Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

ÔNG VÕ VĂN THƯỞNG KHÔNG SỢ ĐỐI THOẠI, TRANH LUẬN


 
Ông Võ Văn Thưởng: 
Không sợ đối thoại, tranh luận

TÁ LÂM
Soha
18/05/2017 05:09 PM  
 
"Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý” 
Ông Võ Văn Thưởng: Tỉnh táo ứng xử với thông tin trên mạng

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã nói như thế tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, sáng 18-5.

Ông Thưởng cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

“Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận.

Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý” – ông Thưởng nói nhưng cũng cho rằng cần có quy định rõ ràng để từng cấp từng ngành từng cơ sở từng đơn vị xác định rõ trách nhiệm của mình và phương pháp trong trao đổi, đối thoại.

Ông Thưởng nói đang cố gắng để Ban Bí thư thông qua vấn đề này trong thời gian tới.

Tại hội nghị, chỉ ra những khuyết điểm trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Thưởng cho rằng tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần tự giác của nhiều cán bộ đảng viên, công chức viên chức còn hạn chế.

Đặc biệt, tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình của một số cấp ủy địa phương không cao, còn xem nhẹ, thậm chí còn bao biện cho cán bộ có khuyết điểm.

“Thực tế thời gian qua, khi xem xét thi hành kỷ luật đối với một số cán bộ có liên quan thì chúng ta thấy rằng còn nhiều đơn vị có cán bộ sai phạm, vi phạm khuyết điểm nhưng trước đó vẫn được đánh giá là tốt” – ông Thưởng nói.

Ông Thưởng đề nghị trong thời gian tới cấp ủy các cấp cần phải chỉ đạo sát và mạnh mẽ hơn nữa để khắc phục những khuyết điểm này.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thước đo quan trọng nhất trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị vẫn là kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy đảng, cơ quan đơn vị. Điều đó đòi hỏi cấp ủy các cấp phải thấm nhuần tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, lấy tư tưởng của Bác để soi rọi suy nghĩ và hành động, đổi mới tác phong làm việc thật sự dân chủ, khoa học, gần dân, sát dân, coi trọng trao đổi, lắng nghe với dân, nói đi đôi với làm.

“Một số sự việc xảy ra gây ồn ào dư luận vừa qua ở một số nơi có nhiều nguyên nhân, trong đó với tinh thần tự phê bình cao, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng có nguyên nhân từ việc chưa thật sự sát dân, chưa thật sự lắng nghe dân, giải quyết vấn đề chưa thực chất, chưa dân chủ và khoa học” – ông Thưởng nói.

Ông Thưởng cũng đề nghị cả hệ thống chính trị phải nỗ lực cao hơn để tiếp tục làm cho toàn đảng, toàn dân và toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, làm cho nó trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội.

Điểm mấu chốt là phải hình thành cho được ý thức tự giác của mỗi cá nhân, tình cảm yêu mến Bác của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là ở người đứng đầu.

“Ở địa phương nào, bí thư cấp ủy hiểu sâu sắc về yêu cầu vì sao phải học và làm theo Bác, ý thức đầy đủ trách nhiệm nêu gương Bác thì ở nơi đó việc thực hiện Chỉ thị 05 có nhiều sáng tạo và có nhiều kết quả cụ thể” - ông Thưởng khẳng định.

Ông Thưởng cho rằng, không có một người đứng đầu nào dám nói việc này (học và làm theo Bác – PV) không quan trọng, ai cũng nói việc này quan trọng, việc này cần thiết phải làm và đẩy mạnh, nhưng trong hành động đôi khi chưa thể hiện được điều này.

“Ví dụ như hội nghị này bí thư nhiều địa phương có mặt nhưng nhiều nơi bí thư không có mặt, sắp xếp công tác khác mặc dù xác định đây là hội nghị quan trọng. Trách nhiệm của người đứng đầu phải một cách thực chất” – ông Thưởng nói.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp ủy cần quan tâm đến kiểm tra giám sát việc thực hiện chỉ thị 05, qua đó biểu dương những cách làm hay, nhân rộng các gương điển hình tiêu biểu, tổ chức tuyên truyền, đặc biệt là khai thác cả mạng xã hội để tuyên truyền những tấm gương điển hình.
Theo Pháp luật TPHCM

-------------------------
 
Huynh Ngoc Chenh

CỘNG SẢN MUỐN ĐỐI THOẠI? 

