Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

NGƯỜI THANH HÓA LẬP LÀNG NGHỀ PHỐ NGHỀ TRÊN ĐẤT BẮC

Chùa Kim Liên, làng Nghi Tàm. Ảnh: ST

Người Thanh Hóa lập làng nghề phố nghề
trên đất Bắc


Hoàng Tuấn Phổ


Ngọc phả đền làng Hòe Thị và Thị Cấm do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) đời Lê Anh tông, chép sự tích tôn thần Phan Tây Nhạc người thời Hùng Vương quê châu Ái, tức bộ Cửu Chân (Thanh Hóa) nước Văn Lang. Sinh thời Phan Tây Nhạc theo Tản Viên đánh giặc Thục, lập công lớn được vua Hùng gả cháu gái Hoàng hậu làm vợ và phong ấp vùng Hương Canh (huyện Từ Liêm, Hà Nội). 

Như vậy làng Hương Canh, tục gọi làng Canh cách nay hơn 2.000 năm do một người Thanh Hóa thành lập. Làng Thị Cấm thuộc đất Hương Canh của Phan Tây Nhạc, theo truyền thuyết ông tướng Lý Phục Man của vua Lý Nam đế (thế kỷ thứ VI) đánh giặc Lương, bị thua trận chạy về đến đây gặp bà hàng nước hỏi mua nước uống. Bà hàng thấy ông bị thương máu đầu chảy đầm đìa, sợ quá không nói được, Lý Phục Mam bực mình nói: “Thị Câm”, nghĩa là người đàn bà này bị câm! Do đó, nơi đây thành tên làng Thị Cấm (nói chệch). Xã Hương Canh trước thuộc trấn Sơn Tây. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) chuyển về tỉnh Hà Nội.

Xã Hương Canh thời phong kiến nổi danh văn hiến 4 làng xã của huyện Từ Liêm, vùng Thăng Long – Hà Nội, gọi là “Tứ danh hương”: Canh, Cót, Mỗ, La. Nói riêng Hương Canh đất học nhiều khoa cử, nét đẹp truyền thống khá lâu đời của ngôi làng cổ hình thành từ thời vua Hùng vương thứ 18. Đất Hương Canh là đất học, cũng là đất nghề, một làng nghề thủ công truyền thống: làng Hòe Thị với các nghề: Thợ rèn, thợ thiếc, thợ dệt...

Sách Làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội của GS Trần Quốc Vượng- PGSTS Đỗ Thị Hảo (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009) cho biết: Cuốn Đắc tộc đại tôn lập phả, soạn năm Long Đức thứ 4 (1735), đến niên hiệu Khải Định thứ 9 (1923) được khắc vào bia dựng tại nhà thờ họ, ghi chép cụ tổ nghề rèn quê quán xã Đổ Định, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn) xứ Thanh Hoa, di cư ra sống tại làng Hòe Thị. Đời thứ 12 (tính từ cụ tổ dòng họ Nguyễn Đắc) cụ Nguyễn Đắc Thời sinh hạ 4 con trai, con thứ 2 Nguyễn Đắc Danh đỗ Hương cống được bổ làm Tri phủ ở Thanh Hóa. Người con thứ tư Nguyễn Đắc Tài theo anh đến nhiệm sở học được nghề rèn, trở về làng mở lò rèn dạy nghề cho dân Hòe Thị. Vì thế, đời sau, phường rèn Hòe Thị đã lập nhà thờ ở xóm Chợ thờ cụ Nguyễn Đắc Tài. (Sđd tr. 271).

Như vậy, nghề rèn Hòe Thị với địa danh hành chính “phủ Thanh Hoa, học vị Hương cống của Nguyễn Đắc Danh không thể xuất hiện thời Trần, trở thành thợ rèn Thăng Long để đời Hồ chế tạo ra súng thần cơ tối tân khiến vua nhà Minh phải kính nể Nguyên Trừng” (Sđd). Có khả năng phải đến sớm nhất thời Lê sơ họ Nguyễn Đắc mới truyền dạy nghề rèn ở Hòe Thị rồi ra Thăng Long mở phố nghề (Đời Quang Thuận – 1466, Lê Thánh tông đặt thừa tuyên Thanh Hoa có 6 phủ, 22 huyện, 4 châu – Dư địa chí Phan Huy Chú).

