm 2009 là 12,2 tỷ đô-la, năm 2010 dự báo cũng sẽ tương tự, ít nhất là trên 12 tỷ đô-la. Nợ nước ngoài vì vậy tăng nhanh, hiện nay là khoảng 28 tỷ đô-la, bằng khoảng 40 % GDP.
Tình hình như thế nhưng không giống như bất cứ nước nào trên thế giới là có lạm phát rất thấp, Việt Nam lại vẫn lạm phát cao ; vào năm 2010 sẽ ở mức gần đạt hai con số. Khó có thể chấp nhận mức lạm phát như thế vì trong năm năm qua, kể từ năm 2006, lạm phát đã làm giảm sức mua gần 57 % và như thế khiến đời sống người lao động ngày càng khó khăn thêm. Hiện nay lạm phát lại đang trong đà tăng tốc ; đây là những dấu hiệu đáng cảnh báo nhất.
Tất cả chỉ là vì các nhà làm chính sách ở cả trung ương và địa phương vẫn chạy đua nhằm đạt tốc độ tăng GDP cao, thậm chí tất cả mọi tỉnh đều báo cáo đạt mức tăng trên dưới 10 % GDP, trong khi cả nước chỉ tăng 6 %. Vì đặt chỉ tiêu tốc độ tăng GDP cao, bất chấp thực tế và các hệ luỵ của nó, mà chúng ta đã thấy tỷ lệ đầu tư tăng nhanh từ 33 % GDP năm 2006 lên 42 % GDP hiện nay và ngay năm 2011 sắp tới, chỉ tiêu vẫn ở mức 42 % và tốc độ phát triển là 7-8 %.
Tỷ lệ đầu tư ở Việt Nam hiện nay là cao nhất thế giới. Mà càng đầu tư cao, càng cần vốn, cần tín dụng, và vì không thể tăng năng suất do đó mà lạm phát. Đầu tư cao, đặc biệt tập trung ở các doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước, là tăng cường cho cơ hội tham nhũng cho các nhóm lợi ích, chính vì thế mà từ trung ương đến địa phương nơi nào cũng muốn có đầu tư cao. Đầu tư ở Việt Nam rất khác Trung Quốc. Họ nhập công nghệ mới, để tự tạo ra máy móc, sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu có sức cạnh tranh với nước ngoài. Ngược lại, Việt Nam là nhập máy móc, nhập nguyên liệu, làm gia công để bán tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ tiền. Có lẽ các nhà làm chính sách hài lòng vì có tốc độ tăng GDP coi được. Nhưng đây là kinh tế ảo, vì về mặt thống kê học, khi có đầu tư thì giá trị đầu tư làm tăng GDP vì nó được tính trực tiếp vào GDP. Mặt trái của đầu tư cao, như trường hợp Vinashin, là tăng nhập siêu và nếu không bán được hàng thì phá sản, đưa đến công nợ không trả được. Nhu cầu ngoại tệ đang tăng cao để nhập máy móc, nhập nguyên liệu và trả nợ nước ngoài. Dự trữ ngoại tệ trước đây là trên 25 tỷ đô-la, mới đây theo IMF chỉ còn 15 tỷ đô-la. Rất tiếc là không có thông tin về dự trữ ngoại tệ hiện nay, nhưng có lẽ còn xuống thấp hơn nữa.
Tình hình hiện nay: vấn đề vàng và đô la Mỹ
Có thể nói một nền kinh tế bình thường là nền kinh tế ở đó nhà nước có thể kiểm soát được phương tiện thanh toán. Khi phương tiện thanh toán vượt ngoài tầm hoạt động của mình thì rõ ràng là có vấn đề. Để làm chủ được nền kinh tế, tất cả mọi nước đều cố gắng làm chủ được phương tiện thanh toán, qua đó điều hành chính sách tiền tệ. Tất nhiên điều hành sai hay đúng là chuyện khác nhưng phải đặt nó trong tầm tay của mình.
Ngày trước, đã có lúc người Việt chỉ có tin vàng và đô la Mỹ. Sau cải cách từ năm 1989, giá trị của đồng tiền Việt đã trở lại.
Từ năm 2008, giá trị đồng tiền Việt giảm đều, vàng và đô la lại trở thành phương tiện thanh toán trong nước, tước bỏ đi một phần quan trọng khả năng điều hành kinh tế của nhà nước. Tất nhiên, lý do cơ bản là lạm phát, mà lạm phát là kết quả của chính sách chạy theo tốc độ GDP, bỏ tiền cho doanh nghiệp quốc doanh đầu tư vô tội vạ.
Để ổn định tình hình nhà nước cần điều chỉnh chính sách phát triển chạy theo chỉ tiêu số lượng như hiện nay, tức là phải giảm mức đầu tư, và như vậy phải tăng lãi suất nhằm thu hút tiền vào ngân hàng, và đồng thời tăng giá tín dụng mà nhà đầu tư phải trả. Về mặt tiền tệ, dù là trong ngắn hạn, mọi biện pháp cần thiết là triệt tiêu việc biến vàng và đô la thành phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, chứ không phải cổ võ việc dùng chúng là tiền.
Nhưng các nhà chính sách Việt Nam đang làm ngược lại. Ngân hàng Nhà nước giữ giá đồng đô la, làm lợi cho những người có thể vay dễ dàng (như các tập đoàn) và tạo thêm nhu cầu giả tạo, không phải nhằm đầu tư mà nhằm đầu cơ. Thiên hạ, những người không thể tiếp cận đô la, phải đổ xô mua vàng. Ngân hàng Nhà nước lại cho phép nhập vàng để giảm giá vàng. Mà ổn định giá vàng đâu có phải là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước. Tất nhiên là tuyên bố như thế thì hy vọng sẽ tạo ra tâm lý giảm giá vàng. Nhưng nếu nhập thì sẽ mất nguồn ngoại tệ, tạo thêm áp lực tăng giá trị của nó. Rồi lại có những “ kinh tế gia ” đề nghị tạo ra tài khoản tiết kiệm vàng và trả lãi cho nó. Đây là hành động của thời bao cấp trước đây. Chứ hiện nay là phải làm sao có biện pháp xóa bỏ vàng như một phương tiện thanh toán. Và để làm điều này dễ nhất là đánh thuế nhập hay xuất vàng. Giống như đánh thuế các cuộc tháo chạy tư bản nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của chúng đối với nền kinh tế mà nhiều nước đã làm.
Quan trọng hơn, cần thay đổi cách suy nghĩ theo hướng chạy đua đạt tốc độ GDP, từ đó đầu tư cao mà thiếu hiệu quả, bội chi ngân sách, đẩy mạnh cung tiền để tài trợ bội chi, đưa đến lạm phát và sự mất giá của đồng bạc. Mọi tiêu cực đang phát triển hiện nay là do cách tư duy này và các chính sách hiện nay.
Thông tin mới nhất từ báo chí là quyết định bù lỗ xăng dầu để chống tăng giá. Kinh nghiệm cho thấy chính sách này sẽ không thành công vì lạm phát đâu có thể bù lỗ để giảm. Nguyên nhân của chúng nằm trong chính sách tài khoá và tiền tệ dễ dàng để đẩy mạnh đầu tư các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước. Chính sách đang đi về đâu đây ? Phải chăng đang chờ đón một cuộc khủng hoảng toàn diện, bắt đầu từ khủng hoảng thiếu ngoại tệ ?
Vũ Quang Việt
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét