Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Vũ Thế Long: HỌP HÀNH


Họp Hành

Vũ Thế Long

Họp là gì ? Họp có từ bao giờ ?

Trong tiếng Việt, người ta thường hay dùng từ ghép. Mỗi cụm từ thường được tổ hợp một từ Hán đi kèm với một từ Việt. Hai từ này đứng riêng có cùng một nghĩa nhưng ghép vào nhau, cũng vẫn nghĩa ấy nhưng nghe có vẻ uyển chuyển hơn. Ví dụ từ xe cộ. Xe có gốc Hán (xa), cộ là phương tiện vận chuyển vùng nông thôn không có bánh mà có hai thanh quệt được trâu kéo lê ngoài ruộng hay trên đất bùn có gốc Việt. Tiếng Việt có cụm từ thông dụng là hội họp. Hội cũng có gốc Hán (Hui, tức là họp) và từ họp có lẽ có gốc Việt. Như vậy, việc họp hành nó vốn có ở Việt Nam từ rất lâu đời. Từ điển Tiếng Việt thì giải thích một cách ngắn gọn “ Họp.-Đg. nhóm lại một chỗ để làm việc gì: họp hội nghị; họp chợ.” 

Cũng khó mà biết đích xác từ bao giờ hoạt động họp đã nảy sinh trong xã hội loài người. Có điều chắc chắn là hành động họp chỉ xảy ra trong xã hội của loài người mà thôi. Loài ong, loài kiến hay tiến hoá như loài khỉ có sống thành xã hội với nhiều hình thái khác nhau nhưng hành dộng cả bầy kiến tập trung kéo con mồi về tổ, loài ong tự phân công đi lấy mật, giữ tổ không thể coi là hình thái hội họp được. Vài chục vạn năm trước, khi con người biết nói, biết trao đổi thông tin với nhau thì đã xuất hiện những cuộc họp đầu tiên. Để săn được con thú, người ta phải bàn mưu tính kế, bài binh bố trận...và, thế là những cuộc họp đầu tiên của loài người đã xuất hiện. Nhờ có hội họp mà con người mới kiếm được cái ăn. Nhờ có hội họp mà ngôn ngữ mới phát triển, tình yêu nhân loại mới ra đời. Có thể nói họp là một hoạt động vô cùng quan trọng trong cuộc sống của xã hội loài người. Nhờ có họp mà con người mới trở thành người.

Các kiểu họp trên đời:

Xã hội ngày càng phát triển thì các kiểu họp cũng phát triển theo. Sống trong làng xã thì có họp làng, họp hội đồng Hòa Mục, sau này là hội đồng nhân dân. Họp thôn, họp xóm, họp tổ đổi công, hợp tác xã. Họp đoàn thể thì có họp Đảng họp Đoàn, họp Đội, họp phụ nữ, thanh niên, nhi đồng, phụ lão, cựu chiến binh...Có bao nhiêu thứ tổ chức thì có bấy nhiêu thứ họp. Trong mỗi cấp bậc của tổ chức lại có bấy nhiêu kiểu họp. Hệ thống tổ chức nhà nước thì có họp chính phủ, họp các bộ, các ban ngành, họp các cục, vụ, viện. Họp cơ quan, họp phòng ban, họp công đoàn, họp chi bộ, họp tổ Đảng...
 
Trong quân đội cũng đủ các kiểu họp. Họp Toàn quân, họp đủ các cấp từ trên xuống dưới và cuối cùng là họp tổ ba người... 

Có những cuộc họp định kì và không định kì. Trong quân đội, cơ quan nhà nước và nhiều đơn vị sản xuất, các cuộc giao ban định kì là một hoạt động không thể thiếu. Trong bệnh viện, mỗi sáng các bác sĩ, nhân viên đều có giao ban về tình hình người bệnh, trong nhà máy xí nghiệp thì giao ban giữa các ca làm việc...Ngoài ra, còn có những cuộc họp không định kì, những cuộc họp bất thường với nhiều mục đích, mưu đồ khác nhau.

Ngày nay, thế giới ngày càng gần nhau hơn, ngày càng có nhiều việc phải giải quyết. người ta càng có nhiều kiểu họp quốc tế. Họp khu vực, họp trên mạng, họp viễn liên.

Thời gian hội họp cũng rất khác nhau. Có lẽ các cuộc họp dài nhất là họp quốc hội. Người ta ngồi nghe, ngồi thảo luận biểu quyết, ẩu đả và ngồi ngủ gật trong hội trường suốt cả tháng ròng. Cuộc họp ngắn gọn nhất là những “ Hội ý chớp nhoáng” trước giờ nổ súng hay trước khi ra tay làm một việc nguy hiểm nào. Có người cả đời sinh ra chỉ để làm cái nghề đi họp.

Họp cũng có thể được diễn ra trên một quảng trường rộng lớn, trong xà lim chật hẹp của nhà tù hay trên một con thuyền nhỏ. Họp cũng có thể tổ chức ngay trong xưởng máy hay đầu bờ ruộng...

Cùng với sự phát triển của xã hội loài người mà các cuộc họp, các hình thức họp và hình thái họp ngày một nhiều và nó phát triển theo cả hai hướng tích cực lẫn tiêu cực.

Những hình thái họp quái dị và tiêu cực

Họp để tiêu tiền.

Đôi khi, có tiền bao cấp, trợ cấp mà không tiêu hết được, người ta nghĩ ra các trò hôi thảo, hội nghị để tiêu tiền. Có những cuộc họp để trao đổi về cải cách sách vở cho học trò, người ta kéo nhau hàng đoàn lên máy bay từ Hà Nội vào tận thành phố hồ Chí Minh rồi phải bay ra tận đảo phú Quốc để hội thảo. Cuộc họp bàn về xóa đói giảm nghèo cho nông dân miền núi thì kéo nhau ra tận bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng), thuê những khách sạn, nhà nghỉ đắt tiền. Riêng chi phí cho môt ngày nghỉ chưa kể tiền đi lại, phong bao phong bì tiền “Pơ Điềm” cho các họp gia chuyên nghiệp cũng thừa đủ xóa đói giảm nghèo cho biết bao hộ gia đình ở nông thôn trong cả năm. Có hội họp, anh nhân viên hành chính lại có dịp đi thuê máy chiếu, thuê mi crô, thuê hội trường, đặt tiệc nhà hàng khách sạn...Mỗi khoản thuê đều có lại quả. Đây cũng là một khoản thu hoạch đáng kể của một số người. Bởi vậy, sao mà người ta thích hội họp thế.

Họp ăn bớt, họp gian.

Trong nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, các đại biểu đến họp đều phải kí vào các bản danh sách nhận tiền. Họp 1 ngày thì phải kí thành 2 ngày, 3 ngày. Đôi khi phải kí vào những tờ khai chỉ có tên đại biểu, các khoản ghi chú tiền bạc mà đại biểu đã được nhận thì để trống. Người ta phát cặp sách, tặng phẩm cho anh, phát phong bao cho anh chẳng lẽ anh lại đòi chẻ hoe xem anh được bao nhiêu? Các vị khách khi nhận phong bì ai nấy đều tỏ ra lịch sự, khiêm tốn. Khác hẳn với thói quen sòng phẳng của người Tây phương: hễ được ai biếu tặng vật gì cũng đều mở ngay ra xem và cám ơn tại chỗ. Hễ nhận tiền ở ngân hàng hay của bất của ai họ cũng đều đếm cẩn thận từng tờ. Các đại biểu của ta thường đợi khi cuộc họp đã bắt đầu, yên vị rồi mới kín đáo mở phong bì ra đếm. Tôi đã thấy có vị lúc bấy giờ mới tá hỏa chạy ra cự nự với cô thủ qũy vì số tiền trong phong bao vơi mất mấy tờ. Chẳng biết đó là chuyện vô tình hay cố ý mà đôi khi vẫn xảy ra ở nhiều cuộc họp. 

Đã nhận tiền, ngồi họp. Người ta nể mình mới mời. Mời đến thì phải nói năng cái gì chứ ? Mà nói gì bây giờ khi mà trong đầu quả thực chẳng biết phải nói cái gì. Thôi thì cứ đứng lên mà cảm ơn, cảm tạ, hoan nghênh cho phải phép.
 