Điều thú vị họ Nguyễn Đắc từ Thanh Hoa di cư ra Hòe Thị nối tiếp truyền thống lập làng của vị khởi tổ Phan Tây Nhạc đời Hùng Vương thứ 18, góp phần làm nên danh tiếng đất Hương Canh, đến Nguyễn Đắc Tài lại trở về quê gốc Thanh Hoa học được nghề rèn với kỹ thuật tinh khéo đem về truyền dạy cho dân Hòe Thị rồi ra Thăng Long mở phố nghề nức tiếng kinh kỳ. Thời Lê – Tây Sơn, thợ rèn Hòe Thị sản xuất chủ yếu đồ nông cụ và gia cụ tại nơi mở lò do nhân dân đặt hàng và đem ra chợ bán phục vụ đối tượng rộng rãi hơn. Nghề rèn Hòe Thị được tín nhiệm gần xa, người ta ưa dùng, vượt qua các nghề rèn khác như Trung Lương, nhờ kỹ thật tôi luyện  nước thép tốt bền, hình dáng đẹp. Kỹ thuật tôi luyện thép rất khó, tôi già quá rất dễ bị sứt, mẻ, gẫy, hơi non hoặc non thì dụng cụ kém sắc, mau cùn. Làng Hòe Thị không phải nhà nào cũng làm nghề rèn, số đông vẫn sống bằng thuần nông nghiệp theo thời vụ, xong nông vụ làm nghề thủ công dệt vải. Truyền thống nông thôn Việt Nam đời nào cũng chú trọng nông tang tức làm ruộng và chăn tằm, trồng dâu, dệt vải, lụa tự túc, tự cấp cơm ăn áo mặc, hai nhu cầu cơ bản của đời sống sinh hoạt xã hội.

Cuối thế kỷ XIX, chính quyền Pháp xây dựng thành phố Hà Nội, mở mang phố xá, phát triển phố phường. Những gia đình Hòe Thị trước thường mở lò rèn ở các chợ búa, nơi tấp nập kẻ mua người bán, nay một bộ phận mới di chuyển đến thành phố tính chuyện an cư lạc nghiệp lâu dài. Thăng Long - Hà Nội vốn có năm bảy lò Hòe Thị “đóng đô” đã lâu, nay được bổ sung thêm lực lượng đáng kể cũng dân Hòe Thị từ nhiều nơi tớ thầy gánh đồ nghề lần lượt kéo tới. Dần dần họ lập phường mở phố. Một số biển hiệu ra đời, hai danh hiệu Sinh Tài, Sinh Lợi đã xóa đi hai tiếng lò rèn chung chung, trở thành “thương hiệu” đủ sức cạnh tranh với thiên hạ, trở thành thương hiệu nổi tiếng. Những tay thợ giỏi làm nên danh tiếng Sinh Tài, Sinh Lợi đều người dòng họ Nguyễn Đắc quê làng Hòe Thị. Đồ hàng sản xuất của Sinh Tài, Sinh Lợi đủ sức cạnh tranh, vượt cả những mặt hàng ngoại như dao, kéo của Pháp, từ Pháp đem sang. Mặt hàng rèn Hòe Thị được chú ý cải tiến mẫu mã ngày càng đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu thị trường, khách hàng dần dần trở nên khó tính. Có những mặt hàng đặc biệt (thời điểm bấy giờ) đòi hỏi cả kỹ thuật và nghệ thuật cao như chấn song hoa, cửa xếp, dao găm, gươm, kiếm, súng săn,... do yêu cầu thị trường phát triển, thợ rèn Hòe Thị cũng đáp ứng tốt.
Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, nhiều thợ rèn giỏi Hòe Thị mang cả gia đình đi kháng chiến theo lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch. Họ rèn từ vũ khí thô sơ: Mác lào, đại đao, mã tấu, dao găm, kiếm gươm, đến vũ khí tầm xa, làm nòng súng mới thay nòng súng cũ, chế tạo súng săn, nòng súng phóng lựu đạn, nòng súng DKZ nhãn mác Việt Nam.
Làng cổ Hòe Thị cũng làm nghề dệt, tục truyền cũng bắt đầu từ tướng quân Phan Tây Nhạc. Ông kết duyên với công chúa Phương Dung cháu gái Hoàng hậu vua Hùng. Nàng dâu bộ Cửu Chân học nghề tằm tang ở Thanh Hóa theo chồng ra đất Hương Canh truyền dạy nghề bông vải, tằm tang.

