Nguyễn Xuân Vinh
10-4-2017
Năm 2012, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu
học văn” đã được bàn sôi nổi trên mặt báo và trên các trang mạng xã hội,
rồi không ai bảo ai, các trường học đã tự hạ khẩu hiệu này xuống. Đến
nay, sau 5 năm, khẩu hiệu này lại được một số người bàn đến và cho rằng
do đạo đức trong xã hội ta đang suy đồi nên cần khôi phục lại khẩu hiệu
đó.
Hãy khoan bàn việc khôi phục khẩu hiệu
trên các cổng trường. Trước tiên, cần hiểu thống nhất nghĩa của từ “Lễ”
là gì rồi bàn tiếp, có nên duy trì và duy trì bằng cách nào. Các bạn Nguyễn Văn Nghệ, Lại Nguyên Ân, Hà Văn Thùy đều chưa giải thích nghĩa của từ này.
Từ điển Tiếng Việt phổ thông giải thích từ “Lễ” và các cụm từ có từ “Lễ” như sau:
– Lễ = phép tắc phải theo khi thờ cúng hay khi giao tiếp giữa người và người trong xã hội
– Lễ nghĩa = cách thức ứng xử có khuôn phép (của một quốc gia, một dòng tộc, một gia đình)
– Lễ nghi = nghi thức của một cuộc lễ
– Lễ giáo = cách thức giáo dục của một quốc gia
– Lễ vật = vật phẩm để cúng, để biếu hay dâng hiến cho người có địa vị cao hơn mình.
Như vậy, trong mối quan hệ đối nhân xử
thế, giao tiếp giữa người và người trong xã hội “Lễ” chỉ cách thức ứng
xử có khuôn phép của một quốc gia, một dòng tộc, một gia đình. Mỗi xã
hội, dù ở phương đông hay ở phương tây và ở mỗi thời đại đều có quy tắc
ứng xử riêng của mình nhưng không xã hội nào bỏ đi quy tắc ứng xử giữa
người và người (tức là lễ) và những lễ nghi kèm theo, mà chỉ khác về đối
tượng, mục đích, hình thức. Những quy tắc ứng xử bắt buộc phải theo thì
thể hiện thành văn ở Luật pháp quốc gia còn những quy tắc ứng xử bất
thành văn thì thể hiện ở văn hóa của từng quốc gia (chẳng hạn cách bắt
tay, cúi đầu chào nhau…)
Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” mà
ta đang bàn là khẩu hiệu suy ra từ Đạo Nho tức Đạo Khổng ở nước Trung
Hoa thời cổ đại. Chữ “Lễ” trong Đạo Nho mang ý nghĩa gì?
Trước hết, nhắc sơ qua về lịch sử của
Đạo Nho. Đạo Nho ra đời ở Trung Quốc, hình thành từ thời Tây Chu. Đến
thời Xuân Thu, Khổng Tử phát triển tư tưởng của Chu Công, hệ thống hóa,
và tích cực truyền bá các tư tưởng đó nên còn gọi Đạo Nho là Đạo Khổng.
Từ thời nhà Hán, Đạo Nho là độc tôn, trở thành hệ tư tưởng chính thống
về đạo đức, triết học xã hội, triết lý giáo dục, triết học chính trị của
nước Trung Hoa trong hơn 2000 năm qua, rồi Nho giáo dần dần biến thành
tôn giáo, Văn Miếu trở thành nơi dạy học kiêm nơi thờ phụng, Khổng Tử
trở thành giáo chủ và giáo lý là các tín điều mà các nhà Nho phải thực
hành.
“Lễ” được Nho giáo rất xem trọng. Lễ
trong Nho giáo là những quy tắc mang tính hình thức được xã hội thời đó
thừa nhận, để bày tỏ sự tôn trọng đối với người khác. Nho giáo cho rằng
lễ nghi sẽ tạo ra một xã hội hài hòa, mỗi người tự tiết chế trong mối
quan hệ giữa người với người, không để xảy ra những hành vi bất kính với
người khác. Nho giáo chủ trương lễ nghi phải phù hợp với địa vị xã hội,
công lao, đức độ, tài năng, tuổi tác của người hành lễ và người nhận
lễ. Lễ quy định cụ thể như: Cha là quan đại phu, con là kẻ sĩ thì khi
cha chết, con phải dùng lễ của quan đại phu mà chôn cất, dùng lễ của kẻ
sĩ để thờ cúng cha. Trong mâm tiệc, khi cùng uống rượu thì người thứ bậc
thấp phải mời người có thứ bậc cao hơn uống trước…
Theo Nho giáo, trong xã hội có 5 mối quan hệ cơ bản là: Vua và tôi, Cha và con, Vợ và chồng, Anh và em, bạn bè.
