Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Chu Mộng Long: QUAN CHÚNG TA VÀ DÂN (CHÚNG NÓ)


Chu Mộng Long

QUAN CHÚNG TA VÀ DÂN (CHÚNG NÓ)

Để tự chống lại sự quá khích, tôi phải bỏ vào ngoặc đơn từ "chúng nó", vì từ này không xuất hiện trong câu nói của người phát ngôn của Chính phủ. Song le, như một đối lập nhị nguyên của đại từ xưng hô, đã tự xưng "chúng ta" thì ngôi thứ ba ắt hẳn là "chúng nó". "Chúng nó" ấy là dân.

Vì đối lập nên trong cửa miệng có gang có thép của ngài mới vang ra một cách hùng hồn: "Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật!"

Mặc dù Hiến pháp và Pháp luật nói, và ông cũng nói, mọi công dân đều bình đẳng, nhưng hai giả thiết trong lời nói trên không thể bình đẳng. Bởi ở đó, "chúng ta" không bị bất cứ một sự ràng buộc nào về mặt pháp lí - xin lỗi là một hành vi tự giác - trong khi "chúng nó" không thể thoát khỏi chiếc gông pháp lí gông thẳng vào cổ.

Vậy là lời cam kết của ông chủ tịch thành phố Hà Nội có khả năng bị vô hiệu hóa, bởi chiếc gông pháp lí kia có sức nặng hơn vạn lần mọi lời cam kết, mặc dù lời cam kết ấy không phải lời nói gió bay!

Nôm na, lời tuyên bố có gang có thép trên kia có khả năng thành một bản án cho dân Đồng Tâm. Bởi lẽ, điều tra làm rõ sự vụ không phải là một cơ quan độc lập mà là của "chúng ta", do "chúng ta", vì "chúng ta"!

Sau cuộc hòa giải mà tôi hân hoan khái quát trong bài viết trước là cả hai đều thắng, thì đến đây đã thấy rõ "chúng nó" phải thua và "chúng ta" có quyền chụp lấy chiếc gông trên cổ "chúng nó"!?

Vậy là huyền thoại “chính quyền của dân, do dân, vì dân”, hay nói giản dị theo cụ Hồ: “cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân” đã bị cái miệng có gang có thép kia xé toạc ra để phơi trần sự thật bên trong. Rằng quan hệ giữa chính quyền với nhân dân là quan hệ giữa “chúng ta” và “chúng nó”. Thảo nào, mỗi khi xảy ra đấu tranh, kiện tụng hay biểu tình là lập tức “chúng ta” quy tội “chúng nó” là “thù địch”!

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa. Chợt nhớ Kinh Thánh ghi nhận ngôn ngữ mà Chúa cho con người vừa giúp con người tách lọc thế giới trong mớ hỗn độn thành có trật tự, nhưng cũng chính ngôn ngữ lại vừa gây xung đột đến sụp đổ cả tháp Babel. Từ đây, phải chăng cộng đồng Việt vốn là một khối thống nhất “đại đoàn kết” theo tinh thần của cụ Hồ đã bị chia rẽ thành hai nhóm người với hai loại ngôn ngữ khác nhau để miệt thị nhau: ngôn ngữ “chúng ta” và ngôn ngữ “chúng nó”.

Cán bộ sinh ra từ nhân dân, nhưng lời nói có gang có thép của quan đã lộn ngược vị thế. “Chúng ta” là cái bản thể sinh ra “chúng nó” – Cái Khác (The Other) – hóa ra là quan phụ mẫu đẻ ra con dân và dân phải mang ơn quan đời đời. Và như vậy, lời xin lỗi trong cái câu điều kiện mà quan trên đã nói là một thứ giả định không bắt buộc và không bao giờ xảy ra.

Cám ơn quan "chúng ta" đã cho dân "chúng nó" thấy được sự thật sau gần cả thế kỉ sống trong huyền thoại!

Não nùng thay!

1 nhận xét :

  1. Rõ ràng Mai Tiến Dũng này chưa nhận thức hay chối bỏ vai trò đại diện dân của chính phủ.
    Chính phủ ăn bằng tiền thuế của dân thì phải thực hiện vai trò đại diện dân, phải thể hiện ý chí và nguyện vọng của dân, không nên dồn dân vào đường cùng rồi bảo "dân sai" thì nhảm quá!
    Tác giả Chu Mộng Long đã nhận ra câu nói của Mai Tiến Dũng vạch một lằn ranh rõ ràng: quan (tức là chúng ta) và dân (tức là chúng nó). Mai tiến Dũng gián tiếp phủ nhận vai trò đại diện dân của chính phủ.
    Thế nhưng, một khi không còn đảm nhiệm vai trò đại diện dân thì cũng đồng thời chính phủ không còn là chính phủ!
    Vậy thì chính phủ là gì?

    Trả lờiXóa