Hương Canh sau chia làng đặt tên Kẻ Ngà. Họ cũng mang truyền thống bươi đất lật cỏ, không nề gian khổ khai phá cánh đồng lòng chảo dấu tích lâu đời của dòng sông Tô Lịch. Trong khi các dòng họ khác không chịu nổi vất vả khó khăn bỏ đi tìm đất mới, dòng họ Trần qua nhiều thế kỷ vẫn trụ vững tại đây. Bàn tay người Kẻ Ngà bên cạnh nghề nông truyền thống vốn gân guốc chai sạn đào đất xúc bùn, nổi lên lớp lớp hoa vân tay tinh khéo dệt nên mặt hàng lụa tinh xảo, xưa kia được tỉnh Hà Đông chọn làm lễ vật tiến vua. Truyền thống bất khuất xứ Thanh, tinh thần đấu tranh quật cường Bà Triệu được người họ Trần thấm sâu vào huyết quản đời này qua đời khác. Lịch sử làng Ngà đến nay còn tự hào về sự kiện đấu tranh chống triều đình Lê Trịnh buổi suy vong thu thuế quá nặng do viên cai tổng Phương Canh, cuối cùng chính quyền phải nhượng bộ.

Truyền thống nghề dệt ở Thanh Hóa trước công nguyên và công nguyên rất nổi tiếng loại vải bằng tơ chuối, được vua chúa, quý tộc Trung Quốc ưa thích thuộc loại sản vật tiến cống. Căn cứ vào câu thơ “Chức bố hữu phường lai vấn tín” của Giáp Hải thời Mạc (Hỏi thăm tin tức phường dệt Lam Sơn thế nào) thì thời Lê ở Thanh Hoa phường dệt này khá nổi tiếng. Thời Nguyễn phường dệt Lai Duệ (Thọ Xuân) sản xuất nhiều hàng dệt bán ra miền Bắc và nước ngoài. Thời cận đại, phường dệt Triều Dương (Sầm Sơn) dệt loại the lương và nhiễu điều, nhiễu tím rất được tín nhiệm. Nhưng chính miền Bắc lại có rất nhiều cơ sở dệt danh tiếng dội vào miền Thanh và điều ngạc nhiên, những nơi đó họ lưu giữ được tư liệu tương đối chính xác về tổ sư truyền nghề vốn người Thanh Hóa.

Trong khuôn khổ một bài báo, chỉ có thể kể một số làng nghề, phường nghề dệt tiêu biểu:
Thần tích đền Nhược Công (Hà Nội) xưa nay đều lưu truyền thành hoàng là Bà chúa Dệt, con gái ông Nguyễn Diệu, tay thợ dệt nổi tiếng Thăng Long người Ái Châu (Thanh Hóa). Đời vua Lý Huệ tông (1210 – 1244), Nguyễn Diệu rời quê quán đưa vợ con ra Thăng Long làm ăn. Mặt hàng lụa làm ra rất đẹp, ngoài phố xá trong cung vua đều hâm mộ. Người con gái duy nhất của ông đặt tên Nguyễn Thị La, đẹp như tấm lụa nàng làm ra, lại thông minh, tài hoa, ứng đối khôn khéo. Lúc nhỏ nàng được học chữ chỉ đủ để biết đọc biết viết rồi thôi. Sở thích của nàng là dệt lụa và những tấm lụa do chính bàn tay tài nghệ Nguyễn Thị La làm ra gần xa đều trầm trồ khen ngợi.