Nho giáo đề cao sự trung thành với nhà
nước quân chủ, chủ trương “Vua sử dụng bề tôi theo lễ, bề tôi phụng thờ
Vua theo trung “và cho rằng đó là nhân tố quan trọng góp vào sự ổn định
của xã hội. Nho giáo khuyên tầng lớp thống trị phải biết nắm lấy dân.
Còn nghĩa vụ của người dân là phải dễ sai khiến. Nho giáo răn dạy người
dân rằng nước thịnh hay suy, hưng hay vong, vận mệnh của nước gắn với
từng nhà đều do mệnh trời quyết định.
Theo Nho giáo răn dạy thì suốt từ đời
này sang đời khác, “dân đen” cứ phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời
để nuôi Vua, quan, là những kẻ cai trị, bóc lột mình. Nho giáo cũng từng
coi “Dân là gốc Nước” nhưng không có nghĩa là Nho giáo cổ súy tinh thần
dân chủ, đấu tranh cho dân chủ. Trong tất cả các bộ sách của Nho giáo,
Nho giáo không bao giờ rời bỏ đạo lý “Quân thần” (tức đạo lý Vua – tôi),
không bao giờ nói đến một xã hội không có Vua và ở đó người dân được
làm chủ.
Nho giáo không hướng con người đến sự
phát triển toàn diện. Dù khẳng định tu thân là nhiệm vụ của mọi người
nhưng thực ra Nho giáo chỉ quan tâm đến việc học và tu dưỡng của tầng
lớp thống trị, nhằm mục đích tối cao là để “bình thiên hạ”. Dựa vào Nho
giáo, giai cấp phong kiến qua các triều đại đề ra những quy tắc, chuẩn
mực rất khắt khe, gò thần dân vào khuôn khổ của lễ giáo nhưng bản thân
họ thường phớt lờ những yêu cầu đạo đức do chính họ đề ra. Đứng trên lập
trường giai cấp thống trị của các triều đại phong kiến, Nho giáo đã bảo
vệ cho lễ giáo và trật tự của xã hội phong kiến, duy trì chế độ phong
kiến tập quyền Trung Quốc tồn tại trên 2000 năm qua. Nho giáo rất có ảnh
hưởng đến các quốc gia Châu Á khác, trong đó có Triều Tiên, Hàn Quốc,
Nhật Bản, Việt Nam.
Nho giáo đã đem lại hậu quả tiêu cực đối
với xã hội Việt Nam trên nhiều mặt. Đó là duy trì tư duy bảo thủ, giáo
điều, bất bình đẳng giới, thúc đẩy tư tưởng hám danh, gia trưởng, quan
liêu, cửa quyền.
Lễ trong Nho giáo là sợi dây vô hình
ràng buộc chặt chẽ suy nghĩ và hành động của con người, khiến nó trở nên
cứng nhắc theo một khuôn phép cũ. Tư tưởng chính danh trong Nho giáo
kìm hãm tự do của nhân cách tới mức không chấp nhận bất kỳ sáng kiến mới
nào của con người, làm con người luôn luôn ở trạng thái nhu thuận
“thuật nhi bất tác” (nghĩa là chỉ thuật lại chứ không sáng tạo gì thêm).
Trong Nho giáo, “Đạo cương” được coi là
nội dung cơ bản, chi phối mọi hành vi và dùng làm chuẩn mực đánh giá
phẩm hạnh con người, nói rằng “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”
và “phu xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” (nghĩa là Vua xử bề tôi phải
chết, bề tôi không chết là bất trung. Cha xử con phải chết, con không
chết là bất hiếu). Đây là một nhân tố cực kỳ quan trọng giúp xã hội
phong kiến Trung Hoa ổn định theo thứ bậc, bảo đảm cho quyền thống trị
cha truyền con nối của Thiên tử (Vua – con trời), điều chỉnh hành vi của
con người trong xã hội vào khuôn phép của các triều đại phong kiến. Nó
đã trở thành lực cản đối với sự phát triển của xã hội, làm cho Trung
Quốc và nhiều xã hội phương đông, trong đó có Việt Nam chìm đắm lâu dài
trong nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu tự cung tự cấp. Chỉ những xã hội
Châu Á không bị ảnh hưởng hoặc đã thoát khỏi ảnh hưởng của Nho giáo như
Nhật Bản, mới công nghiệp hóa và hiện đại hóa được nền kinh tế và xã hội
của họ.
