Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

NGÀY XUÂN, ĐI TÌM DẤU TÍCH ĐÔ THỊ CỔ NƯỚC MẶN

Hai KTS: Đào Tùng & Trần Quang Hải


NGÀY XUÂN, ĐI TÌM DẤU TÍCH ĐÔ THỊ CỔ NƯỚC MẶN

6 Tháng 3 -2017

Một ngày xuân, tôi tìm về đô thị cổ Nước Mặn trên đất Bình Định. “Hướng dẫn viên” của tôi là anh Đào Tùng, cháu đời thứ 5 của cụ Đào Tấn. Kts. Đào Tùng, người rất say mê với những còn mất của tiền nhân trên đất Bình Định. Đô thị cổ Nước Mặn từng được anh giới thiệu qua bài báo “Đô thị cổ trên đất Bình Định”
http://ktsbinhdinh.vn/…/ki…/172-do-thi-co-tren-dat-binh-dinh

Tiếng là về thăm đô thị cổ nhưng xe tôi chỉ băng qua những cánh đồng xanh mướt trên những con đường lởm chởm đá sỏi, bé như cổ tay. Nhưng với cả niềm say mê của mình, theo tay “hướng dẫn viên”, bằng chất giọng khàn lãng tử, những đô thị Nước Mặn, Gò Bồi với phố phường, cảng thị và cả người xưa như đang tấp nập sinh hoạt, như cuộc sống đang diễn ra vậy.

Tôi và Anh cùng vào thăm Miếu Bà, có thể là di tích cuối cùng còn sót lại của đô thị Nước Mặn. Lối vào miếu bé nhỏ, quanh co, lắt léo, không xứng với tầm vóc lịch sử của nó. Anh Tùng phân trần, bởi những giận hờn mà hơn ba năm rồi anh không ra thăm miếu. Đến nơi, anh xăm xăm bước vào trong miếu rồi nhanh chóng quay ra, khi tôi chưa kịp vào. Giọng anh oang oang trước miếu “Tụi nó làm hư mất cái miếu rồi, hư mất rồi”. Vẻ mặt anh giận, thất vọng, xen lẫn sự áy náy như nhận lỗi với tiền nhân.

Đưa tôi ra trước miếu, chỉ vào hồ nước nhỏ hình bầu dục, có hòn non bộ, anh giải thích : Nơi này được xem là rốn biển. Trước kia, nơi đây là một cảng thị phồn vinh, nhộn nhịp. Trong quá trình khai quật, người ta thu được rất nhiều dây neo, mỏ neo tại đây. Anh nói ngày trước, anh phản đối quyết liệt việc đắp hòn non bộ này. Theo anh, không thể đắp núi trước miếu được, không phù hợp văn hoá Việt.

Dẫn tôi sang bên trái miếu, anh chỉ tôi một giếng cổ. Thành giếng dày khoảng 30 cm, xây bằng đá tổ ong nhưng miệng giếng lại được bạ một đoạn thành xây xi măng do mới được trùng tu. Phía trên, giếng được lợp bằng miếng tôn rách. Giếng cổ đẹp, trong không gian rất hợp nhưng việc trùng tu xem ra quá là cẩu thả.

Suốt trên đường về, sau những say sưa về đô thị cổ, về Đồ Bàn, về tháp Bánh Ít... luôn là những luyến tiếc, những tiếng thở dài. Chia tay tôi, anh tiếc nuối “Giá như họ đừng làm gì cả cũng là góp công lớn cho công tác bảo tồn ở Bình Định này”.

Ngày cuối tháng giêng, năm Đinh Dậu.
Trần Quang Hải
 

1 nhận xét :

  1. Một lũ rừng rú! May là ở nơi hẻo lánh chứ không thì chúng đã mở quán karaokê rồi! Còn gì là văn hóa, còn gì là Tổ Tiên!

    Trả lờiXóa