Cũng có những vị khi đến họp mà chẳng thấy phong bao đâu là mắt trước mắt sau đã lỉnh đâu không biết. Có vị lĩnh xong phong bao, bắt tay chào hỏi khắp lượt rồi cũng mất hút luôn vì còn phải chạy sô để lĩnh phong bao, tặng phẩm ở mấy cuộc họp khác. Có vị lĩnh xong phong bao rồi, yên trí nhảy ra ngồi ngoài bàn giải lao nhâm nhi trà lá kẹo bánh cho đến hết buổi.

Hop! hop! phe binh! Phe binh!

Anh bạn tôi kể chuyện, cách đây hơn chục năm, trong cơ quan anh ta có mấy chuyên gia nước ngoài. Các chuyên gia bạn làm việc cùng cơ quan nên họ rất ngạc nhiên khi thấy cơ quan ngày nào cũng hội họp. Hết họp phòng, họp tổ, họp viện rồi lại công đoàn thanh niên. Cuộc họp nào cũng gay gắt. cũng phê bình lẫn nhau. Mở mồm ra, ông bà nào cũng nhận xét đồng nghiệp “ Đồng chí cơ bản là tốt. Nhưng mà, nhưng mà...”Sau cai nhưng mà ấy là cả một chùm khuyết điểm. Họp mà như đấu tố mặt đỏ gay, hùng hùng hổ hổ. Đôi khi, các chuyên gia họp chung với ban giám đốc người Việt để cùng giải quyết một số việc thì qủa thật họ thấy phong cách họp hành của ta chẳng giống với nước họ chút nào. Đang có người phát biểu, lại có kẻ chen ngang. Người nói cứ nói, người ngồi họp hoặc dở báo ra đọc hoặc nói chuyện riêng, nhổ râu, ngoáy mũi. Họp xong, chẳng có biên bản ghi nhớ, chẳng đi đến kết luận gì dứt khoát. Hình như người họp chỉ để mà họp. Mọi việc đều do lãnh đạo cơ quan quyết cả rồi. Thế nhưng nếu thành tích đạt được thì do tài lãnh đạo của thủ trưởng. Nếu làm hỏng làm sai thì do tập thể chịu trách nhiệm...Không biết tiếng Việt nên các chuyên gia bạn dự họp phải nghe qua phiên dịch. Suốt mấy năm trời làm việc ở Việt Nam mà các ông Tây chỉ học được mấy từ “ Hop! Hop! Phe binh! Phe binh!” . Mỗi khi thấy người trong cơ quan ngồi lại họp hành, họ lại vui cười và nhắc đi nhắc lại như một lời chào của người Việt “ Xin chào các bác ! các bác có khoẻ không”.

Tôi xưa nay vốn không ưa họp hành. Thậm chí ghét họp hành. Thế nhưng trên đời này nếu không có họp thì làm thế nào mà hành được. Không họp thì khác gì đàn kiến tha mồi về tổ. Trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Họp để cùng nhau phát huy trí tuệ, sáng kiến. Bàn bạc dân chủ tìm ra phương thức hành động đúng thì xin hoan nghênh. Họp để kiếm chác, để hành nhau thì tôi xin kiếu! Xin kiếu!

Hà Nội 29-11-2005
Viết sau khi được mời họp với VNA có vị xin kiếu.
 

3 nhận xét :

  1. Không xưa lắm, có chuyện tếu táo. Thầy giáo PTTH trường nọ, trong giờ học môn sinh vật , đặt câu hỏi : Ếch Việt nam giống và khác Ếch Cuba thế nào?. Có em HS là bí thư đoàn TNCSHCM xung phong trả lời : Giống nhau là Ếch 2 nước đều là Ếch XHCXN; khác nhau là Ếch VN nhỏ hơn ếch Cuba và Ếch Cuba kêu nhỏ hơn : ồm ộp, Ếch VN trái lại kêu to hơn : họp, họp, họp !!??

    Trả lờiXóa
  2. Hiện nay,đang có mốt rất thịnh hành đó là,tụ tập đông người,tán phét nhưng vẫn trương băng rôn : hội thảo khoa học.

    Trả lờiXóa
  3. Xin phép hỏi các bác:Trên bản tin VTV1 có lặp lại từ"Hai dân tộc Việt Nam và Mỹ"như thế phát ngôn trên là đúng hay sai?Rất mong nhân được sự hồi đáp của các bác

    Trả lờiXóa