Nho giáo không giải đáp được vấn đề số
phận và yêu cầu giải phóng con người vì nó loại bỏ con đường tư duy trừu
tượng. Một điểm đặc trưng của Nho giáo là luôn luôn tư duy trở về quá
khứ, ít nói đến hiện tại, không hướng đến tương lai. Đó là thứ tư duy
bảo thủ, giáo điều. Cho đến ngày nay, hệ thống chính quyền nào chịu ảnh
hưởng của Nho giáo thường “dị ứng” với mọi biến đổi nội tại và những ảnh
hưởng từ bên ngoài, cản trở tiếp thu cái mới và hậu quả là cản trở sự
phát triển của chính hệ thống đó.
Tư tưởng chính danh của Nho giáo đề cao
danh phận, làm cho con người luôn luôn mang tư tưởng hám danh, chạy theo
chức vị, danh vọng và bổng lộc đến mức có nhiều người hám danh quên
phận (phận sự, nghĩa vụ) và quên cả luân thường đạo lý.
Bất bình đẳng giới là một trong những
điểm yếu nhất của Nho giáo. Tư tưởng “nam tôn, nữ ti” (trọng nam khinh
nữ) của Nho giáo rất khắc nghiệt. Nho giáo đề cao chữ “hiếu” nhưng lại
hạ thấp thân phận phụ nữ. Mâu thuẫn này làm cho quan điểm của Nho giáo
về giới mang điển hình của tư tưởng gia trưởng, vô lý và mất nhân đạo
trong chủ thuyết của Nho giáo nói về đạo làm người. Chính Khổng Tử viết
“phu nhân nan hóa” (đàn bà khó giáo dục) và “đàn bà và tiểu nhân là hai
hạng người khó dạy”. Trong hàng ngàn năm qua, người phụ nữ Trung Hoa và
phụ nữ ở những nước chịu ảnh hưởng nặng của Nho giáo hầu như không được
có vai trò gì trong các lĩnh vực hoạt động xã hội. Đạo “tam tòng” của
Nho giáo quy định rất ngặt nghèo “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu,
phu tử tòng tử” (người phụ nữ khi ở gia đình phải phục tùng cha, lấy
chồng phải phục tùng chồng, chồng chết phải phục tùng con) và “phu xướng
phụ tùy” (người chồng nói gì người vợ cũng phải theo).
Trong quan hệ giữa nam và nữ, Nho giáo
quy định “nam nữ thụ thụ bất thân” (nam nữ không được gần nhau). Sách
Nho giáo còn viết “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (sinh một con
trai là sinh con, sinh mười con gái cũng coi là không sinh) và “bất hiếu
hữu tam, vô hậu vi đại” (tội bất hiếu thì có ba tội, nhưng không có con
trai nối dõi là tội lớn nhất). Nho giáo chia các thành viên trong mỗi
gia đình thành 2 loại người là “Sử” và “Sự”. Sử là người bề trên có
quyền dạy bảo người khác. Sự là những người ở thứ bậc dưới. Khi chưa lấy
vợ, người con trai là “Sự”. Khi có gia đình riêng, anh ta trở thành
“Sử”. Nhưng người phụ nữ thì suốt đời chỉ là “Sự”.
Quan niệm của Nho giáo về “Gia” (nghĩa
là nhà), cùng với các chuẩn mực về Cha-con, Chồng-vợ, Anh-em, giữa “Sử”
và “Sự”, kết hợp với luận điểm “gốc nước là nhà”, đã tạo ra sức ràng
buộc vô hình, khống chế nghiệt ngã con người trong xã hội phong kiến,
buộc họ phải tự giác phục tùng những quy phạm đạo đức đó. “Nhà” nói
trong Nho giáo thực ra chỉ nói đến nhà của Vua, quan, gia tộc những kẻ
thống trị trong xã hội phong kiến, dẫn đến sự hình thành và tồn tại dai
dẳng chế độ gia đình trị. Ngày nay, ở một số quốc gia còn chịu ảnh hưởng
của Nho giáo vẫn tồn tại hình thái biến dạng của chế độ gia đình trị,
tạo bè cánh họ hàng, người thân, gia tộc hóa cơ quan nhà nước, nuôi
dưỡng tác phong gia trưởng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, lũng
đoạn quyền lực nhà nước, nhằm tìm kiếm đặc lợi, tham ô, hối lộ, cản trở
mọi công cuộc đổi mới và sự phát triển của xã hội.