Trong những ông cộng sản cấp cao mà tui đã từng gặp gỡ, tiếp xúc, thì ông Võ Văn Thưởng là người tui xem trọng, chỉ đứng sau ông Võ Văn Kiệt. 

Tui chỉ gặp ông Thưởng hai lần, lần đầu khi ông còn là bí thư thành đoàn, lần hai là bí thư trung ương đoàn, nhưng tui nhận ra nơi ông là người có hiểu biết, có bản lĩnh, ăn nói chừng mực, kín kẻ và lập luận vững chắc.

Sau nầy ông về làm bí thư tỉnh, rồi lên BCT nắm giữ chức trưởng ban tuyên giáo, không thấy ông thể hiện được gì nên tui có phần nào thất vọng về ông.

Bây giờ nghe ông nói ban tuyên giáo của ông đang chờ ban bí thư thông qua văn bản hướng dẫn về việc trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước, tui thấy có gì đó vẫn còn là Võ Văn Thưởng nơi ông, dù chưa biết sự tình thật sự sẽ đưa đến đâu.

Ông Thưởng còn nhấn mạnh: “Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”

Đó là chân lý muôn thuở và tất yếu. Nhưng khi nói ra điều đó với tư cách của một ủy viên BCT, trưởng ban tuyên giáo cộng sản, ông Thưởng đã được phép phát tín hiệu về một sự thay đổi nào đó trong nhận thức vốn rất trì trệ của những người CS.

Trong lịch sử, một khi đã cướp được chính quyền, người CS ở bất kỳ quốc gia nào chưa hề có chuyện đối thoại với người dân, đừng nói chi đến việc đối thoại với người khác chính kiến, người bất đồng quan điểm. Đó cũng là lý do đưa đến sự diệt vong của hệ thống các nước cộng sản. Công cụ bạo lực của đảng (là công an và quân đội) không mang lại chân lý và không mãi mãi bảo vệ được sự tồn tại của hệ thống.

Nếu những người cộng sản cho rằng chính nghĩa về phía mình, lẽ phải về phía mình, nhân dân đứng về phía mình thì tại sao không dám công khai đối thoại, công khai tranh luận với những quan điểm khác biệt để có sự cọ xát cần thiết?

Chỉ có kẻ xấu, kẻ bạo quyền mới không dám đối thoại thẳng thắn với dân, hoặc chỉ đối thoại với dân bằng dùi cui, súng đạn và nhà tù.

Tôi không tin rằng một người hiểu biết và bản lĩnh như ông Thưởng lại cố phấn đấu vào BCT chỉ để làm một cái loa phường tầm thường.
 
 

3 nhận xét :

  1. Ông Thưởng còn nhấn mạnh: “Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”

    Đó là chân lý muôn thuở và tất yếu. Nhưng khi nói ra điều đó với tư cách của một ủy viên BCT, trưởng ban tuyên giáo cộng sản, ông Thưởng đã được phép phát tín hiệu về một sự thay đổi nào đó trong nhận thức vốn rất trì trệ của những người CS.
    (nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh)
    *
    Thưa vâng, ông Thưởng đã được phép nói. Chắc chắn là được phép nói. Nếu không được phép, ông Thưởng vẫn là cái anh tuyên giáo!

    Trả lờiXóa
  2. Tui chỉ gặp ông Thưởng hai lần, lần đầu khi ông còn là bí thư thành đoàn, lần hai là bí thư trung ương đoàn, nhưng tui nhận ra nơi ông là người có hiểu biết, có bản lĩnh, ăn nói chừng mực, kín kẻ và lập luận vững chắc.
    (nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh)
    *
    Cái tính chất này thì người cộng sản nào cũng có! Họ luôn dè chừng ngay cả với đồng chí của họ! Nếu họ sơ hở trong lời ăn tiếng nói, đồng chí của họ sẽ ghi chép và đến lúc thuận lợi sẽ đem họ ra đấu tố!

    Trả lờiXóa
  3. Quan điểm tư tưởng của ông Thưởng rất đúng và chân thành khi nói đến sự cần thiết phải có đối thoại và không sợ đối thoại để tìm ra chân lý , khi có những ý kiến khác với đường lối, chủ trương của đảng và nhà nước. Trong sách đại cương Phật giáo cũng có nói : Để biết được chính giáo thì phải đủ 3 điều kiện : có tính vĩnh cửu, có tính phổ quát và đúng quy luật. Nếu một tôn giáo không chịu nổi cọ xát, thử thách của cuộc sống, không đưa đến mục đích tốt đẹp - đó là tà giáo chứ không phải chính giáo.

    Trả lờiXóa