Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

GIẤC MƠ ĐÃ THÀNH, CỦA BỘ TRƯỞNG TRẦN HỒNG HÀ

 Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ mít tinh. Ảnh: TH 
 
Biến nước thải thành tài nguyên 

Thanh Tra
22/03/2017 21:10 

(Thanh tra) - Đó là mong muốn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà tại Lễ mít tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2017 tại Bắc Ninh vào ngày 22/3.

Dự lễ mít tinh có Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến; Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh; đại diện các Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế...

Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Tài nguyên nước là tài nguyên chiến lược, quan trọng đối với mọi mặt đời sống, sản xuất của đất nước. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn, các cấp, ngành, các địa phương và các cộng đồng dân cư, chúng ta hãy cùng nhau: Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải để biến nước thải thành tài nguyên; Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải nông nghiệp nhằm bảo vệ sức khỏe người nông dân, người tiêu dùng và thúc đẩy an ninh lương thực; Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải đô thị cho các không gian xanh, tưới và làm sạch đô thị; Hãy tắt vòi nước, ngừng xả rác, dầu mỡ và hóa chất vào hệ thống nước thải sinh hoạt…

Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đã luôn nỗ lực trong đàm phán hợp tác quốc tế nhằm xây dựng cơ chế hợp tác quản lý hài hoà nguồn nước giữa các quốc gia; ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Tuy nhiên, Việt Nam còn đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi việc thực hiện cơ chế chia sẻ nguồn nước theo Công ước Liên hợp quốc về sử dụng nước cho mục đích phi giao thông thủy chưa được các quốc gia trong khu vực quan tâm, tham gia và chia sẻ.

"Đây là một trong những nguyên nhân cùng hiện tượng El Ninô gây nên tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian gần đây...” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng đề cập đến những thách thức to lớn về nước thải mà Việt Nam phải đối mặt như: Nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề và nhà máy, xí nghiệp chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước; Ô nhiễm nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản không được kiểm soát chặt chẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân ở các vùng nông thôn; Nước thải sinh hoạt ở hầu hết các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý đã và đang làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước tiếp nhận.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng dân số và nhu cầu cuộc sống, lượng nước thải sinh hoạt tiếp tục tăng cao. Việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt còn rất hạn chế, chỉ có một số thành phố lớn mới có hệ thống công trình thu gom, xử lý tập trung nhưng cũng chỉ thu gom được một phần nhỏ lượng nước thải của thành phố còn lại hầu hết nước thải từ các hộ dân đều xả trực tiếp vào hệ thống cống, rãnh, sông ngòi…

Để khắc phục những hạn chế, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị: Tăng cường quản lý chặt chẽ các lưu vực sông, bảo vệ rừng và nguồn thủy sinh. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động làm thay đổi dòng chảy, nạo vét luồng lạch, khai thác cát sỏi gây sạt lở, tác động xấu đến môi trường lưu vực, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh tế của nhân dân. Các Bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc quán triệt chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chặt chẽ các hoạt động cấp phép nạo vét luồng đường thủy nội địa…

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin về tài nguyên nước đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; tập trung thanh tra, kiểm tra; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Tăng cường hợp tác quốc tế và thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước sông Hồng và Mê Công với các quốc gia thượng nguồn… 

Toàn cảnh buổi lễ. Ảnh: TH

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cho biết: Bắc Ninh là địa phương có tốc độ phát triển nhanh, là một trong sáu địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển kinh tế nhanh và gia tăng dân số, Bắc Ninh đang phải đối mặt với những vấn đề không nhỏ về môi trường, đặc biệt là xử lý nước thải khu vực làng nghề và nước thải sinh hoạt.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp đồng bộ, song giải quyết vấn đề nước thải luôn là một thách thức lớn trong quá trình phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh kêu gọi sự quan tâm và tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức xã hội, các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng dân cư tiếp tục thực hiện các biện pháp để cải thiện, bảo vệ nguồn nước; sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; khai thác đi đôi với phục hồi và tái tạo; phát triển kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; đảm bảo phát triển bền vững trên cơ sở giữ gìn môi trường sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước và trên hết là cuộc sống của người dân.

Tại lễ mít tinh, đại diện các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong nước cũng đã phát biểu, truyền tải những thông điệp nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của tài nguyên nước, cam kết hợp tác giải quyết các thách thức về nước hướng đến mục tiêu sử dụng hiệu quả và giảm ô nhiễm nguồn nước, góp phần phát triển bền vững.
TH 
 
Tễu Blog: Hay quá! Giấc mơ của bộ trưởng đã thành sự thật rồi. Cứ để Formosa đấy, thỉnh thoảng nó xả một trận là lại có tiền tiêu!
 

2 nhận xét :

  1. Trần Hồng Hà là gã ba toác! Chỉ được cái nói phét là không ai bằng.
    Đọc cả bài này, không hiểu ước mơ của gã Hồng Hà này là gì? Nước thải đã xử lý thành nước uống được đâu? Nước thải vẫn tiếp tục đổ ra sông, gây ô nhiễm , cá chết ở sông ngòi, ở ao hồ còn đầy kia mà cứ nói khoác!
    Mà ông Hà này cũng không cần mơ xa nhé! Hãy cứ nghĩ gần trước đã! Mỗi lít xăng là khoắng tiền của dân bảo vệ môi trường, vậy mà chất lượng không khí thì quá tồi tệ, chẳng biết lấy tiền của dân để làm gì?
    Mà chỉ có một câu chất vấn của luật sư Lê Công Định ông còn chưa trả lời được thì ông còn có khả năng gì?

    Trả lờiXóa
  2. Còn rủ nhau bán rừng, bán đất, bán biển, bán cát, bán titanium, than, DẦU THÔ, ... để nhập nước thải của Trung cộng, Lào, Campuchia, Đài loan, Hồng Koong, ... về để có nhiều tài nguyên.

    Trả lờiXóa