Đến đây, ta đã có thể nhận ra rằng “Lễ”
của Nho giáo không phải là viên linh đan chữa trị những căn bệnh xã hội
mà bạn Nguyễn Văn Nghệ nói tới. Để chữa trị những căn bệnh đó, phải bàn
đến một câu hỏi khác, để tìm ra đúng nguyên nhân và thuốc chữa: “Tại sao
xã hội Việt Nam ngày nay suy đồi đến vậy?”.
Trên thế giới không có một dân tộc nào
tự mang sẵn trong mình thuộc tính xấu. Cũng không có dân tộc nào mới
hình thành đã là dân tộc văn minh lịch sự. Con người vừa là chủ thể của
xã hội, vừa chịu tác động của xã hội. Thiết chế xã hội ảnh hưởng rất lớn
đến con người. Xã hội là một hệ thống lớn và mỗi cá nhân trong đó là
một chi tiết nhỏ. Dù muốn hay không, sống trong xã hội đó, anh ta hoặc
chị ta phải phù hợp với hệ thống đó, mới có thể tồn tại được, và đã vậy
“ở trong bầu thì tròn, ở trong ống thì dài”.
Mỗi xã hội đều có Luật pháp, phải dùng
Luật pháp để chế tài các hành vi sai trái, nhưng lại phải quan tâm đến
tính hệ thống của xã hội đó. Một xã hội vận hành trên một hệ thống sai
thì nó sẽ liên tiếp sinh ra nhiều hệ quả xấu. Hệ quả xấu này lại tác
động đến con người làm con người “phải xấu” để thích nghi. Chịu khó
chiêm nghiệm và suy luận lô-gich, ta sẽ thấy, rất nhiều thói hư tật xấu
của người Việt chúng ta hiện nay là hệ quả tất yếu của “lỗi hệ thống”.
Nhiều tín hiệu bất ổn cho ta thấy rằng, chúng ta đang vận hành xã hội
trên một hệ thống sai. Trong hệ thống này, con người buộc phải tự biến
đổi để thích nghi (bạn có thể nhận ra ngay từ chuyện chống tham nhũng,
hối lộ, chuyện đòi lại vỉa hè cho người đi bộ).
Chả thế mà ngày 12/10/2016, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên ủy viên trung ương ĐCSVN đã phải viết trên báo một phần sự thật: “Lòng
tin của nhân dân là nền tảng chính trị quan trọng nhất của một chế độ,
một chính quyền. Khi lòng tin không còn thì sẽ mất tất cả. Lý do đầu
tiên, quan trọng nhất làm giảm lòng tin của nhân dân là sự hư hỏng đạo
đức của cán bộ, đảng viên…”
Ông viết tiếp: “Vậy thủ phạm chính ở đâu? Đáng lưu ý nhất là sự tha hóa quyền lực. Đó là nguyên nhân chính của mọi hư hỏng”. Từ đó ông tổng kết lại 5 nhóm giải pháp quan trọng, trong đó kiểm soát quyền lực được coi là then chốt.
Nhưng kiểm soát bằng cách nào? Giáo sư
Nguyễn Đình Cống khuyên, muốn kiểm soát quyền lực phải chấp nhận một chế
độ đa nguyên chính trị và “tam quyền phân lập”. Không biết Đảng của ông
Hoàng có chấp nhận lời khuyên đó không?
PHIẾN DIỆN
Trả lờiXóaỞ đây mới nói lên Lễ. Sao chưa thấy nói Văn?
CÒN PHIẾN DIỆN HƠN NỮA LÀ HỌ CHO CHỮ LỄ NÀY THEO QUAN ĐIỂM NHO GIÁO, SAO NÓ KHÔNG PHẢI LÀ LỄ CỦA ĐẠO GIÁO?
XóaBạn đọc có hiểu không vậy? Ngay cái tiêu đề đã toát lên vấn đề "Lễ" trong giáo dục!
Xóalễ là lễ giáo lễ nghi, mỗi nơi , mỗi thời đại một khác còn văn là, văn hóa kiến thức khoa học thì thời nào , ở đâu cũng vậy thôi .
XóaBài viết hay!
Trả lờiXóa