Nhiều người đến học nghề với Nguyễn Diệu, có Trần Thường quê Hồng Châu (Hải Dương – Hưng Yên), cha mẹ mất sớm, nhà nghèo đành bỏ quê ra kinh kỳ kiếm sống. Nhờ nết na, hiền lành, thông minh, siêng năng, khéo tay, Trần Thường được ông chủ Nguyễn Diệu quý mến hứa gả con gái yêu, khuyên bảo cố gắng học hành khoa cử. Chàng miệt mài đèn sách thi đỗ, triều đình bổ làm quan bộ Hộ, xin mở phường dệt Dâm Đàm (Tên cổ của Hồ Tây) cho vợ làm nghề và truyền nghề. Người xa gần đến học nghề dệt ở đây ngày càng đông. Vua Lý Huệ tông nghe tiếng, gọi Nguyễn Thị La vào cung day nghề cho công chúa và cung nữ. Một thời gian nàng lại trở về phường dệt bến Dâm Đàm.     
Trần Thường được thăng chức Đốc lĩnh Thanh Hóa – Nghệ An. Triều đình lại gọi Trần Thường đi Hải Dương dẹp giặc Nguyễn Thượng nổi loạn. Ông rời nhiệm sở dùng thuyền nhẹ tiến gấp ra Hưng Yên, ra đến biển chẳng may gặp bão lốc, quân tướng đều tử nạn. Chồng bị chết bất ngờ, nàng La không chịu nổi đau thương uống thuốc độc chết theo. Vua Lý xét công lao truy tặng Nguyễn Thị La làm Thụ La công chúa cho dân làng Dâm Đàm lập đền thờ. (Thần tích đền Nhược Công, Hà Nội).

Làng Nghi Tàm ở trên một giải đất nhô ra Hồ Tây, thế đất rất đẹp về địa lý, phong thủy. Có lẽ làng Nghi Tàm thành lập thời Lý, vì tại đây chùa Kim Liên xây thời Trần trên khu đất nổi lên như bông sen vàng mọc giữa mặt hồ nước trong xanh. Địa danh Nghi Tàm do đất này chuyên trồng dâu nuôi tằm. (Về sau chuyển trồng hoa, trồng quất). Nghi Tàm là một thắng cảnh Hồ Tây, ngoài chùa Kim Liên đặc sắc còn giống cây trúc vàng mọc thành rừng soi bóng lung linh mặt hồ. “Bến Trúc Nghi Tàm rừng bàng Yên Thái”  họp thành cảnh trí dặc sắc Tây Hồ, mùa thu trúc xanh um, lá bàng chuyển màu đỏ tươi vàng rực...

Thành hoàng làng Nghi Tàm là một bà chúa tằm tơ tên Trần Thị Quỳnh Hoa, con gái ông Trần Vĩ ở Thanh Hóa. Quỳnh Hoa lấy Liễu Nghị viên quan phủ Hà Trung (Thanh Hóa). Gặp lúc quân giặc cướp phá, vợ chồng Liễu Nghị cầm quân chống trả quyết liệt, chúng thua chạy tan tác, bảo vệ kho tàng nhà vua an toàn. Triều đình xét công ban thưởng triệu Liễu Nghị về Thăng Long. Vua Lê Thánh tông bổ nhiệm một chức quan tại Kinh. Sau khi Liễu Nghị mất, Quỳnh Hoa dời nhà về Nghi Tàm dạy dân nghề trồng dâu, chăn tằm, kéo tơ và dệt lụa (Có lẽ nghề dệt Nghi Tàm do Tổ sư Thụ La công chúa truyền nghề thời Trần bị thất truyền hồi quân Minh đô hộ, đến thời Lê sơ mới khôi phục do Tổ sư Quỳnh Hoa cũng từ Thanh Hóa ra nối nghiệp).       

Về già, Quỳnh Hoa đi tu ở chùa Kim Liên. Sau khi bà mất, nhân dân Nghi Tàm suy tôn là Bà chúa tằm tơ hay Bà chúa dệt lụa và tâu xin vua Lê phong bà làm thần thành hoàng, cho phép lập đền thờ để đời đời ghi nhớ công ơn. (Truyền thuyết các vị thần Hà Nội).

(*) [Bài đã đăng báo Thanh Hoá] Vì bài viết đã quá dài khuôn khổ tờ báo không cho phép, không thể kể hết các vị thần tổ người Thanh Hóa ra Bắc lập làng truyền nghề, mở phố nghề. Lần sau, nếu có dịp, tác giả viết tiếp về một số nghề nổi tiếng như: Tằm tơ Trinh Tiết, Đúc đồng Ngũ Xã, Ông tổ nghề khảm trai, vv...
Hoàng Tuấn Phổ

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét